Một chính sách không có định hướng tôn giáo và đạo đức sẽ dẫn nhân loại đến vực thẳm của sự tự hủy diệt

“Là tín hữu kitô, ngày nay chúng ta cảm thấy xáo động trước cách giải thích ghê tởm về cuộc chiến xâm lược Ukraine, một cách để bảo vệ chính thống Nga chống lại sự suy đồi của phương Tây.” Hồng y Gerhard Müller.

Trang kath.net ghi lại toàn bộ bài thuyết trình lectio magistralis của hồng y Gerhard Müller nhân dịp lễ trao Giải thưởng quốc tế Boniface VIII ‘per una Cultura della speed’ cho ngài tại Anagni, Ý ngày 23.4.2022.

Vượt ra khỏi bối cảnh phức tạp của lịch sử đương đại, cuộc tấn công chống lại Giáo hoàng Boniface VIII tại Anagni ngày 7 tháng 9 năm 1303 có một ý nghĩa biểu tượng. Về cơ bản, đó là mối quan hệ giữa quyền lực thiêng liêng và quyền lực thế gian, như ngày nay chúng ta nói, đó là mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị. Một cách cụ thể, chúng ta đang đối phó với sự căng thẳng giữa lương tâm, mà chúng ta chịu trách nhiệm trước quyền lực Thiên Chúa và quyền lực chính trị, nhưng quyền lực chính trị gắn liền với lợi ích nhất thời. Trên quan điểm ý thức hệ, “cái tát” mà Sciarra Colonna (thuộc gia đình quyền lực Colonna Ý, thế kỷ 13) được cho là dành cho giáo hoàng, đáng tiếc lại là khởi đầu cho sự kết thúc quyền lực giáo hoàng vào thời trung cổ hoặc được đón nhận như sự trỗi dậy của Nhà nước thế tục, tuyên bố độc lập với luật đạo đức tự nhiên và ngay cả với tự do tôn giáo. Hình thức chủ quyền này, mà chính trị gia Ý Niccolo Machiavelli, thế kỷ 15 cho rằng lý do Nhà nước là cơ quan quyền lực tối cao, được nhìn nhận cả trong chủ nghĩa chuyên chế với các chủ thể, cũng như trong cái gọi là các nền dân chủ phổ biến với bộ máy quan liêu không nhân nhượng với người công dân.

Tuy nhiên, kể từ đó, lịch sử phương Tây đã phá hoại nghiêm trọng lý thuyết về chủ quyền tuyệt đối của nhà nước. Quyền lực siêu quốc gia của giáo hoàng đã trao cho các quốc gia kitô giáo, có nguồn gốc từ di sản của Đế chế La Mã, ý thức về hiệp nhất của họ trong trách nhiệm trước mặt Chúa. Mặt khác, khái niệm cán cân quyền lực đã không thể ngăn chặn được thảm họa của các cuộc chiến tranh giành ngai vua ở thế kỷ 18, các chiến tranh cách mạng và giải phóng thuộc địa thế kỷ 19 và thế chiến của các đế quốc ở thế kỷ 20.

Ở nhiều quốc gia, chính Giáo hội vừa là nạn nhân vừa là người cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc vô độ và chủ nghĩa bành trướng ý thức hệ, để mình bị Quốc gia lợi dụng. Chỉ cần nghĩ đến chủ nghĩa gallic (chủ trương Giáo hội Pháp độc lập với giáo hoàng vào thời Trung cổ) và chủ nghĩa fébronianisme (nhằm giới hạn ảnh hưởng của giáo hoàng trên Giáo hội quốc gia Đức. Chủ nghĩa này bị giáo hoàng Clément lên án năm 1764) và việc tuyên truyền vô lý cho rằng Thế chiến thứ nhất là cuộc đấu tranh cuối cùng giữa công giáo Pháp và tin lành Đức. Và ngày nay, với tư cách là tín hữu kitô, chúng ta đã bị sốc trước cách giải thích ghê tởm về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, đó là để bảo vệ chính thống giáo Nga trước sự suy đồi của phương Tây.

Trong các cuộc xung đột thời trung cổ giữa hoàng đế và giáo hoàng, về nguyên tắc đây không phải là vấn đề quyền lực tạm thời mà các giáo hoàng muốn có nhưng là khẳng định vị trí ưu việt của đạo đức so với chính trị. Tình yêu cho người anh em và tình đoàn kết giữa các dân tộc ưu tiên hơn lợi ích quyền lực quốc gia, ảnh hưởng đế quốc và – một cách rất sòng phẳng về vật chất – các mỏ dầu và việc cung cấp khí đốt.

Trong những điều kiện xã hội hoàn toàn sửa đổi và các thay đổi văn hóa của thời hiện đại, các giáo hoàng đã đảm nhận một cách thuyết phục vai trò trung gian hòa bình và là người bảo vệ luật đạo đức tự nhiên trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Nếu các chính trị gia của Entente và của những lực trung tâm, những tù nhân của ý chí mù quáng về quyền lực, chấp thuận sáng kiến hòa bình của giáo hoàng Bênêđíctô XV trong Thế chiến thứ nhất thì hàng triệu người đã không mất mạng và sức khỏe của họ một cách vô ích, các lực lượng bolshevik và phát xít đã không có cơ hội đưa các quốc gia vào thảm họa còn lớn hơn, đó là Thế chiến thứ hai.

Ngày 24 tháng 8 năm 1939, trong bài diễn văn đọc trên đài phát thanh, Đức Piô XII tuyên bố: “Với hòa bình thì không có gì mất, nhưng với chiến tranh thì tất cả đều mất”. Trong thông điệp khó quên Hòa bình trên trái đất, Pacem in terris (1963), Đức Gioan XXIII tuyên bố Thiên Chúa là nền tảng của thứ trật đạo đức và là người bảo đảm cho sự tiến hóa của các dân tộc hướng tới chung sống hòa bình và thịnh vượng.

Và Đức Gioan-Phaolô II đã đúng khi cảnh báo người Mỹ chống lại cuộc chiến vùng Vịnh. Bởi vì sự hủy diệt đời sống con người và của cải vật chất thì vượt trên các thành công có được trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Và bây giờ Đức Phanxicô cũng đã có lý khi cảnh báo nước Nga chống lại cuộc chiến tiêu diệt Ukraine. Ngoài sự biện minh cho tội ác chiến tranh khi Nga tuyên bố một cách sai lầm, cho rằng việc giải phóng đất nước láng giềng là để đưa họ ra khỏi quốc xã và các tài phiệt mafia, đã làm thiệt hại nhân mạng, thiệt hại gây ra cho chính đất nước mình, cho tất cả các dân tộc ở Âu châu và trên thế giới, chỉ có thể xác nhận lời của Chúa Giêsu, “vì tất cả những ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm”. (Mt 26, 52).

Vì thế chúng ta khởi đi từ điểm xuất phát lịch sử sang trọng tâm của một hiện tại áp bức, trong đó chúng ta phải sâu sắc, nghiêm túc đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa đạo đức và chính trị. Một chính sách không có định hướng tôn giáo và đạo đức đối với một biện pháp vượt ra ngoài con người trong siêu việt hoặc hướng tới Thiên Chúa cá nhân, dẫn nhân loại đến vực thẳm của sự tự hủy diệt nhà binh hoặc hướng đến cái chết của sự buồn chán trong một thiên đường vật chất tiêu thụ trên trần gian. Các nhà bảo tồn ngăn chặn sự tuyệt chủng của gấu Bắc Cực ở Greenland có ích gì nếu đồng thời, những đứa trẻ trong bụng mẹ của chúng bị từ chối quyền cơ bản của con người là được sinh ra?

Câu chuyện tự do và xã hội về Giáo hội và các giáo hoàng, những người luôn đi sau những thành tựu của thời hiện đại vì họ nuối tiếc quyền lực nhất thời của mình trong thời Trung Cổ, thì họ cũng sai như sự chống đối của triết gia Hegel giữa đạo tin lành ‘tôn giáo của tự do’ và công giáo, ‘tôn giáo của không-tự do’ (Encyclopedia, § 552). Vì sự xen kẽ trong quan niệm công giáo về Nhà nước, mà quyền lực dựa trên cơ sở luật tự nhiên, chỉ giới hạn trong phạm vi công xã tạm thời, là thần thánh hóa nhà nước, điều mà triết gia Hegel đã thấy thực hiện nơi nhà nước Phổ. Chúng ta đã trải qua những hậu quả khủng khiếp của loại tự biện quá mức này trong thực tế. Nếu các giáo hoàng hoài nghi trước Tuyên ngôn nhân quyền và công dân vào đầu cuộc Cách mạng Pháp, thì không phải vì họ bác bỏ về bản chất, mà vì nó không dựa trên bản chất siêu hình của con người, điều đã mở cánh cửa cho sự tùy tiện và lạm dụng trong cuộc Đại khủng bố và bởi các ý thức hệ chính trị vĩ đại của thế kỷ 20.

Dù có những rạn nứt lịch sử và sai sót của con người, điều này đã dẫn dắt một dòng giáo huấn thống nhất của Giáo hội, từ Thánh Phêrô đến Đức Phanxicô. Quy luật cơ bản của lịch sử thế giới, trên hết và nâng đỡ tất cả, bao gồm sự thật, rằng Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh và giống Ngài, với tư cách là nam và như nữ, với kế thừa các thế hệ liên tiếp cho đến ngày Phán xét Cuối cùng và sự sống vĩnh cửu trong diện đối diện với Chúa.

Giáo hoàng sống sót sau vụ tấn công Anagni, cũng như tất cả các cuộc bách hại trước đó và các thử thách tiếp theo của những nhà lãnh đạo thế giới này. Vì trong con người của giáo hoàng, lời hứa của Con Thiên Chúa về sự bất khả phân hủy và không thể sai lầm của Giáo hội có thể nhìn thấy được và vững chắc như một tảng đá trước thủy triều.

Giáo hội xác tín rằng mầu nhiệm của con người chỉ thực sự được làm sáng tỏ dưới ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo HộiGaudium et spes, Vatican II, 22). Bởi vì Giáo hội không phải là một tổ chức Phi chính phủ (NGO) nào do con người tổ chức, mà là “trong Chúa Kitô, bí tích cứu rỗi thế giới” nên Công đồng Vatican II đã có thể, ngay từ đầu Hiến chế Mục vụ về “Giáo hội trong thế giới hiện đại” xác định trên nguyên tắc mối quan hệ giữa quyền lực tinh thần và quyền lực thời gian theo thuật ngữ hiện hành: “Do đó, Thượng Hội đồng Tòa thánh tuyên xưng quyền lực cao (có nghĩa là quyền lực của Giáo hội trong thế giới thời này là ơn gọi thần thánh; GS 22) của con người, tuyên bố rằng một cái gì đó giống như  hạt giống thần thánh được gửi gắm và cống hiến cho nhân loại sự cộng tác chân thành của Giáo hội để xây dựng cộng đồng huynh đệ của tất cả những ai tương ứng với ơn gọi này. Như thế, không một quyền lực trần gian nào quyết định Giáo Hội, nhưng chỉ có điều này: theo đuổi, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Đấng An Ủi, công việc của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật; cứu rỗi chứ không phán xét; phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (GS 3).

Mối quan hệ của Giáo hội công giáo với các Quốc gia hiện đại được làm qua việc xây dựng một “nền văn hóa hòa bình” và một “nền văn hóa sự sống”, như giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói. Nền văn hóa này bắt đầu từ việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và tìm thấy thành tựu của nó trong ơn gọi của chúng ta “với tự do và vinh quang là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8, 21).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch