Một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bị điếc và mù rao giảng Phúc Âm trên Web

Thái Hà (18.8.2015) – FB Chuong Duc Dang – Qua trang blog và video của mình, linh mục Cyril Axelrod, Dòng Chúa Cứu Thế 73 tuổi, bị mù và điếc đã biến khuyết tật của mình thành “món quà” của Chúa.

Đối với cha Axelrod, mù và điếc là “bài học của cuộc đời, bài học đẹp nhất!”. Người bệnh, người khuyết tật, qua sự mong manh của họ, họ có thể là chứng nhân cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu với người khác, với cộng đoàn để biến khuyết tật của mình thành “món quà của Chúa”. Linh mục Cyril Axelrod bị điếc khi lên ba và hoàn toàn bị mù khi ở tuổi trưởng thành là một ví dụ.

Cha Cyril Axelrod, Dòng Chúa Cứu Thế 73 tuổi
Ngài gặp Đức Bênêđictô XVI năm 2009
Ngài gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Vừa rao giảng Phúc Âm vừa chống để không bị loại trừ

Sứ vụ của cha, các chuyến du hành, các dấn thân của cha để ở gần người khiếm thính bao gồm cả năm châu lục. Ngài biết 15 thứ tiếng, nhiều ngôn ngữ bằng dấu hiệu và bây giờ ngài dùng Internet để rao giảng Phúc Âm và cũng để chống sự loại trừ ra khỏi xã hội của những bị điếc và bị mù. Ngài tin chắc những người có khuyết tật là “thiên thần của Chúa,” họ có nhiệm vụ dạy cho những người gọi là “bình thường” quyền lực của một “tình yêu không điều kiện” và những giá trị nền tảng như lòng “tự tin, hy vọng, đức tin và bình an nội tâm” để vượt lên những khó khăn của cuộc đời, cha cho biết như trên trên trang blog của mình: cyrilaxelrod.wordpress.com.
Vòng ôm của Đức Phanxicô và nước mắt của Đức Phaolô VI
“Chỉ những người hiểu được sự mong manh, giới hạn của mình mới có thể xây dựng được mối tương giao trong tình huynh đệ, tình tương trợ, trong Giáo hội, trong xã hội và làm chứng điều này”, Đức Phanxicô đã tuyên bố như trên trong lần gặp cảm động với 6 000 người mù và câm điếc vào tháng 3-2015 vừa qua. Trong số họ ở hàng đầu là linh mục Cyril, cha quá hạnh phúc được gặp Giáo hoàng thứ ba trong đời mình, Đức Phaolô VI năm 1971 và Đức Bênêđictô XVI năm 2009. “Quan trọng là những người này phải là chứng nhân cho một thái độ mới mà chúng ta gọi là “văn hóa của gặp gỡ”, Đức Phanxicô nhấn mạnh trong ngày hôm đó, để chống lại với nền “văn hóa loại bỏ”, một nền văn hóa làm băng hoại xã hội đương thời.

Linh mục Cyril còn nhớ những giọt nước mắt cảm động của Đức Chân Phước Phaolô VI. Lúc đó cha vừa chịu chức xong và trước khi bị bệnh – hội chứng Usher, bị nốt chấm trong cườm mắt liên quan đến bệnh điếc – đã làm cho cha bị mù luôn. Cha đã dịch câu ban phép lành của Đức Giáo hoàng ra ngôn ngữ dấu hiệu: “Đi và rao giảng tình yêu của Chúa cho người điếc”. Các giọt nước mắt của Đức Giáo hoàng đối với cha là “dấu hiệu điều kỳ lạ của Chúa dành cho tôi, cho sứ mạng cứu chuộc của tôi,” cha thổ lộ trong quyển tiểu sử của mình như trên.

“Bài học đẹp nhất đời của tôi!”

Năm nay linh mục Cyril được 73 tuổi và sống tại Luân Đôn. Cha sinh năm 1942, cha mẹ là người Do Thái-chính thống, cha trở lại đạo công giáo năm 23 tuổi và năm 28 tuổi cha vào cộng đoàn các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, thực hiện giấc mơ được làm linh mục. Thời đó là thời đánh dấu bằng những cách “học việc mới nhưng cũng với các cắt đứt đau đớn và căng thẳng trong đức tin”, bà Anne Bamberg viết trong quyển tiểu sử Linh mục Cyril Axelrod, And the Journey Begins. Là linh mục duy nhất vừa mù vừa điếc, sứ vụ giúp người điếc đã đưa cha đi nhiều nơi trên thế giới, từ Nam Phi qua Đông Nam Á, rồi Macao, rồi Mỹ. Công việc của cha là giúp người điếc, mở cánh cửa giáo dục và hiểu biết cho họ. Cha không bao giờ quay lưng với sứ vụ này! Cha giải thích trên trang blog của mình, “Đối với đa số, vừa mù vừa điếc là chuyện không thể tưởng tượng được, chuyện quá hãi hùng. Còn đối với tôi, đó là một lối sống khác.” Đương nhiên là có những hụt hẫng cần phải vượt lên, ngài nhận thấy, nhưng nhất là có nhiều kinh nghiệm vui vẻ và thách thức mới cần được thực hiện. “Bị mù và điếc đối với tôi là một bài học lớn của cuộc đời, bài học lớn nhất!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch,

aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2015-07-19)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.