Một vị đại ân nhân của DCCT Việt Nam vừa qua đời: Bác sĩ Giuse Nguyễn Việt Hùng (1940 – 2022)

Ông bà bá sĩ Nguyễn Việt Hùng cùng thầy Giuse Nguyễn Văn Thống và tôi (NVK) trong một lần đến thăm ông bà tháng 12 năm 2019. Hình NVK.

Bác Sĩ là một những ân nhân quan trọng của các dòng tu ở VN và là một trong những trường hợp tiêu biểu của những người đã phải chịu hai lần tỵ nạn cộng sản: từ Miền Bắc vào Miền Nam và sang Hoa Kỳ.

***

Tôi được biết ông cách đây 11 năm. Hồi ấy tôi đến California và được cha Đinh Ngọc Quế đã lái xe chở tôi đến thăm ông bà, cũng là hai người con tinh thần của cha.

Ngài muốn tôi đích thân gặp mặt vị ân nhân đã giúp đỡ thế hệ chúng tôi tu học trong những năm khó khăn của thập kỷ 90 của thế kỷ trước để bày tỏ lòng tri ân.

Tôi nhớ hồi năm 1992, cha Đinh Ngọc Quế giảng tĩnh tâm cho lớp Tập viện chúng tôi trước khi ngài đi định cư theo diện HO bên Hoa Kỳ.

Kết thúc kỳ giảng, ngài khóc và nói: “các em đi tu bây giờ gặp nhiều khó khăn và khốn khổ quá! Anh sẽ tìm cách giúp đỡ các em ngay khi anh đến Hoa Kỳ!”

Ngài đã giữ lời và ngay khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, ngài đã liên lạc với Bác sĩ Nguyễn Việt Hùng.

Theo hướng dẫn của ngài, Bác Sĩ đã kêu gọi các bạn bè và thân chủ cộng tác với hai ông bà giúp đỡ các dòng tu nam nữ ở Việt Nam.

Ông và các bạn mỗi người nhận một hay nhiều thầy để cầu nguyện cho chúng tôi và để trợ giúp kinh phí đào tạo chúng tôi.

Phần chúng tôi, ngoài bổn phận cầu nguyện cho các ân nhân, mỗi năm chúng tôi gửi một lá thư và một tấm thiệp mừng dịp lễ Chúa Giáng Sinh.

Chúng tôi viết theo sự hướng dẫn của cha Giáo tập hoặc cha Giám đốc Học viện rồi các ngài tìm cách gửi thư và thiệp ấy đi.

Hầu hết chúng tôi chẳng biết tên các ân nhân là ai. Chỉ viết chung chung là ông bà và gửi theo cái mã số mà về sau tôi biết là tên phòng mạch của Bác Sĩ.

Hồi đấy các cha bề trên của chúng tôi không muốn các thầy và các ân nhân liên lạc trực tiếp với nhau.

Vì vậy mãi đến năm 2011, khi tôi đã làm linh mục 10 năm và chỉ khi đến California và nhờ cha Đinh Ngọc Quế nói tôi mới biết Bác Sĩ.

Từ đó, mỗi dịp đến California tôi đều hẹn lịch ăn uống và trò chuyện với cha Đinh Ngọc Quế và ông bà Bác sĩ Hùng.

Qua những lần gặp gỡ ấy, dần dần tôi biết Bác Sĩ một cách cụ thể hơn và tôi hiểu vì sao ông nhiệt thành giúp đỡ Giáo Hội Việt Nam.

Một biên nhận số tiền 24482 USD bác sĩ đã đóng góp giúp các nữ tu ở Việt Nam. Hình tôi (NVK) chụp lại từ Archives của United Catholics.

***

Bác Sĩ vốn là người khắc khổ, kín đáo, nói ít làm nhiều, giống như các đan sĩ Biển Đức mà có thời ông là đệ tử.

Ông kể rằng ông sinh ra ở Thái Bình trong một gia đình khá giả và đạo đức. Khi ông còn bé thì ba người anh của ông đã dâng mình cho Chúa trong chủng viện.

Một người anh mất khi đang làm thầy. Một người anh khác được gửi đi học bên Hồng Kông và sau này làm linh mục bên Đức là cha Lê Trung Thành.

Một người anh khác của Bác Sĩ đã dẫn ông trốn thoát vào Nam và sau này người anh đó thành trở thành linh mục trong Dòng Biển Đức là cha Trương Vân Thục.

Bác Sĩ kể hồi những năm 1950-1954 cộng sản hoạt động rất mạnh ở Thái Bình và họ giết chết nhiều người lương thiện bằng những kiểu cách man rợ.

Thân phụ và hai người anh ruột của Bác Sĩ cùng khoảng 20 chục người khác trong họ đã bị cộng sản chém chết hoặc bị cho đi “mò tôm” dưới sông Diêm Hộ và Trà Lý.

Những người thoát chết còn lại trong gia đình bác sĩ phân tán mỗi người một ngả và phải thay tên đổi họ để tránh sự truy sát của cộng sản. Bác sĩ đã đổi ra họ Nguyễn.

Hồi năm 1954, thân mẫu và hầu hết anh chị em của Bác Sĩ bị kẹt lại Miền Bắc và ông đã vĩnh viễn không còn được gặp mẹ từ đấy.

Ông và người anh Trương Vân Thục trốn thoát vào Nam và cả hai đều gia nhập Dòng Biển Đức Thiên An ở Huế.

Năm 1958, Đức Viện Phụ Thiên An thấy Bác Sĩ học giỏi liền gửi ông vào nhà người cháu của ngài tại Sài Gòn để ông theo học tú tài tại trường Chu Văn An.

Năm 1960, sau khi đỗ tú tài ban toán ông đã thi vào Đại học Y Sài Gòn. Từ đây ông gắn bó với Trung tâm Đắc Lộ của Dòng Tên nằm trên đường Yên Đổ, Sài Gòn 3.

Ý thức trách nhiệm của mình với tổ quốc, năm 1964 ông tình nguyện gia nhập Quân đội VNCH khi còn đang là sinh viên.

Trong tư cách là người lính, bác sĩ đặc biệt mến mộ cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, Tuyên úy Quân đội và Bác Sĩ đã nhận ngài làm cha linh hướng.

Năm 1968 ngay khi tốt nghiệp Đại học, Bác Sĩ được bổ nhiệm làm Y sĩ Trưởng của Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, Quân lực VNCH.

Bác Sĩ đã đồng hành với Tiểu đoàn này để cứu chữa binh lính và sĩ quan trong các trận chiến khác nhau từ Sài Gòn đến Cambodia và Hạ Lào.

Đến năm 1973 bác sĩ được cử đi học thêm chuyên khoa Tai Mũi Họng tại Sài Gòn đồng thời phục vụ thương bệnh binh tại Bệnh viện Cộng Hòa.

Suốt những năm này, ngoài giờ làm việc ở bệnh viện, mỗi tuần ông dùng một ngày nghỉ để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo theo lời ông khấn hứa với Đức Mẹ hồi thi vào trường y.

Hồ sơ một thầy Học viện DCCT được bác sĩ nhận bảo trợ. Hình NVK chụp lại từ Archives của United Catholics.

***

Sau ngày 30-04-1975, trong tư cách là Đại úy của Lực lượng Nhẩy dù, Bác Sĩ bị nhà cầm quyền Cộng sản loại khỏi Bệnh viện Cộng Hòa và đưa đi tù tại các trại giam Hốc Môn và Long Khánh.

Năm 1979, ngay sau khi ra khỏi tù, Bác Sĩ đã đưa gia đình gồm vợ và ba con vượt biên vượt biển đi tìm tự do.

Chuyến đi gặp nhiều bất trắc, tàu lạc ngay vào đảo hải tặc Kroka, nhưng may thay đúng lúc đó có tầu hải quân Thái Lan tới bảo vệ và đưa mọi người vào trại Song Kra.

Vài tháng sau, Bác Sĩ và mọi người trong gia đình được đón sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ. Gia đình bác sĩ định cư tại Berkeley, California.

Tại Hoa Kỳ, trong những năm đầu Bác Sĩ không thể hành nghề y như hồi còn ở Việt Nam, vì luật Hoa Kỳ đòi ông phải học thêm và phải thi chứng chỉ hành nghề.

Sau mấy năm mấy năm vật lộn tại vùng đất mới bằng những công việc khác nhau để ổn định cuộc sống lúc ban đầu, Bác Sĩ đã quyết định đi học để trở lại nghề y.

Năm 1983 Bác Sĩ đã thi vào chuyên khoa của một Trường Y bên New York. Để thuận tiện cho việc học tập, Bác Sĩ đã đưa cả gia đình đến sống tại thành phố này.

Năm 1989, ở tuổi 49, sau 6 năm miệt mài học tập, Bác Sĩ đã tốt nghiệp Đại học Y. Mất một năm nữa để học và thi các chứng chỉ hành nghề.

***

Năm 1990 Bác Sĩ đã đưa cả gia đình về lại California và mở hai phòng mạch tại West Covina và Westminster.

Từ đây, Bác Sĩ không ngừng làm việc để lấy tiền nuôi sống gia đình và giúp đỡ người nghèo.

Theo sự linh hướng của cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, Bác Sĩ đã lập quỹ bác United Charity để giúp đỡ người nghèo và các nam nữ tu sinh ở Việt Nam.

Trên thực tế Bác Sĩ đã giúp bao nhiêu dòng tu nam nữ? Bao nhiêu người nhờ sự trợ giúp của Bác Sĩ mà được học hành để trở thành linh mục và tu sĩ?

Tôi không biết. Tôi chỉ biết Bác Sĩ có giúp nhiều dòng tu nam nữ, đặc biệt là Dòng Tên, Dòng Biển Đức và DCCT.

Bác Sĩ nói mình phải trả ơn Dòng Tên vì khi còn là sinh viên Bác Sĩ đã gắn bó với Trung tâm Đắc Lộ ở đường Yên Đổ và được các cha Dòng Tên ở đây hướng dẫn.

Phải trả ơn Dòng Thiên An, Huế, vì Bác Sĩ có 4 năm làm đệ tử Dòng này và chính Đức Viện Phụ của Dòng đã gửi Bác Sĩ đi học tú tài rồi sau đó học lên Đại học.

Phải giúp DCCT chỉ vì mến mộ Dòng này, đặc biệt là vì mến mộ cha Phêrô Đinh Ngọc Quế, Tuyên úy Biệt khu Thủ đô là người cha tinh thần của Bác Sĩ.

Từ đầu những năm 1990 đến năm 2013 nhờ sự giúp đỡ của Bác Sĩ khoảng gần 100 thầy DCCT đã có cơ may tu học để trở thành linh mục trong số đó có tôi.

Để có tiền giúp đỡ người nghèo và phục vụ Giáo Hội, Bác Sĩ đã cố gắng làm việc và làm việc cho đến khi sức khỏe không còn cho phép.

Năm 2015, Bác Sĩ nghỉ hưu và năm 2016 ông bắt đầu bị bệnh nặng, phải ngồi xe lăn và phải có người trợ giúp các sinh hoạt cá nhân.

Cũng thời gian đó, tôi có gần 1 năm ở Orange County và hằng tuần tôi ghé thăm Bác Sĩ, giải tội và làm lễ cho ông thông công.

Tôi khâm phục lòng đạo đức của Bác Sĩ. Vì hầu như ngoại trừ lúc ăn uống và ngủ nghỉ, lúc nào tôi cũng thấy tay ông cầm cỗ tràng hạt và âm thầm lần hạt.

Tôi khâm phục sức chịu đựng đau khổ của ông. Bệnh tật của ông khiến ông đau đớn, nhưng ông không rên la, không than vãn.

Mỗi khi đau quá thì ông nắm tràng hạt chắc hơn và ngắm nhìn ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ chăm chú hơn.

Tôi khâm phục lòng bác ái của Bác Sĩ. Phu nhân của hướng dẫn và chăm sóc ông thế nào, ông chấp nhận và ngoan ngùy làm theo.

Ông còn cổ vũ tinh thần bà. Ông nói với tôi trước mặt bà rằng ông may mắn lấy được bà làm vợ. Càng lớn tuổi, càng bệnh tật, càng thấy “không con nào tốt bằng con vợ!”

Tôi khâm phục đời sống khắc khổ của ông. Ông hầu như không biết hưởng thụ và các trò giải trí là cái gì! Nhà ông chỉ có một ít đồ đoàn rất đơn sơ và tối cần thiết.

Tôi thấy ít người có lòng tin tưởng Chúa, có lòng sùng kính Đức Mẹ, có lòng yêu mến Giáo Hội và quê hương, có lòng bác ái và có nghị lực sống như Bác Sĩ.

Vượt qua mọi khó khăn và đau khổ, Bác Sĩ đã không ngừng học tập và rèn luyện, quyết chí phục vụ tha nhân, tổ quốc và Giáo Hội.

Tôi nghĩ Bác Sĩ đã chu toàn tốt đẹp bổn phận của mình với Chúa, với gia đình, với Giáo Hội và với quốc gia dân tộc.

Nguyện xin Chúa giầu lòng từ bi nhân hậu đón nhận Bác Sĩ vào hưởng phúc Thiên Đàng cùng các bậc tổ tiên và mọi người công chính.

RIP

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

PS. Tất cả các cha các thầy DCCT, những ai được đào tạo trong Học viện từ năm 1992 đến năm 2013 đều đã chịu ơn ông bà Bác sĩ Giuse Nguyễn Việt Hùng. Xin quý cha quý thầy hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Bác Sĩ.