Mùa Vọng bảo đảm chúng ta sống Thời cuối

Một phần của thông điệp của Mùa Vọng là chúng ta được ban cho sức mạnh, với tư cách là tín nhân, để sống sót ngày tận thế. Đó là một kỳ công. Đây là lời nhắc nhở về điều sẽ tồi tệ đến mức nào, từ một bài đọc trong Mùa Vọng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 21:25-27)

Ai có thể sống sót? Ngôn sứ Malakhi đặt vấn đề: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.” (Ml 3:2) Câu trả lời có trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây,’ và ‘Thời kỳ đã đến gần,’ anh em chớ có theo họ.” (Lc 21:8) Rồi Ngài động viên: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21:28)

Trong khi mặt trời chói chang, rồi chuyển sang màu máu, và các vì sao sa xuống: “Khi Con Chiên mở ấn thứ sáu, có động đất mạnh. Mặt trời tối đen như vải thợ dệt bằng lông, mặt trăng hoàn toàn ra như máu. Sao trên trời sa xuống đất, tựa những trái vả xanh rụng xuống từ cây vả bị gió lớn lay mạnh.” (Kh 6:12-13) Các Kitô hữu được khuyến khích đứng vững, không chỉ theo nghĩa luân lý mà còn theo nghĩa đen. Trong khi trái đất sụp đổ xung quanh chúng ta và những người khác đang chết vì sợ hãi, thì Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng sợ. Tại sao?

Dĩ nhiên có nhiều cách để chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó. Chúng ta có thể nói rằng nhờ Chúa Giêsu, chúng ta đã được cứu nên không có gì phải sợ hãi. Chúng ta có thể nói rằng trong khi thế giới vật chất có thể bị mai một thì những thứ thuộc về tinh thần mới là điều thực sự quan trọng. Mặc dù tất cả những điều đó có thể đáng sợ, nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu cho buổi bình minh của một trời mới và trái đất mới.

Ngoài những câu trả lời hợp lệ đó còn có một câu trả lời khác mang tính cá nhân, bí ẩn và đáng kinh ngạc hơn. Chìa khóa là Ml 3:2. Sự Tái Lâm mô tả “sứ giả” của Thiên Chúa dưới dạng “ngọn lửa của thợ luyện kim.” Câu trả lời cho việc tại sao chúng ta không nên sợ hãi là chúng ta đã biết ngọn lửa này. Đó là lời giải thích của ĐGH Benedict XVI trong Thông điệp Spe Salvi – được cứu trong hy vọng.

Một số thần học gia cho rằng ngọn lửa vừa thiêu đốt vừa cứu vớt là chính Chúa Kitô, Đấng Phán Xét và Đấng Cứu Độ. Gặp Ngài là hành động phán xét quyết định. Trước cái nhìn của Ngài, mọi sự giả dối đều tan chảy. Cuộc gặp gỡ Ngài như lửa thiêu đốt chúng ta, biến đổi và giải thoát chúng ta, cho phép chúng ta thực sự trở nên chính mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong suốt cuộc đời của mình có thể chỉ là rơm rạ, tiếng ồn ào, và nó sụp đổ. Tuy nhiên, trong nỗi đau của cuộc gặp gỡ này, khi sự ô uế và bệnh tật của cuộc đời trở nên rõ ràng đối với chúng ta, nhưng ở đó có sự cứu rỗi. Ánh mắt Ngài, sự chạm vào trái tim Ngài, chữa lành chúng ta qua sự biến đổi đau đớn không thể phủ nhận là “như qua lửa.”

Nhưng đó là một nỗi đau diễm phúc, trong đó quyền năng thánh thiện của tình yêu Ngài truyền qua chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. (Tông thư Spe Salvi, 47; Đức Benedict XVI nói về 1 Cr 3:12-15 , nhưng câu này ám chỉ Ml 3:2)

Ở chỗ khác, thậm chí Kinh Thánh còn nói rõ ràng hơn về việc xác định ngọn lửa với Chúa Giêsu. Thánh Gioan dường như đã giải thích cặn kẽ điều đó trong sách Khải Huyền: “Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết; mắt Người như ngọn lửa hồng; chân Người giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò; và tiếng Người như tiếng nước lũ. Tay hữu Người cầm bảy ngôi sao và từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. Mặt Người toả sáng như mặt trời chói lọ.” (Kh 1:14-16)

Thánh Gioan như cũng hoảng sợ và xác định: “Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: ‘Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử Thần và Âm Phủ’.” (Kh 1:17-18)

Dĩ nhiên sự xuất hiện của Chúa Giêsu khác với những gì chúng ta thường thấy. Nhưng Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Ngài đang xây dựng điều này. Trong cuộc đờ này, Thiên Chúa vĩ đại đến với chúng ta bằng vô số cách thức nhẹ nhàng. Trước khi thấy ngọn lửa thiêu rụi tại núi Sinai, chúng ta gặp bụi cây bốc cháy. Trước khi chứng kiến thực tại hữu hình của Sự Nhập Thể, chúng ta nếm trải nó dưới hình thức ẩn giấu trong bánh và rượu – Thánh Thể. Trước khi chúng ta gặp Ngài trong sự uy nghi và vinh quang trọn vẹn, Thiên Chúa đã đến với chúng ta trong Mùa Vọng với sự khiêm nhường của một trẻ sơ sinh.

STEPHEN BEALE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)