Năm cụm từ chính để xây dựng trẻ em có tự tin

ảnh internet

Trên nền tảng hạnh phúc, tự tin là một trụ cột cho trẻ em ngay từ những tháng đầu tiên. Nếu nó xuất hiện đầu tiên và trên hết là qua kinh nghiệm, thì cha mẹ hay bất kỳ ai khác ở gần trẻ em đều có khí cụ trong tay để phát triển lòng tự tin này và làm cho trẻ em có được tự trọng. Một vài cụm từ có thể thay đổi mọi sự!

Dù một câu đơn giản nhưng đó là toàn bộ thái độ mà chúng ta có thể giúp trẻ em có được tự tin. Khuyến khích các em trong kinh nghiệm của các em, để cho các em thử trong tầm tay của mình là bước đầu tiên, nhưng các việc này không nên quá khó cũng không quá dễ. Bằng cách tin tưởng vào các em, đứa trẻ nảy nở và trau dồi tinh thần dũng cảm, tình yêu và lòng nhiệt thành được Chúa truyền ban. Nhờ tin tưởng, các em nhỏ nhất hiểu chúng có khả năng làm, một mình hoặc với sự giúp đỡ của người khác, các em nhận thức sức mạnh của nhóm.

Trong tiến trình này, cha mẹ có vai trò  quyết định. Cha mẹ giúp con thực tập qua kinh nghiệm trong một khung cảnh mà rủi ro được cân nhắc. Không đánh giá cũng không so sánh, nó giống như tấm gương cho trẻ em. Khuyến khích hành động nhưng đồng thời để ý đến tính tình và khả năng của các em. Bà Isabelle Pailleau, nhà trị liệu tâm lý nhấn mạnh: “Với lòng tự tin, đứa trẻ không cảm thấy nguy hiểm”.

Khám phá các từ khóa của chuyên gia tâm lý Pailleau trong sư phạm tích cực, để thúc đẩy lòng tự tin nơi đứa trẻ.

Các câu nói làm tăng tự tin cho trẻ em:

“Con làm đi, thử đi!” 

Một vài từ đơn giản này là nền tảng trong tương quan giữa cha mẹ và con cái, vì điều quan trọng là không quan trọng hóa và nói với trẻ em các bất trắc có thể xảy ra. Không quan trọng nếu làm không được. Chẳng hạn: “Con cứ đặt bàn, nếu không may con làm bễ một cái chén thì mình có cái khác, mình có nhiều mà!” Dần dần, qua kinh nghiệm trẻ em có được tự tin. Các em nhận ra mình đã thành công ở mức tuổi của mình.. Dù sợ nhưng các em cũng làm.

“Con có bằng lòng với những gì con làm không?”

Hỏi trẻ em những gì các em cảm nhận là cách hay nhất để hiểu con hơn, để nắm được nhận thức các em có về chúng, mở cho các em con đường suy nghĩ. Là cha mẹ, chúng ta không phải là người đánh giá con cái. Quan trọng là cho các con biết cảm nhận, ấn tượng của mình mà không phán xét. Nói với con, “mẹ thấy bức vẽ của con rất đẹp” là cách biểu lộ cảm nhận của mình, còn nói “rất đẹp!” chỉ là một khẳng định, chúng ta không phải là quan tòa.

“Con thực sự biết tổ chức”

Quan điểm của chúng ta đánh giá những gì đứa trẻ đã làm. Đó là hiệu ứng của tấm gương. Lời nói phải trung thực để trẻ em tin được, đừng thêm vào các tính từ quá đáng. Đứa trẻ nhận thức thực tế tốt hơn nếu lời nói chân thành.

“Đó là mối lo của mẹ”

Giải thích nguy hiểm thì tốt hơn là cắt đứt đà nhiệt huyết của đứa trẻ. Cha mẹ thường lo lắng cho con khi chúng còn nhỏ và thường có khuynh hướng bảo vệ chúng. Bà mẹ nào mà không nói, “Con đừng leo lên, con sẽ té!” Một mặt, đứa trẻ không hiểu vì sao cấm, mặt khác đó là cách tốt nhất để nó té. Một câu nên nói là, “con ở xa bức tường một chút vì nó rất cao và con cẩn thận kẻo vấp”. Không phủ nhận và một cách thực tế, đứa trẻ sẽ hiểu rõ hơn.

“Con đến với mẹ, mình cùng làm chung”

Với lòng tự tin, đứa trẻ không cảm thấy nguy hiểm. Lòng tự tin giúp trẻ em hành động và có kinh nghiệm. Chúng ta cũng có thể nói: “Con thử làm, mẹ tin ở con” để phát triển tính tự chủ của con. Một bước quan trọng để đứa trẻ có tự tin.

Các câu không nên nói:

“Con là người mạnh nhất!” Hoặc đứa trẻ tin vào điều đó và nó luôn so sánh mình với người khác. Hoặc là nó không tin điều đó vì nó biết thực tế không phải như vậy và nó mất tự tin.

“Con hãy vượt lên giới hạn của con!” Cha mẹ thường mong chờ rất nhiều ở con mình. Bắt con làm chuyện này, chuyện kia mà không để ý đến nhịp sinh lý và thể chất của con. Không nên ép con đi đến cùng. Phải bắt đầu qua tính tình của đứa con, nếu nó quá tự tin thì phải làm chậm lại, nếu nó không đủ tự tin thì phải khuyến khích nó.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: http://phanxico.vn/