Ngoại trưởng Toà Thánh: Ngày nay, sứ vụ nhân đạo của Caritas cần thiết hơn bao giờ hết

Ngoại trưởng Toà Thánh (ANSA)

Phát biểu tại Đại hội đồng Caritas Quốc tế, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh ca ngợi hoạt động tiếp cận nhân đạo của Caritas Quốc tế và thúc giục tổ chức bác ái tiếp tục làm việc cho hoà bình, vì ngày nay, sứ vụ nhân đạo của Caritas cần thiết hơn bao giờ hết.

Caritas Quốc tế, một liên minh gồm 162 tổ chức bác ái do Giáo hội điều hành, tổ chức Đại hội đồng lần thứ 22 từ ngày 11 đến 16/5, với chủ đề “Xây dựng mới. Những con đường tình huynh đệ”. Cuộc họp quy tụ khoảng 400 đại biểu đại diện cho các tổ chức bác ái đang hoạt động ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại hội đồng được tổ chức bốn năm một lần. Một trong những việc mà các đại biểu sẽ làm trong thời gian gặp gỡ là bầu ban lãnh đạo cho nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo, tiếp kiến Đức Thánh Cha, thảo luận về những việc cần phải làm để có tổ chức có thể phục vụ người nghèo một cách hiệu quả hơn.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher tham dự Đại hội đồng và có bài tham luận trước các đại biểu. Ngài bắt đầu bằng cách suy tư về tính trung tâm của hoạt động Caritas đối với Giáo hội, nhắc lại điều Đức Thánh Cha đã nói với Caritas vào năm 2016: “Sứ vụ của Caritas là vô cùng quan trọng vì tổ chức bác ái này có thể làm cho mọi người cảm thấy được Chúa Cha yêu thương, không bằng lời nói nhưng bằng tình thương cụ thể. Bác ái thực sự là bản chất của đời sống Giáo hội. Sứ vụ của Caritas Quốc tế vô cùng quan trọng cho Giáo hội”.

Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục lưu ý hai đặc điểm quan trọng của hoạt động bác ái này. Trước hết, hoạt động của Caritas vượt xa sự trợ giúp vật chất và xã hội, nó liên quan đến con người toàn diện, giúp mọi người đứng vững trở lại. Thứ hai, hoạt động này không phải một chiều, nhưng tạo nên một cuộc gặp gỡ huynh đệ với những người được trợ giúp. Đối với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay, đường lối hoạt động này rất cần thiết hơn bao giờ hết.

Điều cuối cùng được Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh là đặc điểm Công giáo của Caritas, điều này phân biệt tổ chức bác ái với các tổ chức phi lợi nhuận khác. Chính vì thế Caritas phải luôn tìm được sức mạnh và bản sắc của mình trong nguồn cảm hứng thần học này.

Ngài kết luận: “Đặc tính Công giáo của Caritas được thể hiện trước hết qua hoạt động bác ái, đó là một biểu hiện của bác ái Chúa Kitô. Tiếp đến, đặc tính này được thể hiện qua chứng tá của tổ chức trên thế giới, nơi Caritas trở thành phát ngôn viên cho cộng đồng quốc tế và là người bênh vực cho một tầm nhìn nhân học lành mạnh, bắt nguồn từ giáo lý Công giáo, và dấn thân bảo vệ tính toàn diện nhân phẩm”.

Ngọc Yến – Vatican News