Người Công giáo ở Trung Quốc bị yêu cầu phải kỷ niệm 100 năm thành lập đảng cộng sản và cấm tổ chức các cuộc hành hương kính Đức Mẹ

Những người Công giáo mang theo một bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 26 tháng 5 năm 2013./ AFP qua Getty Images / CNA.

Các giáo phận Công giáo trên khắp Trung Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong năm nay, trong khi các cuộc hành hương đến đền thờ quốc gia kính Đức Mẹ của Trung Quốc bị cấm.

“Mọi cộng đoàn, mọi giáo phận đều đã tổ chức đại hội, biểu diễn, nhà hát, và cả những cuộc hành hương về những địa danh lịch sử của Đảng Cộng sản,” Cha Bernardo Cervellera, một linh mục truyền giáo và nhà báo, người đã bảo vệ Giáo hội ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua với tư cách là tổng biên tập của AsiaNews, nói với CNA.

 Theo trang web của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc đưa tin: Giám mục Joseph Li Shan của Bắc Kinh đã tổ chức một bữa tiệc tại tòa giám mục đang khi theo dõi bài phát biểu ngày 1 tháng 7 của Chủ tịch Tập Cận Bình, đánh dấu một trăm năm cai trị của ĐCSTQ. Bốn mươi linh mục và thành viên trong Giáo hội đã tham dự một hội nghị chuyên đề ở tỉnh Giang Tây để nghiên cứu cách “thực hiện tinh thần” của bài phát biểu của ông Tập. Và những người Công giáo ở Hồ Bắc đã tổ chức lễ chào cờ và mừng Đảng,

“Nhưng người Công giáo bị cấm hành hương đến trung tâm Thánh mẫu Sheshan, là thánh địa quốc gia kính Đức Mẹ tại Trung Hoa,” Cha Bernardo Cervellera cho biết.

Theo quan điểm của cha Cervellera, đây là một ví dụ điển hình cho những thách thức mà các cộng đồng Công giáo đang phải đối mặt hiện nay đang sống dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Ba năm sau thỏa thuận Trung Quốc với Vatican

Trong gần ba năm kể từ khi Tòa thánh ký thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018, tình hình trên thực tế đối với những người Công giáo hầm trú rất khác so với những người dưới sự lãnh đạo của Hiệp hội Công giáo Yêu nước được chính phủ bảo hộ.

Đối với cộng đồng Công giáo hầm trú, cuộc sống “rất khắc nghiệt,” cha Cervellera giải thích.

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​một số tu viện của các nữ tu bị phá hủy, các nhà thờ đóng cửa. Chúng tôi đã thấy các linh mục bị đuổi khỏi giáo xứ của họ và một số chủng sinh bị cấm học thần học… và cả những giám mục bị bắt hoặc bị quản thúc ngày đêm. ”cha Cervellera nói.

Mặt khác, các nhà thờ Công giáo được chính phủ công nhận thì tương đối tự do trong việc thờ phượng hơn, nhưng phải đối mặt với những thách thức khác, bao gồm áp lực từ chính phủ trong việc kiểm duyệt  giáo huấn Công giáo, đồng thời đưa chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và tình yêu đối với đảng vào việc rao giảng.

Các linh mục Công giáo làm việc mục vụ hợp pháp ở Trung Quốc bị yêu cầu ký vào một tờ giấy, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép mục vụ ở những nơi thờ tự được công nhận, những nơi đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

“Và trên hết, họ phải ca ngợi sự vinh quang của Đảng Cộng sản,” Cha Cervellera nói.

Theo Vatican, 5 giám mục đã được bổ nhiệm theo khuôn khổ được thiết lập bởi thỏa thuận với chính quyền Trung Quốc kể từ năm 2018. Giáo hội đang cần ít nhất 40 giám mục ở Trung Quốc được bổ nhiệm, theo cha Cervellera.

“Theo những gì tôi đã thấy, các giám mục đã được chịu chức, đề cử và tấn phong, họ đều là chủ tịch hoặc thư ký của Hiệp hội Công giáo Yêu nước. Vì vậy, điều này có nghĩa là họ rất gần với phía nhà cầm quyền, ”Cha Cervellera nói.

Xóa lịch sử

Trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính phủ đã ra mắt một ứng dụng và đường dây nóng vào tháng 4, qua đó công dân được yêu cầu báo cáo bất kỳ ai chất vấn, nghi ngờ về lịch sử của ĐCSTQ, điều mà chính phủ gọi là “chủ nghĩa hư vô lịch sử”.

Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc các chính sách của ĐCSTQ như “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông – một kế hoạch canh tác tập thể kéo dài 5 năm dẫn đến nạn đói giết chết hơn 20 triệu người từ năm 1959 đến năm 1962 – đã bị loại khỏi câu chuyện lịch sử của đảng. .

Kiểu kiểm duyệt này khiến người Công giáo Trung Quốc gần như không thể bàn về lịch sử hàng thập kỷ của chính họ sau cuộc Cách mạng Cộng sản Trung Quốc năm 1949.

Trong những năm sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, nhiều người Công giáo đã bị bắt vì từ chối tuân theo các chiến dịch của chính phủ nhằm loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài và quốc hữu hóa các trường tư thục.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nêu bật sự đau khổ này trong thông điệp Evangelii praecones năm 1951 của ngài.

“Chúng tôi biết rằng nhiều tín hữu và cả các nữ tu, nhà truyền giáo, linh mục bản xứ và thậm chí cả giám mục đã bị đuổi khỏi nhà của họ, bị đày đọa cướp bóc tài sản và mòn mỏi trong cảnh bắt bớ tù đầy, bị tống vào tù hoặc vào trại tập trung, hoặc đôi khi bị tra tấn một cách tàn nhẫn cho đến chết, bởi vì họ đã hết lòng gắn bó với đức tin của mình. Trái tim của chúng tôi tràn ngập đau buồn khi chúng tôi nghĩ đến những khó khăn, đau khổ và cái chết của những đứa con yêu quý của chúng tôi, ”Đức Thánh Cha viết.

Đức Cố Giám mục Joseph Zhu Baoyu sinh năm 1921, cùng năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải. Ngài bị kết án 10 năm lao động cưỡng bức vì tội “phản cách mạng” vào năm 1981 sau khi ngài tổ chức cho người Công giáo đi hành hương tại Đền thờ Đức Mẹ Sheshan ở Thượng Hải.

Chủ tịch Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, Giám mục John Fang Xingyao ở Sơn Đông, cho biết vào tháng 7 rằng bài phát biểu của Chủ tịch Tập để kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ rất hùng hồn và cung cấp hiểu biết sâu sắc hơn về lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng lãnh đạo Trung Quốc. Ông đã gặp Giám mục Shen Bin của Hải Môn và Giám mục Ma Yinglin ở Côn Minh để trao đổi về bài phát biểu của ông Tập.

Ơn gọi và việc đào tạo

Các chính sách trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, tiếp tục có tác động lâu dài đến nhân sự của Giáo hội ở Trung Quốc.

“Giờ đây, các gia đình chỉ có một con, và rất khó để họ dâng hiến con mình cho Chúa đứa con này vì họ cũng cần lo cho mình khi họ về già,” Cervellera nói.

“Và vì vậy, một số linh mục đã nói với tôi rằng  ơn gọi đã giảm bớt, không còn nhiều về số lượng như trước nữa.”

Và đối với những người đã đáp lại lời mời gọi đến chức linh mục, chính phủ có thể không cho phép họ được truyền chức.

Bốn linh mục đã được thụ phong tại Thượng Hải vào tháng Bảy trong một lễ phong chức, trong đó đáng nhẽ phải có năm người. Theo báo cáo của cha Cervellera, chính phủ đã ngăn cản một trong những ứng viên này vì chủng sinh này đã tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Kraków, Ba Lan, vào năm 2016, theo một báo cáo đăng tải trên AsiaNews của cha Cervellera.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng về việc người Công giáo Trung Quốc tham gia Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Cha Cervellera nhớ lại “Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Manila năm 1995, trong đó Đức Gioan Phaolô II nói rằng Châu Á là sứ mệnh chung của chúng ta trong thiên niên kỷ thứ ba”.

“Các bạn giới trẻ từ Trung Quốc được mời đến, và họ bắt đầu cử hành các Thánh lễ và tất cả các cuộc gặp gỡ với các nhớm giới trẻ khác ở Manila, nhưng… một số thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước đã đi cùng với những thanh niên này. Họ đã làm mọi cách để tách những người trẻ này ra. Tôi đã ở đó và họ thực tế đã cố gắng tránh mọi mối liên hệ với những người Công giáo khác trên thế giới, ”cha nói.

Việc đào tạo trong các chủng viện là một lĩnh vực khác mà chính quyền Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt “ảnh hưởng của nước ngoài”.

“Việc đào tạo cũng trở nên khó khăn, không phải vì không có chủng viện, mà vì những chủng viện này luôn bị kiểm soát,” cha Cervellera nói.

“Ví dụ, một số khía cạnh, học thuyết xã hội của Giáo hội, không được dạy. Hội Côn giáo yêu nước nói sách nào dùng được, sách nào không dùng được. Các giáo sư nước ngoài bị hạn chế đến các chủng viện. ”

Cha Cervellera chỉ ra rằng một chủng viện ở Trung Quốc có 23 giáo sư nước ngoài trong triều đại Giáo hoàng của Bênêđictô XVI giờ chỉ có ba giáo sư từ bên ngoài Trung Quốc.

Cha nói: “Đảng Cộng sản, Hiệp hội Công giáo Yêu nước, cố gắng xây dựng một Giáo hội độc lập,” Cha nói thêm rằng điều này khiến các linh mục tương lai bị loại khỏi “sự phong phú của Giáo hội Công giáo [trong] tính phổ quát của giáo huấn.”

Đức Mẹ Sheshan

Đối với những người ủng hộ người Công giáo ở Trung Quốc, ChaCervellera nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

“Chúng ta nói nhiều về Con đường Tơ lụa Mới. Nhưng Con đường Tơ lụa thực sự là con đường cầu nguyện, con đường hành hương bởi vì điều này có thể thay đổi Trung Quốc [trở nên] tốt hơn, ”Cervellera nói.

Cha cũng thấy lạ khi không có nhiều giáo phận tổ chức Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc do Đức Bênêđíctô XVI thiết lập, diễn ra hàng năm vào ngày 24 tháng Năm.

Ngày này là ngày lễ của Đức Maria, Đấng phù trợ của các Kitô hữu, trong đó hàng ngàn người Công giáo Trung Quốc đã từng hành hương đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sheshan, đã bị cấm một lần nữa trong năm nay, chỉ vài tuần trước khi các cuộc mít tinh của giáo phận  để kỷ niệm một trăm năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính quyền địa phương viện dẫn đại dịch COVID-19 là lý do ngăn cản cuộc hành hương, nhưng những người Công giáo Trung Quốc chỉ ra rằng công viên giải trí gần đó và các điểm du lịch khác gần đồi Sheshan đã mở cửa vào thời điểm đó.

Giám mục Thaddeus Ma Daqin của Thượng Hải đã bị quản thúc tại gia kể từ năm 2012 sau khi ngài công khai từ chức khỏi Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc sau khi được tấn phong giám mục.

Ngay cả trước khi Vương cung thánh đường Sheshan bị đóng cửa vào năm 2020 vì đại dịch, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp vào năm 2019 để ngăn các nhóm Công giáo thuộc giáo hội hầm trú tổ chức các cuộc hành hương đến Sheshan và yêu cầu những người hành hương đến đền thờ Đức Mẹ phải hát quốc ca.

Cha Cervellera nói rằng Đảng Cộng sản lo ngại sự tự do nội tâm mà tôn giáo có thể mang lại.

“Sinh viên đại học, họ rất quan tâm đến Công giáo và trong Ki-tô giáo, cũng như Tin lành. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc hiện đang cố gắng ngăn chặn việc giáo dục tôn giáo cho thanh thiếu niên, bởi vì họ lo sợ sự gia tăng các cuộc cải đạo, ”ông nói.

Cha Cervellera kết thúc nhiệm kỳ tổng biên tập của AsiaNews vào tháng 6 và thông báo rằng ngài sẽ tiếp tục công việc truyền giáo của mình với Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại ở Châu Á.

“Ngay khi ai đó tìm thấy ra mối quan hệ của mình với Thiên Chúa, điều này khiến họ tự do, khiến họ tự do nói, khiến họ tự do lên tiếng cho sự thật, khiến họ tự do để không bị bắt buộc phải làm tất cả những điều mà Đảng Cộng sản buộc làm. Và đây là nỗi sợ hãi của Đảng Cộng sản, rằng mọi người có thể được tự do, ”Cha nói.

Theo Catholic News Agency