Những nét đặt trưng của cầu nguyện theo tinh thần Thánh Anphongsô

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA CẦU NGUYỆN

THEO TINH THẦN THÁNH ANPHONGSÔ[1]

Tác giả: Lm. Dennis Billy C.Ss.R

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Vượng, C.Ss.R

Đối với những ai cầu nguyện, Thiên Chúa luôn trao ban với bàn tay rộng mở, cũng như những người giàu có trên thế gian này vẫn làm, nhưng sự giàu có của họ sẽ sớm có ngày khánh kiệt; còn sự giàu có của Thiên Chúa là vô hạn, và một khi Người đã cho đi càng nhiều thì Người lại càng phải cho đi thêm nữa, do đó, Người cho cách đầy tràn, với một bàn tay không ngơi nghỉ, và vượt xa những gì mà chúng ta kêu xin Người… Vậy chúng ta hãy cầu nguyện, và hãy luôn luôn cầu xin ơn Chúa, nếu chúng ta muốn được cứu độ. Hãy để cho việc cầu nguyện là công việc thú vị nhất của chúngta; hãy để việc cầu nguyện là việc thao luyện suốt đời chúng ta. Và một khi chúng ta xin những ơn đặc biệt, hãy cầu nguyện không ngừng cho được ơn để tiếp tục cầu nguyện trong tương lai; bởi vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ bị hư mất. Không có gì dễ hơn cho bằng cầu nguyện. Chúng ta chịu tốn phí bao nhiêu để thưa lên rằng: Lạy Chúa, xin hãy ở bên con! Lạy Chúa, xin hãy giúp con! Xin ban cho con tình yêu của Chúa! Và những điều tương tự như thế? Còn điều gì dễ hơn điều này?

LỜI THÁNH ANPHONGSÔ VỀ CẦU NGUYỆN

Nói về thánh Anphongsô và về cầu nguyện là một điều không hề dễ dàng. Ngài đã viết rất nhiều và về các chủ đề một cách đa dạng, rộng lớn đến nỗi rất khó để tổng hợp các giáo huấn của Ngài, cũng như rất khó để tập trung vào các yếu tố then chốt mà từ đó các yếu tố khác sẽ xuôi chèo mái mái. Vị “tiến sĩ cầu nguyện” vĩ đại này, như người ta thường gọi, đã vượt quá những nỗ lực của chúng ta trong việc đưa ra một bài trình bày dứt khoát và toàn diện về giáo huấn của Ngài. Thánh Anphongsô đã viết rất nhiều, chú ý đến nhiều đối tượng, sử dụng nhiều thể loại văn chương và liên kết với nhiều nguồn Kinh Thánh, thần học và hạnh các thánh một cách tuyệt vời để truyền đạt tư tưởng của ngài đến độ hầu như không thể chứng minh được làm thế nào mà tất cả lại ăn khớp với nhau đến như vậy.

Thành thật mà nói, tôi không tin rằng thánh Anphongsô sẽ bận tâm nhiều đến việc người ta đánh giá mình thế nào. Theo tôi nghĩ, ngài không quá để tâm đến chuyện phát triển cầu nguyện thành một hệ thống độc đáo để có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử linh đạo Công Giáo (mặc dù đóng góp của Ngài không hề nhỏ), nhưng là để nhắm đến việc cứu rỗi các linh hồn. Để đạt được mục đích này, Ngài đã lùng sục trong truyền thống và tìm cách làm cho sự phong phú thiêng liêng sâu xa của nó có thể đến được nhiều hơn với những người mà Ngài phục vụ, đặc biệt là tầng lớp hạ lưu nghèo khổ tại vùng thôn quê đồi núi miền nam nước Ý.

Thánh Anphongsô rất thực tế, ở một mức độ nào đó, lại còn chiết trung[2] nữa. Ngài đã thử ngay mọi thứ mà ngài có thể thực hiện được theo truyền thống Công giáo và chọn dùng những gì mang lại hiệu quả. Những cuốn sách về cầu nguyện phản ánh mong muốn của Ngài trong việc giúp người khác đào sâu tương quan của họ với Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của đời họ. Ngài muốn đem đến niềm an ủi cho các độc giả, bằng cách giới thiệu cho họ hàng loạt những hình thức cầu nguyện hữu hiệu trong hành trình tâm linh. Ngài là một người của công chúng, đúng như vậy, và còn hơn thế nữa. Ngài có thể cảm nhận được những rung động của dân chúng và viết theo cách để giúp độc giả kinh nghiệm được sự thân mật và gần gũi với Chúa trong cuộc sống của họ. Thánh Anphongsô được mọi người nhớ đến vì hồng ân đặc biệt này mà Chúa đã trao cho Ngài. Đó là lý do tại sao các tác phẩm như Viếng Thánh Thể (1745), Vinh Quang Đức Maria (1750), Cầu Nguyện, Phương Thế Tuyệt Hảo của Ơn Cứu Độ (1759) và Thực Hành Lòng Yêu Mến Chúa Giêsu Kitô (1768), (đây chỉ là một số trong rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Ngài), đã được chuyển dịch và tái bản rất nhiều lần trong những năm sau đó.

TINH THẦN CỦA THÁNH ANPHONGSÔ

Mặc dù có tất cả những khả năng thiên phú trong tư cách là một nhà văn, nhưng thánh Anphongsô vẫn là một người của thời đại ngài. Chính ngài có lẽ là người đầu tiên thừa nhận điều đó. Nếu không cẩn trọng, chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai các tác phẩm của ngài, ngay cả những tác phẩm về cầu nguyện, và nghĩ rằng chúng đơn giản có thể được lấy ra từ một giai đoạn lịch sử và đem áp dụng tất cả (có lẽ với một chút thích nghi được tô điểm thêm) vào một giai đoạn khác. Thánh Anphongsô không viết những gì xa cách với đời sống con người; chúng ta cũng không đọc ngài theo cách thức ấy. Tác động từ các tác phẩm của thánh nhân đối với những người sống trong thời của ngài thì khác với tác động của chúng trên thời đại của chúng ta. Sẽ là một sai lầm khi đọc các tác phẩm của ngài về cầu nguyện mà không thấu triệt các điều kiện lịch sử khi ngài viết, và đặc biệt là không nhắc đến các chủ đề cơ bản như sự thông hiểu của ngài về Thiên Chúa, về con người, về bản chất và mục đích của chính việc cầu nguyện. Chúng ta không nên coi giáo huấn của ngài về cầu nguyện như một báu vật được đặt trong viện bảo tàng. Giáo huấn đó cũng không thể được sử dụng một cách ngẫu nhiên và được kỳ vọng sẽ giúp cho chúng ta như nó đã làm rất tốt cho ngài và cho các độc giả của ngài. Cần đòi hỏi cái gì đó nhiều hơn thế.

Chúng ta cần phải đào xới lên các giáo huấn của thánh Anphongsô về cầu nguyện, đây là cách tốt nhất để chúng ta có thể trải nghiệm chúng một cách trọn vẹn, và áp dụng chúng một cách phù hợp vào trong các hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Chúng ta không những cần đọc và hiểu chúng mà còn phải đạt thấu đến cái tinh thần đã thúc đẩy ngài viết về đời sống thiêng liêng cũng như cách thức ngài đã thực hiện. Những nét đặc biệt trong giáo huấn của thánh Anphongsô về cầu nguyện – ví dụ như các bước trong phương pháp tâm nguyện[3] của ngài – là những lời giải đáp có tính lịch sử liên quan đến tinh thần Tin Mừng đã thúc đẩy ngài. Nếu hôm nay ngài còn sống, chắc chắn ngài vẫn bị đánh động bởi cùng một tinh thần đó. Tuy nhiên, các hình thức cầu nguyện mà ngài muốn gợi ra cho chúng ta, có thể sẽ rất khác với những gì ngài đã đề nghị với những độc giả ở vào thế kỷ 18.

Giả như thánh Anphongsô đang đứng trước chúng ta hôm nay, vào lúc này, đang trò chuyện với bạn và tôi, thì có lẽ ngài cũng chỉ nói với chúng ta về một và chỉ một điều mà thôi, đó là: hãy đào sâu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Ngài cũng không bận tâm đến việc “rao bán” phương pháp đặc biệt của ngài đối với cầu nguyện (như thể đó là cách duy nhất có giá trị trong truyền thống Kitô giáo) hoặc cứ khăng khăng cho rằng phương pháp này phải được thử bằng mọi giá (nhồi nhét nó vào chúng ta như thể đó là một thứ linh dược có thể chữa khỏi mọi căn bệnh tâm linh của chúng ta), nhưng trước hết, Ngài sẽ cố gắng thấu hiểu những cam go đặc biệt của chúng ta trong việc duy trì đức tin của mình vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới với tất cả những khó khăn, bất trắc mà nó mang đến, và sau đó sẽ xem xét những hình thức cầu nguyện nào có lợi nhất cho chúng ta. Quả thật, ngài sẽ cố gắng hiểu những vấn đề đích thực của chúng ta, những vấn đề mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày, ở nhà và tại sở làm, những điều đang ám ảnh và gây phiền toái cho chúng ta, không cho phép chúng ta được nghỉ ngơi, khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Ngài sẽ cố gắng nêu ra những nỗi đau và nỗi thống khổ trong lòng người, đối diện với nó một cách thẳng thắn, nhìn vào nó một cách trực diện, không giả bộ, không gượng ép và không đưa ra giải pháp tức thì. Sau đó, ngài sẽ tìm đến Kinh Thánh, đến thánh truyền, quan trọng hơn cả là nhìn vào nơi sâu thẳm tâm hồn mình và cố gắng tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho các bận tâm của chúng ta. Thành thật mà nói, ngài có thể sẽ bị coi là một người chiết trung trong câu trả lời đó, lấy một chút từ chỗ này và một chút ở chỗ kia, không phải vì ngài không thể tìm ra một điều gì đó tốt hơn, mà bởi vì ngài xác tín rằng những gì ngài nêu ra thì đã “được thử nghiệm và đúng đắn” và thực sự sẽ giúp ích cho chúng ta. Việc hướng dẫn lựa chọn các hình thức cầu nguyện của ngài cũng là một lòng nhiệt thành không mệt mỏi cho các linh hồn (điều mà có lẽ ngày nay chúng ta gọi là nhiệt huyết loan báo Tin Mừng) với ba xác tín vững chắc: (1) cầu nguyện là việc thiết yếu để đào sâu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa; (2) mọi người đều nhận được ơn hiện sủng (nghĩa là có sự trợ giúp đầy đủ từ Thiên Chúa) để cầu nguyện; và (3) Đức Kitô ban ơn cứu chuộc chứa chan cho hết mọi người. Lòng nhiệt thành đối với các linh hồn; sự cần thiết của việc cầu nguyện; ân sủng để cầu nguyện; ơn cứu chuộc chan chứa, đây là những chủ đề căn bản thâu tóm tinh thần của thánh Anphongsô cho chúng ta. Chúng đứng đằng sau tất cả những gì ngài muốn nói với chúng ta về việc cầu nguyện cũng như về những điều khác trong các tác phẩm luân lý và linh đạo của ngài. Tựu trung lại, chúng ta có thể rút ra điều này: thánh Anphongsô là người luôn xác tín sâu xa vào tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong đời ngài, ngài chỉ muốn chia sẻ tình yêu ấy với người khác và giúp họ tìm được con đường đến với Thiên Chúa. Giáo huấn của ngài về cầu nguyện là một trong những phương thế chính yếu mà ngài nói với độc giả của mình về sự đầy tràn chan chứa của tình yêu cứu độ nơi Thiên Chúa.

TÌNH YÊU ĐƯỢC CHỨNG THỰC

Bây giờ, một câu hỏi minh nhiên xuất hiện: Làm thế nào để thánh Anphongsô biết được rằng một hình thức cầu nguyện đặc thù là hữu hiệu? Ngài đã “nắm” được điều gì? Làm sao để ngài có thể xác định được rằng những gợi ý của ngài giúp cho người ta đến gần Thiên Chúa hơn? Chính là đây, nơi sự gắn kết chặt chẽ giữa thần học luân lý và linh đạo trong tư tưởng của thánh Anphongsô được tỏa sáng. Đối với thánh nhân, cả hai có liên hệ mật thiết với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Quả thật, trong lịch sử Hội Thánh, thần học luân lý Công Giáo cho đến lúc này không những đã trải qua một quá trình phân mảnh, dần dần dẫn đến sự chia tách các bộ môn thần học thành một loạt các phân ngành liên hệ, mà dường như các phân ngành này không kết nối với nhau, và vẫn trong sự trượt dốc đó, chúng ngày càng ít liên quan đến các ngành khác. Không nghi ngờ gì nữa, thánh Anphongsô đã bị ảnh hưởng bởi môi trường thần học này, và ở một vài khía cạnh, ngài có thể được xem là người đã thúc đẩy các mục tiêu của môi trường thần học này. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm trong việc xếp ngài vào nơi không phù hợp khi coi ngài là sản phẩm của những tác động đến từ triết học, thần học và văn hóa đang cạnh tranh gây ra.

Thánh Anphongsô là một thần học gia suất sắc về mảng này. Những ai tham chiếu ngài hiểu theo đúng nghĩa của từ này, thường phạm phải sai lầm khi nghiên cứu thần học luân lý của ngài trong sự tách biệt với các tác phẩm phong phú của ngài về cầu nguyện và đời sống thiêng liêng. Kết quả là, họ không hiểu được tinh thần đã thúc đẩy ngài viết và cuối cùng, họ trở thành nạn nhân của những giả định sai lầm và những xuất phát điểm của chính họ. Khi các tác phẩm luân lý và linh đạo của ngài được nghiên cứu cùng nhau, thì chúng ta thấy rõ ràng rằng thánh Anphongsô đã phát triển thần học luân lý của ngài từ chính những bận tâm mà khiến ngài viết các chuyên luận về cầu nguyện: đồng nhất với ý Chúa như một phương thế để đào sâu mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Đối với thánh Anphongsô, đời sống luân lý vừa là sự chuẩn bị, vừa là sự kiểm chứng cho việc thăng tiến của một người trong sự sống của Thần Khí. “Ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu. Còn ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ phải hư mất”.[4] Câu nói nổi tiếng này của ngài tổng hợp mối liên hệ chặt chẽ mà ngài thấy giữa đời sống nhân đức và đời sống ân sủng. Tất cả chúng ta đều nhận được ơn hiện sủng để cầu nguyện. Nếu chúng ta ứng đáp lại với ân sủng đó, thì chúng ta đang cầu nguyện vậy. Nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận được tất cả những ơn cần thiết để tuân giữ các giới răn và sống một đời sống đạo đức, và hệ quả của nó là dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Đối với thánh Anphongsô, để biết được một phương thế cầu nguyện đặc biệt nào đó có hiệu quả hay không thì hãy nhìn vào sự tiến bộ mà người đó đạt được trong đời sống luân lý. Một đời sống cầu nguyện sẽ giúp một người có cuộc sống phù hợp với các giá trị Tin Mừng. Nếu không, thì những nguy hiểm tiềm tàng[5]sẽ xuất hiện nơi người đó ở nhiều phương diện. Thánh Anphongsô đã chỉ ra hết lần này đến lần khác rằng, mục đích của cầu nguyện là để tạo ra sự hiệp nhất giữa ý Chúa và ý người cầu nguyện. Mặc dù điều này chắc chắn sẽ truyền một kinh nghiệm của trái tim vào trong các cảm xúc, nhưng “quyền kiểm soát” tối thượng hay đầu mối của sự thẩm định của nó là liệu người đó có được nên mạnh mẽ hơn để thi hành ý Chúa trong đời họ hay không.

Khi được nhìn trong ánh sáng này, chúng ta càng thấy rõ hơn việc thánh Anphongsô sẽ khó chịu như thế nào đối với những người muốn chia tách linh đạo ra khỏi luân lý, chia tách đời sống cầu nguyện ra khỏi những trách nhiệm mà chúng ta phải sống theo các giới luật của Chúa. Đối với thánh nhân, cả hai không thể tách rời và phải tồn tại trong mối tương quan chặt chẽ với nhau: đời sống luân lý không thể tách rời khỏi đời sống ân sủng; đời sống ân sủng được sáng tỏ bởi sự tiến bộ mà con người đạt được trong việc hướng đến một đời sống nhân đức. Thánh Anphongsô sẽ chống lại bất kỳ những nỗ lực nào nhằm tách biệt hoặc phân mảnh lối sống kitô hữu theo bất kỳ cách thức nào. Hơn nữa, ngài sẽ cực lực phản đối những ai đang thực hành đời sống thiêng liêng, mà lại trình bày mục đích của một phương pháp cầu nguyện cụ thể nào đó ở hạn từ “kinh nghiệm chỉ vì kinh nghiệm” thôi. “Bất cứ điều gì bạn làm, thì hãy làm với Chúa và làm cho Chúa.” Câu nói ngắn gọn này được trích từ khảo luận Phương Thế Trò Chuyện Liên Lỷ và Thân Tình với Thiên Chúa[6]của thánh Anphongsô viết vào năm 1754. Đối với tôi, đây là một trong những tác phẩm hay nhất mà ngài từng viết về cầu nguyện, xác quyết rằng, mục đích của đời sống thiêng liêng không phải là một cuộc trốn chạy khỏi những thử thách hiện tại hay một cuộc tìm kiếm không ngừng cho kinh nghiệm tối hậu, nhưng là một nỗ lực có chủ ý để hiệp nhất đời sống con người với Thiên Chúa. Đời sống thiêng liêng không phải là tìm kiếm một vài sự thấu hiểu huyền bí độc đáo nào đó hoặc chuyển từ hết trải nghiệm ngất trí này sang ngất trí khác, mà là sống cuộc sống của chính mình – trần thế, thường ngày và bình lặng, như chúng vẫn là – với Chúa. Sự thấu hiểu sâu sắc của thánh Anphongsô, điều mà ngài nắm rất chắc và không bao giờ thay đổi, là chúng ta không cần phải đến một đan viện hay một tu viện, để thực hiện một cuộc hành hương dài, hoặc bắt đầu một việc thực hành khổ chế với chế độ nghiêm ngặt nhằm đào sâu hơn mối tương quan của chúng ta với Chúa. Tất cả những gì chúng ta phải làm là hãy mở lòng ra: “Thiên đàng của Thiên Chúa là trái tim con người.”[7] Đây là nơi chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, hoặc có lẽ tốt hơn nên nói rằng, đó là nơi mà Thiên Chúa tìm thấy từng người và mọi người chúng ta.

LÀM SÁNG TỎ VIỆC CẦU NGUYỆN

Trong phần “Tóm tắt thực hành” ở cuối tác phẩm Phương Pháp Trò Chuyện Với Chúa, thánh Anphongsô nói với độc giả của ngài rằng họ nên có lòng yêu mến đặc biệt ba việc đạo đức nếu họ muốn tiến bộ trong đời sống thiêng liêng: “sùng kính Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô; sùng kính Bí tích Thánh Thể, và sùng kính Đức Trinh Nữ diễm phúc.”[8]Mặc dù cách thức mà ba việc sùng kính này diễn tả thì rất khác với chúng ta ngày nay so với thánh Anphongsô và độc giả của ngài, nhưng mạch tư tưởng chung được họ chia sẻ và lý do vì sao ngài đặt những điểm nhấn vào đó thì vẫn vậy. Như bạn đã biết, thánh Anphongsô đã nhận ra rằng Kitô giáo đề cập đến việc Thiên Chúa tìm thấy con người hơn là con người tìm thấy Thiên Chúa. Không giống như nhiều tôn giáo lớn khác trên thế giới, Kitô giáo chú tâm không phải đến sự tìm kiếm của con người đối với Thiên Chúa mà là đến sự tìm kiếm của Thiên Chúa đối với con người.

Nhận thức căn bản này có những tác động cực lớn trong việc làm thế nào mà cầu nguyện Kitô giáo được thai nghén và thực hiện. Bạn thấy đấy, tất cả những sự sùng kính này, một cách nào đó, đều liên quan đến mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người. Mầu nhiệm vĩ đại này là điều tách biệt Kitô giáo ra khỏi tất cả các tôn giáo khác trên thế giới. Đó là điều làm cho Kitô giáo trở nên độc đáo. Mỗi lòng sùng kính mà thánh Anphongsô đề cập đều nhấn mạnh một khía cạnh nào đó của mầu nhiệm cơ bản này của đức tin, chẳng hạn như: sự cộng tác của Đức Maria đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; công trình cứu độ mà mầu nhiệm Nhập Thể đã nên khả dĩ; và sự mở rộng của ơn cứu độ trong suốt lịch sử nhân loại nên khả dĩ nhờ sự hiện diện cách bí tích của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Những lòng sùng kính này cử hành hành trình vĩ đại của Thiên Chúa dành cho tâm hồn con người, điều mà Người đã hoàn thành bằng việc đi vào thế giới của chúng ta, bằng việc hiến mình hoàn toàn cho chúng ta đến độ chết vì chúng ta, đến nỗi Người trở nên nguồn lương thực, nguồn dinh dưỡng và niềm hy vọng vĩnh cửu cho chúng ta. Nhờ yêu mến sâu xa những việc sùng kính này, con người sẽ đến gần Thiên Chúa hơn bởi vì họ sẽ từ từ nhận ra rằng Thiên Chúa đã thực sự đến gần trái tim con người biết bao trong kế hoạch vĩ đại của Người. Thánh Anphongsô đảm bảo với độc giả của mình rằng Thiên Chúa yêu mỗi người trong số họ như thể họ là người duy nhất trên thế gian này. Tình yêu vĩ đại này dành cho mỗi chúng ta trong tư cách là những nhân vị trở thành trung tâm của sứ điệp Kitô giáo về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa dành cho dân Người. Nói cách khác, Thiên Chúa không hài lòng khi tương quan với chúng ta theo kiểu “số đông”. Tình yêu của Người dành cho chúng ta vượt quá điều đó. Người tìm kiếm từng người chúng ta, như mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Người không khước từ chúng ta. Người không ngừng tìm kiếm để “xây nhà” của Người trong trái tim con người. Và Người không thỏa lòng theo kiểu tùy tiện với bất kỳ tâm hồn nào. Người muốn cư ngụ và cắm lều trong lòng bạn, trong lòng tôi. Đó là điều duy nhất thực sự quan trọng với Người. Tất cả những thứ khác chẳng đáng kể gì để so sánh cả.

Khi nhìn dưới ánh sáng này, chúng ta nhận ra thánh Anphongsô đã “làm sáng tỏ” nhiều chừng nào (theo nghĩa tích cực của thuật ngữ này) cuộc tìm kiếm của con người đối với Thiên Chúa. Tính huyền bí của ngài là một trong ba dấu chỉ hữu hình: máng cỏ, thập giá và bí tích [Thánh Thể] của cuộc hành trình của Thiên Chúa đi vào trong trái tim con người, chứ không phải ngược lại. Một cách cụ thể, dấu chỉ hữu hình này muốn nói rằng con đường đến với Thiên Chúa không đòi hỏi kiến ​​thức thần bí hay nghi thức huyền bí vốn chỉ giới hạn cho một nhóm ưu tuyển trong lĩnh vực thiêng liêng, nhưng là một phương thế đơn giản mà mỗi người trong chúng ta đều có thể nhận thức được ngay nơi sâu thẳm của lòng mình. Mặc dù đó là một minh chứng rất rõ của ơn Chúa, nhưng nó cũng đơn giản như chính hơi thở và hành động mà, theo phán đoán của thánh Anphongsô, mọi người đều có thể trông cậy vào lúc này hay lúc khác trong cuộc sống của họ, thậm chí cả những người vô tín ngưỡng bảo thủ và ngụy biện nhất. Làm thế nào để bạn tìm thấy Chúa? Câu trả lời quá đơn giản, quá rõ ràng, và đáng kinh ngạc đến độ nó dường như quá dễ dàng để trở thành hiện thực. Bạn tìm thấy Chúa cách đơn giản qua việc mở lòng ra và nói với Ngài, lòng kề lòng, bạn hữu với bạn hữu, bằng cách nói với Ngài tất cả những gì có trong tâm trí và trái tim bạn, đừng giữ lại điều gì. Mặc dù Người đã biết chúng, nhưng bằng cách tin tưởng vào Chúa với những chi tiết thân tình trong cuộc sống của bạn, bạn sẽ tìm thấy các điều kiện khả dĩ cho một tương quan thiết thân với Người. Thiên Chúa không thể làm điều này nếu không có sự giúp đỡ của bạn. Người không cưỡng bách chính mình. Người hứa chỉ giúp bạn tìm biết Người, giúp bạn hiện thực hóa niềm hy vọng sâu xa nhất, thăm thẳm nhất của bạn. Nếu bạn thực sự muốn biết cầu nguyện như thế nào, thì chính Người sẽ dạy cho bạn. Tất cả những gì bạn phải làm là cầu xin Người (x. Mt 7,7-11).

TỪ BỎ VÀ HIỆP NHẤT: BUÔNG BỎ VÀ MỞ RA

Về cơ bản, cầu xin Thiên Chúa một điều như thế liên quan đến tiến trình buông bỏ bất kỳ chướng ngại nào mà chúng ta đã bị cản trở trước đây (điều mà thánh Anphongsô gọi là “từ bỏ”) và sau đó càng ngày càng mở lòng chúng ta ra cho Thần Khí Chúa (điều mà thánh nhân thường quy chiếu vào như là “sự hiệp nhất”). Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể (với sự trợ giúp của Thiên Chúa) nhìn vào bên trong bản thân mình, nhìn sâu vào đằng sau những ồn ào và náo động đang lấp đầy cuộc sống của chúng ta, và nhìn mọi thứ theo đúng triển vọng của chúng. Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ gặp thấy, như thánh Anphongsô ghi nhận một cách nghiêm túc, rằng Thiên Chúa cư ngụ một cách đặc biệt “trong tâm hồn khiêm nhường mà yêu mến Người”.[9] Tiến trình từ bỏ không phải là cái gì khác hơn là chúng ta dần dần lột bỏ đi những giá trị sai lầm đã ăn sâu vào đời sống của chúng ta để chúng ta có thể thấy rõ hơn nơi cư ngụ đặc biệt của Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Tiến trình hiệp nhất là mặt còn lại của đồng tiền. Nó liên hệ đến tất cả những gì giúp chúng ta có thể nghỉ ngơi trong Chúa cũng như Ngài nghỉ ngơi trong chúng ta. Nó không phải là một tiến trình xuất hiện mà loại trừ việc buông bỏ của ta khỏi những giá trị giả trá, nhưng là một cách thế khác để nhìn vào mối tương quan ngày càng sâu sắc của chúng ta với Chúa. Khi chúng ta từ bỏ những dính bén sai lầm trong cuộc sống của mình, chúng ta chắc chắn sẽ đi tới một dính bén thực sự có giá trị, đó là tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa ngang qua sự khiêm nhường và trung thực thật sự trước nhan Ngài. Qua việc không giữ lại bất kỳ một bí mật nào đối với Chúa, chúng ta có thể thưa chuyện với Người cách thân tình, như hai người bạn thân với nhau.

Nếu có một tư tưởng đặc biệt nào đó mà thánh Anphongsô muốn chuyển đến cho chúng ta, thì đó sẽ là: không có hoàn cảnh nào trong cuộc đời chúng ta mà chúng ta không thể trao dâng cho Thiên Chúa trong cầu nguyện. Thánh Anphongsô muốn chúng ta cư xử với Thiên Chúa “như một người bạn trìu mến nhất của chúng ta”, như một ai đó mà chúng ta không cần phải giữ bí mật và là người mà chúng ta có thể trò chuyện mà không cần phải tiết chế.[10] Thánh nhân bảo chúng ta hãy trò chuyện với Thiên Chúa thường xuyên nhất có thể, vì không có gì trong cuộc đời chúng ta mà Thiên Chúa lại không bận tâm. Chúng ta nên cho Chúa biết tất cả và trọn vẹn những gì có trong tâm trí chúng ta, các cảm xúc và tình cảm, những thử thách, sợ hãi và đau khổ, niềm vui và thành công, tội lỗi và thất bại, những hoài nghi và khao khát ước muốn sâu xa nhất của chúng ta. Chúng ta đừng giữ bất kì bí mật nào với Chúa và hãy trao phó trọn vẹn đời chúng ta trong tay Người, tín thác vào tình yêu và sự chăm sóc đầy quan phòng của Người dành cho chúng ta.

Nếu chúng ta làm điều đó, thánh Anphongsô hứa rằng Thiên Chúa sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Người sẽ nói với một giọng điệu mà chúng ta không thể nghe bằng tai, nhưng con tim chúng ta sẽ cảm nhận cách rõ ràng. Người sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta và đánh động chúng ta qua kinh nghiệm của tha thứ và bình an của Thần Khí. Người sẽ canh tân niềm hy vọng trong trái tim chúng ta và ban cho chúng ta lý do để vui mừng trong tình yêu tuyệt vời mà Người đã tỏ cho chúng ta. Chúng ta càng lắng nghe giọng nói của Người, thì giọng nói đó sẽ càng vang vọng sâu hơn trong tâm hồn chúngta và cuốn hút chúng ta hơn nữa về tình yêu thiết thân sâu sa của Người dành cho chúng ta.

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA CẦU NGUYỆN THEO TINH THẦN THÁNH ANPHONGSÔ

Sau phần thảo luận ngắn gọn trên đây về tinh thần và phương pháp của thánh Anphongsô, giờ đây chúng ta có thể thảo luận một số đặc tính chung trong cách tiếp cận cầu nguyện của ngài. Dù không thấu đáo, danh sách liệt kê dưới sẽ tìm cách xác định một số giả định chính ẩn sâu bên trong sự thông hiểu của thánh nhân về cầu nguyện mà có liên hệ rất nhiều với ta hôm nay. Những đặc tính này chắc chắn sẽ được trình bày (hay “cụ thể hóa”) theo những cách khác nhau trong thời đại của chúng ta hôm nay.

  1. Cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô thì thành thật. Không thể có giả tạo, không mang mặt nạ, không che đậy cái tôi giả dối của mình. Chúng ta sẽ thực sự xúc phạm đến Chúa, nếu chúng ta nghĩ rằng cách nào đó chúng ta có thể lấy vải thưa che mắt thánh[11]. Để thành thật với Thiên Chúa, trước hết và trên hết, chúng ta cần thành thật với chính mình về các mối tương quan của chúng ta với bản thân và tha nhân. Nếu chúng ta không thể trò chuyện cách thành thật với Chúa, thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ trở nên hời hợt và vô ích. Chúng ta sẽ không nói với Chúa từ cõi lòng, nhưng bằng một vài hình ảnh tưởng tượng nào đó mà chúng ta có về bản thân, cũng như về Thiên Chúa. Cầu nguyện mà không thành thật hoàn toàn và tuyệt đối thì không phải là cầu nguyện thật sự.
  2. Cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô thì khiêm nhường. Thánh Anphongsô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân đức này trong suốt các tác phẩm của ngài và đặc biệt trong tương quan với cầu nguyện. “Khiêm nhường là chân lý”. Chúng ta có thể thành thật với Thiên Chúa và với chính mình chỉ bằng cách thừa nhận những giới hạn và khiếm khuyết của mình. Người khiêm nhường sẽ có thể chấp nhận sự thật về chính mình. Người đó sẽ có thể cầu nguyện với Thiên Chúa bất chấp những khó khăn người đó gặp phải. Sống khiêm nhường là nhận ra bạn không phải là trung tâm của vũ trụ, rằng Thiên Chúa yêu bạn vô điều kiện, và bạn luôn luôn có thể hướng về Người mỗi khi cần. Khi chúng ta không khiêm tốn, chúng ta thường tự lừa dối mình rằng chúng ta không phải là người như vậy. Thiếu khiêm nhường kìm hãm sự cầu nguyện chân thực và ngăn cản chúng ta đào sâu mối tương quan với Thiên Chúa.
  3. Cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô mang tính tương quan thiết yếu . Đối với thánh Anphongsô, cầu nguyện không phải là một cuộc độc thoại cá nhân, hay một cuộc tìm kiếm mang tính ái kỷ về kinh nghiệm thiêng liêng, hoặc một kỹ thuật tâm lý để đối phó với căng thẳng, mà là một hành vi đối thoại đầy niềm tin giữa các ngôi vị, một cuộc hội thoại giữa người tin và Thiên Chúa. Đối với người kitô hữu, cầu nguyện không những mang tính Ba Ngôi, tính Kitô học, thậm chí là tính Thánh Linh học nữa, nghĩa là chú tâm vào tất cả những mầu nhiệm lớn của đức tin Kitô giáo – mà cũng rất nhân văn, liên hệ đến những con người yếu đuối, là những người đang ngày một trở nên ý thức hơn về đặc ân tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Tính chất Maria [thánh mẫu học] trong cầu nguyện của thánh Anphongsô mang đến cho khía cạnh nhân văn này yếu tố cốt lõi hơn tất các khía cạnh khác. Trong con người của Đức Maria, thánh Anphongsô nhìn thấy sự thành toàn điều mà tất cả chúng ta khao khát sâu xa nhất trong lòng mình, đó là được cứu chuộc trọn vẹn nơi Đức Kitô. Hãy hướng về Mẹ bất cứ khi nào chúng ta cần, chúng ta sẽ tìm thấy một đấng chuyển cầu cho chúng ta và một người sẽ làm tất cả trong quyền năng của mình để giữ cho đời sống tin, cậy, mến luôn sống động trong lòng chúng ta.
  4. Việc cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô cũng rất bình dân (nghĩa là của mọi người và cho mọi người). Đối với ngài, mọi người đều có cơ hội đến với ơn cứu chuộc chứa chan. Điều đó cho thấy tính khả dĩ cho mỗi người chia sẻ một đời sống cầu nguyện thiết thân với Thiên Chúa như một sự nếm cảm trước những điều sẽ đến. Để đạt được mục đích này, thánh Anphongsô đã viết và hướng các tác phẩm thiêng liêng của mình (đặc biệt là về cầu nguyện) đến nhiều đối tượng, những người có thể hiểu và giải thích dễ dàng cho những người thất học. Thánh Anphongsô là một nhà phổ cập hóa vĩ đại. Ngài có khả năng lạ lùng trong việc tiếp thu những ý tưởng phức tạp và phân chia chúng thành những điều đơn giản nhất. Ngài viết bằng một văn phong đơn giản, trực diện, sáng tác những bài thánh thi và rất nhiều lời nguyện ngắn gọn, lời nguyện chỉ với một câu (Lời nguyện tắt) mà công chúng có thể nhớ cách dễ dàng. Ngài muốn làm cho truyền thống linh đạo Công giáo thêm phong phú, có sẵn cho mọi người và ngài không bao giờ ngừng lại trong việc đạt được mục đích của mình.
  5. Việc cầu nguyện của thánh Anphongsô cũng rất tình cảm, nghĩa là được phát ra từ trái tim. Nói cách khác, việc cầu nguyên này liên quan đến toàn bộ con người, không chỉ tâm trí hay cảm xúc mà còn mọi khía cạnh của cấu trúc con người của ta. Chúa Giêsu bảo các môn đệ phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết tâm trí, hết linh hồn và hết sức lực họ (x. Mt 22,37). Đối với thánh Anphongsô, ta phải làm theo những chỉ dẫn này mọi lúc, nhưng đặc biệt là khi ta cầu nguyện. Trong tâm trí của thánh nhân, cầu nguyện là một dấu chỉ cụ thể của tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, với người thân cận và ngay cả đối với chính mình. Việc cầu nguyện mà nửa vời cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với món quà là tình bạn của Thiên Chúa. Không đặt trọn vẹn bản thân của chúng ta vào việc cầu nguyện là một cách chúng ta đang giữ bí mật nào đó với Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện với Chúa, nhưng chỉ sẵn lòng tới một mức độ nào đó mà thôi, có lẽ vì sợ những gì Người có thể đòi hỏi chúng ta.
  6. Việc cầu nguyện của thánh Anphongsô rất cụ thể. Ngài đã sử dụng những gì hiệu quả nhất đối với ngài và chia sẻ nó với những người khác. Ngài xem cầu nguyện không phải là mục đích tự thân, mà là phương tiện để đào sâu mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Ngài nhận ra rằng để một mối quan hệ như thế trở nên sống động và năng động thì cần phải liên hệ với Thiên Chúa trên nhiều cấp độ (ví dụ, qua thân thể, cảm xúc, tâm trí, tinh thần, tha nhân). Cách tiếp cận chiết trung của ngài đối với các hình thức cầu nguyện mà ngài gợi ý cho các độc giả của mình (dù ở bất cứ đâu, từ những lời nguyện tắt, đến tâm nguyện, đọc sách thiêng liêng, lời kinh nồng cháy, các bài thánh thi, viếng Thánh Thể, tuần cửu nhật, tuần bát nhật, và v.v.) không đến từ bất kỳ sự chia trí hay sự mập mờ của ngài, nhưng từ một sự nhạy cảm sâu sắc đối với bản chất phức tạp của hiện sinh con người và tầm quan trọng của việc gồm tóm tất cả những chiều kích đó vào lời cầu nguyện của ta với Thiên Chúa.
  7. Cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô thì liên lỷ. Điều đó không có nghĩa là những kiểu cầu nguyện đặc thù mà ngài gợi ý cho độc giả của ngài không hề có khởi đầu hay kết thúc. Ngược lại, thánh Anphongsô nhận thức rõ tầm quan trọng của các khía cạnh nghi thức trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, điều vốn đòi hỏi những thời khắc cụ thể của việc bắt đầu và kết thúc. Phần lớn cuộc sống của con người được xây dựng xung quanh những khoảnh khắc như vậy, và các bài linh thao mà thánh Anphongsô gợi ý cho độc giả của ngài phản ánh nhu cầu con người của chúng ta cần có khởi đầu và kết thúc. Ngài cũng ý thức rõ rằng chúng ta luôn liên hệ với Chúa theo một cách nào đó – tốt hơn hay xấu hơn – và mục đích tối hậu của cầu nguyện là đưa chúng ta đến chỗ nhận thức sâu hơn về sự hiện diện của Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của đời chúng ta. Đối với thánh Anphongsô, tất cả cuộc đời là để trở thành một lời cầu nguyện, để được sống trong sự hiệp nhất mật thiết sâu xa với Thiên Chúa. Ngài đưa ra các hình thức cầu nguyện tất cả đều hướng tới việc biến sự hiệp nhất này trở thành hiện thực trong đời sống của các độc giả của ngài.
  8. Cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô cũng có tính tự phát. Điều này có vẻ hơi xa vời với những ai đã quen với các phần khác nhau trong phương pháp tâm nguyện được sắp xếp một cách chặt chẽ của thánh Anphongsô (phần chuẩn bị, những tâm tình từ trái tim, cầu xin, quyết tâm và phần kết thúc). Tuy nhiên, có rất nhiều mức độ của sự tự phát, và thánh Anphongsô đã hiểu được khả năng của con người có thể chạm vào phần sâu xa nhất của lòng mình và cho phép bất cứ thứ gì ở đó khuấy động và trồi lên. “Những phương pháp” cứng nhắc nhất của thánh Anphongsô có thể được ví như một “cái giếng thiêng liêng” giúp một người đi sâu vào trong chính mình để dòng nước của tinh thần con người có thể gặp được dòng nước của Thần Khí Thiên Chúa và trào vọt lên trong những diễn tả tự phát của sự tôn thờ, ngợi khen và tạ ơn. Nếu những phương pháp này không giúp người cầu nguyện làm được điều này, thì thánh Anphongsô sẽ là người đầu tiên đề nghị người đó cần thử một phương pháp khác. Ngài ý thức sâu sắc về sự nguy hiểm của việc “vung tay quá trán”[12].
  9. Việc cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô cũng mang tính chất xin ơn. Thánh Anphongsô khuyến khích độc giả cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa trong nỗ lực sống đời sống thiêng liêng. Ngài muốn họ mở lòng với Chúa và giống như những trẻ thơ, biết mang đến cho Chúa mọi nhu cầu của họ, bất kể đó là: vật chất, tình cảm, tinh thần, thiêngliêng, xã hội. Ngài khuyến khích độc giả của mình mạnh dạn dâng những lời cầu xin của họ và trong sự kiên trì, tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không chỉ nghe họ mà còn đáp lại lời họ xin theo cách tốt nhất cho họ vào một thời điểm cụ thể trong đời họ. Trên hết, ngài khuyến khích độc giả của mình hãy cầu xin những điều mà sẽ kéo họ đến gần Chúa hơn. Chắc chắn, mục đích của lời cầu nguyện xin ơn là gia tăng sự tin tưởng của con người vào Thiên Chúa và giúp nhận thức sâu sắc hơn về tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho họ và cho người mà họ đang cầu xin.
  10. Cuối cùng, việc cầu nguyện theo tinh thần thánh Anphongsô thì mang tính sùng kính, [đạo đức]. Lẽ dĩ nhiên, đời sống bí tích của Hội Thánh phải cố gắng khám phá những cách thức mà các ân sủng nhận được trong những môi trường này [việc đạo đức] có thể được duy trì và đào sâu hơn. Thánh Anphongsô ý thức rằng cầu nguyện trong các việcđạo đức đích thật làm gia tăng lòng nhiệt thành cho đời sống bí tích của con người. Tác phẩm Viếng Thánh Thể của ngài là một ví dụ điển hình cho thấy lòng sùng kính cá nhân có thể được coi như một phần mở rộng của đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Qua những lời cầu nguyện như thế, thánh Anphongsô đã trao cho cho các thế hệ kitô hữu đạo đức những phương thế có tính bổ túc để đào sâu đời sống đức tin của họ. Ngài không bao giờ có ý định lấy những việc đạo đức này để thay thế cho các bí tích, và một khi được thực hiện đúng cách thì những điều này không bao giờ xảy ra. Đối với ngài, những việc đạo đức như vậy đã giúp các cá nhân chuẩn bị bản thân cho cả việc tham dự vào cũng như trân quý đời sống bí tích của Hội Thánh. Vì những việc đạo đức này có thể được cử hành không chỉ cách riêng tư mà còn theo nhóm (ví dụ, tuần cửu nhật, các nguyện đường buổi tối, đàng thánh giá), chúng thường nhấn mạnh đến các khía cạnh cộng đoàn của việc thờ phượng trong Hội Thánh.

Những đặc tính trên đây cho chúng ta một bức tranh đẹp về những gì đứng đằng sau cách tiếp cận của Thánh Anphongsô về cầu nguyện. Nhiều đặc tính không chỉ liên quan đến thánh Anphongsô, mà còn liên quan đến cầu nguyện kitô giáo nói chung. Điều đó không lấy đi bất cứ thứ gì từ thánh Anphongsô, dĩ nhiên rồi. Trên thực tế, điều này được một người nào đó mong đợi, người bận tâm hơn đến việc giúp người khác đào sâu đời sống đức tin của họ hơn là để lại mộtdấu ấn trong lịch sử linh đạo Kitô giáo. Dấu ấn của thánh Anphongsô là lòng nhiệt thành lớn lao của ngài đối với các linh hồn đã khiến ngài cố gắng thử bất cứ phương thế nào theo ý mình để giúp mọi người tin vào sứ điệp về tình yêu diệu vời của Thiên Chúa dành cho họ.

KẾT LUẬN

Vậy chúng ta có thể kết luận như thế nào? Ai trong chúng ta đang cố gắng đi theo thánh Anphongsô không nên để tâm quá nhiều đến phương pháp cầu nguyện của ngài hoặc thậm chí về mối liên hệ của cầu nguyện với các yếu tố chính của linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Các phương pháp cầu nguyện là những hoạt động quan trọng theo đúng nghĩa của chúng, nhưng đã trở nên tụt hậu nhiều so với mối bận tâm chính yếu và trung tâm nhất của thánh Anphongsô, đó là phần rỗi các linh hồn. Thánh Anphongsô đã rao giảng việc thực hành lòng yêu mến của Chúa Giêsu Kitô và dạy người khác cách phát triển tình yêu đó thông qua một thói quen cầu nguyện thực tế và hết lòng. Cầu nguyện đối với ngài là “phương thế tuyệt hảo của ơn cứu độ”. Các phương pháp của ngài luôn phục vụ cho một mục đích tổng quát và không bao giờ được coi là chấm dứt nơi chính nó. Thánh Anphongsô đã rao giảng tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải rao giảng về chính ngài. Chúng ta phải cố gắng làm điều tương tự với tất cả tấm lòng, tâm trí, linh hồn và sức lực của mình.

Phần phân tích cuối cùng, đó là tinh thần của thánh Anphongsô, điều đã thôi thúc ngài viết về cầu nguyện, cách thức ngài đã thực hiện mà chúng ta cần phải thấm nhuần và giữ cho nó luôn sống động trong lòng mình. Chúng ta cần làm như vậy không chỉ qua việc nghiên cứu các tác phẩm của ngài và bối cảnh ngài viết để hiểu động cơ của ngài, mà cònbằng cách nhìn sâu vào thế giới chúng ta đang sống, với tất cả những khó khăn mà ngay cả những tín hữu trung thành nhất cũng phải đối diện mỗi ngày. Chúng ta cũng cần tự hỏi mình câu hỏi mà chắc chắn là điều mà thánh Anphongsô sẽ hỏi lúc này: làm thế nào chúng ta có thể giúp cho một người hay nhiều người sống bên cạnh mình biết đào sâu tương quan của họ với Thiên Chúa?

Việc cầu nguyện của chúng ta hôm nay chính là để tinh thần của Chúa Giêsu có thể thấm sâu vào lòng chúng ta nhiều hơn, làm cho chúng ta thấm đẫm các giá trị Tin Mừng, và cho phép chúng ta, như thánh Anphongsô, giúp những aimà chúng ta phục vụ để nuôi dưỡng mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa. Đối với thánh Anphongsô, không còn gì khác quan trọng hơn. Giúp người khác phát triển và tận hưởng sự thiết thân đó với Thiên Chúa là sứ vụ, mục đích và viễntượng của ngài. Đây cũng đã và đang là sứ mệnh, mục đích, và tầm nhìn của Hội Dòng mà ngài thành lập – và của tất cả những ai đang chia sẻ cùng đặc sủng của Hội Dòng.

CÂU HỎI SUY TƯ

  1. Giáo huấn của thánh Anphongsô về cầu nguyện thì rất thực tế, cụ thể. Ngài giới thiệu cho độc giả nhiều cách cầu nguyện với Chúa với hy vọng mọi người sẽ tìm thấy điều gì đó hữu ích. Bạn có cách cầu nguyện ưa thích nào không? Bạn có thể mô tả về nó thế nào? Tại sao bạn thấy nó hữu ích? Nó có điểm yếu nào không? Có phương thế nào khác để cầu nguyện mà bạn chưa thử, nhưng bạn nghĩ có thể giúp ích cho bạn không?
  2. Cầu nguyện, đối với Anphongsô, thì có tính tương quan. Vậy việc cầu nguyện của bạn có hướng đến một Thiên Chúa ngôi vị không? Nếu có, bạn nghĩ việc cầu nguyện của bạn với Thiên Chúa như thế nào? Việc cầu nguyện của bạn là một cuộc đối thoại hay độc thoại? Bạn nói gì với Chúa? Bạn có bao giờ cảm thấy như thể Chúa đang trả lời mình không? Nếu có, thì những khoảnh khắc đó như thế nào? Chúng có xảy ra thường xuyên không? Bạn có bao giờ cảm thấy như thể Chúa không lắng nghe bạn không? Bạn phản ứng thế nào trong những trường hợp như vậy?
  3. Đối với thánh Anphongsô, cầu nguyện thì mang tính cảm xúc và tự phát. Bạn có thích cầu nguyện không? Bạn có mong chờ nó không? Nó có phải là thứ không thể thiếu đối với bạn chăng? Hay bạn coi nó như một việc vặt vãnh? Việc cầu nguyện có đến cách tự nhiên với bạn không? Bạn thấy mình nói chuyện với Chúa dễ hay khó? Bạn có bao giờ thấy mình đang nói chuyện với Chúa mà không hề nhận ra điều đó không? Bạn thích nhất điều gì về cách mà bạn cầu nguyện? Bạn không thích điều gì về nó?
  4. Cầu nguyện, đối với Anphongsô, phải thành thật và khiêm nhường. Bạn có thành thật trong lời cầu nguyện của bạn không? Bạn có nói với Chúa những rắc rối của bạn không? Bạn có chia sẻ với Chúa những hy vọng và sợ hãi của bạn không? Bạn có nói với Chúa điều có trong tâm trí và cõi lòng bạn không? Bạn có khiêm tốn trong lời cầu nguyện của mình không? Bạn có thừa nhận những điểm yếu và giới hạn của mình trước Chúa không? Những thất bại của bạn? Nếu có, trải nghiệm đó nó như thế nào? Nếu không, điều gì không cho bạn làm như vậy?
  5. Cầu nguyện, đối với Anphongsô, phải kiên trì, liên lỉ. Bạn có thấy mối liên hệ giữa khoảng thời gian cầu nguyện đã được cấu trúc và với phần thời gian còn lại của đời sống bạn không? Việc cầu nguyện của bạn được hòa quyện với các hoạt động hàng ngày của bạn như thế nào? Có thể làm gì để làm cho nó hòa quyện cách dễ dàng hơn? Cụm từ “hãy kiến tạo đời bạn trở thành một lời cầu nguyện” có ý nghĩa gì với bạn? Bạn có thể thực hiện những bước thiết thực nào để tận hiến đời mình trọn vẹn hơn cho Thiên Chúa?

[1] Trích dịch chương I, trong Dennis J. Billy, Plentiful Redemption – An Introduction to Alphongsian Spirituality (Missouri: Liguori Publication, 2001), 3-20. Tác giả là một linh mục DCCT thuộc tỉnh Dòng Baltimore, Hoa Kỳ. Ngài là giáo sư môn Lịch sử Thần học Luân lý và Linh đạo Kitô giáo của Phân Khoa Thần Học Luân Lý Thánh Anphongsô tại Rôma và cũng là tác giả của rất nhiều cuốn sách và các bài báo đã được xuất bản tại Hoa Kỳ.

[2] Chiết trung thuyết (eclecticism): Là một phương pháp không bám chặt vào một nền tảng riêng biệt nào hay một hệ thống các giả định nào cả, nhưng dựa vào nhiều lý thuyết, thể loại, hoặc ý tưởng để đạt đến những nhận thức bổ sung về một đề tài nào đó, hoặc áp dụng các lí thuyết khác nhau cho những trường hợp đặc biệt (ND).

[3] Mental Prayer: một phương pháp cầu nguyện không chỉ bằng lí trí mà bằng cả con tim nữa. Truyền thống DCCT Việt Nam quen gọi là “Tâm Nguyện”. Cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh thì dịch là “Trí Tâm Nguyện” cf. Lưu Quang Bảo Vinh, Thánh Anphong sô – Tiến Sĩ Cầu Nguyệntrong <https://www.youtube.com/watch?v=-XuqNzXP8AY> (Truy cập ngày 18/9/2021).

[4] Alphongsus de Liguori, Prayer, The Great Means of Obtaining Salvation, in The Complete Works of Saint Alphongsus de Liguori, ed. Eugene Grimm, vol. 3 (Brooklyn, St. Louis, Toronto: Redemptorist Father, 1926), 49.

[5] Trong nguyên bản, “red flads” có nghĩa là “những lá cờ đỏ”. Đây là một thành ngữ chỉ về những dấu hiệu hoặc tín hiệu biểu thị một số vấn đề nguy hiểm hoặc phiền toái đang tiềm ẩn hoặc sắp xảy ra (ND).

[6] Alphongsus de Liguori, The Ways to Converse Always and Familiarly With God, in The Complete Works of Saint Alphongsus de Liguori, ed. Eugene Grimm, vol. 2 (Brooklyn, St. Louis, Toronto: Redemptorist Father, 1926), 410.

[7] Ibid., 395.

[8] Ibid., 409.

[9] Ibid., 397.

[10] Ibid., 396.

[11] Pulling the wool over his eyes: kéo sợi len để che mắt Người

[12] “cutting the person to fit the coat”: nghĩa đen: “cắt xẻ con người ra để cho vừa vặn với cái áo khoác”