Niềm khát vọng

“Đầu là niềm khát vọng đích thực của con người”. Trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, có lẽ đã hơn một lần chúng ta tự hỏi mình về điều ấy. Khởi đi từ câu hỏi này người viết muốn nói lên một vài suy nghĩ của bản thân: (1) Thiên Chúa, nguồn khát vọng sâu thẳm của con người; (2) Thiên Chúa, Đấng lấp đầy những nỗi khát vọng ấy.

1. Thiên Chúa, nguồn khát vọng sâu thẳm của con người

Nói đến con người là nói đến khát vọng. Con người vốn đầy giới hạn nhưng lại chứa đầy niềm khát vọng vô biên. Trong mọi thời và mọi nơi, con người luôn mang trong mình một nỗi khát vọng được sống hạnh phúc. Nỗi khát vọng ấy được diễn tả qua nhiều hình thức, qua nhiều việc tìm kiếm khác nhau: Có người tìm kiếm danh vọng địa vị; có người tìm kiếm tiền tài vật chất; người khác tìm kiếm tình yêu, lòng quý trọng… Tất cả việc làm tốt hay xấu đều có chung một mục đích là muốn mình hạnh phúc. Pascal nói: “Mọi người đều muốn hạnh phúc, và điều này không có luật trừ: cho dù họ sử dụng bất cứ phương tiện nào, tất cả đều nhắm đến mục đích đó. Điều làm cho người này thích đi đách giặc, còn người kia lại không, thì cũng là một ao ước ấy trong hai người, chỉ khác là ở hai lối nhìn khác nhau. Một người tự treo cổ để tự sát, cũng chỉ là muốn mình được hạnh phúc” [1].

Chẳng bao giờ cùng, lòng con người như thùng không đáy, có khi nào hết được khát vọng. Nhiều khi vì sự khát vọng quá mức, con người lại làm cho mình thêm đau khổ, bởi không đạt được điều mình mong muốn. Như vậy càng khát vọng sẽ càng khổ, và càng khổ người ta lại càng khát vọng nhiều hơn. Giáo lý Phật Giáo dậy con người để muốn hết khổ, phải diệt dục, nghĩa là diệt bỏ đi hết mọi ước muốn, dù là những ước muốn tốt lành. Sự an nhiên tự tại là ở chỗ không còn tham vọng, và đó là hạnh phúc. Giáo lý ấy theo một bình diện nào đó quả là tốt, bởi nó làm cho người ta biết chấp nhận bản thân, chấp nhận những nghịch cảnh xảy đến mà không bám chấp lệ thuộc, và đạt được như vậy là giải thoát. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, sâu xa hơn, thì chính khi con người muốn diệt hết mọi lòng tham dục, mọi khát vọng nơi bản thân mình, lại là chính lúc họ đang khát vọng mong được hạnh phúc hơn ai hết và hơn lúc nào hết.

Cũng thế, trong sự mò mẫm với những nỗ lực của lý trí, các nhà hiền triết ra công tìm kiếm những con đường triết lý để giúp mình giúp người có được cuộc sống hạnh phúc.

Như vậy, chúng ta nhận một điều rằng đã là người là có khát vọng, khát vọng không cùng, và ẩn tàng bên dưới tất cả mọi khát vọng chính là Thiên Chúa. Mạc khải Kinh thánh cho ta thấy Thiên Chúa là nguồn khát vọng sâu xa của con người. Ngài là nền tảng, là nguyên lý và là cùng đích cho mọi sự tìm kiếm; chỉ nơi Ngài mới có niềm hạnh phúc tròn đầy mà con người hằng khát khao theo đuổi [2].

2. Thiên Chúa, Đấng lấp đầy những nỗi khát vọng ấy

Con người đã từng kinh nghiệm thấy nơi bản thân mình bao tù túng giới hạn: nào bệnh tật, thiếu thốn, vất vả, già nua, và cuối cùng là cái chết. Mặt khác, trái nghịch với những điều ấy, con người muốn vươn mình lên, muốn thoát khỏi tất cả những phiền muộn đau khổ, nhưng điều đó dường như bất lực đối với con người, họ không tìm được sự thoả mãn đích thực ngoài Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy lòng họ, chỉ có Thiên Chúa mới giải quyết mọi vấn nạn của cuộc sống họ, chỉ Thiên Chúa mới mang đến cho họ niềm hạnh phúc đích thực.

Qua Kinh Thánh, nơi Mầu Nhiệm Cứu Độ, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết con người hằng khát vọng Thiên Chúa, chính Người đã gieo vào lòng con người sự đói khát Người, và chỉ Người mới cho họ được phỉ chí toại lòng:

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con chỉ trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3)

“Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa,
Đấng đang ngự trên trời.
Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ” (Tv 123, 2)

“Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130, 6.8)

Tôi chỉ ước mong một điều, đêm ngày tôi khắc khoải

là cho tôi được ở nhà Chúa, suốt mọi ngày đời tôi.

Hầu được cung chiêm Thiên Chúa dịu hiền (Tv 27, 4)

Như thế, tàng ẩn một nỗi khát khao vượt trên mọi sự, đó chính là khát khao Thiên Chúa.

“Ở trên trời, tôi có ai nếu không phải là Thiên Chúa? Dưới đất, tôi ước muốn gì ngoài Thiên Chúa? Xác thịt và tâm hồn tôi hao mòn, hỡi Chúa là đá tảng là phần gia nghiệp muôn đời của tôi” (Tv 73, 25; 42, 2).

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa (x. Ga 1,1), Người đã đến trần gian, để nhân loại được gặp gỡ Thiên Chúa. Người đã hi sinh mạng sống mình, hầu mang lại sự sống và hạnh phúc tràn đầy cho con người: “Tôi đến cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Như vậy Thiên Chúa đã đến lấp đầy nỗi khát vọng của con người, cho con người được sống sung mãn. Ai đến với Người, kết hợp với Người, người ấy sẽ được no đầy hoan lạc.

Thánh Phaolô đã nhận ra Đức Giêsu là tất cả trong mọi sự, nên ngài chỉ khao khát được kết hợp với Người: “Tôi ước mong ra đi để được ở cùng Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Ph 1, 23).

Thánh Augustinô bao nhiêu năm bôn ba rong ruổi để kiếm tìm hạnh phúc, nhưng chẳng điều gì làm ngài thoả mãn, cuối cùng ngài tìm về với Chúa và thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp muôn ngàn đời rực rỡ, nhưng con đã yêu Chúa quá muôn màng. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen: quyền năng Chúa thật lớn lao, sự khôn ngoan Chúa không có thước nào đo được. Con người, thành phần bé mọn trong các thụ tạo của Chúa, hằng muốn ca tụng Chúa, bởi Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng con sẽ không an vui bao lâu chưa được an nghỉ nơi Chúa” [3].

Kết luận:

Trong một thế giới đang đói khát Thiên Chúa, một thế giới đầy dẫy những người nghèo chưa được nghe biết Tin mừng, họ sống không niềm tin, không phương hướng. Hơn ai hết, họ đang cần đến sự loan báo của ta về Thiên Chúa, về Tin mừng tình yêu và sự sống, ta có sẵn sàng mang Chúa đến với họ? Nếu xưa người ta khát vọng mà không biết điều mình khát vọng, ngày nay với niềm tin Kitô giáo cho ta thấy rằng họ đang khát vọng chính Thiên Chúa, Thiên Chúa là nguồn khát vọng đích thực của người nghèo, điều ấy đòi ta có bổn phận đáp ứng. Nhưng trước khi được sai đi, ta hãy ở với Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Người. Người phải là trung tâm đời sống của ta và ta gắn bó kết hợp với Người.

[1] Rey Mermet, CSsR, Tin – Nhãn Quan Mới Về Luân Lý, 1992, Tập I, tr 24.

[2] X. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Năm 1992, Số 27.

[3] Thánh Augustinô, Confession 1,1,1.

Lm. Vincent Trần Trí Tuệ CSsR.