Nỗ lực truyền giáo ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại

Người Công giáo tham dự lễ năm thánh giáo phận Thái Bình tại nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm năm 2009. Đến ngày 31-12-2015, Việt Nam có chừng 6,7 triệu người Công giáo. Ảnh: Peter Nguyễn
Người Công giáo tham dự lễ năm thánh giáo phận Thái Bình tại nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm năm 2009. Đến ngày 31-12-2015, Việt Nam có chừng 6,7 triệu người Công giáo. Ảnh: Peter Nguyễn

Thái Hà (11.03.2017) – UCAN – Chính quyền không thích các đề xuất loan truyền đức tin trong cuốn niên giám Công giáo

Giáo hội Công giáo ở Việt Nam không tăng về số lượng và người chủ biên cuốn niên giám mới cho là do các nỗ lực truyền giáo không hiệu quả.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, chủ biên cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016, cho biết chỉ có 38.050 người lớn theo đạo Công giáo trong năm 2015 nhưng lại có cùng số người bỏ thực hành đức tin.

Cuốn niên giám được xuất bản hồi tháng Hai cho thấy đến ngày 31-12-2015 có 6,7 triệu người Công giáo hay 7% dân số ở quốc gia này. Giáo hội có 45 giám mục, 5,386 linh mục, 4,854 chủng sinh và trên 500,000 thành viên các hội đoàn Công giáo tiến hành.

“Dân số Công giáo chiếm chỉ 7% dân số trong nhiều thập niên qua, điều đó cho thấy công việc truyền giáo gặp nhiều trở ngại,” Cha Sơn, nguyên thư ký hội đồng giám mục, cho biết.

Ngài giải thích trong khi hầu hết người Công giáo chỉ trung thành tham dự các giờ lễ, đọc kinh nhưng thiếu trải nghiệm tâm linh sâu sắc và ít người nhận biết bổn phận truyền giáo của mình.

“Đã đến lúc người Công giáo cần được đào tạo để thực sự gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa và hội nhập những trải nghiệm đức tin vào trong đời sống thường nhật để có thể loan truyền các giá trị Kitô giáo cho tha nhân. Những ai không kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu sẽ không truyền giáo cho tha nhân được”, ngài nói.

Cha Sơn cho rằng truyền giáo là công việc cấp bách ở Việt Nam nơi mà có hàng chục triệu người phủ nhận các giá trị tâm linh và chạy theo hưởng thụ vật chất, và hàng triệu người khác sống dưới mức nghèo khổ, kiếm chưa tới một Mỹ kim mỗi ngày.

Cuốn niên giám đưa ra các đề nghị cụ thể trong việc đào tạo các nhà thừa sai phục vụ 53 dân tộc thiểu số trên cà nước và khuyến khích người Công giáo tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, truyền thông, văn hóa và thể thao để xây dựng một xã hội theo các giá trị Kitô giáo.

Cha Sơn cho biết các giám mục Việt Nam muốn xuất bản cuốn niên giám vào năm 2015 để kỷ niệm 400 năm người Việt Nam đón nhận đức tin Công giáo từ các thừa sai dòng Tên đến Việt Nam năm 1615.

Tuy nhiên Nhà xuất bản tôn giáo ở Hà Nội kiểm duyệt quá lâu và yêu cầu ngài sửa bỏ một số nội dung không có lợi cho nhà nước cũng như trì hoãn việc xuất bản cuốn sách cho tới 20-12-2016.

“Chúng tôi phải mất 15 tháng trời mới nhận được giấy phép từ nhà xuất bản”, Cha Sơn cho biết và thêm rằng chính quyền không thích các đề xuất giúp phát triển giáo hội trong tương lai qua công việc truyền giáo trong niên giám.

Cuốn niên giám mới nhất này được cập nhật từ niên giám đầu tiên được xuất bản năm 2004 và cập nhật năm 2005.

 Nguồn: UCAN tiếng Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.