Nỗi sợ hãi

Chúa Giêsu xác định: “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10:32-33)

Có nhiều người gặp khó khăn trong việc chia sẻ Phúc Âm với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Theo quan điểm thế gian, thật dễ hiểu về sự do dự này của một số người. Đó không phải là vấn đề trốn tránh tôn giáo hay chính trị giữa những người lịch sự. Thông thường, người ta sợ rằng việc chia sẻ lời Chúa một cách thẳng thắn sẽ làm mất lòng bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Tất nhiên không phải là không có lý do. Một số người thân yêu nhất trong đời chúng ta không chỉ im lặng về Chúa, mà họ còn hung hăng xúc phạm Thiên Chúa và niềm tin của chúng ta: “Đừng thuyết giảng cho tôi nghe.”

Nếu không được diễn đạt thành lời theo cách đó, lời nhận xét thường là vô ích khi chủ đề được đề cập. Nhưng chính Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về sự nhụt chí như thế trước sự chống đối quyết liệt, và đó là những lời lẽ khôn ngoan mà chúng ta nên lưu ý. Chúa Giêsu nói: “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.” (Mc 8:38) Đó là lời khuyên nghiêm túc dành cho bất kỳ ai tin vào Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta không nên quên bài học của Phêrô trong sân khi ông chối Chúa, không phải một lần mà là ba lần; điều này xảy ra sau khi Chúa Giêsu cảnh báo về việc ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. (Mt 26:34-35) Tất cả chúng ta biết điều gì đã xảy ra với sự nhát đảm của Phêrô trước nỗi sợ hãi của mình.

Thật may mắn cho Phêrô. Câu chuyện của ông không kết thúc với việc ông thất sủng trong sân. Cuối cùng, ông đã đứng lên được từ đống tro tàn của sự thất bại tâm linh để trở thành “đá tảng” của Đức Kitô. Bất cứ đến nơi nào, ông đều mạnh dạn rao truyền danh Chúa Giêsu. “Xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:10-12) Đó là sự mạnh dạn rao giảng; không phải là cái gì đó trong sự do dự hoặc sợ làm người khác tức giận.

Sự phục hồi của Phêrô đã đưa ông đến đỉnh cao của đức tin, thậm chí cho đến chết trên thập giá theo lệnh của Hoàng đế Nero vào khoảng năm 64 sau công nguyên. Chúng ta có miễn cưỡng tuyên xưng Đức Kitô là Vua đối với gia đình và bạn bè của mình?

Thánh Phaolô đưa ra lời tuyên bố rằng chúng ta nên sốt sắng bắt đầu với lời Chúa: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (2 Tm 4:1-2)

Những lời này không chỉ đơn giản là lời khuyên về cách chúng ta chia sẻ lời Chúa nếu chúng ta không cảm thấy có sự chống đối nào từ những người xung quanh. Đó là điều chúng ta phải làm với tư cách Kitô hữu, bất kể chúng ta ở đâu và bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy được Chúa Thánh Thần bắt buộc phải làm như Đức Kitô truyền dạy chúng ta. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20)

Đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô, bất kể cử tọa là ai. Công việc của chúng ta với tư cách Kitô hữu không phải là khuất phục trước sự sợ hãi của Phêrô, mà là khao khát sự táo bạo của ông.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ maranathia.blogspot.com)