“Non nước con qua ngàn dâu bể …”

Năm nào cũng vậy, từ hơn 5 năm qua, cứ sau ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, sân Hiệp Nhất của Nhà Thờ DCCT Sàigòn lại rộn ràng các buổi họp mặt sinh hoạt đặc biệt, phải nói là thật sự đặc biệt, vì đến dự là các ông bà Thương Phế Binh – Việt Nam Cộng Hòa, phải có chữ “bà” vì trong hơn danh sách 6.000 người tham dự chương trình mang tên “Tri Ân TPB – VNCH”, có hai nữ quân nhân VNCH.

6.000 con người ấy, tuyệt nhiên không một ai lành lặn cơ thể, người thì cụt tay, kẻ thì cụt chân, người thì khiếm thị, kẻ thì khiếm thính…, trang bị đầy đủ gậy, nạng, xe lăn, xe lắc… Một nét đặc biệt khác là không ông bà nào dưới 60 tuổi, vì tuổi động viên vào quân đội VNCH, bình thường là 18 tuổi, năm 75 kết thức cuộc chiến Nam Bắc, người lính VNCH trẻ nhất cũng 18 tuổi, 43 năm qua, người ấy bây giờ phải ngoài 60 rồi còn gì! Thời gian, nghèo khó và những khổ đau làm họ già đi rất nhiều.

Lý giải cho công việc, các Linh Mục phụ trách giãi bày với công luận về sứ mạng của Tu Sĩ DCCT là tìm đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi hơn cả, để yêu thương và phục vụ họ, giúp họ thăng tiến con người toàn diện theo đúng định hướng của Công Đồng Vaticanô II và đúng với mục đich của Hội Dòng, khởi đi từ vị sáng lập, Thánh An Phong.

“Thăng tiến con người toàn diện là phục hồi phẩm giá con người cho họ, phẩm giá mà Thiên Chúa đã yêu thương trao cho họ khi tao dựng nên họ, không ai có quyền cướp mất phẩm giá của họ” (DOCAT 47).

43 năm qua, dù cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc đã chấm dứt, bao nhiêu đau thương dân tộc này phải gánh chịu, những mất mát quá to lớn khó bù đắp. những người “bên thua trận” đã phải tiếp tục chịu sự đau khổ thêm nữa, hàng trăm ngàn quân dân cán chính vào nhà tù hun hút chịu sự đày ải nhiều năm, có người đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, người ở lại với thân thể tàn phế, bị loại trừ, bị khinh bỉ miệt thị, mọi điều cần và phải làm cho người nghèo, người bị khuyết tật họ đã không được hưởng, không được đối xử công bằng như bao người dân Việt khác, không chỉ thế hệ của họ mà cả thế hệ con cháu của họ nữa.

Họ bị kết án với những từ ngữ độc ác: “Ngụy quân, Ngụy quyền”, “nợ máu với nhân dân”… cả một hệ thống giáo dục, tuyên truyền ra sức hành hạ tra tấn tinh thần họ, những lời buộc tội cay đắng ghi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ kế tiếp.

Phát triển con người toàn diện là cụm từ Hội Thánh muốn nói đến sự dấn thân cho phẩm giá con người, không chỉ là một vài buổi khám sức khỏe tổng quát, không chỉ là những món quà mang tên từ thiện, khong phải là những trợ cấp các dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật hay một vài đồng tiền giúp vượt khó khăn… nhưng là công bố cho những người TPB – VNCH và công luận biết: họ không có tội, họ hoàn thành nhiệm vụ công dân thời ly loạn, họ xứng đáng được tuyên dương và ghi ơn khi họ cống hiến tuổi thanh xuân và một phần thân thể của họ cho đất nước, cho dân tộc, cho sự bình an của người khác. Họ phải được giải oan, họ phải được trả lại sự công bằng.

Các Linh Mục Tu Sĩ DCCT ý thức rằng họ chỉ được thăng tiến con người toàn diện khi họ gặp được Đức Kitô, chính Đức Kitô chữa lành cho họ, giải phóng họ khỏi mặc cảm khổ đau và trả lại sự công bằng cho họ. Nhưng Chúa không xuất hiện bằng xương bằng thịt để làm những việc ấy, Ngài cần chúng ta cộng tác với Ngài trong việc dẫn Ngài đến gặp họ.

Không khiêu khích ai cả, không đánh bóng tên tuổi mình, đừng cắt nghĩa theo kiểu ngụy biện cũ rích, không lợi dụng mưu đồ gì cả, đơn thuần chỉ là dến thưa với Chúa:

“Đất nước con qua ngàn dâu bể” xin Chúa thương giúp chúng con vượt qua nỗi sợ hãi tuyệt vọng để cùng nhau đi nốt cuộc đời bên Chúa.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.12.2018

Tựa bài lấy từ tác phẩm “Mùa Hoa Tuyết” của Xuân Điểm

Một số hình ảnh trong dịp gặp mặt thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa với chủ đề “Bên nhau đi suốt cuộc đời” diễn ra từ ngày 26-28/12/2018 tại sân nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn. Hình từ trang Tin Mừng Cho Người Nghèo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.