Phản biện: Người Công giáo có nên làm giỗ 49 ngày, 100 ngày không?

Trong một video đăng tải trên nhiều trang mạng, một cha giáo nổi tiếng cho biết: Khi người chị gái xin lễ giỗ cho bà cố mới qua đời, ngài nhất quyết chỉ làm giỗ một năm nhưng không tổ chức lễ giỗ 49 hay 100 ngày theo ý chị xin lễ. Lí do ngài đưa ra thế này: Đây là việc thuộc về nghi thức bên truyền thống Phật giáo bởi người Phật tử tin rằng linh hồn sau khi chết đi qua 7 cửa, đến hết cửa thứ 7 thì mới siêu thoát. Theo ngài, người giáo dân “không có hiểu cái gì hết và cứ chân trong chân ngoài” nên xin lễ và làm giỗ 49 ngày, 100 ngày cho người quá cố giống người bên tôn giáo khác.

Có ba điểm chính tôi muốn phản biện về bài chia sẻ của vị giáo sư đó như thế này:

1. Về nguồn gốc hai ngày lễ giỗ đó, tôi tìm hiểu trên Youtube thấy có hai bài pháp thoại của hai sư thầy chia sẻ về cách hiểu của Phật giáo liên quan tới những ngày cúng giỗ này.

Trả lời câu hỏi: “49 ngày là của dân tộc Việt nam hay của Phật giáo?”, một sư thầy trả lời: “Nếu nói là của Phật giáo, cũng được. Nhưng mà phật giáo quan trọng là cầu nguyện, chuyển cái nghiệp cho người mất. Còn mượn cái bữa cúng là theo dân tộc Việt Nam.” Còn một thầy khác thì cho biết một thông tin: “Đối với Phật giáo ở các nước Sri Lanka, Thái Lan, Lào, Campuchia, các tăng ni không dạy cho phật tử các tập tục cúng thất, hay 100 ngày như các nước Đại Thừa (trong đó có Việt Nam).”

Như vậy, mệnh đề khẳng định “giỗ 49, 100 ngày là thuộc về nghi thức bên Phật giáo” cần phải được kiểm chứng lại vì ngay cả cách lí giải của hai sư thầy cũng có chút khác nhau rồi. Vị linh mục giáo sư kia có thể đúng khi thấy có nhiều người Phật tử mà ngài quen biết thực hành tập tục ấy, nhưng không có nghĩa là mọi Phật tử ở khắp nơi đều làm như vậy. Đây không phải là nghi thức thuần Phật giáo mà nó còn chịu sự chi phối của yếu tố văn hóa như một sư thầy có nêu ra.

Vậy nên, cần phải có những tìm hiểu kỹ càng hơn kẻo rồi chúng ta hiểu sai giáo lý Phật giáo vì nguồn tiếp cận thông tin của chúng ta không chính xác.

Hơn thế nữa, cho dù nếu quả thật tập tục giỗ 49, 50 ngày là thuần Phật giáo hay tín ngưỡng dân gian gì đi chăng nữa, nếu mình “rửa tội” để hội nhập những yếu tố văn hóa vào nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, thì việc ấy còn mang lại nhiều giá trị hơn là tẩy chay, coi đó như là điều lạc giáo.

Người Công giáo cũng làm lễ giỗ 49 hay 100 ngày, nhưng niềm tin của họ thì không giống người Phật tử. Tôi tin chẳng có người Công giáo đúng nghĩa nào khi đi dự lễ 49 ngày mà lại nghĩ đến chuyện 7 cửa địa ngục gì đó.

Người giáo dân khi đi xin lễ, họ đâu có hiểu theo cách hiểu của bên Phật giáo về việc linh hồn trải qua những cửa ải sau khi chết. Trong những buổi lễ giỗ, tôi chỉ thấy người đọc kinh, cầu nguyện, họp mặt, kể cho nhau nghe những câu chuyện cũ để nhớ về người đã khuất. Tôi không thấy yếu tố Phật giáo nào len lỏi vào trong lời kinh, bữa cơm hay câu chuyện cả. Với họ, đơn giản, đây đơn thuần là ngày gần với ngày người thân mới qua đời, là dịp thuận tiện để các thành viên trong gia đình qui tụ tưởng nhớ người đã khuất. Miễn sao họ không có thực hành như người không có đức tin qua những việc chẳng hạn như: Đốt vàng mã, hay như trên bàn thờ bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.

Chỉ khi có những hiểu nhầm, các vị hữu trách mới cần hướng dẫn sửa lại để thực hành cho đúng chứ không nhất thiết phải cấm đoán, xóa bỏ tất cả.

Điều này cũng giống như chuyện việc: ngày Lễ Giáng Sinh của Công giáo cũng lấy lại từ ngày thờ thần Mặt Trời của dân ngoại đó ư? Nếu cứ cố chấp nói ngày này là của dân ngoại thì thôi, đâu cần cử hành lễ Giáng sinh làm gì!

2. Cha giáo đó nói đúng khi ngày nào cũng là ngày của Chúa, cầu nguyện cho người quá cố, đâu nhất thiết phải là ngày thứ 49 và 100. Nhưng tôi thấy cha vẫn chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa của những ngày lễ giỗ. Bên cạnh lý do qui tụ cầu nguyện cho linh hồn người qua đời, thì quan trọng hơn, đó là dịp để anh em con cháu họ hàng gặp gỡ, động viên, thăm hỏi nhau. Ngày giỗ không những chỉ dành cho kẻ chết mà còn có ý nghĩa cho kẻ sống. Mầu nhiệm hội thánh hiệp thông, thông công, hay hiệp hành là như vậy!

Với tôi, con số 49 hay 50, 100 đi chăng nữa chỉ là mang tính chất tập tục văn hóa. Đó là cột mốc dễ nhớ, gần với ngày qua đời để qui tụ gia đình đọc kinh cầu nguyện. Tại sao không chọn ngày khác? Thưa, vì những con số đó đã quá quen thuộc với người dân rồi. Mà thực ra như thế còn tốt hơn là không ai nghĩ tới việc cầu nguyện xin lễ. Đâu phải ai cũng có ý thức và điều kiện để rồi ngày nào cũng có thể đi lễ, đọc kinh cho người đã qua đời được đâu?

Ngoài ra, khi một gia đình có người thân qua đời, sẽ có nhiều sự đau thương, tiếc nuối. Như thế các ngày 49 hay 100 có thể được hiểu như là thời điểm đánh dấu việc thôi ngừng thời kì đau buồn để trở lại nếp sinh hoạt bình thường trong gia đình sau sự ra đi của người quá cố. Có người lại gặn hỏi: Chết là về với Chúa, có gì mà đau với buồn? Đúng, về với Chúa thì phải vui mới đúng. Nhưng ấy là nói chuyện trên phương diện Đức Tin. Còn trên phương diện con người, ai mà chẳng có những cảm xúc nhớ thương người thân qua đời như vậy! Nếu không có những cảm xúc ấy thì e rằng, người sống và kẻ chết cạn tình ráo máng quá ư?

Trong mục vụ, có nhiều gia đình mâu thuẫn bất hòa thì chính những dịp dỗ lại là dịp hàn gắn, nối kết lại tình thân đã rạn nứt.

3. Tôi có thể cam đoan chắc chắn 100% là trong Giáo Luật không có chỗ nào cấm người ta xin lễ vào những ngày kể trên. Bổn phận của Linh mục là dâng lễ khi người ta muốn mình cầu nguyện một cách chính đáng chứ không phải là ông quan tòa để phán xét lương tâm của người khác. Vì nể, cha dâng lễ cho người ngoài được, tại sao là khước từ người chị ruột của mình để rồi “chị giận em” ? Ngày đó, thay vì là dịp anh chị em cầu nguyện cho đấng sinh thành, lại trở nên cái cớ gây ra lục đục trong gia đình. Nhưng thế liệu có đáng? Vừa sai nguyên tắc thực hành Giáo Luật, vừa sai về tinh thần gia đình!

Như vậy, cá nhân tôi thấy đây chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng mà đưa ra mổ xẻ. Cứ tùy địa phương, tùy hoàn cảnh mà linh hoạt. Chúng ta không cổ võ, cũng chẳng nên cấm cản. Nếu ai hiểu lệch với tinh thần Ki-tô giáo về ý nghĩa những ngày giỗ chạp thì chỉ cần giải thích hướng dẫn để họ hiểu và thực hành cho đúng là được. Không nhất thiết phải làm video và “đăng lên cho cả thế giới nghe” như lời cha giáo bông đùa trong bài chia sẻ!

Cuối cùng, tôi có tra thử Google như lời ngài khuyên các thính giả đang chăm chú lắng nghe phía dưới thì thấy có điều lấn cấn như thế này. Trên trang mạng tổng giáo phận Sài gòn có đưa tin về Lễ giỗ 100 ngày Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (15.06.2018), cũng như lễ giỗ Lễ giỗ 49 ngày cha cố Giuse Maria Đinh Cao Tùng (9.9.2014). Trong cả hai Thánh lễ đều có sự hiện diện của các Đức Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Nếu đúng như những gì cha giáo đó chê trách giáo dân là “có đức tin lơ mơ, tầm bậy tầm bạ, không có hiểu cái gì hết cả;” thì những lời chê bai ấy cũng phải được áp dụng lên các Đức giám mục đã hiện diện trong hai Thánh lễ kia.

Mà tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi tin các Đức Giám mục có dư khôn ngoan và hiểu biết để biết việc mình đang làm.

Đạo thì rộng lượng, đủ sức dung chứa và biến đổi tất cả. Đạo không hẹp hòi cũng chẳng phải là một mớ lề luật khô cứng, vốn thường bị diễn giải theo ý chủ quan của con người.

Duc Trung Vu, CSsR