Québec: thánh lễ bị đánh dấu bằng những vết thương của người bản xứ

Ngày thứ năm 28 tháng 7, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ hòa giải đền thờ Sainte-Anne-de-Beaupré ở Quebec, 70% số ghế dành cho các cộng đồng người bản địa, hãng tin I.Media đã gặp một số người chia sẻ những chấn thương và mong chờ của họ nơi Giáo hội và giáo hoàng.

Trong bối cảnh đánh dấu qua nỗi đau của người dân bản địa có khoảng 5000 người tham dự, khi bắt đầu lễ một nhóm đã giương biểu ngữ ở lối đi trung tâm, trên đó có hàng chữ viết bằng tiếng Anh: Rescind the doctrine “Hủy bỏ học thuyết”. Một phản đối âm thầm   không làm gián đoạn thánh lễ, nhắm vào “Học thuyết Khám phá” do giáo hoàng Nicolas V ban sắc chỉ Romanus Pontifex  năm 1455. Nhiều người bản xứ xin giáo hoàng chính thức thu hồi tài liệu này, một tài liệu ấn định quyền cho bất kỳ quốc gia kitô giáo nào chiếm hữu các vùng đất không phải là kitô giáo, điều có vẻ như một biện minh tôn giáo cho việc thuộc địa hóa.

“Họ nói chúng tôi nói ngôn ngữ của quỷ”

Ông Vaughn Nicholas, thành viên của Quốc gia Thứ nhất  Wolostoq First Nation có mặt trong thánh lễ than phiền: “Các quan chức của Giáo hội đã không từ bỏ Học thuyết Khám phá, họ đã không thu hồi các sắc chỉ của giáo hoàng, các sắc chỉ đã gây tác hại rất nhiều cho người bản xứ!”, ông là người sống sót của các trường nội trú.

Ông nói thêm: “Tất cả chúng tôi đều muốn hòa giải, nhưng hòa giải không thể có cho đến khi sự thật chưa được nói ra.” Giáo hội phải nhận thức được những gì đã xảy ra cho các dân tộc bản địa, không chỉ ở các trường học nội trú, họ phải nhận thức được tác động của học thuyết này.

Theo ông Vaughn Nicholas, quá trình chữa lành “cần nhiều thời gian: “Tôi ở sáu năm trong trường nội trú, thật không dễ dàng để tha thứ cho những gì đã gây ra cho chúng tôi ở đó, những chấn thương này đi theo chúng tôi suốt đời. Chúng tôi không được Giáo hội đối xử như con người. Khi họ đến quê hương chúng tôi, họ nói chúng tôi nói ‘ngôn ngữ của quỷ’. Họ cưỡng bức chúng tôi theo đạo. Những gì xảy ra là diệt chủng”.

Trẻ em bị bắt nạt và bị đánh đập

Ông Vaughn Nicholas rất xúc động với quá khứ thơ ấu, thời của em bé ngây thơ đi chân đất: “Tôi chơi, tôi khám phá mọi nơi với các anh em họ của tôi, chúng tôi nói ngôn ngữ của cộng đồng chúng tôi. Tôi giúp bà tôi gắn mồi vào cần câu, chúng tôi không có nước máy, nhưng chúng tôi có nước sông tinh khiết. Chúng tôi có tự do, có những tràng cười sảng khoái. Đối với tôi, đó là khoảng thời gian hạnh phúc, đó là thiên đường”.

Sau đó, ông kể lại: “Tôi được đưa đến trường nội trú cùng với em gái Iris và anh trai Wayne năm 1955. Tôi chưa từng bị lạm dụng thể chất trước đây. Chúng tôi bị bắt nạt, và khi chúng tôi nói tiếng Anh chêm vào tiếng mẹ đẻ, chúng tôi bị phạt. Tôi sợ những tòa nhà cao tầng này… đối với tôi đó là địa ngục. Không chỉ cho tôi, mà cho tất cả những em bé đã đến đó trước và sau tôi.”

“Chúng ta không thể đổ lỗi cho toàn Giáo hội công giáo”

Trong những ngày gần đây, các cộng đồng bản địa đã chỉ trích giáo hoàng vì ngài đã không xin lỗi Giáo hội như một tổ chức, mà quy trách nhiệm cho các tu sĩ điều hành các trường nội trú. Ông Elmer St. Pierre, lãnh đạo quốc gia của Đại hội các Quốc gia Thứ nhất tránh lời chỉ trích này. Ông nói: “Kể từ khi bắt đầu chuyến đi, giáo hoàng đã xin tha thứ, ngài đã xin lỗi ở Edmonton, ở Québec. Không phải Giáo hội Công giáo đã gây ra tất cả những điều này, mà chính là Chính phủ Canada của chúng tôi”.

Ông Elmer St. Pierre lặp lại xác quyết này: “Giáo hội đã không quyết định loại bỏ di sản, ngôn ngữ của người bản địa, không cắt tóc, không biến trẻ em thành trẻ em da trắng. Các linh mục, nữ tu đã làm, nhưng nếu chính phủ không tổ chức các trường học thì điều này không bao giờ xảy ra. Chính quyền đã đến các làng để mang trẻ con đi”.

Bà Anne Coulter, giáo phận Valleyfield, phía tây Montréal đã đi xe buýt từ 2 giờ sáng để đến “giúp ngày hòa giải”. Bà nói: “Tôi biết có rất nhiều tranh cãi xung quanh lời nói của giáo hoàng, nhưng tôi nghĩ ngài xin lỗi cho những người đã hành động như vậy là đúng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho toàn Giáo hội công giáo, nhưng những người đã làm việc trong các trường này.”

Nhận thức được những mong chờ rất cao, bà Anne Coulter bày tỏ một số bi quan về buổi lễ: “Tôi không biết liệu người bản địa có cần một thánh lễ hay không. Có lẽ nên tổ chức một buổi lễ thanh tẩy theo phong tục của họ, với sự hiện diện của giáo hoàng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iqaluit: chúng tôi để cả đời để chờ giây phút này

Canada: Đức Phanxicô đã làm “một bước đi tới” với người bản địa

Khi bắt đầu lễ, một nhóm đã giương biểu ngữ ở lối đi trung tâm, trên đó có hàng chữ viết bằng tiếng Anh: “Hủy bỏ học thuyết” nhưng không làm gián đoạn thánh lễ.