Rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-23) Chính người Do thái, dân của Thiên Chúa, cũng không chấp nhận thập giá, vì coi đó là sự ô nhục, bị nguyền rủa, làm sao dân ngoại lại không cho là điên rồ?

Giáo Hội ngay từ thời đầu, vẫn tôn kính Thánh giá với hình Chúa bị đóng đinh, để cho mọi người thấy ý nghĩa cao cả của hy sinh vì yêu thương (Ga 15, 13-14) và ý nghĩa chuộc tội, đền tội thay cho cả nhân loại đáng bị phạt vì tội lỗi đã phạm, để luôn nhớ sự công bằng nhưng cũng một mực xót thương của Người khi “Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8, 3) Thân xác Đức Giêsu đã chịu mọi sự khốn trong cuộc khổ nạn, không phải vì Người đã phạm tội nhưng “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1 Pr 2, 24).

Ơn cứu độ đến từ Thập giá có Chúa Kitô chịu đóng đinh trở nên nên biểu tượng của Kitô giáo, là sự tuyên xưng lòng tin của người Công giáo vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chứ không phải như một vật trang sức! Nếu Đức Giêsu có sống lại từ trong cõi chết, trước tiên, Người phải chết thật. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh; rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15, 3-4)

Cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là một cú sốc cho các môn đệ, dù họ đã được Đức Giêsu báo trước ba lần, đã in đậm trong ký ức của họ, đến nỗi, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã phải nhiều lần hiện ra với từng người, cho thấy những chứng tích cuộc khổ nạn còn in trên thân thể Người, thuyết phục họ bằng những chứng cứ trong Kinh thánh, ăn uống trước mặt họ và nhất là lặp lại những cử chỉ, lời nói khi lập phép Thánh Thể lúc thầy trò còn ở trong phòng Tiệc ly…

Bởi vậy, Thánh Phaolô viết: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Kitô bị đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Đó là Kerygma, là trọng tâm lời rao giảng, loan báo tin mừng của Giáo hội từ thời đầu đến mãi về sau của ơn cứu độ đến từ Đức Kitô đã chịu đóng đinh, đã chết và đã phục sinh. Trải qua năm tháng lịch sử với nhiều biến động, đức tin Kitô Giáo phần nào cũng bị ảnh hưởng bởi những khuynh hướng, những chủ thuyết và trào lưu trong nền văn hoá của xã hội, tốt có mà xấu cũng có. Sự việc này đã để lại trong Giáo hội – Thân Thể Chúa Kitô những vết thâm tím, những mảng da bị rứt, những cơ phận bị tổn thương nghiêm trọng, như đã thấy qua những cuộc ly giáo và bội giáo, những dị giáo và trào lưu nghịch với đức tin qua mọi thời.

Dân Việt hôm nay một mặt cảm thấy thoải mái vì có một đời sống khá hơn, với những phương tiện hiện đại phục vụ, nhưng đàng khác lại bất an về sự đánh đổi không thương tiếc về sự tàn phá, huỷ hoại và đầu độc môi trường để đổi lấy sự phát triển kinh tế của nhà cầm quyền, lo sợ về thói tham lam, lừa lọc, giả dối trên mọi lãnh vực, đã điều chỉnh lại mọi tiêu chí và giá trị, đã bất chấp những tiêu chuẩn an toàn về sức khoẻ và tính mạng người dân, trước trùng điệp những hoá chất độc hại tẩm vào thức ăn, và vẫn vô tư ăn để đạt danh hiệu nhất thế giới về ung thư (!?)

Phải chăng vì thế mà mê tín dị đoan phất lên như diều gặp gió, làm các tôn giáo biến chất và trở nên dị dạng? Ngay cả các Kitô hữu cũng bị lây nhiễm, bỏ lời Chúa nên mất định hướng cho cuộc đời, né tránh hy sinh, ngại đau khổ, chỉ muốn Chúa như “cỗ máy tạo phúc”!

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô hướng đến ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng vẫn có cái giá dành cho những ai tin vào Người (x.Mt 6,24); những ơn lành Người ban trợ giúp những tín hữu đang ở trong những hoàn cảnh gian nan khốn khó, vẫn không huỷ bỏ những điều kiện phải có để trở nên môn đệ Người (x.Mt 17,24-26) Vậy, nếu Đức Giêsu không chịu thương khó, chịu chết, liệu có sự phục sinh không? Nếu một Kitô Giáo không có khổ nạn, có phải là Kitô Giáo của Chúa Kitô không?

Chúa Kitô và Giáo hội của Người không cần những ai nhân danh Chúa Kitô để rao giảng một tin mừng không có bóng dáng thập giá, chỉ nói cho tín hữu những điều họ muốn nghe và làm hài lòng họ, thay vì phải nói những gì họ cần nghe, can đảm chấp nhận và đón nhận mọi khó khăn, ngang trái, khổ đau trong cuộc đời để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu thương khó, với hy vọng sẽ có ngày được phục sinh từ trong cõi chết (x.Pl 3,10t)

Mang lấy thập giá Chúa Kitô như một sự làm chứng cho những giá trị hy sinh và đau đớn của Đấng Chuộc Tội, thập giá ấy sẽ, như một cuộc cách mạng, biến đổi cả một nền văn hoá phi thực, chỉ muốn cầu an hưởng phước, chỉ mong được như ý, hiệu quả trong tích tắc.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.