Sự hiện hữu rõ nét trong cái vô hình

The_Ascension-2

“Khi bóng đêm tăm tối bủa vây lấy chúng ta, chúng ta thường thốt lên: “Ôi lạy Chúa, Ngài đang ở đâu? Chúa không còn ở bên chúng ta nữa…” Đôi khi, tất cả những dấu vết bị xóa sạch, như thể những túp lều hay những trại tập trung bị ngọn lửa đốt cháy tàn rụi… Nhưng, ngay cả khi đó, con người vẫn có thể tiếp tục câu nói ấy như sau: “Cho dù Ngài lấy đi của con những gì quý giá và tuyệt vời nhất trên thế giới này, cho dù Ngài làm con đau khổ đến chết, con vẫn luôn tin vào Ngài. Con yêu mến Ngài, mãi mãi, mãi mãi, cho dù Ngài có như thế nào đi nữa”. Đó là dòng suy tư trầm ngâm của Christian Manuel, trước mầu nhiệm của lễ Thăng Thiên.

Lễ Thăng Thiên – một trong những ngày lễ tuyệt vời nhất trong năm phụng vụ, bên cạnh lễ Phục Sinh và lễ Chúa Biến Hình … Việc đầu tiên phải làm đó là gợi nhớ lại cuộc đời của Đấng Cứu Thế, cũng như sự xuất hiện của một nỗi lo sợ… Đó là nỗi lo lắng, bồn chồn làm cổ họng ta nghẹn đắng, khi ta tiễn đưa ai đó ra sân bay, người mà ta yêu thương, người mà ta đã rất lâu rồi không gặp, người mà ta cùng trải qua những năm tháng đẹp đẽ quá đỗi, và cũng là người cất bước ra đi trong khi ta chẳng thể biết được liệu mình còn có thể gặp lại người ấy không.

Chúa không còn ở đó nữa, và từ nay chúng ta phải sống mà không có sự hiện diện của Ngài. Tuy vậy, Ngài đã đoán trước được nỗi sợ này, và theo Lời của Người, Ngài đã gieo vào trong lòng chúng ta những hạt giống của niềm hy vọng bất diệt. Cho đến khi Ngài trở lại. Người phục sinh và hiện ra với các môn đệ. Trong suốt 40 ngày, Ngài kể cho họ nghe về nước Thiên Chúa, và về sự từ biệt cuối cùng khỏi cuộc đời trần thế, để quay về cuộc sống Chúa Ba Ngôi. Ngài muốn sự giã từ ấy thật vinh quang và rõ ràng, khác hẳn với lúc Ngài được phục sinh, lúc mọi thứ diễn ra trong tĩnh lặng và đêm tối của hầm mộ bị đóng chặt bằng đá tảng. Những tông đồ của Ngài thắc mắc với nhau: “Chuyện gì đã xảy ra trong hầm mộ?” , nhưng vào ngày Chúa Thăng Thiên, cảnh vật trông thật huy hoàng, thật rõ nét và thật chân thực (bất chấp nét siêu nhiên của hiện tượng mà họ đang chiêm ngưỡng), đến nỗi sự lo sợ về việc Chúa ruồng bỏ họ đã giảm đi rất nhiều. Các môn đệ nghĩ về tương lai về những điều mà Thiên Chúa đã nói họ: Chờ đợi những gì mà Chúa Cha đã phán hứa; hãy chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần và nhận lấy sức mạnh…

Chúa không còn ở đó, nhưng đối với những tông đồ của Ngài, khoảnh khắc ấy chưa phải là điểm kết thúc. Chúa đã xuống thế làm người và dẫn dắt chúng ta và rồi Ngài đã chết và được phục sinh, để rồi Ngài lại xuất hiện và dẫn dắt chúng ta. Hôm nay, Ngài lên trời, về với Chúa Cha – người mà Ngài hợp thành một thể: “Ai nhìn thấy ta, tức là nhìn thấy Chúa Cha”. Món quà cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho những ai yêu Ngài, đi theo Ngài và dâng hiến cả cuộc đời cho Ngài: Hai thiên thần hiện ra, xác nhận về những gì mà họ đã chứng kiến và mở ra cho họ một chặng đường mới.
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Từng bước, từng bước, hãy làm nhân chứng cho ta, cho đến tận cùng thế giới: Khắp miền Jérusalem, Giudê và Samaria, và tận cùng là thế giới.” Những thiên thần đánh dấu các điểm mốc thời gian cho mệnh lệnh nêu trên, để bảo vệ bản chất con người đáng thương của chúng ta.

Chúng ta sẽ cần những cột mốc ấy, vào những lúc mà tưởng như tất cả dấu vết đã bị xóa sạch. Khi bóng đêm tăm tối bủa vây lấy chúng ta, chúng ta thường thốt lên: “Ôi lạy Chúa, Ngài đang ở đâu? Chúa không còn ở bên chúng ta nữa…” Đôi khi, tất cả những dấu vết bị xóa sạch, như thể những túp lều hay những trại tập trung bị ngọn lửa đốt cháy tàn rụi… Nhưng, ngay cả khi đó, con người vẫn có thể tiếp tục câu nói ấy như sau: “Cho dù Ngài lấy đi của con những gì quý giá và tuyệt vời nhất trên thế giới này, cho dù Ngài làm con đau khổ đến chết, con vẫn luôn tin vào Ngài. Con yêu mến Ngài, mãi mãi, mãi mãi, cho dù Ngài có như thế nào đi nữa”. Chúa Giêsu đã đi khỏi tầm mắt chúng ta, và Ngài sẽ trở lại theo cách cũng vô cùng nhiệm màu. Trong mọi khoảnh khắc, chẳng cần biết chính xác thời điểm, Ngài luôn muốn chúng ta ra đi rao giảng Lời Chúa cho đến tận cùng của thế giới… Đấng Cứu Thế là một minh chứng cho tình yêu , nhưng chính chúng ta cũng có thể trở thành minh chứng cho điều đó, trong sự bí ẩn vô tận của bản thân mình, bằng cách hoàn thiện tác phẩm của tạo hóa, cùng với Chúa.

Nhóm Dịch Bảo vệ Sự sống
Nguồn http://saintmerry.org/une-si-presente-absence/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.