Tại sao tháng Năm được gọi là “Tháng Đức Mẹ”?

Trong truyền thống Công giáo, tháng Năm được biết đến rộng rãi như là “Tháng Đức Mẹ” – một thời gian đặc biệt trong năm được dành riêng để bày tỏ lòng sùng kính đối với Rất Thánh Trinh Nữ Maria.

Vậy tại sao tháng Năm lại được dành cho Đức Mẹ? Điều gì đã dẫn đến mối liên kết này?

Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần hình thành truyền thống này. Trước hết, trong nền văn hóa Hy Lạp và Rôma cổ đại, tháng Năm vốn đã được dành để tôn kính các nữ thần ngoại giáo liên quan đến mùa xuân và sự sinh sản – như nữ thần Artemis (Hy Lạp) và Flora (Rôma). Cùng với các nghi lễ khác của người châu Âu mừng mùa xuân, tháng Năm dần trở thành biểu tượng của sự sống và tình mẫu tử. Điều này diễn ra rất lâu trước khi “Ngày của Mẹ” hiện đại được thiết lập, mặc dù lễ này cũng phần nào phản ánh khát vọng tự nhiên của con người muốn tôn vinh tình mẫu tử vào mùa xuân.

Một linh mục Dòng Tên tại Rôma

Dù từ thời Giáo Hội sơ khai đã có bằng chứng về một lễ kính Đức Maria vào ngày 15 tháng Năm, nhưng phải đến thế kỷ 18 thì tháng Năm mới chính thức được liên kết cách đặc biệt với Đức Mẹ. Theo Catholic Encyclopedia (Bách khoa toàn thư Công giáo), “Việc dâng tháng Năm cho Đức Mẹ theo hình thức hiện nay bắt đầu tại Rôma, nơi Cha Latomia thuộc Đại học Rôma của Dòng Tên – để chống lại tình trạng mất đức tin và sa đọa luân lý nơi sinh viên – đã khấn dâng tháng Năm cho Đức Mẹ vào cuối thế kỷ 18. Từ Rôma, lòng đạo đức này lan rộng đến các trường Dòng Tên khác, và sau đó đến hầu hết các nhà thờ Công giáo theo nghi lễ Latinh.”

Việc dâng trọn một tháng cho Đức Mẹ không phải là điều hoàn toàn mới, bởi trước đó đã có truyền thống “Tricesimum” – một chuỗi 30 ngày sùng kính gọi là “Tháng Đức Bà” (Lady Month).

Lòng sùng kính lan rộng

Các hình thức sùng kính Đức Mẹ trong tháng Năm nhanh chóng lan rộng, như được ghi lại trong Raccolta – một tuyển tập các kinh nguyện được xuất bản vào giữa thế kỷ 19:

“Tháng Năm – là tháng đẹp nhất, tràn đầy hoa tươi – được hiến dâng cách đặc biệt cho Rất Thánh Maria. Lòng sùng kính này đã phổ biến từ lâu trong khắp Kitô giáo; và tại Rôma, không chỉ trong các gia đình mà cả tại nhiều nhà thờ, người ta đều cử hành những buổi cầu nguyện công khai để tôn kính Đức Mẹ.”

Vào ngày 21 tháng 3 năm 1815, Đức Giáo Hoàng Piô VII – qua một Tông sắc của Phủ Quốc Vụ Khanh – đã ban ơn đại xá cho tất cả tín hữu trong Giáo Hội hoàn vũ, những ai cách công khai hay âm thầm tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm qua các lời cầu nguyện sốt sắng hay những việc đạo đức.

Năm 1945, Đức Piô XII đã củng cố truyền thống tháng Năm là Tháng Đức Mẹ bằng cách thiết lập lễ Nữ Vương Maria vào ngày 31 tháng Năm. Sau Công đồng Vaticanô II, lễ này được chuyển sang ngày 22 tháng Tám, và ngày 31 tháng Năm trở thành lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét.

Tháng Năm là một thời gian giàu truyền thống, tươi đẹp và tràn đầy hoa trái thiêng liêng để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến, tôn kính và cậy trông nơi Người Mẹ trên trời của chúng ta – Đức Maria Rất Thánh.

Philip Kosloski

aleteia.org