Tản mạn về lối sống của các Kitô hữu Miền Bắc: Hoa Sen Tháng Sáu

Tháng sáu, ai đi về trên những con đường về miền quê khu vực Hà Tây, Sơn Tây, Hòa Bình, Bắc Ninh – Bắc Giang, Ninh Bình… cứ tới khoảng trống nào thì thấy ở đó, vẫn luôn có những ruộng, đầm sen lớn nhỏ với sắc hồng đặc trưng. Không phải cất công, hoa sen tự nhiên vẫn có thể mọc giữa những ruộng trũng, những hồ ao tự nhiên hay nhân tạo.

Chẳng phải đi đâu quá xa, ngay giữa Hà Nội, Hồ Tây cũng ngát hương sen vào những chiều hè tháng sáu. Trên con đường Cổ Ngư (có lẽ do đọc trại từ Cố Ngự) nay là đường Thanh Niên thì già trẻ, trai gái tản bộ hóng gió giữa hương sen thoang thoảng. Hồ Tây đẹp một phần vì cảnh, vì lưu giữ ở đó từ xưa “đầm sen” khiến cho các vua chúa thời Lý – Trần chọn khu vực ven Hồ Tây để lập cung vãn cảnh. Riêng công chúa Từ Hoa (1138), con Vua Lý Thần Tông đã rời cung về vùng ven hồ Tây dạy dân trồng dâu, nuôi tằm hình thành nên một vùng đất nổi tiếng với nghề tơ tằm, vang danh khắp Kinh thành Thăng Long. Xen giữa cả khu vực rộng lớn ấy, giữa phố xá nhộn nhịp đô hội, cho tới nay người ta vẫn biết tới một làng hoa Ngọc Hà.

(Rước Sancti – G.x Phùng Khoang, Hà Nội, 2019)

Hoa sen không chỉ thấm vào ca dao, tục ngữ như những câu nằm lòng, “trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”; “Hoa sen sao khéo giữ màu, nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai”; nhưng còn trong cổ văn, thần thoại và tín ngưỡng tôn giáo. Như một bài thơ của Tuệ Trung thượng sĩ: “Thu quang hắc bạch tùy duyên sắc, liên nhị hồng hương bất trước nê.” Dịch nghĩa: “Ánh thu tùy duyên mà lúc đen lúc trắng, nhị sen đỏ thơm không nhuốm bùn.” Trời ban cho hình tượng hoa sen, nét đặc trưng và tất cả sức mạnh nội tại vượt lên trên những gì là tù túng, bùn nhơ để vẫn tỏa hương, khoe sắc ngạt ngào.

Hè về, ngoài tiếng ve râm ran, mầu hoa gạo cuối mùa vẫn tô điểm trên cao, còn sắc hồng sen thì mênh mang trên mặt nước. Giữa cái tháng sáu nóng nực đáng sợ của Miền Bắc, các Kitô hữu lại được mời gọi bước vào tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo.” Ngài cũng nhấn mạnh thêm: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!” Qua việc thờ lạy, tôn kính, yêu mến Thánh Tâm Chúa Kitô, các Kitô hữu được dẫn đưa vào sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Với các Kitô hữu Miền Bắc, tháng Thánh Tâm được ghi dấu ấn cách đặc biệt không chỉ là lễ trọng kính Thánh Tâm, nhưng còn có việc “Rước Sancti” rất long trọng. Lễ Sancti, rước Sancti là chữ đầu của tiếng Latin: Sancti Corpus Christi – Mình Thánh Chúa Kitô. Có hội Sancti, có cả giáo họ thuộc xứ Quần Phương tên là Sang Ty (Sancti) và lòng kính mến đặc biệt Mình Thánh Chúa trong tâm hồn các Kitô hữu. Rước Sancti rất long trọng, thời xưa tại Giáo xứ Phùng Khoang phải chuẩn bị cả tuần bởi vì cuộc rước này sẽ rước quanh làng. Mỗi đầu cổng “xóm” đều phải làm cổng chào, nếu là nơi được quy định để đặt Mình Thánh Chúa chầu thì phải làm kỹ hơn và đẹp hơn. Hồi đó, phương tiện trang trí không được như bây giờ, nhưng lại có vẻ đẹp của sự đơn sơ. Các cổng chào, nơi đặt Mình Thánh chầu được kết lá dừa, cắt dán những chữ như “Ta là Bánh Hằng Sống”, “Thịt Ta thật là của ăn”, “Máu Ta thật là của uống”…

(Rước Sancti – G.x Tam Tổng, Thanh Hóa, 2015)

Trong đoàn rước “linh thiêng” ấy, trung tâm là Thánh Thể, mặt nhật (hào quang) được linh mục chủ sự cầm, đi mỗi đoạn, nghe tiếng rung chuông thì các em thiếu nhi tung hoa. Thường thì tất cả các hội đoàn trong giáo xứ đều tham gia những cuộc rước như thế này, có thánh giá nến cao đi đầu, đoàn bát bửu, trống, kèn, rồi các hội đoàn kèm với cờ của hội đoàn mình. Mỗi “trạm” dừng để thờ lạy, linh mục chủ sự sẽ đặt Mình Thánh Chúa lên bục (đã chuẩn bị, trang trí trước đó) để cung kính thờ lạy. Ngày xưa, khi các cụ ông cụ bà đã quen tham dự lễ tiếng Latin thì thường hát bài Tantum ergo bằng đúng tiếng Latin… Tantum ergo Sacramentum… Veneremur cernui… “Đây Nhiệm Tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ… Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.” Trong tiếng chuông, tiếng hát thờ lạy Thánh Thể, khói hương trầm nghi ngút bay lên… Những giây phút ấy không bao giờ quên trong tâm hồn các Kitô hữu. Đó là những giờ phút linh thánh giữa cuộc sống đời thường; đó là những giờ phút mà tâm hồn được chạm tới Thánh Cung Cao Thẳm – là Trái Tim Chúa rất đáng mến yêu thờ lạy.

Khi tôi còn là cậu giúp lễ, mỗi lần rước Sancti tôi đều ấn tượng với khung cảnh này! Ấy là chưa kể đến việc được cùng chuẩn bị các “trạm” đặt Mình Thánh Chúa. Những gì là đẹp nhất đều mang ra trang trí, sắc đỏ của những tấm vải, các hạt cườm và ren được đính lên để trang trí. Sắc sen hồng thấp thoáng trên những chiếc bình đồng cổ kính cùng bái lạy tôn thờ Bí Tích Tình Yêu. Tháng sáu, nắng nóng lắm! Những cây nến được chuẩn bị từ sớm có khi bị uốn cong, cây mầu này có khi chồng lên cây màu khác vì cái thời nghèo khó phải tiết kiệm hết mức. Cả cha, cả con và mọi người mồ hôi lã chã… nhưng lòng mến Thánh Tâm của các Kitô hữu tựa cái nắng tháng sáu, bởi vì Tình Yêu thì phải đáp đền bằng tình yêu.

Tôi nghe mẹ tôi kể, ngày xưa rước Sancti ở Nhà thờ Lớn thì đúng là lớn lắm, rước từ Nhà thờ Lớn qua tận Nhà thờ Cửa Bắc. Còn anh em ở Bùi Chu, Phát Diệm thì kể… rước Sancti ở các vùng đất mà nhiều làng Công Giáo toàn tòng thì các giáo xứ trên đây phải “chạy xa”. Vì việc chuẩn bị làm các “trạm” rất công phu, kỳ công, không chỉ ngày xưa mà còn cho đến tận hôm nay.

Màu của Thánh Tâm Chúa là màu đỏ, màu của tình yêu, của trái tim tinh tuyền đã đổ máu ra trên cây thập giá để cứu chuộc nhân loại. Cây thập giá trên đồi Calvê như đóa sen tỏa ngát hương tình yêu của Con Thiên Chúa, vươn lên giữa trần gian tăm tối của tội lỗi và sự chết để hiến dâng của lễ toàn vẹn cho Thiên Chúa. Hương tình yêu của mầu nhiệm hiến tế ấy lan tỏa khắp nhân gian, để ai đón nhận lấy thì được tái sinh trong sự sống mới. Tình Yêu thì chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu. Các Kitô hữu cũng vậy, đáp lại bằng tình yêu nồng nàn như cái nắng tháng sáu của tháng Thánh Tâm, bằng những gì là nhỏ bé trong việc tôn kính, hay cuộc rước Sancti trọng thể để tỏ lòng mến yêu Bí tích cực thánh này.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Sài Gòn, 10/06/2021)