Tháng Các Đẳng được Giáo hội thiết lập để nhắc nhớ người tín hữu, dù bận rộn đến đâu, vất vả như thế nào, dù muốn dù không, phải đối diện với đích cuối của cuộc sống là cái chết, sẽ chết như thế nào và điều gì sẽ đến sau cái chết?
Tùy theo quan niệm mỗi người về cái chết, nhưng nó như một hành trình đơn côi và trắng tay, không có bạn đồng hành và những chỗ dựa, chẳng mang theo được gì, buộc để lại sau lưng những người mình yêu thương, những gì mình quyến luyến và gắn bó nhất. Vì thế, cái chết làm cho mọi người cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi và né tránh đề cập đến nó.
Tháng Các Đẳng là thời gian sống lòng hiếu thảo biết ơn của những người trọng nghĩa, quý tình. Tưởng nhớ tri ân đến những người thân đã khuất sau nấm mồ, như có ai đã nói “không nhớ đến người chết là bắt họ chết thêm lần nữa”.
Sẽ không chỉ có những giọt nước mắt ngậm ngùi thương nhớ, mà còn có cả những dòng nước mắt hối hận thở than, nhưng chính yếu vẫn là dịp nhắc cho mọi người biết ý nghĩa đích thực của cuộc sống, của cách sống – sống thế nào cho trọn đạo làm người và đạo làm con đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Không chỉ sống lòng biết ơn hiếu thảo khi các ngài còn sống, mà càng phải biết ơn các ngài khi họ đã qua đời, bằng kinh nguyện, những việc lành phúc đức, hy sinh hãm mình, dâng lễ cầu nguyện và nhắc nhở con cháu ghi khắc lòng biết ơn ấy để được sống hạnh phúc và được rỗi; chớ nên quên sự hiện diện của những người thân bên cạnh, đang sống trong một mái nhà, đáng được tôn trọng và yêu thương.
Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng, cái chết không phải là chấm hết mà là một khởi đầu. Sự chết không phải là một cuộc ra đi vào cõi hư không, nhưng là một hành trình trở về nhà Cha trên trời, không phải là sự chia lìa vĩnh viễn mà hướng đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nơi những người được cứu chuộc sẽ hội tụ cùng với các thánh nhân của Thiên Chúa.
Vì thế, người tín hữu tuy sống nhưng luôn chuẩn bị cho lúc phải chết, và tập làm quen với cái chết bằng tinh thần từ bỏ liên tục, nhìn mọi sự ở trần gian với cái nhìn tương đối, bấp bênh, chóng qua; vẫn lo toan cho cuộc sống đời này, chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm, trong tư thế của người sẵn sàng đến với Chúa, khi nghe tiếng gọi. Bởi biết rằng, sẽ có sự tính sổ, phán xét. Những gì trước đây đã làm ra, đã tích góp đều phải bỏ lại, nhưng những gì đã cho đi, giờ nhận lãnh, những gì đã làm theo lời Chúa dạy, sẽ tồn tại đến tận ngai Thiên Chúa.
Tháng Các Đẳng nhắc nhớ những người đã chết trong Đức Kitô, dù chưa là những vị thánh, nhưng đã chắc chắn về ơn cứu độ, cần lắm sự thanh luyện để trở nên tinh ròng, để khoác vào mình chiếc áo cưới thật lộng lẫy, vào dự tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa cùng với những người Chúa đã chọn. Đó là niềm hy vọng Kitô giáo vào đời sống vinh phúc vĩnh cửu. “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ”, là lời thánh Monica trăn trối với thánh Augustino, như mẫu mực của những ai muốn sống sự hiếu thảo theo tinh thần Tin mừng.
Đó là cách báo hiếu hiệu quả nhất rút từ kho tàng ơn cứu chuộc của Đức Kitô khi cử hành thánh lễ cho các đẳng linh hồn, là đưa các ngài từ chốn đau khổ tối tăm vào nơi ánh sáng dịu huyền. Mầu nhiệm các thánh thông công là sự sống thần linh sinh động xuất phát từ Đức Kitô tuôn đổ tràn lan trên Thân Thể Người là Giáo hội, tới tận những chi thể là từng tín hữu.
Đừng nghĩ rằng Chúa phải chờ đợi những lời cầu nguyện của chúng ta để cứu vớt các đẳng, các ngài đã được cứu vớt rồi. Nhưng Chúa muốn mọi tín hữu sống sự hiệp thông các thánh, muốn từng người có sự liên đới hữu hiệu và cụ thể, và cho thấy, mỗi tín hữu còn có thể làm được rất nhiều cho những người thân yêu đã khuất và cho tất cả những ai đã an nghỉ trong tình thương của Chúa.
Giuse Ngô Văn Kha, DCCT