Thánh Clement Hofbauer – Đấng sáng lập thứ hai của DCCT

Thái Hà (12.3.2020) – Thánh Clemente Hofbauer (kính ngày 15.3) được xem như Đấng sáng lập thứ hai của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), bởi ngài đã có công đưa Dòng ra khỏi nước Ý và từ đó Dòng lan tới các nước trên toàn thế giới. Một vị thánh như vậy, ta thường nghĩ ngay trong đầu là khi còn sống, ngài có thể làm được phép lạ, ngài ăn chay hãm mình, sống khắc khổ…Quả thật điều đó có thể đúng với nhiều vị, nhưng với thánh Clemente Hofbauer ta sẽ không thấy những chi tiết này khi đọc tiểu sử ngài. Thay vào đó, rất rõ nét, Đấng sáng lập thứ hai của DCCT nên thánh bởi đức tin mạnh mẽ và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ qua nhiều hoạt động khác nhau, trong một giai đoạn xã hội Châu Âu đang thù nghịch với Giáo hội.

Giửi tới quý vị và các bạn bài viết “Thánh Clement Hofbauer – Đấng sáng lập thứ hai của DCCT” nhân 200 năm ngày thánh nhân về trời:

Thánh Clemente Hofbauer sinh năm 1751 tại Tasswitz, Moravie, nước Đức (nay là một phần của Cộng hòa Séc). Ngay từ nhỏ thánh nhân đã ước ao làm linh mục và ngài luôn theo đuổi ước mơ này, dù có nhiều lý do khác nhau đã ngăn cản ngài tiến tới. Clemente Hofbauer đã lần lượt làm thợ bánh mì khi mới 16 tuổi, rồi sau đó tiếp tục đi học, có lúc lại làm nhà ẩn tu tại Moravie khi 24 tuổi. 3 lần Clemente Hofbauer hành hương tới Rôma tìm cơ hội để được làm linh mục, rồi lại trở về quê làm bánh mì. Ngài bỏ nghề, tiếp tục đi học tại Vienne, rồi lại làm nhà ẩn tu ở Tivoli gần Rôma. Bỏ đời sống ẩn tu, Clemente Hofbauer trở thành sinh viên thần học tại Vienne. Cuối cùng, năm 1785, Clemente Hofbauer trở thành tu sĩ DCCT đầu tiên không phải là người Ý; để đến ngày 29.3.1789 thầy Clemente Hofbauer hoàn thành ước mơ trở thành linh mục khi đã 34 tuổi.

Clemente Hofbauer đã khát khao trở thành linh mục của Chúa như thế nào, thì khi đã là linh mục DCCT ngài cũng khát khao, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi theo tôn chỉ của Dòng như thế.

Sau khi lãnh sứ vụ linh mục, cha Clemente Hofbauer và một người anh em khác trong Dòng được cha Bề Trên Cả truyền cho các ngài vượt dãy núi Alpes đi truyền giáo. Từ đây cha Clemente Hofbauer bắt đầu cuộc đời với những gian truân, khó khăn hơn bao giờ hết.

Nơi đầu tiên cha Clemente Hofbauer đặt chân đến và có ý định lập cơ sở của Dòng là Vienne, Áo. Nhưng chưa khởi công các ngài đã nhìn thấy thất bại. Vua nước Áo lúc bấy giờ là Joseph II vừa mới xóa xổ 800 tu viện trên đất nước. Hơn nữa, hình thức giảng “Đại Phúc”, và mục đích của DCCT là loan báo Tin Mừng chọ tầng lớp dân nghèo lại đang bị cấm nghiêm ngặt trên toàn nước Áo.

Đứng trước khó khăn, các vị ở Trung Ương Dòng từ Rôma đã gợi ý cho các ngài trở lại Ý, nhưng Clemente Hofbauer đã không bỏ cuộc. Rời Áo, Clemente Hofbauer và người bạn của mình tới Varsovie, thủ đô của Ba Lan. Vào cuối thế kỷ XVIII, Varsovie rất phước tạp: nhiều sắc tộc tộc nói những ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là bị xâu xé bởi vấn đề chính trị khi Phổ liên minh với Nga và Áo để thôn tính Ba Lan. Tưởng như hoàn cảnh phức tạp ấy không thuận tiện cho những linh mục chân ướt chân ráo muốn thành lập một cơ sở để hoạt động, nhưng ý Chúa muốn thì không có gì không thể.

Saint Bennon, một nhà thờ tại thủ đô Varsovie trước đây do các cha Dòng Tên coi sóc, nhưng từ khi Dòng Tên bị giải thể năm 1773 thì nhà thờ trở nên hoang tàn do thiếu mục tử. Do vậy, sự xuất hiện của các tu sĩ DCCT lúc này thật đúng lúc. Hội Huynh đệ Saint Bennon đứng ra xin các cha khôi phục các hoạt động mục vụ tại ngôi nhà thờ này.

Saint Bennon dần trở thành một trung tâm sinh hoạt tôn giáo sầm uất: “Mỗi sáng, từ 6 giờ, thứ tự là: một thánh lễ với thánh ca; bài giảng bằng tiếng Ba Lan; một lễ hát; sau đó là bài giảng bằng tiếng Ba Lan và bài giảng khác bằng tiếng Đức; sau cùng là đại lễ long trọng có âm nhạc. Buổi chiều, sau khi viếng Thánh Thể, lại có một bài giảng bằng tiếng Đức; rồi bài giảng bằng tiếng Ba Lan; chặng đàng thánh giá….đôi khi có thêm bài giảng bằng tiếng Pháp”.

Không chỉ bằng lòng với những cử hành phụng vụ sầm uất, các tu sĩ tại Saint Bennon còn lo sao cho đời sống đức tin của người dân mỗi ngày một lớn mạnh, những người nghèo, người bị bỏ rơi được quan tâm về mọi mặt nên hàng loạt công việc mục vụ khác dần mở ra trong suốt thời gian 20 năm tại Saint Bennon. Với tư các là vị Phó Tổng Quyền bên ngoài nước Ý, cha Clemente Hofbauer đã chiêu sinh và đào tạo để có thêm các tu sĩ, linh mục cho cánh đồng truyền giáo. Nhưng đối với thánh nhân, việc truyền giáo không thể chỉ dựa vào các tu sĩ, nhưng còn là công việc chung của cả Giáo hội, đặc biệt nơi những người giáo dân thiện chí. Do đó, cha Clemente Hofbauer quan tâm đào tạo giáo dân để họ trở thành những thừa sai giáo dân cộng tác với Nhà Dòng. Ngài cho ra đời những cộng đoàn giáo dân với những điều lệ rõ ràng. Ngoài Ba Lan, sau này khi các tu sĩ DCCT đi tới Đức, Áo, Thụy Sĩ thì hiệp hội giáo dân cũng lan ra tới các nước đó.

Tại Saint Bennon, khi có thêm tu sĩ, khi có những người giáo dân nhiệt thành cộng tác cũng là lúc các hoạt động khác được mở ra phục vụ cho những người thiệt thòi hơn cả trong xã hội: Trường học bình dân dành cho trẻ nam và nữ, không phân biệt tôn giáo. Có lúc trường đã đạt con số 500 em; Trường kỹ thuật và dạy nghề; Viện mồ côi; Tìm việc cho các em khi ra trường…và lo cho cả những cô gái điếm muốn trở về hòa nhập với xã hội…

Lòng nhiệt thành nơi thánh Clemente Hofbauer, nơi các tu sĩ khác và nơi những người tông đồ giáo dân DCCT không đủ để giữ cho Saint Bennon thoát khỏi những vấn đề thời cuộc. Năm 1795-1796 nước Phổ đánh chiếm và Ba Lan bị xóa khỏi bản đồ và cũng là lúc các tu sĩ DCCT tại Saint Bennon phải dừng mọi công việc mục vụ để rồi mỗi người tản mát một nơi.

Hành trình mới lại bắt đầu, cha Clemente Hofbauer cùng với một số anh em thử nghiệm lập cơ sở Nhà Dòng nhiều nơi khác nhau, từ Vienne (Áo), Munich (Đức), đến Thụy Sĩ và nhiều nước khác nhưng không nơi nào các ngài có thể lập cơ sở Dòng để hoạt động mục vụ ổn định trong một thời gian dài. Vài ba tháng lại phải ra đi vì bị coi là những thành phần nguy hiểm: “Vì lợi ích tập thể và sự an toàn chính trị cho Thụy Sĩ cũng như cho Baviere, bọn thầy tu nguy hiểm này phải bị đuổi ra khỏi lãnh thổ”.

Năm 1808, cha Clemente Hofbauer trở lại thành Vienne một lần nữa và có ý định ở đây một thời gian ngắn, nhưng ý Chúa lại khác. Cha Clemente Hofbauer ở lại thành Vienne trong 12 năm, cũng là những năm cuối đời của ngài. Tại Vienne, cha Clemente Hofbauer đã âm thầm miệt mài giảng dạy, lo tĩnh tâm cho các dòng tu, đến với những người nghèo khổ nơi tư gia cung như ngoài đường phố; đặc biệt, thánh nhân quy tụ “cả đàn ông và phụ nữ, người trẻ và người già, quý tộc và tư sản, học thức và nghệ sĩ, viên chức và giám chức, sinh viên và giáo sư” để hướng dẫn, phổ biến những tư tưởng của ngài và họ dần trở thành những người trong “Hội Hofbauer”. Để rồi chính những người trẻ trong Hội Hofbauer, sau này sẽ nên những linh mục của Chúa (có 36 linh mục, trong đó có 6 giám mục); số khác trở thành những nhà tri thức nước Áo trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng luôn trung thành với đức tin Công giáo Rôma. Họ sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng của cha Hofbauer qua việc viết, dịch sách….đặc biệt là qua các tời báo khác nhau họ phụ trách.

Lòng nhiệt thành lo cho người nghèo, người bị bỏ rơi của cha Clemente Hofbauer không phải ai cũng nhìn nhận, nhất là đối với chính quyền một số nước đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bài tôn giáo từ cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Do đó, cha Clemente Hofbauer trở thành đối tượng “đặc biệt” luôn có trong danh sách của mật vụ các nước.

Khi cha Clemente Hofbauer và người anh em của mình vừa vượt dãy Alpes để vào Áo thì trong sổ tay mật vụ Vienne đã có những dòng sau: “Một vài tu sĩ Dòng Tên ở Rôma (người ta chưa biết tới DCCT, hơn nữa tu phục của DCCT cũng có màu đen như Dòng Tên) đã đến thành phố…Họ đã tuyển chọn những hội viên, nhưng con số là bao nhiêu chúng tôi không được biết. Chúng tôi chỉ biết một trong số ấy: tên hắn là Kunzmann, một thợ bánh mì đã từng sống đời phiêu bạt. Khi nhận hắn, họ cho hắn ăn mặc chỉnh tề và gọi hắn là Emmanuel, rồi cùng hướng đến Mohilev”

Thời kỳ đầu ở Saint Bennon, cha Clemente Hofbauer và các tu sĩ bị những người không ưa chống đối bằng nhiều cách khác nhau: “Người ta chế giễu các ngài trong rạp hát, trên đường phố, lúc thì đối xử với các ngài như những tu sĩ Dòng Tên, lúc thì đối xử như người Đức (người thiểu số Đức tại Ba Lan), người theo Luther (Tin Lành), hoặc như những kẻ cuồng tín”. Khi những hoạt động mục vụ tại Saint Bennon trở nên sầm uất thì chính quyền Phổ đang thôn tính Ba Lan. Họ nghi kị với các ngài, cho các ngài là những kẻ cuồng tín, “truyền bá mê tín, kích động hoang tưởng”. Trong đó, họ coi cha Clemente Hofbauer là “người cuồng tín vượt xa tất cả những kẻ cuồng tín nhất”. Họ o bế các ngài, đến nỗi “khi cha Clemente Hofbauer  treo bức tranh của một vị thánh trong nhà thờ mà không có phép của chính quyền, điều đó xem như một trọng tội.”

Những hoạt động mục vụ của cha Clemente Hofbauer đôi khi cũng trở thành lý do cho người ta nghi ngờ, kết án ngài. Khi mở trường học, mở viện mồ côi tại Saint Bennon ngài bị chính quyền để ý cách đặc biệt, đến nỗi cả mật vụ Áo, Đức cũng nhắm vào ngài (bởi một vài gia đình từ Cracovie hay quê hương Tasswits gửi con tới trường của cha Hofbauer). Do đó mật vụ của Áo, Đức cho ngài như “kẻ bắt cóc trẻ con”.

Năm 1798 khi từ bỏ Saint Bennon sang Áo với ý định lập Dòng, cha Clemente Hofbauer đã bị mật vụ vây bắt vì “vị giáo sĩ có đời sống lang thang lúc bên này, lúc bên kia biên giới, cần được xem như một kẻ thủ đoạn thực sự”. Sau bảy ngày không thể đưa ra tội danh nào hợp lý hơn để kết án, họ đưa ra tối hậu thư cho cha Clemente Hofbauer là phải thả những người trẻ “bị bắt cóc” cho chính quyền. Nhưng khi những đứa trẻ được trả lại với cha mẹ chúng, mật thám vẫn chưa tha cho ngài. Họ phát hiện đã có hai tu sĩ người Áo đang sống tại Saint Bennon và cha Clemente Hofbauer bắt đầu “bị tra hỏi, viết báo cáo”. Hết chịu nổi, cha Clemente Hofbauer đã nổi giận, la hét phản đối chính quyền Áo và như một báo cáo của cảnh sát ghi lại: cha Hofbauer “đã dùng những lời lẽ mất lịch sự”. Sau 106 ngày bị giam cha Hofbauer đã “tẩu thoát và vượt biên giới”.

Một vị thánh lại trở thành con người “nguy hiểm” đối với mật vụ. Lần cuối cùng cha Clemente Hofbauer tới Áo vào năm 1802, cảnh sát và mật vụ luôn theo sát ngài. Họ gài bẫy bằng cách cài người vào Hội Hofbauer, giả dạng là những người đạo đức đến xin lễ ngài để theo dõi, nhưng tất cả đều thất bại. Không chịu dừng lại, kẻ thù luôn bày ra những mưu kế để có thể ám hại: Họ vu cho ngài liên quan đến vụ việc một cô gái 25 tuổi bị mất tích (không lâu sau người ta biết được cô gái này đã trốn ra nước ngoài để gia nhập một dòng tu). Cần có chứng cứ rõ ràng có thể bắt cha Clemente Hofbauer, năm 1818 ba cảnh sát đã xông thẳng vào căn phòng nơi ngài đang ở lục soát, nhưng rồi tất cả đều thất bại, ngoài một vài giấy tờ liên quan đến nhà Dòng tại Trung Ương.

Mặc dù cảnh sát, mật vụ tại Áo luôn tìm cách “tống cổ vị tu sĩ Hofbauer ra khỏi đất nước” nhưng đường lối Thiên Chúa lại khác. Trong báo cáo gửi cho Hoàng đế Áo là Phanxicô I lúc bấy giờ người ta đã lừa dối ông. Tuy nhiên, Hoàng đế đã biết sự thật: Trong một lần đến Rôma, Hoàng đế Phanxicô I đã được nghe Đức Giáo Hoàng Piô VII  ca ngợi về cha Hofbauer. Hơn nữa, chính Hoàng đến đã tới Napoli là cái nôi của DCCT và hỏi dò về Nhà Dòng. Sau chuyến đi này, Hoàng đế đã ra lệnh cho cha Hofbauer phải ở lại Áo và trình luật Dòng để ông có thể phê chuẩn. Tuy nhiên, trước khi chứng kiến Hoàng đến chấp thuận cho Dòng hiện diện tại Áo cách chính thức, thì cha Clemente Hofbauer đã được Chúa gọi về vào ngày 15.3.1820, nhưng “hậu sinh sẽ được gặt hoa trái từ cuộc đời tông đồ thực sự của ngài”.

Cha Clemente Hofbauer được Đức Giáo Hoàng Leo XIII phong chân phước năm 1888. Năm 1909 Đức Giáo Hoàng Piô X phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1914 cũng vị Giáo Hoàng này đặt cho thánh Clemente Hofbauer danh hiệu Tông Đồ và Đấng Bảo Trợ thành Vienna.

Liệt kê, trích dẫn vài biến cố trong đời Đấng sáng lập thứ hai của DCCT nhằm cho thấy lòng nhiệt thành tông đồ và những khó khăn từ chính quyền mà Thánh nhân đã gặp phải. Để kết thúc bài viết, ta có thể coi lời nhận định trong phần giới thiệu tác phẩm viết về thánh Clemente Hofbauer của cha Joseph Heizmann, DCCT: “Thiên Chúa đã đặt để một trái tim vĩ đại nơi thánh Clemente Hofbauer. Người nghèo khó và kẻ thấp cổ bé miệng, kẻ bị bỏ rơi và người thất thế, tất cả đều tìm thấy nơi ngài một người bạn tận tâm.” “Phải chăng ngài là ‘một vị thánh không có phép lạ’ như người ta nói? Nhưng phép lạ liên tục chính là cuộc đời ngài. Trước tiên đó là cuộc đấu tranh dài để thực hiện ơn gọi, rồi lo cho các em nghèo tại Varsovie, sau cùng đấu tranh để Tin Mừng được loan báo theo cách thức mới đến với mọi tầng lớp trong xã hội ở Vienne. Thánh nhân không ngừng thất bại do chiến tranh, do sự cai trị của nhà nước, do bị trục xuất, tù tội, bị đeo đuổi và bách hại, nhưng không bao giờ mệt mỏi. Với tư chất rất người và rất thân tình, ngài đáp lại những nhu cầu của thời đại mà ngài đã nhạy bén cách chắc chắn. Như thế, ngài đã chuẩn bị một sư chuyển tiếp: ‘thành công’ to lớn bắt đầu sau khi ngài qua đời.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản

Viết theo tác phẩm “Thánh Clêmntê Maria Hofbauer” của cha Joshep Heizmann, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.