Thế hệ thời dịch bệnh

Phía sau là toàn thể quân lực hùng mạnh của Pharaon đuổi theo, phía trước là biển đỏ chặn đường, làm sao con cái Israel có thể bình tĩnh, an lòng, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa qua sự dẫn dắt của Môsê?

Khiếp sợ bởi cái chết cận kề, họ thấy mình chỉ là nạn nhân bởi sự kích động của Môsê khi đánh đổi sự an toàn trên đất Ai cập, dù đó là sự an toàn của thân phận nô lệ: khổ nhục nhưng vẫn được ăn no, không tương lai nhưng biết mình vẫn sống, bị đày đọa nhưng chưa đến nỗi bị đẩy vào bước đường cùng như thế này.

Kêu lên Chúa thì Chúa bảo: “Có gì mà kêu đến Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ lên đường… Người Ai-cập sẽ biết Ta là Chúa khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon.” (x.Xh 14, 5-18)

Tin vào Chúa không phải là nắm chắc những bảo đảm, được bảo bọc và được an toàn theo cách hiểu của người đời, nhưng là nắm chắc lời tín trung Người đã hứa, để thấy sự yêu thương trong mọi việc Người làm.

Tin vào Chúa trong thời dịch giã khủng khiếp này không có nghĩa là tin Người sẽ làm một phép lạ ngoạn mục; cầu nguyện cho đại dịch chóng qua không có nghĩa là không trả giá cho những hậu quả dịch bịnh để lại; cầu mong được sống bình an trong cơn dịch không phải là được miễn nhiễm với những mối nguy tiềm ẩn. Sống với dịch bịnh không phải là lối sống nhỏ nhen, ích kỷ và cơ hội, tham lam, dối trá và độc ác.

Đức Giêsu nói đến lối sống “gian ác và ngoại tình của thế hệ này”. Người đã làm một dấu lạ cả thể, như dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.

Thế hệ gian ác và ngoại tình này là thế hệ chúng ta đang sống, đang bị cuốn vào và biến chất. Dẫu cho Chúa như thể vẫn im tiếng, như “đã chết”, cũng hãy nhớ đến lời cảnh báo của Người, khi dân thành Ninivê đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi; khi nữ hoàng phương nam từ biên thùy trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, mà đây có Đấng cao trọng hơn cả? (x.Mt 12, 38-42)

Thế thì phải nhận biết mình đang sống vào thời nào và phải nghe ai?

Chúa thích ban dấu chỉ hơn làm dấu lạ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ diễn tả được những giá trị đức tin của tin mừng có rất nhiều trong trận dịch này.

Những sự đóng góp, chia sẻ nhân ái yêu thương của những tấm lòng rộng mở với nỗi đau của đồng bào; những khoảng thời gian quý giá biết cho đi để phục vụ, đem những gói mì, bó rau từ ruộng vườn tới tận tay người cơ cực.

Sự rung cảm của những tâm hồn trong sáng đối với những người nghèo bị bỏ rơi, san sẻ những vất vả với những người cùng cảnh ngộ, như phần nào xoa dịu những lo toan, lấp đầy những khắc khoải, cho người ta thấy một ý nghĩa để sống – phải sống qua trận dịch này, cho thấy một giá trị để sống – sống xứng đáng với phẩm giá là con người, mặc cho đội quân hùng mạnh của những “Pharaon mới” đang bủa vây tứ bề với muôn vàn sự bóc lột kinh khủng, sự đày đọa kinh hoàng , đang đuổi cùng, giết tận những người dân.

Chỉ cần có tinh thần sám hối, xin Chúa mở mắt mở lòng ra để đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó, sẽ thấy Chúa vẫn ở cùng, vẫn đang hành động và đưa mọi sự vào trong kế hoạch vĩ đại của Người, là Cứu Chuộc nhân loại.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT