Thiên Chúa tốt lành

Con gái lớn của tôi đã được thêm sức vào mùa xuân năm nay. Nó nhận người bảo trợ là Thánh GH Gioan Phaolô II, một sự lựa chọn mà nó tự mình đưa ra nhưng tôi không thể tán thành hơn. Đức giám mục đến giáo xứ và ghi dấu ấn Chúa Thánh Thần cho nó. Sau đó, đầu nó có mùi dầu thánh giống như khi nó chịu phép rửa. Cũng như những đứa trẻ khác, nó đã lớn lên rất nhiều trong niềm vui và nỗi buồn không bao giờ kết thúc của cha mẹ nó.

Bây giờ là mùa Rước Lễ Lần Đầu. Tại giáo xứ của chúng tôi, cũng như tại các giáo xứ trên khắp đất nước, lần đầu tiên các em được rước Chúa Giêsu Thánh Thể. Con trai tôi đã rước lễ lần đầu vào cuối tuần trước, cùng với nhiều bạn của nó. Đó là một dịp vui mừng. Ông bà và cha mẹ tự hào, hân hoan trước sự ngây thơ của lũ trẻ.

Chúng tôi đến nửa giờ trước khi Thánh Lễ bắt đầu. Con trai tôi nghiêng người sang hỏi tôi: “Ba ơi, đến giờ rước lễ rồi, con ăn sáng đã hơn một tiếng rồi phải không?” Tôi đã nói với con trai rằng gần ba tiếng rồi, không có lý do để lo lắng về điều đó nữa.” Hai cha con mỉm cười, nhưng vì những lý do khác nhau: nó cười vì nó đã nhịn ăn, còn tôi cười vì sự ngây thơ thánh thiện của nó.

Tôi nói với nó rằng khi nó lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, nó sẽ đón nhận chính Thiên Chúa – Đấng đã tạo dựng vũ trụ, Đấng đã làm nên mọi sự tốt lành, Đấng đã tạo dựng chúng ta. Tôi nói với nó rằng nó sẽ đón nhận cùng một Thiên Chúa, Đấng đã dẫn dắt dân Ngài thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và là Đấng đã chăm sóc dân Ngài ngay cả khi họ phạm tội. Tôi nói với nó rằng nó sẽ đón nhận cùng một Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra bởi Đức Mẹ tại Bêlem, Đấng đã làm việc bên cạnh Thánh Giuse, Đấng đã chữa lành người bệnh và khiến kẻ chết sống lại, Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Tôi nói với nó rằng khi chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu, khi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài, chúng ta cũng kết hiệp với tất cả những người kết hiệp với Ngài – các thánh vĩ đại, tổ tiên chúng ta trên trời, gia đình và bạn bè chúng ta, cả xa và gần. Tôi nói với nó rằng tôi thường nghĩ đến ông nội của nó, người đã qua đời khi con trai tôi còn rất nhỏ, và làm thế nào để tôi luôn có thể gặp ông ấy cùng với Chúa trong Thánh Lễ. Tôi nói với nó rằng vì điều này mà tôi không bao giờ cô đơn, và con trai tôi cũng sẽ không bao giờ cô đơn.

Tôi tự hỏi: “Nó biết tất cả những điều này, nhưng nó có hiểu chăng? Nó có thực sự hiểu tất cả những gì tôi muốn nó có thể chăng? Nó thực sự biết tất cả những điều này có nghĩa gì chăng?” Nó còn rất trẻ.

Nhưng sau đó tôi nhớ lại vẻ mặt của con trai tôi khi nó trở lại băng ghế sau khi rước lễ. Rạng rỡ. Hớn hở. Tôi không thể không tự hỏi: “Tôi có hiểu không? Tôi có thực sự hiểu tất cả những điều này có nghĩa gì không? Hay tôi đã trở nên quá phức tạp vì lợi ích của chính mình?” Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18:3) Tạ ơn Chúa vì sự ngây thơ của trẻ em.

Đó là mùa thụ phong. Tại giáo phận chúng tôi, cuối tuần này sẽ có được chín tân linh mục. Tôi biết một số người đó. Họ là những người đàn ông tốt, sẽ trở thành những linh mục tốt. Chúng tôi được chúc phúc.

Chín người đàn ông đó đã được giám mục kêu gọi để phục vụ Giáo hội suốt đời họ. Khi đáp lại lời mời gọi đó, chắc chắn họ đã từ bỏ nhiều hơn – và đạt được nhiều hơn – những gì họ có thể hiểu hết. Họ sẽ thay đổi vĩnh viễn, phù hợp qua bí tích Truyền Chức Thánh với chức linh mục của một Thượng Tế duy nhất.

Có người đã từng nói với tôi rằng bất kỳ người đàn ông nào không có ít nhất một chút mong muốn trở thành linh mục thì đơn giản là họ không biết linh mục là gì. Điều đó có lẽ đúng. Người đàn ông nào không hiểu được mong muốn được tách riêng, bảo vệ, hướng dẫn và chăn dắt đàn chiên, hy sinh mạng sống cho đàn chiên?

Người đàn ông nào không muốn tự do biết mình đang chết vì điều gì? Người đàn ông nào không muốn tặng cho những người được giao phó cho mình một món quà lớn hơn bất kỳ món quà nào mà bàn tay con người có thể tạo ra? Người đàn ông nào không bị lay động trước câu Thánh Vịnh: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê”? (Tv 110:4)

Hôn nhân không phải như vậy. Hôn nhân kết thúc bằng cái chết: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mt 22:30) Điều này từng làm tôi buồn. Không phải vì tôi yêu vợ (mặc dù tôi có yêu) cũng không phải vì tôi tưởng tượng rằng Thiên Đàng sẽ bị thu nhỏ nếu thiếu hôn nhân. Hơn nữa, bởi vì tất cả chúng ta đều mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ trường tồn, thậm chí sau khi chết. Tôi chỉ buồn đơn giản là một món quà quá tuyệt vời như hôn nhân – một món quà không bị mất đi trong mùa Thu hay bị cuốn trôi trong trận lũ lụt – lại không trường tồn trong sự chết.

Nhưng theo một cách nào đó, nó có tác dụng đối với những người trong chúng ta may mắn có con cái. Mối ràng buộc hôn nhân có thể không tồn tại sau cái chết. Hôn nhân có thể không ảnh hưởng đến một sự thay đổi bản thể, không thể xóa nhòa như Giáo hội nói với chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy hoặc Truyền Chức Thánh. Nhưng con trai tôi sẽ luôn là con trai của tôi và con trai của vợ tôi. Con gái của tôi sẽ luôn là con gái của cả hai chúng tôi. Tình cha tồn tại. Tình mẹ tồn tại. Thậm chí vượt ngoài nấm mồ.

Lễ Ngũ Tuần gần đến với chúng ta. Mùa Phục Sinh năm nay tràn ngập hồng ân cho gia đình, giáo xứ và giáo phận sẽ lên đến đỉnh điểm là đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Thế giới của chúng ta là thế giới bị phá vỡ. Giáo hội của chúng ta cũng bị tổn thương. Tội lỗi và đau khổ rất nhiều. Nhưng đó không phải là một thế giới khác – “thế giới thực” ngoài kia, mà là thế giới tràn ngập nhịp điệu phụng vụ, bí tích và ân sủng của Giáo hội.

Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới. Ngài làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ. Thật tuyệt vời để nhìn ngắm công trình của Ngài.

STEPHEN P. WHITE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)