Người phụ nữ Samaria với tất cả những vấn đề vướng mắc của chị trong đời sống và tâm hồn, đã gặp Đấng, là Con Thiên Chúa đã đích thân kiếm tìm con người trong những vấn đề của họ, giúp họ tìm thấy những lời giải đúng đắn cho những vấn đề của mình, đã kiên nhẫn giải đáp cho mọi khắc khoải của con người và chỉ bảo cho họ những chân lý đời đời. Đức Giêsu đã giúp chị tìm thấy tận nguồn Nước Hằng Sống được ban như một quà tặng, và giúp chị tìm thấy sự thờ phượng đích thật trong thần khí và sự thật.
Cuộc tranh luận đóng hay mở cửa nhà thờ – tham dự thánh lễ trực tiếp hay trực tuyến mới bắt đầu, nhưng đã làm “nóng” người Công giáo trên toàn thế giới. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, và bên nào ít nhiều cũng “có cái lý” của mình, nhưng tất cả những ý kiến có điểm chung là cùng lo cho quyền lợi và nghĩa vụ của tín hữu, lo cho sinh mệnh và linh hồn của con người.
Rất khó để biện phân và dựa vào những tiêu chí nào để biện phân những ý kiến ấy, nếu đặt vấn đề lên bàn cân lợi và hại, khôn ngoan và kém khôn ngoan trong thời điểm này, thời mà dịch Coronavirus đang phủ bóng tối chết chóc của nó trên nhân loại, không phân biệt ai xấu, ai tốt, ai đáng thương và ai đáng tội; và cũng không ai dám dùng uy tín và vị thế của mình để đưa ra câu trả lời thích đáng, dù đó là một giải pháp “trung dung” cho vấn đề này.
Vậy Lời Chúa trong Chúa Nhật III mùa chay năm A “đặc biệt” hôm nay gợi ra những chuẩn mực nào giúp chúng ta suy tư, cầu nguyện và tìm ra một giải pháp khả dĩ cho vấn đề này?
Khi người đàn bà xứ Samari trong tin mừng thánh Gioan (4,5-42) gợi lên những yếu tố khác biệt, thậm chí đối kháng về chủng tộc và địa lý và việc thờ phượng Thiên Chúa, theo não trạng chung của thời ấy, thần linh được coi như thuộc về một dân tộc và cư ngụ ở một nơi xác định, thì Đức Giêsu mạnh mẽ phủ nhận điều này.
Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải vượt trên những nhân tố đặc thù, những ranh giới về chủng tộc, những khác biệt về địa lý và Ngài tự do đối với mọi quy định của con người. Chính trong “tinh thần” này mà ta được soi sáng để hiểu chủ đích của Đức Giêsu đối với những giới hạn và những cấm cách của thời ấy, cũng như để đón nhận lời Đức Giêsu mà đạt tới “sự thật” mà người ta không thể tự mình tìm ra, bằng lý trí hay khoa học.
Sự thật xuất phát từ Thiên Chúa –gắn liền với chính hữu thể của Thiên Chúa, được mặc khải nơi Đức Giêsu, đối ngược với những “sự thật sai lạc” xuất phát từ con người, được con người bảo vệ, nhất là khi chúng được dùng để phục vụ cho các mối lợi của những quyền lực trên thế gian.
Sự thờ phượng “trong thần khí và sự thật” thuộc về căn tính Kitô hữu, căn tính mời gọi vượt qua những ranh giới xưa cũ, và chắc chắn không được chấp nhận từ những ai mang nặng trong mình về những thứ chủ nghĩa vật chất hoặc những thứ tôn giáo bám vào những “tư duy vật chất.”
Đó là một khó khăn và là cả thách đố nữa cho chúng ta, những người tin theo Đức Giêsu, cũng phải rất nỗ lực để nhìn xa hơn những yếu tố bên ngoài, để thấy được chiều kích nhiệm mầu đích thực ẩn chứa bên trong. Đáng buồn thay, chúng ta thường dừng lại nơi “cái biểu đạt” (là những thực tại hữu hình và hài lòng, mãn nguyện với những tực tại đó) mà quên đi nhận thức về “cái được biểu đạt” (là những thực tại ẩn chứa bên trong, được diễn tả qua các dấu chỉ).
Chính những người tuyệt đối hoá về chủng tộc, nơi chốn và sự thờ phượng (như người Do Thái chỉ tôn thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, còn người Samari lại thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garidim [Ga 4,20]), đã bộc lộ sự hiểu biết hạn chế và làm ngược lại với chính lý do của việc thờ phượng, là tôn thờ một Thiên Chúa cao cả và vô biên, vượt trên những biểu thị của thực tại.
Vì vậy, lời Đức Giêsu mặc khải về việc thờ phượng Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật” hôm nay cho thấy, những hình thái ẩn dụ của mọi hành vi tôn giáo trong việc thờ phượng, chính là để Thiên Chúa vô hình được phụng thờ qua những cử chỉ, những thực tại hữu hình; chính là để thờ phượng Thiên Chúa vô biên và siêu việt mà ngôi thánh đường được tạo tác, được xây dựng trên những vị trí rõ ràng.
“Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, và Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23-24)
Những lời quả quyết của Đức Giêsu nói một cách chính xác về ngôi đền thờ đích thực duy nhất có thể biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Thánh Vô Biên không là gì khác, là con người Đức Giêsu với tư cách là Người Con Duy Nhất (Ga 2, 21), được Chúa Cha sai đến và có đầy đủ tư cách để đại diện cho Người trên cõi đất (x.Ga 6, 27).
Điều này không phủ nhận những nơi chốn, những ngôi thánh đường, những hành vi phụng thờ bên ngoài là vô giá trị, nhưng tính hợp lý và giá trị của các dấu chỉ đòi hỏi “cái biểu đạt” phải trong sáng, được tôn trọng và hướng đến, nếu không, chức năng của “cái được biểu đạt” sẽ lu mờ.
Vì vậy, Đức Giêsu vẫn tôn trọng các thiết chế tôn giáo và giữ tính thích đáng của chúng: “vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái” (Ga 4, 22). Nhưng điều xảy ra là, từ sự đối kháng sắc tộc (Do thái – Samari) dẫn đến sự đối lập sự thờ phượng và độc chiếm Thiên Chúa duy nhất (Giêrusalem – Garidim), nghĩa là “cái biểu đạt” lại được đặt lên trên “cái được biểu đạt”, thì Đức Giêsu đã xoá bỏ và thay thế các đền thờ vật chất bằng chính con người của Người.
Đức Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người đã trả lại cho các thiết chế phụng tự và tôn giáo giá trị thật của chúng là các dấu chỉ, và dù có thờ phượng Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật”, thì những dấu chỉ ấy vẫn có thể không biến mất cũng như không bị loại bỏ trước giá trị mà chúng có nhiệm vụ phải biểu đạt.
Như vậy, việc thờ phượng Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật”, nghĩa là việc thờ phượng phải biết dung hòa giữa “cái biểu đạt” (các cử chỉ, lời nói, các biểu tượng…) và sự ưu tiên dành cho “cái được biểu đạt” (là mầu nhiệm được cử hành, được loan báo…) đến độ không thể có việc loại bỏ hay loại trừ theo cái nhìn nhị nguyên (vật chất đối nghịch với thiêng liêng), nghĩa là khả năng quy tụ hơn là loại trừ, và sẵn sàng vượt qua những xác quyết cứng nhắc và phe phái.
Việc thờ phượng này bắt nguồn từ căn tính Kitô giáo, cũng như từ khả năng làm dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Thánh Vô Biên nơi bản thân Đức Giêsu, trong tư cách là Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, mặc cho sự khó khăn để rạch ròi giữa “cái biểu đạt” để thấy, để nghe, để hiểu qua những ngôn từ, cử chỉ và ý niệm, và “cái được biểu đạt”, là phần bị che dấu nhưng đưa tới mầu nhiệm.
Đây là một thực tại cần được biểu lộ, dẫu mong manh giữa cái hữu hình và sự vô hình.
*Tựa bài BBT đặt lại