Thư của cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT về lễ Thánh Clêmentê và ‘Năm Đời Sống Cộng Đoàn’

Prot. N°: 0000 067/2023

Roma, ngày 15.03.2023

Lễ thánh Clêmentê Maria Hofbauer

 

Thừa sai của Niềm Hy vọng theo bước Chúa Cứu Thế

NĂM TẬN HIẾN CHO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

HP 21-75; QL 026-049; Lc 6,12-16

KÍNH GỬI ANH EM, ỨNG SINH VÀ CỘNG TÁC VIÊN GIÁO DÂN TRONG SỨ VỤ!

1. Chúng ta hân hoan mừng lễ thánh Clêmentê Maria Hofbauer, nhà thừa sai nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9, 16). Từ trẻ em đến người lớn, từ người nghèo đến giới quý tộc và trí thức, tất cả đều được thu hút bởi cử hành phụng vụ diễm lệ và giảng thuyết tuyệt vời của ngài. Clêmentê dạy ta bền lòng và trung thành sáng tạo. Với lòng nhiệt thành, ngài đã khéo léo xoay xở để thực hiện dự án thừa sai của Dòng, dù thất bại này đến thất bại khác. Clêmentê là một con người năng động. Một con người đã vượt qua dãy Núi Alps. Một con người thách đố chúng ta ngày nay trong lịch sử của mình: Làm thế nào ta có thể vượt qua những “dãy núi Alps” của ta nơi giáo xứ, nhà thờ và đền thờ của ta, trong các cuộc đại phúc, trong việc sử dụng phương tiện truyền thông, trong giáo dục, đào tạo, trong các lễ mừng và trong việc quan tâm đến những người bị bỏ rơi nhất và nhất là trong quá trình tái cấu trúc vì sứ vụ? Hofbauer là người dẫn lối cho ta trong thời đại phức tạp này mà ta đang sống, không chỉ cho Hội Dòng mà còn cho đời thánh hiến và cho Giáo Hội.

2. Dưới sự soi dẫn của thánh Clêmentê, chúng ta khai mạc Năm tận hiến cho Đời sống Cộng đoàn. Hiến Pháp của chúng ta dành hai Chương cho Đời sống Cộng đoàn: Cộng đoàn Tông đồ và Cộng đoàn Tông đồ Tận hiến cho Chúa Kitô Cứu Thế (HP 21-76). Các Quy Luật tương ứng cũng sẽ là cơ sở để đào sâu chủ đề trong năm. Ta hãy sáng tạo cầu nguyện và suy niệm về các số HP và QL trong tất cả các cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế. Đoạn Kinh Thánh điển hình giúp ta suy gẫm và cầu nguyện là Lc 6,12-16: Chúa gọi đến với Ngài.

3. Tôi yêu cầu các Bề trên Giám (Phụ) Tỉnh, Miền, Sứ vụ, Cộng đoàn và các Nhà Đào tạo thúc giục các cộng đoàn suy ngẫm và cầu nguyện về chủ đề quan trọng này đối với Đời sống Dòng Chúa Cứu Thế. Tôi khuyến giục mỗi anh em mãnh liệt sống và đào sâu chủ đề này trong suốt cả năm. Chúng ta cần nâng cao phẩm chất đời sống cộng đoàn trong Hội Dòng. Điều này không có nghĩa là ta kém nhưng ta cần nhận ra rằng đó là một điểm yếu trong vita apostolica của ta và tất nhiên, ta phải cải thiện nó nếu ta muốn trở thành Thừa sai của niềm Hy vọng theo bước Chúa Cứu Thế. Các Văn Phòng và Ủy Ban được giao nhiệm vụ thổi hồn cho vita apostolica của chúng ta, trong số đó có Trung tâm Linh đạo, có thể sáng tạo đưa ra các phương thế hỗ trợ cầu nguyện, các ngày tĩnh tâm để đào sâu chủ đề này, cổ võ và khích lệ cũng như giúp đỡ các cộng đoàn nuôi dưỡng linh đạo tông đồ và năng động thừa sai của họ. Tôi gửi thư này như một phương thế hỗ trợ ngày tĩnh tâm hoặc buổi họp cộng đoàn.

4. Với tấm lòng rộng mở, không sợ hãi, không mặc cảm, nhưng hết sức chân thành và chín chắn, ta hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau: Phẩm chất đời sống cộng đoàn ở (Phụ) Tỉnh, Miền, Cộng Đoàn và Sứ Vụ của tôi thế nào? Ta có biết lịch sử cá nhân và ơn gọi của anh em mà ta sống cùng không? Cộng đoàn nơi tôi sống có Kế hoạch Đời sống Cộng đoàn không? Tôi cảm thấy thế nào trong cộng đoàn nơi tôi sống? Nó có mang lại sự sống hay chỉ có những căng thẳng và chia rẽ? Cá nhân tôi có thể góp phần cải thiện đời sống cộng đoàn như thế nào? Đời sống cộng đoàn có phải là ưu tiên trong chương trình cá nhân của tôi không? Làm sao ta có thể cải thiện phẩm chất đời sống cộng đoàn của ta, vừa hoàn thiện bản thân vừa hỗ trợ cho công việc thừa sai của ta? Các cộng đoàn của ta có thu hút những ơn gọi mới không? Làm sao ta có thể tăng cường đời sống cộng đoàn của ta để sống tiến trình tái cấu trúc? Khả năng giải quyết xung đột cá nhân của ta thế nào? Làm sao ta cải thiện sức bật của mình? Làm sao ta hội nhập giáo dân vào cộng đoàn và sứ vụ của ta? Những câu hỏi này và những câu hỏi khác nữa sẽ giúp ta ý thức thực tế của đời sống cộng đoàn của ta, để ứng đáp một cách trung thực và thực hiện các bước cụ thể để cải thiện nó. Đời sống cộng đoàn phải là một không gian để củng cố ơn gọi của ta, tình mật thiết của ta với Chúa Cứu Thế, tinh thần thừa sai và cảm thức thuộc về Hội Dòng của ta.

5. Tổng Công Hội XXVI đưa ra cho ta 5 chủ đề quan trọng để suy tư trong sáu năm này: căn tính, sứ vụ, đời thánh hiến, đào tạo và lãnh đạo. Ta nên suy ngẫm về những chủ đề này, vì chúng là cốt lõi của cộng đoàn thừa sai Chúa Cứu Thế. Ta hãy chân thành hỏi mình và với tư cách là một cộng đoàn: Đâu là căn tính của cộng đoàn Chúa Cứu Thế của chúng ta? Đâu là sứ vụ của cộng đoàn mình? Phẩm chất đời thánh hiến của cộng đoàn mình là gì? Ta đào tạo mình trong cộng đoàn thế nào và làm sao ta thực hiện vai trò lãnh đạo vì sứ vụ trong cộng đoàn của mình? Tài liệu Chung quyết, các Quyết định và Định hướng của Tổng Công Hội XXVI có thể giúp ta hiểu sâu hơn về đời sống cộng đoàn của ta.

6. Căn tính cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế bao gồm ba khía cạnh cơ bản: Đức Kitô Cứu Thế là trung tâm và là nguyên do đời thánh hiến của ta, bản thân người thánh hiến cho Ngài để tiếp nối sứ vụ của Ngài, và những người mà ta được sai đến. Chúng ta là một cộng đoàn nhân vị: Bản vị Đức Giêsu, bản thân mỗi anh em chúng ta, và con người bị bỏ rơi nhất. Do đó, theo Hiến Pháp của chúng ta, nơi ưu việt nhất để hiệp thông và thực thi tinh thần thừa sai là đời sống cộng đoàn… (x. HP 21). Cộng đoàn là nơi ta chia sẻ cuộc sống, lịch sử cứu độ của ta và ký ức về ơn cứu độ của ta. Đó là nơi diễn ra sự hiệp thông (koinonia), phục vụ (diakonia), chứng tá (martyria) và loan báo (kerygma). Trong Hội Dòng không có cá nhân nào như vậy. Sứ vụ được thực hiện nhân danh Chúa Cứu Thế và nhân danh cộng đoàn mà Ngài sai ta đi nhân danh Ngài để đến với những người bị bỏ rơi nhất (x. Lc 4,16-19). Như vậy, bản thân mỗi anh em là một sứ vụ. Anh em diễn tả vẻ diễm lệ của sứ vụ trong bức tranh khảm các khuôn mặt của tác phẩm nghệ thuật chung, qua đó tỏa chiếu sứ vụ của Chúa Cứu Thế trên trần gian. Nếu thế, thì đời thánh hiến Dòng Chúa Cứu Thế mới có ý nghĩa và tiếp tục là một dấu chỉ khi sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của cộng đoàn, và khi linh đạo cá nhân và cộng đoàn được trau dồi, khi cộng đoàn không ngừng hoán cải, và khi mỗi người đồng trách nhiệm về công việc của mình và cuối cùng, khi các lời khấn được sống như một biểu hiện của tình yêu dành cho Đức Kitô, cho anh em và cho dân Chúa. Ta muốn đời thánh hiến nào của Dòng Chúa Cứu Thế cho chính mình và cho Giáo Hội? Làm thế nào để cộng đoàn của chúng ta giúp củng cố chúng ta trong tất cả các khía cạnh này?

7. Toàn bộ nền đào tạo của ta là để phục vụ sứ mạng, thống nhất đời ta với Đức Kitô Cứu Thế và với những người bị bỏ rơi nhất. Thời điểm lịch sử này mà ta đang sống đòi ta phải coi trọng việc đào tạo trường kỳ của mình. Không có đào tạo trường kỳ, ta sẽ tiếp tục đưa ra giải pháp lỗi thời cho vấn đề mới mẻ và ta sẽ trở nên cố thủ trong thế giới của chính mình và rơi vào vòng xoáy nguy hiểm của sự suy sụp. Nền đào tạo của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chỉ kết thúc khi được kết hợp với Chúa vào cuối cuộc hành trình cuộc đời. Đó là lý do tại sao trong năm đời sống cộng đoàn này, mỗi cộng đoàn nên nghiên cứu các đề tài giúp cộng đoàn thực thi sứ vụ của mình. Việc đào tạo trường kỳ bao gồm việc lắng nghe Thần Khí, Đấng ban cho ta sự khôn ngoan, những kỹ năng cần thiết để chú tâm lắng nghe, phân định, hoán cải hàng ngày và giúp phục vụ Dân Chúa. Điều này mở rộng đến cam kết của ta đối với việc huấn luyện cộng tác viên giáo dân trong sứ vụ của ta. Bản chất của việc đào tạo trường kỳ của cá nhân tôi là gì? Và mức độ đào tạo cộng đoàn của tôi là gì?

8. Cuối cùng, cộng đoàn có tổ chức và lãnh đạo. Mỗi anh em phải thi hành sứ vụ của mình với tinh thần đồng trách nhiệm. Cộng đoàn cũng giống như một ban nhạc có nhạc trưởng (các bề trên địa phương) và các nhạc công với nhạc cụ của họ (anh em, những người có tài năng đặc biệt và có nhiều khả năng sáng tạo). Mỗi anh em hãy là mục tử, là người thổi hồn và là người quản trị đời mình theo Hiến Pháp và giúp các bề trên địa phương trong công việc phục vụ đầy thách đố ngày nay (x. HP 73, 92). Các bề trên phải phục vụ cộng đoàn để cộng đoàn được hình thành và phát triển trong Đức Kitô, và để mọi người cùng hiệp lực dấn thân cho công việc loan báo Tin Mừng (x. HP 139). Ta đang thực thi vai trò lãnh đạo cá nhân và cộng đoàn trong cộng đoàn mình thế nào? Đó là một hành trình chúng ta cùng nhau thực hiện! “Can đảm lên, Chúa là Chủ” (T. Clêmentê).

9. Xin thánh Clêmentê truyền cảm hứng cho ta sống mãnh liệt trong năm tận hiến cho đời sống cộng đoàn này, để ta có thể hân hoan loan báo Đức Kitô Cứu Thế khi ta bước theo Ngài làm thừa sai của niềm hy vọng! Xin Mẹ Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp, giúp chúng ta trên hành trình này! Amen.

Thay mặt Hội đồng Trung ương

Tận tình trong Đức Kitô Cứu Thế

Fr. Rogério Gomes, C.Ss.R

Bề Trên Tổng Quyền