Thư mục vụ Mùa Vọng 2014

“Chúa Nhật ngày 30 tháng 11, chúng ta sẽ bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng hướng chúng ta đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, sự hiện diện của Chúa giữa con người trong thế giới, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), một mầu nhiệm biến đổi cả vũ trụ, lịch sử và toàn thể nhân loại. Mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về sự hiện diện của Chúa với chúng ta trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống.” (Trích thư Mục Vụ Mùa Vọng)

————————————————————————————————————–

Logo_TGM_PHERO_copy

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 phố Nhà Chung – Hà Nội

Ngày 22 tháng 11 năm 2014

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG 2014

Kính gửi: Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh,

và anh chị em tín hữu trong Tổng Giáo Phận Hà Nội

Quý cha và anh chị em thân mến,

Chúa Nhật ngày 30 tháng 11, chúng ta sẽ bước vào Mùa Vọng. Mùa Vọng hướng chúng ta đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, sự hiện diện của Chúa giữa con người trong thế giới, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel), một mầu nhiệm biến đổi cả vũ trụ, lịch sử và toàn thể nhân loại. Mùa Vọng năm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về sự hiện diện của Chúa với chúng ta trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống.

Mầu nhiệm nhập thể, sự hiện diện của Chúa và tân Phúc Âm hóa

“Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Với việc nhập thể Thiên Chúa đã hiện diện với nhân loại một cách khiêm nhường như một con người, đã chọn để kinh nghiệm đời người ngay từ lúc thụ thai để sự sống con người được trở nên sung mãn khi kết hợp với chính sự sống của Thiên Chúa. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, “Chúa Kitô một cách nào đó kết hợp với mỗi con người” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, 8) và mang sự hiện diện của Chúa Cha đến với con người trong những kinh nghiệm buồn vui, hạnh phúc và đau khổ của đời người.

Con Chúa nhập thể để qua sự chết và phục sinh biến đổi chúng ta nên những người mang sự hiện diện của Chúa và qua chúng ta mà thế giới được thấm nhập sự hiện diện của Người. Đức tin vào Chúa Kitô không phải là việc riêng tư, được chôn giấu trong nhà thờ hay trong tâm hồn, mà phải tỏa sáng đến những người xung quanh. Trong bữa tiệc ly, ông Giuđa (Tađêô) hỏi Đức Giêsu: “Tại sao Thầy chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14: 22-23). Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được Chúa mời gọi sống Lời Chúa để Chúa có thể tỏ mình ra cho thế gian, mang sự hiện diện của Chúa đến với những người khác trong xã hội hôm nay bằng những cách thức và sáng kiến mới. Đó là nhiệm vụ tân Phúc Âm hóa mà Hội Thánh đang kêu gọi chúng ta thi hành.

Đức Maria là môn đệ trọn hảo của Chúa Kitô và là gương mẫu của công cuộc tân Phúc Âm hóa. Khi Mẹ đến thăm bà Elizabeth, dù chưa nói một lời về Chúa, thì bà Elizabeth đã vội thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì hài nhi trong lòng đã nhảy mừng” (Lc 43-42). Vậy yếu tố cốt lõi của truyền giáo là mang sự hiện diện của Chúa Kitô cho người khác. Đức Maria mang trong mình sự hiện hiện của Chúa cả về thể lý khi cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể và về thiêng liêng bằng việc “nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28). Bà Elizabeth đã nhận ra điều đó và khen ngợi Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng những lời Chúa hứa sẽ được thực hiện” (Lc 1:45).

Mùa Vọng giúp chúng ta “sửa cho ngay đường Chúa đi” và sống gương khiêm nhường vâng phục ý Chúa của Đức Maria để có thể gặp gỡ Chúa và mang trong mình sự hiện diện của Người, sự hiện diện luôn phát sinh niềm vui cứu độ mà chúng ta không thể giữ riêng cho mình, nhưng thúc bách chúng ta chia sẻ với người khác.

Mang sự hiện diện của Chúa đến trong gia đình

Chúng ta hãy mang sự hiện diện của Chúa đến trong gia đình bằng việc tân Phúc Âm hóa, củng cố đức tin trong gia đình mình. Tòa nhà gia đình chỉ bền vững nếu được xây dựng trên nền đá là Lời Chúa. Các gia đình hãy cố gắng có thời gian sinh hoạt chung, hãy đọc kinh chung trong gia đình, cùng nhau tham dự Thánh Lễ là “nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (LG 11). Vợ chồng hãy mang sự hiện diện của Chúa đến cho nhau trong yêu thương, hy sinh, chăm sóc và bổ túc cho nhau. Hãy hàn gắn những rạn nứt trong gia đình và như Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: Đừng bao giờ xảy ra bạo hành trong gia đình. Cha mẹ hãy mang sự hiện diện của Chúa đến cho con cái, những hoa trái và ân huệ của Chúa. Đừng bao giờ phạm tội ác phá thai! Hãy làm cho gia đình là nơi trước tiên con cái có thể kinh nghiệm sự hiện diện yêu thương của Chúa vì được cha mẹ quảng đại sinh ra và tận tâm nuôi dưỡng trong đức tin Công Giáo.

Mang sự hiện diện của Chúa đến trong giáo xứ

Sự hiện hiện đầy vui mừng của Chúa phải được lan tỏa đến một gia đình lớn hơn là giáo xứ bằng việc tân Phúc Âm hóa giáo xứ mà năm nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi chúng ta thi hành với một nhiệt huyết mới. Mỗi giáo xứ được kêu gọi trở nên cộng đoàn đức tin hiệp nhất trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cử hành bí tích, bác ái và liên đới với nhau, đặc biệt với những anh chị em nghèo khó, đau khổ, bệnh tật hay đang mắc ngăn trở về hôn nhân mà không thể lãnh nhận các bí tích.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Hội Thánh là “ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha” và những nhà thờ mở cửa là dấu chỉ sự rộng mở của Hội Thánh (Niềm Vui Tin Mừng, 47). Ước gì các nhà thờ của Tổng Giáo Phận chúng ta, là trung tâm của giáo xứ, trở nên những nơi mà các tín hữu có thể dễ dàng gặp Chúa và lãnh nhận các bí tích. Việc học giáo lý cộng đoàn trước Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như học hỏi lời Chúa và giáo lý nơi các nhóm hay hội đoàn là cần thiết để củng cố đức tin trong giáo xứ. Đức Thánh Cha Phanxicô còn khẳng định: Hội Thánh truyền giáo cho chính mình và cho người khác bằng ngay vẻ đẹp của phụng vụ thánh khi cử hành (Niềm Vui Tin Mừng, 24). Chúng ta hãy chăm sóc giữ gìn nhà thờ, đồ thánh sạch sẽ và cử hành phụng vụ đúng nghi thức với đức tin sốt sáng để mọi người có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa khi cử hành Thánh Lễ và các bí tích. Hãy thăm hỏi và giúp đỡ những người đã lìa xa Hội Thánh đã lâu để trở về hiệp thông với Hội Thánh. Hãy hòa giải những bất hòa và chia rẽ trong giáo xứ hay trong giáo họ. Mỗi giáo xứ hãy liên đới giúp đỡ để tái thiết những nhà thờ giáo họ của mình đang đổ nát và tái truyền giáo những giáo họ nhỏ bé để những nơi đó cũng mang sự hiện diện của Chúa.

Mang sự hiện diện của Chúa đến trong xã hội

Hội Thánh hiện hữu để truyền giáo. Đức tin của chúng ta phải có chiều kích xã hội, có ảnh hưởng đến người khác như Chúa Kitô dạy: “Các con là muối cho mặt đất” và “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5:13, 14). Chúng ta là Hội Thánh và có nhiệm vụ mang sự hiện diện của Chúa đến mọi môi trường xã hội bằng nếp sống diễn tả Tin Mừng qua sự khiêm nhường, phục vụ và những việc bác ái là hoa trái của đức tin.

Chúa đến để thế gian được sống dồi dào. Dịp trước Tết Giáp Ngọ quý cha và anh chị em đã quảng đại giúp chăn ấm cho một số gia đình nghèo. Năm nay, xin anh chị em hãy tiếp tục quảng đại đóng góp vào Chúa Nhật III Mùa Vọng (ngày 14/12) để ban Caritas của Tổng Giáo Phận có thể tặng chăn ấm cho những gia đình nghèo không phân biệt lương giáo vào dịp trước lễ Giáng Sinh, như chia sẻ niềm vui của sự hiện diện của Chúa với mọi người. Xin quý cha tiếp tục kêu gọi giáo dân không vứt rác bừa bãi, cố gắng dọn dẹp cống rãnh, bãi rác, khai thông nước thải để cải tạo môi trường tại giáo xứ hay giáo họ mình đang sống. Là Kitô hữu, chúng ta hãy thi hành nghề nghiệp với lương tâm và trách nhiệm, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người, đừng lỗi luật Chúa trong việc sản xuất nông phẩm và thực phẩm với những chất kích thích hay bảo quản độc hại. Hơn nữa, trước hiện trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, chúng ta hãy tham gia giao thông an toàn với lương tâm và trách nhiệm sống Tin Mừng để bảo vệ mạng sống mình và người khác.

Sau cùng, tôi cầu chúc quý cha và anh chị em một Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh tràn đầy ân sủng và niềm vui của Đấng luôn ở cùng chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô,

(đã ký và đóng dấu)

+Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tổng Giám Mục Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.