Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên: Màu nhiệm Nước Trời

Lời Chúa: Mt 13, 10-17

10Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” 11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Suy niệm:

Mầu nhiệm Nước Trời là một chủ đề xuyên suốt trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu, với 37 lần xuất hiện hạn từ “Nước Trời”. Ngay từ ngày đầu tiên đi rao giảng Đức Giêsu đã nói: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4, 17). Tin Mừng thánh Mát-thêu đã dùng tới 4 chương (từ chương 11 đến chương 13) để nói về mầu nhiệm Nước Trời, mà trong đó chương 13 Đức Giêsu đã thuần túy dùng các dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Điều này cho thấy trong nhiệm cục cứu độ của Đức Giêsu, việc rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời như một trọng tâm không thể bỏ qua, một nhiệm vụ tối cần thiết.

Tuy nhiên, Nước Trời là một thực tại siêu việt không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có thể diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này. Một thực tại mà theo cách nói của thánh Phao-lô, mắt con người chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không hề nghĩ tới, bởi đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 2, 9). Do đó, lối diễn tả bằng dụ ngôn là cách thế hữu hiệu nhất, bởi nó không bị thu hẹp trong những định nghĩa nhưng vươn ra khỏi ngôn từ, đi sâu vào tâm hồn người nghe theo cách cảm nhận của lòng họ. Nếu lòng họ nhạy bén với một niềm tin vào Thiên Chúa thì họ sẽ hiểu, bằng không, điều họ nghe chỉ là cái gì đó thật bí ẩn và khó hiểu.

Quả vậy, không phải ai cũng có thể nghe và thể hiểu về mầu nhiệm Nước Trời. Các môn đệ là những người đã đi theo Chúa, đã tin vào Đấng Mesia, được sự thúc bách của Thần Khí nên các ông có thể hiểu về những gì Chúa Giêsu rao giảng. Đức Giêsu nói đó là một ơn ban (c. 12) và các con thật có phúc (c. 16-17) hãy tạ ơn vì điều đó. Còn những người nghe khác, nhất là những ai có tâm hồn đầy kiêu hãnh, khép kín và định kiến (như các kinh sư và các Pha-ri-sêu chẳng hạn) thì không tài nào hiểu được, vì lòng họ đã ra chai đá và không còn muốn biết thêm điều gì ngoài luật cũ của Mô-sê.

Lạy Chúa, ơn hoán cải là điều rất cần thiết cho tâm hồn chai đá của mỗi chúng con. Nguyện xin tình yêu Ngài thanh tẩy cõi lòng, để nhờ đó chúng con có thể đón nhận những giá trị siêu việt của Tin Mừng khi nghe Lời Chúa và nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống hằng ngày. Amen.

Xuân Hạ, OMI