Thái Hà (22.12.2016) – Sắp tới đây ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực “sẽ trực tiếp xử lý một số vụ việc” tranh chấp đất đai với các tôn giáo đã kéo dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như trên trong cuộc gặp với các đại diện tôn giáo hôm 19/12 tại TPHCM. Video cuộc gặp do trang VTV.vn đăng tải.
Hiện nay, Giáo hội Công giáo cũng như một số tôn giáo khác đang có những tranh chấp đất đai với giới chức trách ở một số địa phương.
Theo trang mạng Chính phủ, sự kiện hôm 19/12 do Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo.
“Vấn đề tiếp cận đất đai của các cơ sở tôn giáo cũng gặp một số trở ngại, hoặc là một số tranh chấp hiện nay.” Ông Phúc nói trước các đại diện của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa hảo và những tôn giáo khác.
“Không phải là nhiều, nhưng là có. Sắp tới đây đồng chí Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực sẽ trực tiếp xử lý một số vụ việc mà tồn tại kéo dài.”
Ông Phúc khẳng định, sẽ “không vì những tồn tại đó mà làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa chính quyền và các cơ sở thờ tự của tôn giáo.”
Tranh chấp đất đai là vấn đề dai dẳng giữa giới chức trách và các tôn giáo ở Viêt Nam. Chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật giáo thống nhất bị cưỡng chế hồi tháng Chín vừa qua cho dự án phát triển kinh tế ở TPHCM.
Bên cạnh đó, các cơ sở Công giáo gần đây có tranh chấp đất đai với giới chức trách gồm Giáo phận Hải Phòng và Vĩnh Long; Đan viện Thiên An và Dòng Lasan ở Huế; Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội; Dòng Chúa Cứu Thế ở Đà Lạt, Nha Trang và còn nhiều nơi khác.
Quốc Hội VN hôm 18/11 vừa qua đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Nhận định về luật này, đại diện của Công giáo trong cuộc gặp là Đức Giám mục Nguyễn Văn Khảm nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật này quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất.”
“Bộ luật này có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây…Phản ánh một cách nhìn xem ra còn nhiều nghi ngại của Chính quyền đối với các tôn giáo.”
Bên cạnh những nét tiêu cực, ngài cũng hoan nghênh những nét tích cực gồm việc công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo trong luật; chính quyền chấp thuận việc thành lập Học viện Công giáo Việt Nam; các cuộc gặp giữa các quan chức Vatican và Việt Nam.
Truyền thông Thái Hà tổng hợp