Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (5): Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp

Thái Hà (28.12.2018) – Hà Nội – Nếu chúng ta giải thích những tài liệu thế kỷ 20, luật giao thông đèn xanh đèn đỏ hoặc luật hôn nhân gia đình hiện nay chẳng hạn, như thể là ở thế kỷ 18 dưới chế độ phong kiến thì chắc chắn không hợp lý. Ở bài trước, chúng ta đã xem xét ba yếu tố khiến cho tiến trình giải thích một bản văn trở nên phức tạp đó là (1) “Người thứ ba,” (2) Rào cản ngôn ngữ, và (3) Khoảng cách văn hóa. Ba yếu tố này cũng đúng trong trường hợp giải thích bản văn Kinh Thánh. Trong bài này, chúng ta tiếp tục xem xét thêm hai yếu tố nữa, đó là (4) Khoảng cách lịch sử, và (5) Tài liệu là sản phẩm của một quá trình phát triển lịch sử và sưu tập.

4. Khoảng cách lịch sử

Khi đọc những bản văn đã được biên soạn từ lâu, ví dụ tờ báo 50 năm trước, chúng ta thấy có nhiều khác biệt so với thời hiện tại và gợi lên nhiều câu hỏi về cách sống, cách ăn mặc, mối bận tâm, cách viết,… của con người thời bấy giờ: Tại sao lại như vậy? Tại sao vấn đề đó lại quan trọng? Tại sao giá báo thấp? Bằng cách nào người ta đã suy nghĩ và phản ứng như họ đã làm? Khi đọc những tài liệu cổ xưa, ví dụ thời Hy Lạp và Rôma cổ đại, chúng ta thường tiếp xúc một “thế giới khác” so với hôm nay – con người và nơi chốn, thực hành và quan niệm, phong tục tập quán,… Đó là lý do các ấn phẩm về các tác phẩm cổ điển thường cung cấp các ghi chú để giải thích những sự kiện và nét đặc trưng của lịch sử quá khứ mà nay không còn thấy trong nền văn hóa hiện tại.

Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh

Giữa chúng ta hôm nay và thế giới của bản văn Kinh Thánh thực sự có một khoảng cách lịch sử rất lớn. Khoảng cách lịch sử này trải dài từ hai ngàn đến hơn ba ngàn năm. Các truyền thống trong Kinh Thánh xuất hiện trong một giai đoạn kéo dài trên 12 thế kỷ. Các yếu tố này cho thấy hai lý do tại sao người giải thích phải bắc nhịp cầu nối hai bờ giữa khoảng cách lịch sử này. Thứ nhất, theo niên đại, Kinh Thánh khởi nguồn từ một bối cảnh rất xa thời hiện tại. Thứ hai, vì các dữ liệu bắt nguồn trong một khoảng thời gian dài như thế, nên cần phải hiểu những bối cảnh lịch sử khác nhau, trong đó, các sách và truyền thống trong Kinh Thánh xuất hiện. Ngoài ra, còn có hai yếu tố nội tại trong chính Kinh Thánh đòi người giải thích phải chú ý đến khoảng cách lịch sử. Thứ nhất, phần lớn Kinh Thánh có hình thức thuật chuyện lịch sử. Gọi Kinh Thánh là một cuốn sách lịch sử là một sự giản lược sai lầm nhưng nó lại thực sự cho thấy một điều là nhiều chất liệu trong Kinh Thánh có dấu vết sự kiện lịch sử. Hiện tượng này không thể bị bỏ qua nếu người ta muốn hiểu Kinh Thánh. Thứ hai, nhiều tư tưởng và suy tư thần học của Kinh Thánh được diễn tả dưới hình thức quá khứ, hiện tại và tương lai, nghĩa là dưới ánh sáng của một nền thần học, nền thần học này vừa theo sát dòng chảy của sự kiện lịch sử vừa được diễn tả bằng những phạm trù dựa trên nhãn quan thần học.

 

5. Tài liệu là sản phẩm của một quá trình phát triển lịch sử và sưu tập

Điều này có nghĩa là tài liệu không phải là sản phẩm của một tác giả và thậm chí không phải là sản phẩm của một khoảng thời gian nào đó. Hiến pháp Hoa Kỳ và các sách giáo khoa chẳng hạn. Chúng đã được viết ra bởi một hoặc nhiều người và được biên soạn, sửa đổi, tu chính đến độ không còn phân biệt được đâu là chất liệu gốc và đâu là chất liệu được thêm vào trừ phi chúng ta so sánh nhiều ấn bản khác nhau.

Trong thế giới cổ đại, khác với khuynh hướng bây giờ, người ta có khuynh hướng tạo ra những sản phẩm từ một sự phát triển tập thể. Ngay cả vào thời Trung cổ, các tác giả cũng thường tìm cách tránh né được coi là tư liệu gốc. Thay vào đó, họ thường biên tập và nối kết những tác phẩm có trước, mà bản thân các tác phẩm đó cũng đã được biên tập. Điều này có nghĩa là các tác phẩm cổ xưa thường là sản phẩm của một tiến trình biên tập lâu dài và phức tạp và thường chứa những tầng lớp các chất liệu và truyền thống khác nhau. Sử gia người Do-thái thời cổ Josephus chẳng hạn, đã sử dụng các trợ lý trong khi viết, vì vậy, một số công trình của ông thực sự là một công trình chung. Ngoài ra, ông cũng thường thâu nhận và viết lại các nguồn mà không nói rõ điều này cũng như chẳng cho độc giả biết nguồn đã được ông sử dụng. Tuy nhiên, đây là thói quen thời bấy giờ trước khi có chuyện tác quyền thời hiện đại. Kết quả của tiến trình phát triển lịch sử và lớn lên này có thể được nhận ra nơi các “ráp nối” trong chất liệu, ở các chỗ sai niên đại trong bản văn, nơi sự khác biệt trong cách hành văn, và thậm chí cả những phần có nội dung đối chọi nhau. Khi giải thích các tài liệu cổ, các đặc tính này phải được xem xét kỹ lưỡng.

Thêm một điều cần lưu ý về các sản phẩm văn chương thời xa xưa. Các công trình này thường được trình bày như thể đó là công trình của một người khác, thường là một nhân vật uy tín trong quá khứ. Người viết dù sống sau vẫn gán công trình của mình cho một nhân vật sống trước đó. Người viết có thể cảm thấy rằng họ đang diễn tả tư tưởng của nhân vật họ gán cho, thậm chí lưu giữ một số chất liệu chính thực. Đôi khi những công trình đó được sản sinh bởi các đệ tử của những nhân vật quan trọng để chuyển trao gia sản tinh thần của sư phụ họ. Những công trình dạng này thường được gán cho những nhân vật uy tín hơn là các đệ tử bởi vì các công trình đó cưu mang tư tưởng của nhân vật uy tín và những đệ tử thì ít danh tiếng hơn. Một ví dụ đó là rất nhiều khảo luận triết học được gán cho Aristotle mà bây giờ người ta cho là đã được viết nhiều năm sau cái chết của ông. Thỉnh thoảng những người viết dạng này cũng cho công trình của họ một thẩm quyền. Một ví dụ đó là rất nhiều văn chương được viết dưới tên Enoch mà Kinh Thánh chỉ nhắc lướt qua (x. St 4:17-18; 5:18-24). Không có áng văn chương Enoch nào đi vào Kinh Thánh dù chúng được nhắc đến trong thư Giuđa 14-15. Nhìn chung, bản chất của những công trình này, được gọi là ngụy thư, có thể được bóc trần bằng một sự phân tích các đặc tính văn chương, ngữ học và lịch sử của bản văn.

Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh

Yếu tố trên – tài liệu là sản phẩm của một quá trình phát triển lịch sử và sưu tập – thì thật rõ ràng trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Cựu Ước. Chúng ta không thể chỉ ra ai là tác giả cụ thể của các tài liệu trong Cựu Ước bởi vì chúng ta không biết ai đã viết các sách đó. Thay vào đó, hầu hết các tác phẩm đã phát triển trong một thời gian dài và có lẽ nhiều người đã góp phẩn vào sự hình thành của các tác phẩm đó. Nếu chúng ta lấy sách Amos là một tác phẩm tiêu biểu của sách ngôn sứ, chúng ta có thể thấy có nhiều chất liệu khác nhau trong sách này. Sự đa dạng này cho thấy khó có thể nói Amos là tác giả của sách này. Trong sách này, ta tìm thấy bốn loại chất liệu: (a) việc viết tên mình trên đầu tác phẩm cung cấp một số dữ kiện lịch sử về vị ngôn sứ (1:1), (b) Phần lớn tác phẩm bao gồm bài ca và phát biểu đươc gán cho vị ngôn sứ (1:2 – 6:14; 8:4-14; 9:5-15), (c) Một số chất liệu là tiểu sử, tương tự việc viết tên ở đầu tác phẩm, và nói về vị ngôn sứ trong ngôi thứ ba (7:10-17), (d) Những chất liệu khác nói về những thị kiến của ngôn sứ và có vẻ là tự thuật nói về chính ngôn sứ trong ngôi thứ nhất (7:1-9: 8:1-3: 9:1-4). Sự đa dạng này trong cuốn sách cho thấy rằng đây là một tác phẩm được biên soạn lại và được cho ra đời bởi một người nào khác chứ không phải là chính vị ngôn sứ. Trong thực tế, tất cả các sách ngôn sứ đều cho thấy cùng loại đa dạng chất liệu như thế này.

Ngoài sự đa dạng về chất liệu văn chương như trên, chúng ta còn có cách khác để nhận ra quá trình sưu tập và vấn đề tác giả của các tác phẩm. Đó là lưu ý đến sự thay đổi về nội dung và quan điểm hoặc sự khác biệt về các hoàn cảnh lịch sử. Từ thời Trung cổ, các học giả đã lưu ý rằng những điều kiện lịch sử, kiểu phát biểu và nội dung của Is 1–39 khác với Is 40–66. Theo đó, Is 1–39 giả thiết một đất nước Giuđa đang gắng sức tự vệ chống lại một đế quốc Assyri hung hăng và hùng mạnh. Trong khi đó, Is 40–66 lại giả thiết dân Giuđa đang ở trong cảnh lưu đày và đế quốc hùng mạnh lúc này là Babylon. Vì vậy, Is 1–39 giả thiết những điều kiện lịch sử của thế kỷ thứ tám trước Chúa Kitô và Is 40–66 là thế kỷ thứ sáu trước Chúa Kitô. Giải thích Is 40–66 như thể là vào thế kỷ thứ tám thì cũng giống như giải thích tài liệu thế kỷ 20, luật giao thông đèn xanh đèn đỏ hoặc luật hôn nhân gia đình, như thể ở thế kỷ 18 dưới chế độ phong kiến thì chắc chắn không hợp lý. Vì vậy, sách ngôn sứ Isaiah cũng như nhiều phần khác của Cựu Ước phải được nhìn như một hợp tuyển các chất liệu của các giai đoạn khác nhau.

LM. JM. Mười Một, CSsR

Đọc thêm:

1. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (1)

2. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (2): Việc giải thích trong đời sống hằng ngày

3. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (3): Việc giải thích trong các ngành chuyên môn

4. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (4): Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.