Thái Hà (10.01.2019) – Hà Nội – Nhiều năm trước, tôi đọc một bài báo thấy một luật sư Công giáo kể rằng một đồng nghiệp không Công giáo của ông đã cho rằng Kinh Thánh đề cao chuyện làm ăn có lời. Vị luật sư này trưng dẫn câu “Lúc khởi đầu đã có Lời” (Ga 1,1) và giải thích “Lời” có nghĩa là lời/lãi. Theo ông, kiếm lời đứng hàng đầu (“lúc khởi đầu”). Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu giải thích bản văn Kinh Thánh như vậy đúng không? Nếu gặp khó khăn, người giải thích bản văn Kinh Thánh có nên tìm sự giúp đỡ nào không? Tìm ở đâu? Giải thích bản văn Kinh Thánh giống và khác giải thích các bản văn khác, quảng cáo chẳng hạn, như thế nào?
Theo George T. Montague, Tân Ước cho chúng ta một minh họa tuyệt vời về việc giải thích bản văn Kinh Thánh. Đó là trình thuật Cv 8,26-40, kể lại mẩu đối thoại giữa Philipphê và viên thái giám người Êthióp. Câu hỏi Philipphê hỏi viên thái giám “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” là một câu hỏi căn bản trong ngành giải thích. Và câu trả lời của viên thái giám “Làm sao tôi hiểu được nếu không có người dẫn giải?” là sự thừa nhận của một người đọc cần sự giúp đỡ. Thật vậy, viên thái giám hiểu các chữ trong bản văn ngôn sứ Isaia đó nhưng không hiểu bản văn có ý nói gì. Hơn nữa, ông không hiểu bản văn đó có ý nghĩa gì đối với bản thân ông. Như trình thuật sau đó cho thấy, bản văn Kinh Thánh ngôn sứ Isaia đó đã trở thành nguồn lực phát sinh một kinh nghiệm đổi đời cho viên quan. Đó là đỉnh cao của một tiến trình đọc bản văn Kinh Thánh. Từ trình thuật Công vụ này, chúng ta tìm thấy được những sức năng động mà bất cứ độc giả nào cũng kinh nghiệm được khi cố gắng hiểu bản văn Kinh Thánh.
Montague đưa ra 12 yếu tố căn bản như sau.
Giải thích bản văn khác với đối thoại
Viên thái giám không phải đang lắng nghe một người giảng hoặc dạy, cũng chẳng đối thoại với một người đang sống. Nếu ông đang nghe hoặc đối thoại thì ông đã có thể hiểu ngay điều người kia muốn nói hoặc có thể hỏi để làm sáng tỏ vấn đề khúc mắc. Người nói cũng có thể kiểm tra xem người nghe có hiểu chính xác ý mình không. Viên quan cũng không lắng nghe một bản văn đang được đọc. Ông đang đọc bản văn. Nếu ai đó đọc cho ông nghe thì ông có thể nắm bắt vài ý tưởng, ít là dựa vào cách người đọc hiểu bản văn như thế nào, ngang qua cung giọng của người đọc, biểu cảm qua gương mặt, ngắt câu,… Trong một số trường hợp đọc thành tiếng thì những yếu tố này có thể đã đủ để làm sáng tỏ ý nghĩa bản văn. Nhưng trong trường hợp viên quan đây, ý nghĩa vẫn chưa rõ. Như vậy, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý đó là bối cảnh của việc thông tri: đó là đối thoại hay bản văn. Giải thích bản văn thì khác với đối thoại.
Sách quý hiếm
Sự kiện ông quan đang đọc một bản văn Kinh Thánh là ngoại thường vì mọi bản văn Kinh Thánh vào thời đó đều là viết tay trên chỉ thảo (papyrus) hoặc da thuộc (parchment). Trong khi những bản sao được cất giữ trong các nguyện đường thì chỉ những người giàu có mới có thể có bản sao riêng. Viên thái giám này chắc chắn là người giàu có.
Nền văn hóa truyền khẩu
Sự kiện ông có thể đọc cho thấy ông thuộc vào số ít ỏi những người có học thời bấy giờ. Nền văn hóa thời đó phần lớn mang tính truyền khẩu hơn chúng ta hôm nay. Ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt ý nghĩa tôn giáo, được diễn tả trong những hình thức khác với hình thức viết. Phụng tự tôn giáo vì vậy là người giải thích hàng đầu về ý nghĩa cuộc sống. Các Ki-tô hữu sau này sẽ thêm nghệ thuật thánh và drama vào số những phương tiện giải thích. Mỗi người tham gia, mỗi vũ công, mỗi nghệ sĩ đều có giải thích riêng của mình về sự kiện nào đó. Nhưng cũng có sự thừa nhận những người giải thích có thẩm quyền. Người Do-thái thì lệ thuộc vào các kinh sư và tư tế để giải thích ý nghĩa các nghi thức, lễ hội và các truyền thống họ cử hành. Viên thái giám thừa nhận Philipphê như một người giải thích có thẩm quyền. Tuy nhiên, người giải thích có thẩm quyền không thể giải thích tùy tiện. Họ buộc phải theo một truyền thống có trước.
Bản văn chỉ có một hay nhiều ý?
Viên thái giám nghĩ rằng trong bản văn ông đang đọc có một ý nghĩa nào đó mà tác giả muốn chuyển tải và ông muốn tìm thấy ý nghĩa đó. Ông không áp đặt bất cứ giải thích riêng tư nào trên bản văn. Tuy nhiên, câu “Ai sẽ kể dòng dõi người?” đánh động ông là một thái giám. Chúng ta thấy rằng viên thái giám vừa quan tâm tìm ý của tác giả trong bản văn nhưng cũng quan tâm tìm ý nghĩa của bản văn cho hoàn cảnh của mình. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu người đọc có thể tìm thấy thêm ý nghĩa trong bản văn ngoài ý tác giả muốn diễn tả không? Tác giả bản văn Kinh Thánh ngôn sứ Isaia có lẽ không có ý ám chỉ viên thái giám nhưng viên thái giám lại thấy trong bản văn này một áp dụng liên hệ cho chính hoàn cảnh của mình. Liệu điều đó, một ý nghĩa thêm vào bản văn, có thể được chấp nhận không?
Nhu cầu cần sự giúp đỡ
Bản văn ít mơ hồ thì việc giải thích sẽ dễ dàng hơn. Nếu viên quan đọc “Ngươi chớ giết người” thì có lẽ ông không cần ai giải thích, vì ông có thể hiểu là Kinh Thánh cấm giết người. Nhưng bản văn ông đang đọc vẫn mơ hồ, và vì thế ông cần sự giúp đỡ.
Sự giúp đỡ đến từ một Ki-tô hữu gốc Do-thái theo văn hóa Hy-lạp
Philipphê thực sự thuộc về ba thế giới. (1) Ông là một người Do-thái. Toàn bộ truyền thống Do-thái đã uốn nắn nên cái nhìn của ông về thế giới. Truyền thống đó bao gồm Luật, Ngôn sứ và Các Văn phẩm cũng như các yếu tố khác trong văn hóa của ông và truyền thống vốn tạo nên “thế giới” của ông. Do đó, ông quen với bản văn ngôn sứ Isaia mà viên quan đang đọc. (2) Philipphê là một người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp, một người Do-thái nói tiếng Hy-lạp. Điều này có nghĩa là “kênh” hàng đầu chuyển trao truyền thống Do-thái đến ông không phải là tiếng Híp-ri mà là Hy-lạp. Kinh Thánh của ông là bản LXX (the Septuagint). Đây là bản dịch Hy-lạp đã có từ 250 năm trước và là một phần của hiện tượng Hy-lạp hóa khi Do-thái giáo tiếp xúc với thế giới ngoại giáo bên ngoài. Sự tiếp xúc này có phần cao hơn cộng đoàn nói tiếng A-ram ở Giêrusalem. Nhưng đáng kể nhất là thế giới sau cùng. (3) Philipphê là một Ki-tô hữu. Điều này có nghĩa là ông tin vào Đức Ki-tô Giê-su là Đấng hoàn tất mọi điều đã được loan báo trong Cựu Ước. Trong lời giảng dạy, đời sống, cái chết và phục sinh và gửi Thánh Thần đến, Chúa Giê-su đã trở thành “tinh hoa” đúc kết mọi yếu tố khác biệt trong ba thế giới đó của Philipphê mà cho đến lúc này vẫn đang trôi bồng bềnh chưa có điểm dừng trong đầu ông. Vì vậy, giải thích của Philipphê về bản văn ngôn sứ Isaia viên thái giám đang đọc mang tính độc đáo. Philipphê đã tách mình khỏi cộng đoàn Do-thái không theo Ki-tô giáo. Cộng đoàn này không nhìn nhận Chúa Giê-su như sự thành toàn bản văn ngôn sứ Isaia. Dĩ nhiên, Philipphê xác tín giải thích của ông đúng. Các Ki-tô như chúng ta hôm nay cũng đồng ý như thế.
JM. Mười Một, CSsR
Đọc thêm:
1. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (1)
2. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (2): Việc giải thích trong đời sống hằng ngày
3. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (3): Việc giải thích trong các ngành chuyên môn
4. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (4): Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp
5. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (5): Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp