Tin Mừng cho người nghèo khó trong mùa dịch

Nhóm Fiat do cha Giuse Lê Quang Uy, DCCT linh hướng trợ giúp anh chị em khó khăn do Covid-19 tại Sài Gòn

Khi giãn cách xã hội lần thư ba trong cơn dại dịch được công bố cho cư dân thành phố thì thời gian và số lần giãn cách đã cho ta thấy được bộ mặt thật của thành phố, của con người thành phố và cộng đồng tín hữu Kitô của thành phố này. Chắc là bộ mặt thật vì nó kéo dài đã hơn một năm và lập lại lần thứ  ba.

Có nhiều góc cạnh lộ ra cái chân tướng thật của nó, ở đây không bàn về các lãnh vực khác chỉ xin có cái nhìn về cuộc sống, và cách ứng xử của cộng đồng Kitô hữu thành phố.

Tạm ngưng các sinh hoạt tôn giáo đồng nghĩa với việc không có thánh lễ cho cộng đồng giáo dân, phản ứng của người dân lộ ra là họ cần thánh lễ, khao khát được nghe lời Chúa và nhận Thánh Thể, không chỉ là thói quen đạo đức nhưng là nguồn sống thật sự của nhiều người,

Nghe lời Chúa có thể dự online dẫu rằng việc cử hành lời Chúa trong Phụng vụ có một chiều kích khác hẳn nhưng dẫu sao cũng được nghe và suy ngẫm. Nhiều vị giáo sĩ đã cố gắng thực hiện và trung thành thực hiện việc rao giảng lời Chúa trên sóng truyền thông đại chúng, các giờ kinh phụng vụ cũng được cử hành giúp những người quen đọc kinh có cộng đồng để cùng đọc và làm cho một số người bắt đầu biết đọc kinh phụng vụ, kinh Mân Côi và kinh Lòng Chúa Thương xót cũng được phổ biến online.

Khoảng thời gian hạn chế chỉ được tụ họp với một số người cố định, nhiều nhà thờ đã không quản gian lao, các linh mục đã không ngại mệt nhọc, tổ chức nhiều lễ trong ngày, nơi nào trong khu vực nhà thờ có thể cử hành được đều tận dụng để thỏa lòng mong ước của giáo dân, có nhà thờ một ngày cử hành 16 Thánh lễ. Đoàn chiên đói khát thiêng liêng xem ra rất nhạy bén, nhận ra ngay chỗ nào có mục tử thật và chỗ nào là kẻ chăn thuê.

Khi chỉ thị 15, 16 công bố, điều mà người mục tử thật nhận ra ngay là sự khốn khổ của người nghèo, những người buôn thúng bán bưng, những người sống nhờ vào những công việc thường nhật ở vỉa hè, những người không cửa không nhà không nơi trú ngụ, các vị cùng với nhưng người cộng tác đã đi ra. Những cửa hàng bán thực phẩm giá không đồng mọc lên, những gói hàng tiếp tế đến các ngõ nhà bị cách ly, những hộp cơm được các bạn trẻ chạy đi chia cho những người khốn khó, những ổ bánh mì mỗi sáng được trao tay cùng với nụ cười niềm nở yêu thương. Những bài Tin Mừng được công bố và cử hành khắp nơi trong mọi hang cùng ngõ nhỏ thay vì trên tòa giảng. “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó …” nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người nghèo và giọt nước mắt khẽ rơi trên ánh mắt còn vương vấn tuổi mộng mơ. Tin Mừng là tin làm cho người ta mừng vui thật sự.

Tuy vậy, vẫn còn vướng vất đâu đây không ít nỗi sợ hãi vu vơ, nỗi lo an toàn cho bản thân mình và của tập thể, nỗi bận tâm tô điểm tỉa tót cho bộ lông điệu đàng của mình, có nhưng nơi bỏ ra hàng tỉ tiền để sửa chữa nâng cấp, để trang hoàng diêm dúa, để đập cũ xây mới cho đẳng cấp, để đồng phục đổi màu thay sắc dập dìu trên cung thánh lên hình fb…mải lo cho mình họ không còn có khoảng trống để nghe tiếng Chúa gọi và nghe tiếng người nghèo thở than. Cửa nhà thờ họ đóng chặt và đóng tất cả các cửa mà Giáo Hội kêu gọi mở ra.

Mặc kệ, ngày mai các bạn trẻ vẫn cứ hò hẹn nhau đi thật sớm, chạy thật nhiều, sống thật mãnh liệt, cười cho hết cỡ và công bố “tin mừng cho người nghèo khó” bằng chính hành động của mình.

“Ngày nay ngườ ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy”

Diễm Hạnh