“Tôi đã ban bí tích cho người bệnh trong các đơn vị Covid”

Dù có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhiều linh mục đến bên đầu giường bệnh nhân để ban bí tích. Các biện pháp bảo vệ đặc biệt để giúp các linh mục đến gần bệnh nhân.

Linh mục Thomas (tên giả) trả lời các câu hỏi của chúng tôi với một điều kiện: không được nêu tên cha. Cha giải thích, đó là đòi hỏi của giám mục của cha, người muốn giữ ẩn danh cho các linh mục của mình đi ban bí tích cho các đơn vị Covid ở các bệnh viện của giáo phận. Giám mục sợ các linh mục này bị tẩy chay nếu tên của họ bị tiết lộ. Hoặc ngược lại, họ bị các linh mục từ chối không đi ban bí tích kỳ thị. Trong giáo phận miền Tây này, một vài điều kiện được đặt ra cho các linh mục đến các đơn vị Covid: phải dưới 50 tuổi, tình nguyện, mạnh khỏe và những người sống chung quanh đồng ý để họ đi.

“Một chút lo lắng”, các linh mục cùng sống chung nhà xứ với linh mục Thomas “chấp nhận bất trắc vì họ biết đây là chuyện quan trọng.” Linh mục Thomas ngoài ba mươi tuổi cho biết: “Chúng tôi không trở thành linh mục để sống trong hầm kiên cố.” Việc đi đến một nhà xứ khác để ở cũng đã được nghiên cứu nhưng sau đó khả năng này bị loại bỏ.

Trong một nơi khác của khoa cấp cứu, linh mục Julien (tên giả) cũng đồng ý mang bí tích đến cho các bệnh nhân Covid-19 sau khi được hai bác sĩ bệnh truyền nhiễm hướng dẫn. Các bác sĩ đã nghiên cứu các cử chỉ khi trao bí tích để khuyên cử chỉ nào nên làm hoặc không nên làm. Với các bệnh nhân nhận phép xức dầu trên trán và tay, linh mục được yêu cầu thấm ngón tay chỉ một lần chứ không trước mỗi lần xức dầu.

Từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, các quy tắc có thể thay đổi một chút, cha Julien có thể chạm trực tiếp vào người bệnh nhưng cha Thomas phải mặc “y phục phi hành gia” và phải mang găng. Theo nguyên tắc, tất cả vật dụng đem vào phòng bệnh nhân coronavirus đều phải bị vứt bỏ và đốt sau đó. Kể cả các lọ đựng dầu thánh, vì vậy các linh mục phải dùng các hộp đựng một lần rồi vứt. Khi về nhà xứ, cha Thomas phải vào bằng cửa phụ, sau đó cho tất cả áo quần vào máy giặt và đi tắm.

Dù được các nhân viên chăm sóc hoan nghênh nhưng các linh mục hiếm khi được gọi đến bệnh viện để xức dầu cho các bệnh nhân Covid-19. Cha Julien giải thích: “Người bệnh phải yêu cầu  rõ ràng, gia đình và bác sĩ phụ trách phải đồng ý.” Cha Thomas nói thêm: “Hơn nữa ít có các chuyến thăm vì chuyến thăm của chúng tôi lấy chỗ chuyến thăm của gia đình.”

Mỗi lần đến thăm, các cha đều xúc động trước cảnh cô đơn của bệnh nhân. Như người mẹ trẻ không thể nhìn thấy con, như người đàn ông không nghe được lời vợ nói chuyện qua điện thoại. Cha Thomas cho biết, “một vài bệnh nhân khóc trước cảnh cô đơn này của họ.”

Ở các nhà hưu dưỡng, các linh mục có thể dễ dàng đến thăm các bệnh nhân bị Covid-19 hay không bị Covid-19, nhưng vẫn giữ các biện pháp phòng ngừa. Chẳng hạn có một nhà hưu dưỡng đã tháo dỡ cửa sổ phòng ngủ của một bệnh nhân hấp hối để cha Thomas có thể vào mà không gặp ai.

Bà cụ lớn tuổi này không bị nhiễm virus nên cha có thể xức dầu mà không dùng găng tay. Cha xúc động cho biết: “Vì các nhân viên chăm sóc đều mang găng và vì các gia đình bị cấm vào thăm nên tôi là người cuối cùng chạm vào tay bệnh nhân trước khi họ qua đời.”

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: http://phanxico.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.