Trở nên mới trong Đức Kitô

Sự hoán cải của Thánh Phaolô trên đường đến Damascus là một ví dụ. Đây là một trong những lý do tại sao đó là cuộc hoán cải duy nhất mà chúng ta cử hành với một ngày lễ cụ thể trong Lịch Phụng Vụ – ngày 25 tháng 1. Chúng ta không cử hành cuộc hoán cải nổi tiếng của Thánh Augustinô, Thánh Phanxicô hoặc CP Charles de Foucauld, nhưng chúng ta kỷ niệm sự hoán cải của Thánh Phaolô, bởi vì điều đó như một nguyên mẫu của mọi cuộc hoán cải theo Kitô giáo.

Đối với Thánh Phaolô, sự hán cải không chỉ là vấn đề từ bỏ ý kiến ​​riêng và thay đổi cách cư xử, mà còn là từ bỏ hình ảnh của chính mình, chết cho chính mình để tiếp nhận Đức Kitô. Ông không chỉ từ một người có tư duy đúng đắn và là người Pharisêu trở thành tín nhân thực thụ – trở nên “thụ tạo mới” trong Đức Kitô. (2 Cr 5:17)

Với mỗi chúng ta cũng vậy. Lời mời gọi hoán cải của Chúa Kitô là lời mời gọi hiệp thông với Ngài đến mức có thể cùng nói với Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20) Từ lúc hoán cải, đó là điều duy nhất thực sự là vấn đề. Không còn cắt bì, không còn phải luật, cũng không sửa sang hằng ngày – nhưng là Đức Kitô.

1. HOÁN CẢI ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Về cơ bản, đời sống Kitô hữu của chúng ta là một quá trình hoán cải. Đó là vấn đề giải phóng chúng ta khỏi mọi hình thức trói buộc để ngày càng trở nên giống chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta theo hình ảnh giống như Ngài. Nếu chúng ta không hoán cải, không trở nên giống Chúa Kitô hơn sau nhiều năm sống “đời sống Kitô hữu” thì chúng ta có thể chẳng là gì khác ngoài những bức tranh biếm họa về Chúa trong thế giới này, và hãy thừa nhận điều đó là sự ô nhục đối với Giáo Hội và là những người chỉ biết Phúc Âm qua tin đồn mà thôi. Người xưa thường nói: “Corruptio optimi, pessima.” – Tha hóa cái tốt nhất là điều tồi tệ nhất.

Chúng ta thường nghe những người bị chê bai bởi “những người Công giáo đi lễ Chúa Nhật” nhận xét: “Bạn nói bạn là Kitô hữu nhưng bạn dành thời gian để làm điều này hoặc không làm điều kia.” Đời sống Kitô hữu đích thực không bao gồm việc chỉ đi lễ vào các ngày Chúa Nhật và nhớ giáo lý (mặc dù điều này rất tốt). Đời sống Kitô hữu nghĩa là được hoán cải để trở nên Phúc Âm hóa hơn, sống trong thế giới này “theo hình ảnh giống Thiên Chúa.” Vì vậy, bản chất của việc hoán cải Kitô giáo có thể được diễn tả bằng hai từ: thần thánh hóa và giải phóng. Hoán cải là hiệp nhất với Thiên Chúa, giải thoát mình khỏi những gì trái ngược với Ngài.

2. THIÊN CHÚA LIÊN KẾT CHÚNG TA VỚI SỰ SỐNG CỦA NGÀI

Kitô giáo Đông phương không ngần ngại nói đến việc “thần thánh hóa” để thể hiện ơn gọi Kitô hữu này. Thánh Irênê Lyons nói: “Thiên Chúa đã trở thành con người để con người có thể trở nên như Thiên Chúa. Đó là lý do Ngôi Lời trở thành người, và Con Thiên Chúa trở thành Con Người: để con người, bằng cách hiệp thông với Ngôi Lời và nhận được sự hòa nhập thiêng liêng, có thể trở thành con cái của Thiên Chúa.” Thánh Athanasiô Alexandria (thế kỷ thứ 4) nói thêm: “Con Thiên Chúa đã trở thành người để biến chúng ta nên giống Thiên Chúa.” Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) nói: “Con Một Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẻ thần tính của Ngài nên Ngài đã mặc lấy nhân tính của loài người, để Ngài làm cho loài người nên giống Thiên Chúa.”

Ngày nay có sự do dự nào đó về việc sử dụng ngôn ngữ như vậy. Tuy nhiên, không có gì cổ điển hơn và đúng hơn điều này: Kể từ khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa không có mục đích nào khác hơn là làm cho con người nên giống Ngài. Tội của Ađam và Êva đã làm hỏng kế hoạch ban đầu đó, nhưng sự vâng phục của Đức Kitô đối với Thập Giá đã phục hồi điều đó. Trong Đức Kitô, chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa.” (2 Pr 1:4)

Chúng ta chắc chắn không phải là thần thánh theo quan điểm của tự nhiên, chúng ta vẫn là con người, nhưng chúng ta trở nên thần thánh theo quan điểm của sự sống Thiên Chúa tuôn chảy trong linh hồn chúng ta kể từ khi chúng ta được rửa tội. Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta với sự sống của chính Ngài. Ân sủng tuôn chảy trong linh hồn chúng ta là sự tham dự. Nhưng nếu điều này là sự thật thì sao chúng ta thay đổi quá ít? Tại sao chúng ta rất khó hoán cải thực sự? Một phần vì chúng ta không làm cho sự thật này là của riêng mình. Chúng ta hững hờ tin rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, vì thế chúng ta không đi vào mầu nhiệm sự sống ở nơi đây và bây giờ.

Vì chúng ta là gì, ở mức độ sâu nhất, vẫn chưa được nhìn thấy rõ ràng đối với chúng ta ở đây trên thế gian, chúng ta có xu hướng làm giảm bí ẩn về đời sống Kitô hữu của chúng ta. Ma quỷ hiểu rất rõ điều đó, nó thách đố chúng ta (và ghét chúng ta!) cũng như cách mà nó đã thử thách (và ghét) Chúa Giêsu trong hoang địa, cố gắng khiến chúng ta nghi ngờ chiều kích sâu thẳm nhất của chúng ta: “Nếu bạn là Con Thiên Chúa,” hay nói cách khác: “Nếu bạn là người mà bạn muốn là, bạn nên thấy nó nhiều hơn một chút!” Ma quỷ muốn làm cho chúng ta mù quáng về tính đích thực của chúng ta (Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa). Đó là cái bẫy mà chúng ta rơi vào mỗi khi chúng ta cố gắng xây dựng nhân cách của mình trên điều gì đó khác Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta nhầm lẫn phẩm chất bề ngoài này với cái tôi sâu sắc hơn của mình, cuối cùng đó là hình thức thờ ngẫu tượng một cách tinh vi. Nhưng chúng ta thích tôn thờ “cái tôi” mà chúng ta nghĩ đó là chính chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy rằng sự hoán cải sẽ khiến chúng ta xa rời nó, thế là chúng ta chống lại, chúng ta trì hoãn cho đến Giờ của Chúa và giờ của chính chúng ta nữa.

3. HOÁN CẢI LÀ GIẢI THOÁT

Mọi sự hoán cải đều là mầu nhiệm Vượt Qua – mầu nhiệm đóng đinh và phục sinh, bởi vì việc trở nên “thụ tạo mới” chỉ có thể xảy ra với cái giá phải trả là giết chết “con người mà chúng ta đã từng là.” Thật vậy, thường là “người mới” mà chúng ta tin là chính mình! Nếu có một thứ mà tất cả chúng ta đều rất gắn bó thì đó là hình ảnh chúng ta có về chính mình – dù tích cực hay tiêu cực đối với vấn đề đó. Saolê đã nghĩ rằng ông sẽ kiêu hãnh tới Damascus để giành lại các môn đệ của Đức Kitô, nhưng ông đã phải vào thành phố với đôi mắt bị mù và được dắt đi sau khi gặp Chúa Giêsu. Sau khi “cái tôi” phải bị phá vỡ để “cái tôi sâu thẳm nhất” của ông có thể nổi lên. Ông tin rằng ông phải bị “đóng đinh” với Đức Kitô để có thể sống lại như một Kitô hữu.

Trong lời tường thuật thứ ba về sự hoán cải của mình trong sách Công Vụ, chương 26, có một chi tiết cho chúng ta biết Saolê đã phải vất vả đấu tranh như thế nào với Thiên Chúa. Sau khi trở thành Kitô hữu, ông nhớ lại câu mà Đức Kitô đã nói với ông trên đường: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” Chống lại mũi nhọn là điều mà con bò đã làm khi nó không chịu tiến tới, bị người ta thúc đi bằng cách đâm mũi nhọn vào nó. Chúa Giêsu so sánh Saolê với con bò chống cự và tự làm tổn thương mình. Hơn nữa, điều đó cho thấy rằng Chúa Giêsu không nói với Saolê rằng: “Anh không tôn trọng Tôi bằng cách chống lại Tôi,” hoặc “Anh thật độc ác và anh sẽ thấy cơn thịnh nộ của Tôi nếu cứ tiếp tục.” Thậm chí Ngài cũng không nói: “Thật khó cho Tôi khi phải chịu điều này.” Nhưng Ngài nói: “Thật là khó cho anh.” Cứ như thể Ngài xác định: “Về thiệt hại anh gây ra cho Tôi, đó là chuyện nhỏ, nhưng hãy nhìn vào thiệt hại mà anh tự gây ra cho chính mình!”

Sự hoán cải của Kitô hữu không chỉ là sự hoán cải về mặt đạo đức, sự giải thoát khỏi tội lỗi. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15, 19) Đó là sự hoán cải chạm đến con người chúng ta trong sâu thẳm nhất của nó, một sự giải thoát khỏi tất cả những gì trong con người chúng ta chống lại Thiên Chúa.

Tu Sĩ THOMAS JOACHIM

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)