Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải luôn say mê công bằng xã hội

Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, mới đây đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và đe dọa trên các báo đài nhà nước sau khi đăng các bài viết chỉ trích trên Facebook.

Các bài viết của ngài đặt ra câu hỏi về việc chính phủ xử lý đại dịch coronavirus và tính minh bạch của Quỹ vắc xin Covid-19 được thành lập vào tháng 5/2021 để mua vắc xin và tài trợ cho nghiên cứu sản xuất vắc xin ở Việt Nam. Tổng số tiền quyên góp tương đương 384 triệu Đô la Mỹ.

Tuy nhiên, đã có sự chỉ trích trên toàn quốc đối với nhà chức trách sau khi họ kêu gọi các quan chức và nhân viên chính phủ đóng góp một ngày lương vào quỹ.

Quan trọng hơn, người dân cũng không hài lòng với “sự im lặng của chính phủ về những gì đang được thực hiện với tiền lãi trong ngân hàng.”

Ngày 2/10, đài truyền hình tỉnh Quảng Nam đã phát sóng bản tin tố cáo Linh mục Thoại “bôi nhọ, xuyên tạc cuộc chiến chống Covid-19 của đảng và nhà nước” và vi phạm luật an ninh mạng.

Vị linh mục phủ nhận việc vi phạm luật pháp vì “người dân đặt vấn đề về tính minh bạch của quỹ vắc xin là điều hợp lý và hợp pháp.”

Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam bị đối xử bất công và bị quy chụp vì liên quan đến các vấn đề chính trị.

Cách đây vài năm, ngay cả cha Giám Tỉnh cũng bị ngăn cấm xuất cảnh vì đã đi tiên phong trong việc bảo vệ người nghèo trước những bất công xã hội như chiếm dụng đất đai trái luật, các dự án khai thác mỏ và nhiều vấn đề môi trường khác.

Kể từ tháng 6 năm 2017, ít nhất ba tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã bị cấm xuất cảnh vì đứng về phía người nghèo.

Cha Dwiyaminarta, Dòng Chúa Cứu Thế Indonesia, phụ trách Viện Sarnelli, một dịch vụ trợ giúp pháp lý do Công giáo điều hành ở Sumba, nói rằng “ở đâu có bất công, ở đó Giáo hội được kêu gọi tham gia cách đích thân và loan báo Tin Mừng.”

Điều gì đúng với Giáo Hội thì cũng đúng với tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Đối với một số người, giáo huấn của Giáo Hội chỉ nên giới hạn trong đời sống thiêng liêng. Họ không thoải mái với cái gọi là “chính trị hóa đức tin.”

Sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước thường bị hiểu nhầm. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa sự tách biệt pháp lý theo hiến pháp giữa Giáo Hội và nhà nước với sự tách biệt giữa tôn giáo và chính trị.

Hiến pháp không cấm công dân bình thường và công chức bày tỏ quan điểm nơi quảng trường công cộng được thông báo hoặc thúc đẩy bởi các xác tín tôn giáo.

Vì thế, với Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, việc lựa chọn người nghèo và đề cao công bằng xã hội là phù hợp với linh đạo và truyền thống của Dòng.

Ở Việt Nam, nhiều người gán cho Dòng Chúa Cứu Thế là “chống chính quyền” trong khi ở miền bắc Philippines, họ là mục tiêu của việc “gắn thẻ đỏ” và bị coi là “những người ủng hộ cộng sản”.

Chúng ta cần sự rõ ràng. Chính trị là gì? Nó có bao hàm nghĩa tiêu cực như nhiều người lầm tưởng không? Hoàn toàn không!

Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo tham gia vào chính trị ngay cả khi việc đó có thể “bẩn thỉu, bực bội và đầy thất bại”.

Đức tin Kitô giáo không phải là vấn đề riêng tư định hình cách chúng ta liên hệ với Thiên Chúa nhưng điều quan trọng không kém là cách chúng ta sống cuộc sống của mình nơi công cộng.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng hành động xã hội và việc truyền giáo có mối quan hệ nội tại.

Đức tin tôn giáo không chỉ giới hạn trong đời sống riêng tư của một người, nhưng đức tin chân chính và niềm tin tôn giáo phải tạo ra chứng tá cộng đồng đáng tin cậy cả trong đời sống cá nhân lẫn xã hội: “Hội Thánh không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý.

Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.” (Evangelii Gaudium 183).

Động lực thúc đẩy công lý và hòa bình trong thời đại chúng ta chắc chắn có nguồn gốc từ Công Đồng Vatican II. Đặc biệt, văn kiện Gaudium et Spes đã minh chứng sự quan tâm xã hội như tập trung chính của Hội Thánh.

Sự tách biệt giữa thiêng liêng và xã hội cần được loại bỏ để có thể coi con người là một thể thống nhất. Đức tin vào Chúa Giêsu đòi hỏi Hội Thánh có nghĩa vụ tham gia vào việc hình thành nhân cách đạo đức của xã hội. Sự tham gia này là một phần cơ bản của sứ mạng mà Chúa Giêsu Kitô giao phó cho chúng ta.

Đức Bênêđictô XVI khẳng định “các vấn đề xã hội và Phúc Âm là không thể tách rời”. Vì lý do đó, việc thúc đẩy công lý và hòa bình không thể là một khía cạnh tùy chọn cho sứ vụ của chúng ta hoặc chí ít cũng là một lựa chọn ý thức hệ (cho dù phải hay trái).

Ý thức về dấn thân xã hội là điều mà chúng ta phải đưa vào hành động của mình vì nó vốn là sứ vụ của chúng ta. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng bao hàm và đòi hỏi việc thăng tiến con người toàn diện. Không còn có thể khẳng định rằng tôn giáo chỉ nên giới hạn trong phạm vi riêng tư và tôn giáo chỉ tồn tại để chuẩn bị các linh hồn vào thiên đàng.

Vì vậy, môn đệ Chúa Giêsu Kitô không thể không nghe thấy tiếng kêu cứu của anh chị em mình đang gặp hoạn nạn.

Đấng sáng lập Dòng chúng tôi, Thánh Anphong rõ ràng đã từ chối chỗ tiện nghi để chọn ở giữa người nghèo. Bận tâm của Anphongsô là Tin Mừng, Tin Mừng của tự do, Tin Mừng của tình yêu dịu dàng từ một Giêsu, Đấng “không đành bẻ gãy cây lau bị dập, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,20).

Chúng ta suy ngẫm về tình yêu lớn lao của Thánh Anphong đối với mầu nhiệm nhập thể, không chỉ là một lòng sùng kính xa rời thực tế mà ngài diễn tả tốt nhất tình yêu và lựa chọn của Chúa Giêsu dành cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Đối với chúng ta, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, rõ ràng là mục vụ xã hội – công lý, hòa bình và sự toàn vẹn của thụ tạo – bắt nguồn từ thần học về mầu nhiệm nhập thể: Thiên Chúa trở nên người phàm và chia sẻ nỗi đau của nhân loại. Đây là một trong nhiều yếu tố của linh đạo gắn kết chúng ta với thực tại của thế giới bị tổn thương bao quanh Vị sáng lập của chúng ta.

Là hậu duệ và người tiếp nối diệu cảm đặc sủng cùng với di sản thần học và mục vụ của Thánh Anphong, chúng ta cố gắng trung thành với sứ vụ của mình trong khi thích nghi với những thực tại đầy kịch tính và thay đổi xung quanh chúng ta trong sự ngoan nguỳ liên lỉ với Thần Khí của Đấng Cứu Thế. Thái độ này đòi hỏi phải chăm chú đọc các dấu chỉ thời đại, Kinh Thánh, và truyền thống của chúng ta để đáp ứng với những thách đố cấp thiết của thế giới hôm nay. Những thách đố xã hội, đồng thời cũng là thách đố toàn cầu, đòi hỏi sự kết nối và liên đới hơn nữa giữa các đơn vị Dòng Chúa Cứu Thế. Rất cần phải làm rõ hơn mối liên hệ giữa sứ vụ của chúng ta với các giá trị của công bằng xã hội và cho thấy sự liên quan của đặc sủng của chúng ta trong thế giới ngày nay.

Ngay từ đầu, Hiến pháp của chúng ta đã nhấn mạnh việc chọn lựa những người bị bỏ rơi hơn cả. Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, việc chữa lành một thế giới bị thương có nghĩa là giúp xây dựng một thế giới hài hòa hơn, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta. Công việc này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp của chúng ta, trong đó tuyên bố rằng sứ mạng của chúng ta được đặc trưng bởi việc phục vụ con người, đặc biệt là “những người và nhóm người nghèo và bị bỏ rơi nhiều hơn trong Giáo hội và xã hội.”

Gần đây hơn, các Tổng công hội của chúng ta đã kêu gọi canh tân sự dấn thân của chúng ta đối với người nghèo; để loan báo Tin mừng cho người nghèo, như nhiều anh em của chúng ta nói rằng người nghèo là sứ vụ ưu tiên của chúng ta. Tổng công hội gần đây nhất đã thêm rằng tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được kêu gọi “đón nhận hiện tại với niềm hy vọng và đi đến các vùng ngoại biên để sự tươi mới của Nước trời có thể đến với mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và những người bị bỏ rơi.”

Đây là một cụm từ gây ra nhiều khó khăn. Ngay cả những người không gặp khó khăn với chính cụm từ này cũng thấy rất khó giải thích.

Khi một người cho người nghèo vay mượn sự hỗ trợ của mình, khi họ liên đới với người nghèo, khi họ đồng hành với người nghèo, họ bắt đầu nghe Tin Mừng theo một cách thức mới, họ bị cuốn hút bởi sứ điệp Tin mừng như thể lần đầu tiên trở lại. Họ thực sự được phúc âm hóa một lần nữa.

Thừa tác vụ xã hội có thể được coi là một sức mạnh thiêng liêng kết hợp tất cả các lãnh vực hoạt động của chúng ta như sứ vụ, giáo huấn, học thuật và thừa tác vụ các bí tích. Vì lý do này, điều cần thiết là phải kết hợp sự tham gia của xã hội vào mọi hoạt động tông đồ của chúng ta.

Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng dấn thân xã hội là chiều kích thiêng liêng và sứ vụ của chúng ta ngày nay và phải là một diễn tả hiệu quả cho đặc sủng của chúng ta trong một thế giới bị tổn thương.

Tóm lại, Dòng Chúa Cứu Thế phải luôn đi đầu trong việc phục vụ người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội và người bị áp bức như một phần trong sứ vụ loan báo Tin Mừng về công lý, hòa bình và tự do cho mọi người.

Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Lời tuyên bố đó áp dụng cho Thánh Anphong: như Đức Kitô đã thực hiện sứ mạng của mình đối với người nghèo, thì môn đệ Anphongsô được sai đến với người nghèo và được thánh hóa trong việc sai đi đó.

Để việc truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế có hiệu quả, chúng ta phải nhận thức và xem xét nghiêm túc những sức mạnh nào đang làm nên cuộc sống của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới.

Theo Văn phòng Truyền giáo Trung ương Dòng Chúa Cứu Thế, toàn cầu hóa đang là một thực tế ảnh hưởng đến đời sống ở khắp nơi. Thế giới chúng ta kinh nghiệm về bạo lực, những hành động khủng bố, giận dữ và chiến tranh hơn bao giờ hết. Công nghệ và truyền thông hiện đại mang những thực tế này vào ngôi nhà của chúng ta. Nỗi sợ hãi được trải nghiệm trên khắp thế giới. Việc loan báo Tin Mừng phải rất coi trọng thực tế hiện đại này.

Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải luôn ghi nhớ việc quan tâm đến công bằng xã hội vì đó không chỉ là đặc sủng của chúng ta mà còn là nhu cầu của việc loan báo Tin Mừng, vốn bắt nguồn sâu xa từ Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh.

Dịch từ ucanews.com

Redemptorists must stay passionate about social justice