Từ trường làng hội nhập vào hệ thống giáo dục chuyên nghiệp

Thầy Giuse Vũ Đức Trung, C.Ss.R (tay trái) chụp hình trong ngày tốt nghiệp của thầy Antôn Nguyễn Văn Nam (tay phải – hiện ngài đã lãnh sứ vụ linh mục) tại Úc Châu.

Năm nay, ngôi trường thần học mà tôi đang theo học mừng kỉ niệm 50 năm thành lập. 50 năm là gần một đời người, với biết bao thế hệ linh mục, tu sĩ, giáo dân đã từng truy tầm kiến thức và sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở tại ngôi trường này.

Trước thời điểm ấy, các Dòng, như Dòng Chúa Cứu Thế chẳng hạn, hầu hết đều có một học viện triết-thần của riêng mình để tự đào tạo cho anh em trẻ với đội ngũ giáo sư chính là các tu sĩ trong Dòng. Mỗi Dòng bằng tự nội lực riêng của mình tự xoay xở lo phần đào tạo tự hướng dẫn thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, các bề trên khi ấy đã nhận ra một nhu cầu khẩn cấp khi mà các nhà Dòng không thể còn đủ sức để mạnh ai nấy lo, cũng như tự mình làm hết mọi việc như tự lên chương trình đào tạo, tự lo kiếm giáo sư, tự kiểm tra đánh giá, tự cấp văn bằng mà không cần bên thứ ba kiểm định chất lượng giáo dục, và rất rất nhiều vấn đề phức tạp khác.

Ví dụ đơn giản, có thầy sau mấy năm học tại học viện thần học nhưng vì lí do cá nhân nên chuyển hướng ơn gọi, trở lại đời. Người ấy ghi danh một chương trình đại học và chỉ được miễn đúng một môn học duy nhất dù người ấy đã dành mấy năm trời đằng đẵng học vô số môn ở học viện thần học. Nhà trường có lí do để làm như vậy bởi bảng điểm mà thầy lấy từ học viện thần học không có giá trị trong mắt họ.

Cuối cùng thì sau những trăn trở tìm hướng đi, các Dòng tại Úc đã khiêm tốn đặt mình vào trong hệ thống của đại học Melbourne, sát nhập vào trường Melbourne College of Divinity. Về sau này, trường Melbourne College of Divinity tách riêng ra để lập nên đại học University of Divinity.

Trường đại học này hiện nay bao gồm 12 trường thành viên của các giáo hội khác nhau tại Úc. Riêng phía Công giáo, có hai trường là trường liên Dòng Yarra Theological Union và một trường do bên chủng viện của Tổng giáo phận Melbounre điều hành.

Nhờ quyết định sáng suốt khi ấy của các bề trên mà các linh mục, tu sĩ nam nữ và rất nhiều anh chị em giáo dân được bước vào môi trường học tập chuyên nghiệp, không còn là cảnh trường làng tự đào tạo, tự kiểm định, tự công nhận và tự phong nữa.

Sinh viên sau 5-6 năm sẽ ra trường với ít nhất là hai văn bằng được công nhận (bằng đại học và cao học) hoặc có người theo học chương trình song bằng (tốt nghiệp với 2 bằng đại học).

Gia nhập vào hệ thống giáo dục cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội học tập cho nhiều người. Một là, có rất nhiều anh chị em giáo dân yêu thích thần học, kinh thánh nên theo học, nhưng họ không thể nào học Full time như các thầy, nên học có lựa chọn học part-time. Hai là, môi trường học thuật có rất nhiều sự tương tác đại kết nữa. Ví dụ, sinh viên trường Anh giáo, Tin Lành, Chính thống giáo hoàn toàn tự do và được chào đón học một bất kì môn nào học thích ở trường Công giáo và ngược lại. Nhờ vậy, lằn ranh phân chia Công Giáo-không Công giáo không còn quá khác biệt, mà trái lại tinh thần đại kết được đề cao.

Ba là, sinh viên cũng có sự tự do trong việc lựa chọn giáo sư và môn học. Giáo sư nào dạy không có chất lượng thì dĩ nhiên chẳng có mấy sinh viên đăng kí theo học. Môi trường đào tạo như thế rất công bằng cho cả người học và người dạy. Bốn là, có những thầy dù không còn tiếp tục hành trình ơn gọi, đơn giản là không còn đi tu, vẫn có cơ hội hoàn thành chương trình đào tạo, và lấy văn bằng tốt nghiệp như bình thường.

Những ngày gần đây nhiều học viện, chủng viện tổ chức lễ tốt nghiệp cho các sơ các thầy thật đông đảo. Tuy mừng, nhưng tôi vẫn thấy có nhiều điều lấn cấn về những văn bằng mà họ cầm trên tay, liệu nó có xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra? Dĩ nhiên, đây đó có những nơi đã nhanh nhẹn liên kết với các trường nước ngoài để sinh viên của mình không bị thiệt thòi, nhưng ước gì, một ngày nào đó Thần học cũng được coi là một bộ môn khoa học ở chính trên quê hương mình, chẳng những Đạo mà cả Đời cũng công nhận điều đó.

Dĩ nhiên các lí do thời cuộc cũng gây nhiều cản trở, nhưng chẳng có lẽ, ngôi trường làng mãi là trường làng được ư. Một môi trường học thuật chuyên nghiệp dường như vẫn là một ước mơ tuy xa vời , nhưng không phải là thứ không thể.