Vatican và Ý hợp tác bảo vệ phẩm giá người lao động

Ngày 06/6, sơ Raffaella Petrini, Chủ tịch và Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican đã có cuộc họp với một số đại diện của chính phủ Ý, để thảo luận những vấn đề liên quan đến hoạt động bảo vệ phẩm giá người lao động.

Phát biểu tại cuộc họp, sơ Petrini nhận xét rằng vấn đề an toàn lao động là điều cần thiết đối với bất kỳ tổ chức nào muốn theo đuổi mô hình làm việc bền vững. Và trước ngưỡng cửa mà một số học giả gọi là cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, thì ngày nay vấn đề này mang tính toàn cầu.

Trích các giáo huấn của các Giáo hoàng về lao động, sơ Petrini đi từ Thông điệp Rerum novarum – Tân sự của Đức Giáo Hoàng Leo XIII đến Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, theo đó, việc làm có tác động không chỉ ở cấp độ kinh tế nhưng còn ở cấp độ hiện sinh. Sơ Petrini nhắc lại điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Thông điệp Laborem Exercens– Lao động của con người rằng: việc làm không chỉ là một điều hữu ích, để thụ hưởng, nhưng còn là một điều tốt xứng nhân phẩm. Bởi vì “nhờ làm việc, con người trở nên người hơn.”

Nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của con người trong lao động, Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican nói điều này được tìm thấy trong Thông điệp Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong đó ngài viết rằng vấn đề cơ bản cần được bảo vệ chính là con người.

Sơ Petrini nhận xét, tiếp nối với các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn khẳng định rằng việc làm không chỉ là một điều cần thiết nhưng còn là một phần không thể thiếu để cuộc sống con người có ý nghĩa. Về vấn đề này, sơ đề cập đến bài phát biểu của ngài tại Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia: đạo đức, hợp pháp và an toàn được đặt trong sự liên kết với nhau. Như thế an toàn không phải là chi phí nhưng là điều kiện thiết yếu của mọi cộng đồng làm việc,

Sơ nhấn mạnh đây là một yếu tố quan trọng mà Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhắc lại, bởi vì người lao động phải được bảo vệ vượt ra ngoài lý luận lợi nhuận đơn thuần và để đảm bảo không chỉ sự toàn vẹn của con người nhưng còn, rộng hơn, một nền kinh tế vì lợi ích chung, phục vụ hòa bình. Thực tế, khái niệm sức khỏe mở rộng đến bản chất tâm lý và tinh thần của con người, và theo nghĩa này, nó có tác động đến phúc lợi của toàn xã hội.

Ngọc Yến – Vatican News