Vị linh mục can trường giữ nhà thờ Thủ Thiêm vừa qua đời

Cha Gioan Batixita Lê Đăng Niêm ngồi trên xe lăn trước nhà xứ Giáo xứ Thủ Thiêm

Cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm, chánh xứ Thủ Thiêm, Q.2, Sài Gòn vừa được Chúa gọi về lúc 18g45 ngày 30.04.2019.

Cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm là vị linh mục đã kiên trì, can trường để giữ ngôi nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm và đồng hành với quý sơ Dòng Mến Thánh Giá giữ lại tu viện trước sức ép giải tỏa của nhà cầm quyền Tp. HCM trong những năm gần đây.

Trong bài phỏng vấn của GNsP nhân kỷ niệm 50 năm linh mục vào năm 2016, cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm cho biết.

Ngài sinh ngày 13 tháng 11 năm 1937 và là con một trong gia đình có gốc là người Quảng Trị.

Năm 12 tuổi tức vào năm 1944, ngài được cha mẹ xin cho vào học tại Tiểu Chủng Viện Sài Gòn.

Năm 21 tuổi (tức năm 1958) ngài được vào Đại Chủng Viện Sài Gòn. Sau tám năm học và thực tập mục vụ tại Đại Chủng Viện, ngài được lãnh tác vụ linh mục lúc 29 tuổi tức vào năm 1961.

Ngài được Đức Giám Mục đặt làm cha chính xứ Giáo xứ Thủ Thiêm từ ngày 17 tháng 01 năm 2002 cho đến ngay.

Xin anh chị em cầu nguyện cho ngài.

Truyền Thông Thái Hà tổng hợp

………………………..

Bài Phỏng Vấn của Tin Mừng Cho Người Nghèo nhân

Kỷ niêm 50 năm linh mục của cha G.B Lê Đăng Niêm chánh xứ Thủ Thiêm

GNsP– Thứ Sáu ngày 29.04 tới đây cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm, chánh xứ Thủ Thiêm, Q.2 sẽ kỷ niệm 50 năm linh mục. Nhân dịp này phóng viên GNsP đã có cuộc trao đổi với cha G.B Niêm.

Phóng viên GNsP: Thưa cha, được biết thứ Sáu đến đây sẽ là ngày cha chịu chức Linh mục được 50 năm, trong dịp này xin, cha chia sẻ cho chúng con biết về cuộc đời và sứ vụ linh mục của cha được không ạ?

Cha G.B Niêm: rất sẵn lòng thưa cô!

Phóng viên GNsP: Trước hết xin cha cho biết sơ lược về cuộc đời của mình?

Cha G.B Niêm: Cha mẹ tôi là người Quảng Trị. Cha tôi người làng Kẻ Văng còn mẹ sinh trưởng tại làng Kẻ Vịnh. Hai ông bà kết hôn với nhau vào năm 1932 và dìu nhau vào Nam sinh sống tại Giáo xứ Dầu Tiếng, Phú Cường, Bình Dương. Dầu Tiếng vào thời ấy vẫn còn là một vùng đất hoang vu. Cha mẹ tôi là người hiếm muộn nên hai ông bà khấn với Chúa và Mẹ cho có một đứa con và nếu có thì sẽ dâng cho Chúa luôn. Và thế là 5 năm sau khi kết hôn vào ngày 13.11.1937, tôi mới được chào đời và cũng là đứa con độc nhất của hai ông bà.

Phóng viên GNsP: Thời thơ ấu của cha như thế nào ạ?

Cha G.B Niêm: Dầu tiếng vào thời ấy là vùng đất còn rất hoang vu. Trẻ em như tôi đa phần bị thất học. Tôi được cha mẹ thương cho đến trường. Năm  12 tuổi, như lời khấn hứa với Chúa trước đây, cha mẹ dẫn tôi lên Sài Gòn và xin cho vào học tại Tiểu Chủng Viện Sài Gòn.

Phóng viên GNsP: Cha sống ra sao khi còn rất nhỏ phải xa cha mẹ?

Cha G.B Niêm: Tôi nhớ cha mẹ và nhớ nhà lắm. Hàng năm chỉ vào dịp hè và Tết mới được về thăm gia đình ít ngày. Nhưng khi hết phép, dù có nhớ nhà thì cha mẹ tôi cũng dẫn tôi lên lại Chủng Viện không hề trễ hẹn một ngày.

Sau này vào năm 1952 vì sợ Việt Minh chiêu dụ theo họ, cha mẹ tôi đã bỏ Dầu Tiếng chuyển về Thị Nghè lập nghiệp. Năm 21 tuổi, tôi được vào Đại Chủng Viện Sài Gòn. Sau tám năm học và thực tập mục vụ tại Đại Chủng Viện, tôi được lãnh tác vụ linh mục lúc 29 tuổi tức vào năm 1966.

Phóng viên GNsP: Sau khi chịu chức thì cha đã đến phục vụ tại những đâu?

Cha G.B Niêm: Sau khi lãnh sứ vụ Linh mục, tôi được Đức Tổng Giám Mục sai đi coi giáo xứ Tân Định, sau đó được sai đến làm cha sở lần lượt tại các giáo xứ Chợ Đũi, Chợ Quán, Phaolô III và cuối cùng vào ngày 17.01.2002 tôi được sai về Giáo xứ Thủ Thiêm, Q.2 này cho đến nay.

Phóng viên GNsP: Đúc kết lại chặng đường 50 năm linh mục, điều gì cha tâm đắc nhất?

Cha G.B Niêm: Nhìn lại 50 năm qua, tôi tóm lại trong một câu này: “Tình thương Chúa hằng luôn ấp ủ tôi!”

Phóng viên GNsP: Điều này có nghĩa thế nào ạ?

Cha G.B Niêm: Trước hết chính nơi tôi sinh trưởng là một vùng quê mùa. Dầu Tiếng là một vùng heo hút, đa phần con nít đều thất học. Tôi là người may mắn được đến trường và cũng là người đầu tiên trong xứ đi tu và được chọn làm linh mục. Giờ này khi đã già có nhiều thời giờ ngồi một chỗ, suy gẫm và đọc kinh nhiều hơn, tôi càng nghiệm thấy rất rõ về tình thương của Chúa dành cho tôi. Tôi được làm linh mục hoàn toàn là nhờ ơn Chúa. Tôi chẳng có tài cán gì, chẳng có sức mạnh gì.

Phóng viên GNsP: Cha có khó khăn nào trong đời sống ơn gọi linh mục không ạ?

Cha G.B Niêm: Tôi đã trải qua nhiều khó khăn trong những năm đầu đời linh mục. Đau đớn nhất là bị bổn đạo của mình hiểu lầm, kết án. Đã từng cứu giúp họ nhưng rồi chính họ quay lại đặt điều vu khống tôi. Đời sống linh mục cũng lắm gian nan. Có những lúc sau việc mục vụ trở về nhà, khi chạy xe Honda gần tới nhà xứ, tôi muốn chạy thẳng luôn không còn muốn vào nhà nữa. Nhưng lấy can đảm rồ ga chạy thẳng một mạnh vào nhà và sau đó khấn xin Mẹ gìn giữ cho mình được bình an.

Nếu tôi cậy dựa vào sức riêng mình có lẽ tôi đã ngã ngục nhưng trong những lúc khó khăn hãy cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa.

Phóng viên GNsP: Cha đã có những kinh nghiệm nào trong hoạt động mục vụ?

Cha G.B Niêm: Khi còn trẻ thì tôi cậy dựa vào sức mạnh của mình. Lấy sức mình ra mà lo cho giáo xứ. Nhưng giờ về già, ngồi suy nghĩ và có nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, tôi mới nghiệm thấy điều này: tất cả những gì tốt đẹp mà tín hữu nhận được là nhờ ơn của Chúa chứ không phải của tôi. Giáo dân có sống đạo tốt là nhờ ơn Chúa chứ không phải người linh mục tài giỏi gì.

Lúc này khi đã về già tôi càng nghiệm thấy sức mạnh của lời cầu nguyện, nên tôi cầu nguyện tha thiết hơn. Trước đây tôi cầu nguyện chung chung cho mọi người nhưng giờ khi cầu nguyện, tôi hình dung từng khuôn mặt và tên của mỗi người để cầu nguyện cho họ.

Phóng viên GNsP: Hiện nay cha cảm nhận đời sống của mình như thế nào?

Cha G.B Niêm: Tôi không thể ngờ Chúa lại ban cho tôi nhiều ơn như vậy. Có linh mục nào được như tôi bây giờ không? Tổng cộng là 11 Giám mục đã ghé thăm tôi trong thời gian gần đây. Và cả Đức Khâm Sứ Tòa Thánh nữa. Cách đây gần 1 tháng Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đã ghé thăm tôi. Sau khi viếng Nhà thờ ngài hỏi tôi: “Nhà thờ của cha bên trong thật là đẹp, nhưng tại sao tôi lại không thấy một bức tượng thánh nào?” Tôi trả lời ngài rằng: “Thưa Đức Tổng con  đã mang Các Ngài ra ngoài nhà thờ đặt hết rồi, để làm lính gác cho nhà thờ ạ!” Nghe tôi nói thế, Đức TGM cười vang. Ngài hiểu là tôi cố ý nói đến những khó khăn mà Nhà Thờ Thủ Thiêm đang bị nhà cầm quyền hăm he chiếm đoạt.

Phóng viên GNsP: Cha đã phải đối phó với việc này như thế nào?

Cha G.B Niêm: Họ đã từng nhiều lần đặt vấn đề sẽ trả cho tôi một số tiền để tôi giao đất Nhà thờ cho họ. Tôi nói với họ: ‘đây là tài sản của giáo dân chứ không phải của tôi. Tôi chỉ là người quản lý. Nếu tôi bán cho các ông là tôi mang tội.’ Tôi hỏi lại họ ‘Nếu người dân giao tài sản đất nước cho các ông quản lý mà các ông bán đi thì các ông có tội không?’ Tôi bây giờ đã già rồi. Sống chết không biết ngày nào. Nếu được chết ngay trên mảnh đất Nhà thờ là một phúc cho tôi. Nghe tôi nói vậy họ im lặng không trả lời và bỏ ra về…

Phóng viên GNsP: Dạ! Xin cám ơn cha đã dành thời gian chia sẻ cho chúng con. Xin Chúa ban cho cha nhiều hồng phúc của Người và trong ngày lễ trọng đại của cha xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành cho cha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.