Ý nghĩa bức tranh Lễ Hiện Xuống của Jean II Restout

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một ngày lễ quan trọng của năm phụng vụ. Đó là ngày thứ 50 tính từ lễ Phục sinh và là ngày thứ 10 sau khi Chúa Giê-su thăng thiên. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Thánh Thần ngự xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ đang qui tụ tại nhà tiệc ly ở Giê-ru-sa-lem cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và những người khác. Chúa Thánh Thần xuất hiện như những lưỡi lửa trên đầu họ mà nhờ đó “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Công vụ 2: 4).

Một trong những bức tranh thú vị nhất mô tả sự kiện này là bức danh họa, do họa sĩ người Pháp có tên là Jean Restout vẽ vào năm 1732. Bức tranh này gây ấn tượng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những bức tranh khác thuộc cùng dòng đề tài, vì người họa sĩ đã sử dụng lối vẽ baroque gây ấn tượng mạnh, đầy kịch tính, đầy sự kinh ngạc và cảm xúc nguyên sơ của sự kiện có một không hai trong lịch sử nhân loại.

Ở đây, các tông đồ và Đức Ma-ri-a được khắc họa trong khung cảnh đặc trưng của người Roma. Chúa Thánh Thần hiện xuống xuyên qua bầu trời đầy mây để đến với các môn đệ phía bên dưới. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được biểu lộ nhờ luồng ánh sáng chiếu xuyên qua bóng tối và những làn mây đang bao phủ. Đồng thời, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài qua chi tiết những người tin Chúa đón lấy những lưỡi lửa trên trán của họ.

Người họa sĩ cũng rất tinh tế để diễn tả các cung bậc cảm xúc đầy ngỡ ngàng trên khuôn mặt của các môn đệ. Các ngài đang trong trạng thái đầy sửng sốt, ngạc nhiên vô cùng trước những gì mà họ đang chứng kiến. Tuy nhiên, phản ứng của Đức Ma-ri-a thì trái ngược hoàn toàn với những người khác. Đức Ma-ri-a đứng ở phần trung tâm của bức tranh, được khắc họa với tâm thế hoàn toàn bình tĩnh, và đầy lòng tin cậy mến.

Đức Ma-ri-a bình tĩnh đón nhận những gì đang diễn ra trước mắt. Chính Đức Ma-ri-a ngay từ đầu đã biết rõ căn tính thật sự của con mình. Đức Ma-ri-a không bao giờ chất vấn, nghỉ ngờ như những người khác đã từng. Vì vậy, trên khuân mặt của Đức Ma-ri-a được không vương một chút ngạc nhiên nào, trái lại ánh mắt Mẹ ngước trông lên trên, đón nhận mọi sự với lòng tin tưởng, phó thác.

Đến đây, tôi càng hiểu rõ hơn lý do tại sao các tông đồ, khi ấy chỉ còn lại 11 người lại tụ họp nhau quanh Đức Ma-ri-a để cầu nguyện, chờ đợi việc lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần như Đức Kitô Phục sinh đã hứa. Lý do là vì Mẹ chính là thầy dạy đức tin, Mẹ có kinh nghiệm gắn bó cuộc sống của mình dưới sự tác động của Thánh Linh.

Trước biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su, các môn đệ qui tụ trong căn phòng Tiệc Ly. Dù đã được Thầy của mình rửa chân, ban Mình và Máu Thánh, được “truyền chức Linh mục,” được thầy của mình cầu nguyện cho tất cả hiệp nhất nên một. Nhưng chuyện gì đã xảy ra ngay sau đó? Giu-đa bán Chúa với 30 đồng bạc. Các môn đệ còn lại bỏ chạy trong sự hoảng sợ. Phê-rô chối Chúa ba lần. Con thấy, nghe cả khi Chúa Giê-su đã dành ba năm để chuẩn bị cho các môn đệ, thậm chí trao cho họ Bí tích Thánh Thể, nhưng dường như vẫn họ thiếu một điều gì đó để đủ sức củng cố, giữ vững đức tin.

Điều kiện cần đã có, nhưng điều kiện đủ thì có lẽ là chưa.

Và yếu tố then chốt ấy là gì nếu không phải là Đức Maria? Thật vậy, vào ngày lễ Ngũ Tuần, một lần nữa các môn đệ quay trở lại chính căn phòng Tiệc Ly đó. Chúa Giê-su đã về trời, và các môn đệ đặt mình quanh Đức Maria để học hỏi từ Mẹ cầu nguyện, can đảm nói lời xin vâng. Đức Maria có kinh nghiệm đặt mình dưới sự tác động của Thánh Linh. Chúng ta nhớ rằng: Vào buổi truyền tin, thần khí Chúa ngự xuống trên Mẹ. Khi Đức Maria thăm viếng người chị họ, người con trong bụng bà Ê li sa bét đã nhảy lên vui sướng, còn phần bà Ê li sa bét thì được tràn đầy Thánh Thần mà đón chào Đức Maria.

Sau khi bước ra từ chính căn phòng Tiệc Ly ấy, lần này, các môn đệ bắt đầu rao giảng Tin Mừng một cách đầy xác tín. Chính những con người từng chạy tán loạn, nay trở nên những người qui tụ con cái Thiên Chúa ở khắp nơi nên một. Một Phê rô chối Chúa nay tràn đầy lửa nhiệt thành tuyên xưng Đức giê-su là Đấng Mesiah mà muôn dân đang trông đợi. Những môn đệ nhát đảm dưới chân thập giá nay mạnh mẽ, can đảm công bố tình yêu của Thiên Chúa chiếu rọi qua cuộc từ nạn trên thập Giá của Đức Giê-su.

Trong cơn hoang mang lo sợ, các Tông Đồ đã tìm đến nương ẩn nơi Mẹ. Để rồi nhờ mẫu gương của Đức Maria, các môn đệ đón nhận Thần khí để biến họ trở nên những con người của Tin Mừng. Theo gương các ngài, với tất cả lòng cậy trông phó thác, chúng ta xin Mẹ giúp ta noi gương Mẹ luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Lạy Mẹ từ ái! Mẹ đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và sẵn sàng để Người hướng dẫn cuộc đời của Mẹ. Mẹ ơi giờ đây chúng con ngước trông lên Mẹ xin Mẹ thương cứu giúp chúng con. Xin giúp chúng con biết phát huy những ơn huệ Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng con, xin làm trổ sinh nơi chúng con những hoa trái của Người; những hoa trái: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, hiền hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. A-men

Vu Duc Trung, C.Ss.R