Yêu mến Thánh Giá (Suy niệm của Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá)

Chúng ta nghe nhiều lần rằng Thánh Gioan Thánh Giá không muốn gì cho mình ngoài việc phải chịu đựng và bị khinh thường. Chúng ta muốn biết lý do của việc yêu mến đau khổ này. Đó có phải là sự hồi tưởng yêu thương về con đường đau khổ của Chúa chúng ta trên thế gian, cách thúc đẩy dịu dàng sống giống như những người gần gũi với Ngài chăng? Điều này dường như không tương ứng với tâm linh cao cả và nghiêm khắc của người thầy thần bí.

Trong mối quan hệ với Con Người Đau Khổ, có vẻ hầu như Đức Vua lên ngôi hiển hách, người chiến thắng tội lỗi, tử thần, và hỏa ngục bị lãng quên. Chẳng phải Chúa Kitô hướng dẫn sự giam cầm đã bị bắt sao? Ngài không đưa chúng ta vào Vương Quốc Ánh Sáng và kêu gọi chúng ta trở thành con cái hạnh phúc của Cha trên trời sao?

Cảnh tượng thế giới mà chúng ta đang sống, sự thiếu thốn với sự khốn khổ, và vực thẳm của sự ác độc của con người, hết lần này đến lần khác đã làm thui chột niềm hân hoan đối với chiến thắng của ánh sáng. Thế giới vẫn tràn ngập khó khăn, nhưng một số nhỏ đã trốn lên những đỉnh núi cao nhất. Trận chiến giữa Đức Kitô và kẻ phản-kitô vẫn chưa kết thúc. Những người theo Đức Kitô có vị trí trong trận chiến này, vũ khí chính của họ là Thánh Giá.

Điều đó có nghĩa gì? Sức nặng của Thánh Giá mà Chúa Kitô đã vác là gánh nặng của bản chất con người hư hỏng, với tất cả hậu quả của nó là tội lỗi và đau khổ mà nhân loại sa ngã phải chịu. Ý nghĩa của Đường Thánh Giá là mang gánh nặng này ra khỏi thế giới. Sự phục hồi tự do của con người đối với Trái Tim của Cha trên trời, mang thân phận của một đứa trẻ, là tặng phẩm ân sủng và lòng thương xót. Nhưng điều này có thể không xảy ra do sự thánh thiện và công lý của Thiên Chúa. Tất cả những thất bại của con người từ sự sa ngã đầu tiên cho đến ngày phán xét phải được xóa sạch bằng một biện pháp đền tội tương ứng. Đường Thánh Giá là sự chuộc tội này. Sự ngã quỵ ba lần dưới sức nặng của Thánh Giá tương ứng với ba lần sa ngã của nhân loại: tội sa ngã của Nguyên Tổ, tội từ chối Đấng Cứu Thế bởi những người đã được tuyển chọn, tội sa ngã của những người mang danh là Kitô hữu.

Đấng Cứu Thế không đơn độc trên Đường Thánh Giá. Xung quanh Ngài không chỉ có những đối thủ đàn áp Ngài, mà còn có những người giúp đỡ Ngài. Nguyên mẫu của những người luôn đi theo Thánh Giá là Đức Mẹ. Điển hình trong số những người chịu đau khổ và trải nghiệm phúc lành bằng cách vác lấy nó là ông Simôn, người Kyrênê. Đại diện cho những người yêu mến ông và khao khát được phục vụ Chúa là bà Vêrônica. Theo thời gian, mọi người đều chịu số phận khốn khổ để tưởng nhớ Đấng Cứu Thế đau khổ hoặc những người tự do làm việc đền tội đã loại bỏ một số gánh nặng tội lỗi của con người và đã giúp Chúa mang gánh nặng của Ngài. Hay nói đúng hơn, Đức Kitô là đầu đã ảnh hưởng việc đền tội đối với các chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài, những người đã đặt chính mình, thể xác và linh hồn, theo ý của Ngài để thực hiện công việc cứu độ của Ngài.

Chúng ta có thể giả định rằng viễn cảnh về những người trung thành sẽ theo Ngài trên Đường Thánh Giá đã củng cố Đấng Cứu Thế trong đêm Ngài chịu đau khổ tại Vườn Dầu. Nghị lực của những người vác thập giá giúp Ngài thêm sức mạnh sau mỗi lần Ngài ngã xuống đất. Những người công chính theo Cựu Ước đồng hành với Ngài trên đoạn đường từ lần ngã thứ nhất đến lần thứ hai. Các môn đệ, cả nam và nữ, đã vây quanh Ngài trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, hỗ trợ Ngài trong chặng đường thứ hai. Những người yêu mến Thánh Giá, những người mà Ngài đã đánh thức và sẽ luôn tiếp tục đánh thức lại trong lịch sử đầy biến động của Giáo Hội chiến đấu, đó là những đồng minh của Ngài vào cuối thời gian. Chúng ta cũng được mời gọi vì mục đích đó.

Như vậy, khi ai đó muốn chịu đau khổ, đó không chỉ là một lời nhắc nhở đạo hạnh về sự đau khổ của Chúa. Đau khổ tự nguyện đền tội là điều thực sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Khi phát sinh, điều đó đến từ mối quan hệ đã có sẵn với Đức Kitô. Theo bản chất, người ta có thể trốn tránh đau khổ. Việc ham muốn đau khổ do ham muốn đau khổ quá độ hoàn toàn khác với sự ham muốn đau khổ để đền tội. Ham muốn như vậy không phải là sự phấn đấu về tâm linh, mà là sự khao khát của giác quan, không hơn gì những ham muốn cảm tính khác, thực tế còn tệ hơn, vì nó trái với tự nhiên.

Chỉ những người có con mắt tâm linh đã được mở ra trước các mối tương quan siêu nhiên của các sự kiện thế gian mới có thể mong muốn sự đau khổ để đền tội. Điều này chỉ có thể xảy ra đối với những người có tinh thần của Đức Kitô, những người như các chi thể được ban cho sự sống bởi Đấng là Đầu, nhận được sức mạnh, ý nghĩa và hướng dẫn của Ngài. Ngược lại, các việc đền tội liên kết người đó gần gũi hơn với Đức Kitô, vì mỗi cộng đoàn cùng làm một nhiệm vụ thì càng ngày càng trở nên gắn bó chặt chẽ hơn, và khi các chi thể của một thân thể làm việc với nhau một cách có tổ chức sẽ liên tục trở nên mạnh mẽ hơn.

Nên một với Đức Kitô là sự thánh thiện của chúng ta, và dần dần trở nên một với Ngài là hạnh phúc của chúng ta trên thế gian này, việc yêu mến Thánh Giá không hề mâu thuẫn với việc trở thành con cái vui vẻ của Thiên Chúa. Việc giúp đỡ Đức Kitô vác Thánh Giá của Ngài làm cho người ta tràn đầy niềm vui mạnh mẽ và thuần khiết, những ai có thể làm như vậy là những người xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa, là con cái đích thực nhất của Ngài. Vì vậy, những ai thiên hướng về Đường Thánh Giá sẽ không phủ nhận rằng Thứ Sáu Tuần Thánh đã qua và công cuộc cứu độ đã hoàn tất. Thật vậy, chỉ những người được cứu, chỉ những con cái của ân sủng mới có thể vác Thánh Giá của Đức Kitô. Chỉ có sự kết hợp với Đấng là Đầu đã chịu đau khổ mới có sức mạnh để đền tội.

Chịu đau khổ và hạnh phúc, chân chạm đất, đi trên con đường bẩn thỉu và gồ ghề của trái đất này, chưa được lên với Chúa Kitô bên hữu Chúa Cha, vẫn cười vẫn khóc với con cái trên đời này, và không ngừng ca ngợi Thiên Chúa với ca đoàn các thiên thần, đó là cuộc sống của Kitô hữu cho đến khi bình minh vĩnh hằng bừng sáng.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Chúa Nhật Lễ Lá – 2021