Thái Hà (13.05.2016) – Gửi tới quý vị và các bạn bài viết tôi ghi lại những gì xảy ra, mà tôi là người chứng kiến, là nạn nhân. Cũng xin lỗi vì có nhiều việc phải làm nên bài viết hơi muộn.
Thành phố yên bình
Khoảng 9 giờ 10 phút, tôi có mặt tại phố Tràng Tiền, nơi đây an ninh mặc sắc phục đã được bố trí dày đặc. Cảnh sát giao thông, cơ động, dân phòng, xe chở an ninh, xe bus, xe bán tải… chờ sẵn để hốt người. An ninh chìm còn nhiều hơn! Đâu cũng có những ánh mắt dò xét người qua lại. Từng cử chỉ, hành động nhỏ của người dân đều được họ chú ý, soi mói.
Trên phố Trang Tiền, từ phía Hồ Hoàn Kiếm tiến hướng Nhà Hát Lớn, từng nhóm người bước đi, có nhóm đứng lại. Có người đi tưởng như vô định, không mục đích. Tôi cảm nhận được không khí ngột ngạt! Điều gì đó sắp xảy ra!
Vài phút sau, một người đàn ông tuổi trung niên bị 4 đến 5 an ninh mặc thường phục khống chế đưa lên xe. Vụ việc diễn ra trước cửa tòa nhà Plaza Tràng Tiền. Từ phía đối diện đường, tôi lấy điện thoại ra quay, vừa giơ máy lên đã có hai an ninh chìm sát lại. Mặt họ đằm đằm sát khí muốn cướp điện thoại: mày quay gì? mày quay gì? Những câu chất vấn của an ninh chìm! Rất nhanh, người đàn ông bị đẩy vào xe ô 7 chỗ kín bưng. Xe lăn bánh lao đi đâu không rõ!
Hà Nội được mệnh danh là thành phố vì hòa bình cơ đấy! Hôm nay thì vẫn hòa bình, nhưng quá ngột ngạt. Hòa bình đầy chết chóc!
Tần sóng của khát vọng
Khoảng 9 giờ 15, cạnh bờ Hồ Hoàn Kiếm, gần khu vực đối diện với tòa nhà Bưu Điện Hà Nội, người dân đang quy tụ thành một nhóm. Không nhiều, nhưng cũng đã dần thành đoàn người biểu tình.
An ninh thường phục trà trộn vào đoàn người. An ninh mặc sắc phục, cảnh sát giao thông phía dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng dày đặc.
Cái loa sắt từ mui chiếc xe tải nhỏ của công an quận Hoàn Kiếm bắt đầu kêu cái nội dung quen thuộc: “Đề nghị bà con không tụ tập, gây mất trật tự. Những ngày vừa qua, xảy ra tiện tượng cá tại biển các tỉnh Miền Trung chết…..Các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm rõ nguyên nhân….Đề nghị bà con không để các phần tử xấu, các thế lực thù địch xúi dục, kích động…”
Tôi nhận ra một số người quen, tiến tới bắt tay chào và cùng đi với họ. Dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm, mọi người vừa đi vừa nói chuyện: chuyện cá chết, chuyện xuống đường, chuyện an ninh chặn bắt…Không một băng rôn nào được giơ lên, vì ai cũng biết, giơ lên sẽ bị bắt liền. Tôi cũng có một tờ giấy A4 với dòng chữ:”Rừng Đã Hết và Biển Thì Đang Chết” (thơ – Trần Thị Lam). Tờ giấy gấp cẩn thận bỏ trong túi nhưng không có dịp dùng.
Không hô hào, không băng rôn, chỉ bách bộ nhưng ai nấy vẫn vui. Tôi còn nhớ, nghệ sĩ Kim Chi khi đó có trong nhóm, bà nói với mọi người: “mình cứ đi, như thế này cũng thành công rồi!” Ai đó còn bảo đi chậm lại, vì nhiều người muốn nhập đoàn.
Dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng đều có cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, an ninh sắc phục và thường phục đang trực sẵn. Riêng an ninh thường phục đi theo chúng tôi dần đông hơn, khi chúng tôi tiến về phía Tháp Bút.
Đoàn người gần tới Tháp Bút, một nhóm an ninh thường phục ào ào nhảy xuống từ một chiếc xe tải. Họ lao tới phía trước chúng tôi và dàn thành hàng ngang. Những bộ mặt vô hồn, làm theo sự chỉ đạo. Không cho bất cứ người nào đi qua.
Chẳng cãi lộn, không đôi co. Có người lớn tiếng: “Chúng ta quay lại!” Vậy là có đến gần trăm người quay trở lại đoạn đường vừa đi. Vẫn vui và không chút lo lắng. Vài chiếc điện thoại vẫn giơ lên ghi lại diễn tiến xảy ra (trong đó có tôi). Dưới lòng đường, an ninh đang tụ tập, gây rối trật tự công cộng bằng những chiếc loa phóng thanh và các loại xe chạy ngổn ngang không theo trật tự gì cả.
Chúng tôi trở lại được một đoạn ngắn, nhóm vài chục an ninh mặc thường phục từ một xe tải khác ào nhảy bổ xuống đường. Họ chạy tới, chặn mặt không cho chúng tôi đi tiếp.
Từ trong nhóm, ai đó hô lên: “Họ không cho đi, quay lại cũng không cho, vậy chúng ta ngồi xuống.” Lần lượt mấy chục người ngồi xuống vỉa hè, tay giơ lên trời hình chữ X. Đó là hình thức tọa kháng. An ninh đứng vây quanh. Một số người dân, khách du lịch cũng đứng lại coi.
Tôi không ngồi tọa kháng với mọi người, nhưng đứng cầm điện thoại smartphone ghi lại hình ảnh đang xảy ra. Tôi muốn ghi lại từng diễn biến, nhất là cách lực lượng an ninh đầy sát khí đối xử với nhóm người xuống đường ôn hòa hôm nay như thế nào.
Mọi người tọa kháng, chiếc loa sắt rè vẫn tiếp tục phát những nội dung quen thuộc. An ninh sắc phục và thường phục mỗi lúc một đông hơn. Họ vây quanh những người tọa kháng. Vô số ống kính camera, chụp hình của an ninh đang ghi lại từng khôn mặt người tọa kháng và những người trong nhóm đang ghi hình như tôi.
Khoảng 10 phút sau. Chiếc loa sắt thông báo: “khách du lịch và những ai không liên quan giải tán”. Chiếc xe tải của cảnh sát cơ động tiến đến bên nhóm người tọa kháng. Họ sắp ra tay bắt bớ! Có thể chiếc xe này làm nhiệm vụ che chắn, không cho người đi trên đường Đinh Tiên Hoàng nhìn thấy nhóm người tọa kháng mà họ sắp ra tay đàn áp. Một xe, rồi hai xe trờ tới.
Lệnh ban ra và tôi bị bắt
An ninh thường phục nhảy sổ vào nhóm người đang tọa kháng và những ai họ đã nhắm trước để khống chế cho lên xe đem đi.
Lúc này tôi không còn quan sát được gì nữa. Tôi bị hai viên an ninh thường phục bổ nhào tới khóa hai tay. Mỗi người một bên. Hai viên an ninh khác từ phía sau đẩy đi. Một viên an ninh mặc thường phục đứng gần đó chỉ đạo việc bắt tôi. Tay an ninh này quát lớn: “Bắt nó lên xe! Lấy điện thoại của nó! Thằng đó quay rất nhiều! Lấy điện thoại của nó!” Ông ta lặp đi lặp lại việc phải lấy điện thoại của tôi vì tôi quay nhiều.
Biết không thể làm gì, nên tôi không chống cự. Nhưng những tên an ninh theo thói quen thích dùng bạo lực vẫn cứ đẩy, lôi tôi đi. Hậu quả là kính mắt bị rơi ra và chiếc đồng hồ đeo tay bị đứt quai. Tất nhiên là họ đã cướp chiếc điện toại trong tay tôi.
Họ đưa tôi lên một chiếc xe bán tải nhỏ, phía sau có hai hàng ghế. Lát sau thấy họ cũng đưa hai – ba người khác lên. Tôi đã phản đối hành vi bắt người và cướp điện thoại. Tôi yêu cầu họ trả lại điện thoại cho tôi. Lúc này tôi thấy tên an ninh chỉ đạo bắt tôi ngồi trên cabin, cạnh người lái. Ông quay lại phái sau và đưa tay chỉ chỉ vào tôi với bộ mặt hung dữ.
Được khoảng 5 phút, họ quyết định chuyển chúng tôi qua chiếc xe bus cùng với những người bị bắt khác. Tôi thấy anh Dũng (FB Lã Việt Dũng) có mặt trên xe. Tôi nói với Dũng: “Dũng chụp cho mình tấm ảnh và thông báo mình bị bắt.” Dũng lấy điện thoại chụp hình tôi và tôi thấy anh lên facebook.
Quan sát thấy bà con chẳng ai tỏ vẻ lo sợ. Bản thân tôi cũng rất bình an và cảm thấy vui ‘vì cùng thuyền với bà con’. Chưa đứng yên chỗ, đã có ba đến bốn tay an ninh nhảy lên xe, họ kéo tôi xuống. Vài người phía sau hô lên: Đề nghị các ông lịch sự cho, đây là linh mục (cám ơn anh chị em).
Bốn tên an ninh mặc thường phục đưa tôi qua đường. Tên an ninh chỉ đạo bắt tôi đi bên cạnh, miệng lặp đi lặp lại: “Đây là linh mục, ưu tiên, ưu tiên!” Cái gọi là ‘ưu tiên’, nghĩa là tách tôi ra, không cho tôi tới địa điểm mà bà con sẽ được đưa tới. Tên an ninh này chỉ đạo đưa tôi lên chiếc xe bán tải nhỏ như chiếc xe ban đầu. Tôi ngồi trong cùng, hai tên an ninh ngồi phía ngoài. Dãy ghế đối diện là hai tay an ninh khác. (Khi xe bắt đầu chạy, họ đưa một cậu khoảng 23-24 tuổi lên xe. Cậu này luôn miệng kêu bị bắt oan).
Xe chạy. Tôi quan sát một lượt rồi nhắm mắt lại. Lòng cảm thấy thật bình thản!
Phải bảo vệ chế độ
Xe chở tôi đến trụ sở công an phường Trần Hưng Đạo (43 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm). Lúc này khoảng 9 giờ 45 gì đó. Tên an ninh chỉ đạo bắt tôi mời tôi vào phòng phía trong vì “ưu tiên linh mục”.
Cuộc trao đổi bắt đầu:
– Ông là linh mục, được ăn học mà chẳng gương mẫu gì cả (đầu liên lục lắc). Tôi biết ông là linh mục Nguyễn Văn Toản ở Thái Hà. Ông phụ trách truyền thông.
– Xin ông cho biết tên và chức vụ?
– Tôi là Lê Hữu Cường, phó công an quận Đống Đa.
– Thưa ông Cường, vì tôi là linh mục, vì tôi được ăn học nên tôi hiểu chuyện và vì vậy tôi mới bày tỏ chính kiến ôn hòa của mình.
– Linh mục chẳng hiểu gì cả, ông đang bị lợi dụng. Ý định của những người xuống đường là họ muốn lật đổ chế độ. Những thế lực thù địch đứng đằng sau. Họ muốn lật đổ chế độ này. Họ muốn làm cuộc cách mạnh như Mùa Xuân Ả Rập.
– Tôi thấy tất cả người dân xuống đường là vì vấn đề môi trường, vì tương lai của đất nước này. Một thể chế chính trị không vì dân sẽ bị sụp đổ, sẽ qua đi. Ông nhắc tới Mùa Xuân Ả Rập, tôi cho rằng, chính quyền đó đã không vì dân, nên người dân lật đổ. Chính quyền mới lên nắm quyền, nếu không vì dân cũng sẽ bị dân lật đổ. Nhìn vào lịch sử dân tộc, ông thấy, thời nào chính quyền vì dân, ông vua nào vì dân, vì lợi ích của dân sẽ tồn tại, không thì cũng sụp đổ và qua đi.
– Tôi phải bảo vệ thể chế này. Tôi năm nay đã 35 tuổi đảng và tôi phải bảo vệ đảng. Tôi ăn lương nên tôi phải bảo vệ.
– Đó là quan điểm của ông. Đối với tôi, tất cả chúng ta phải vì dân, vì tương lai dân tộc. Tôi nói thật với ông, các ông lãnh đạo đất nước, các ông phải vì quyền lợi của dân. Các ông phải tôn trọng những quyền cơ bản của người dân và có như vậy thì các ông chẳng phải sợ gì cả.
– Linh mục với tôi không cùng quan điểm với nhau nên không ai thuyết phục được ai.
– Tôi đồng ý, chúng ta không cùng quan điểm nên dừng ở đây. Ông trả lại điện thoại để tôi về.
– Linh mục còn phải ở lại làm việc tiếp. Chưa thể về được!
Công an luôn luôn đúng
Ông Cường dẫn tôi lên tầng 3 (vẫn vì ưu tiên linh mục). Căn phòng rộng khoảng 40m2, có một chiếc bàn lớn và khoảng 20 chiếc ghế. Tôi đoán căn phòng dùng để họp. Trong căn phòng đã có sẵn một ông dân oan Hà Nam cùng xuống đường hôm nay (tôi biết ông, nhưng không rõ tên).
Lúc này ông cường giới thiệu ông Kiều Đình Vinh (số nghành 112-954), cảnh sát điều tra quận Hoàn Kiếm.
– Tôi không làm việc gì hết, tôi không phải là tội phạm. Ông trả lại điện thoại để tôi về.
– Linh mục chưa thể về được. Linh mục phải làm việc xong đã. Đây là địa bàn quận Hoàn Kiếm nên đồng chí Vinh sẽ làm việc với linh mục.
– Tôi không làm việc. Ông trả điện thoại cho tôi để tôi về
Ông Cường nổi nóng và chỉ vào mặt tôi. Đây là lần thứ hai ông có thái độ kiểu côn đồ. Ngay từ đâu tôi luôn giữ thái độ bình tĩnh cách lịch sự nên tôi không phản ứng lại.
Ông cường bỏ ra ngoài. Lúc này trong căn phòng có tôi, ông Vinh, ông dân oan và khoảng 8 viên an ninh mặc thường phục. Ông Vinh chỉ đạo nhóm an ninh thường phục đưa ông dân oan ra khỏi phòng.
Ông Vinh: Linh mục giới thiệu tên tuổi
– Tôi không giới thiệu gì cả. Ông làm công việc thừa thãi. Các ông biết rõ tôi rồi còn gì
– Đây là thủ tục
– Các ông làm gì thì làm, tôi không làm
– Linh mục cho biết địa chỉ
– Ông đừng làm công việc thừa thãi như thế, tôi không nói.
– Tuần trước, ngày 01 tháng 5 ông có xuống đường không
– Tôi có. Các ông biết rồi còn hỏi làm gì.
Ông Vinh lấy điện thoại, mở mấy tấm ảnh có tôi trong cuộc xuống đường lần trước. Tôi xác nhận đó là tôi. Ông Vinh hỏi nội dung tờ giấy tôi cầm trên tay. Ông nói ông không biết tiếng Anh. Ông hỏi nhưng tôi không nói. Ông gọi tay an ninh khác tới con nhưng tay này cũng nói là không rõ. Tôi thấy mất giờ, và cũng muốn khẳng định rằng tôi đã bày tỏ quan điểm của mình nên tôi nói với ông Vinh: “Dừng Formosa, cứu cá, cứu biển và cứu cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống của ông và tôi đó!” (tôi nghĩ bị lừa chỗ này hahaha).
Ồng Vinh tiếp tục hỏi tôi:
– Mục đích linh mục quay phim để làm gì?
– Quay phim là quyền của tôi. Không có lệnh cấm. Tôi quay đó là quyền của tôi.
Ông Vinh còn hỏi vài câu hỏi nữa nhưng tôi không trả lời. Những gì tôi nói, ông Vinh ghi lại và cuối cùng ông đọc cho tôi nghe.
Ông Vinh dừng đọc, tôi hỏi:
– Ông Vinh đọc xong chưa, ông nói xong chưa?
– Xong rồi
– Giờ đến lượt tôi nói, tôi phản đối những điểm ông đưa ra.
– Ông không được phản đối
– Tôi vừa hỏi, ông đọc xong chưa, nói xong chưa, ông nói là xong rồi. Giờ đến lượt tôi. Ông không được cắt ngang lời của tôi, như tôi đã không cắt lời ông. Ông phải giữ chút lịch sự tối thiểu đó.
Ông Vinh vinh lớn tiếng
– Ở đây chúng tôi có quyền hỏi và linh mục phải trả lời
– Tôi không phải là tội phạm
– Tôi không nói linh mục là tội phạm
– Tôi không có tội gìi cả. Đã trao đổi thì phải có qua lại, ông nói, tôi nói.
– Linh mục không có quyền phản đối. Chúng tôi làm việc luôn đúng.
– Tôi phản đối. Ông đưa ra một mệnh đề sai lầm.Ông nói các ông luôn đúng. Đó là sự sai lầm. Các ông luôn sai lầm. Ông để tôi nói tiếp.
Thứ nhất, các ông không mời tôi về đây mà các ông bắt tôi. Các ông lấy điện thoại của tôi rồi bắt tôi về đây, chứ không mời.
Thứ hai, tôi không gây rối trận tự. Tôi cũng làm chứng, người dân không gây rối trật tự. Chúng tôi đi trên vỉa hè. Các ông mới là những người gây rối trật tự công cộng. An ninh các ông chạy dưới lòng đường. Xe của các ông ngổn ngan dưới lòng đường.
Thứ ba, quan trọng hơn, xuống đường bầy tỏ quan điểm cách ôn hòa là quyền của người dân. Việc bày tỏ quan điểm là quyền được Hiến Pháp quy định. Chúng tôi không có gì sai ở đây cả.
– Mời linh mục ký vào đây
– Tôi không ký gì cả. Tôi không ký
Ông Vinh xuống tầng dưới. Trong phòng còn tôi và một nhóm 5 đến 6 viên an ninh. Tôi ngồi đọc kinh và thời gian trôi đi. Khoảng 30 phút sau, tôi nói với một anh an ninh trẻ gọi ông Cường và ông Vinh cho tôi.
Ông Vinh lên, ông lặp lại những câu hỏi như cũ. Tôi nói tôi không trả lời đâu, ông đừng làm việc vô ích nữa. Các ông trả điện thoại để tôi về. Quá giờ cơm rồi.
Bọn em nên bỏ nghành công an
Ông Vinh đi xuống. Tôi nói chuyện với nhóm an ninh mặc thường phục. Tôi hỏi tên hai viên an ninh, nhưng một tên mặt cúi xuống, tay bấm điện thoại còn vên an ninh kia nói tên Tiến, quê ở Hà Nam. Tôi nói với họ về đề tài dân chủ, giáo dục, vấn đề Việt Nam tụt hậu sao với các nước…Cuối cùng tôi khuyên họ bỏ ngành công an.
Tôi nói cách nghiêm túc, nhưng thân thiện: “Bọn em bỏ nghành công an đi. Làm công an như các em nhiều lúc các ông bên trên ra lệnh làm những điều trái với lương tâm, những điều ác. Tiền thì cần thật, nhưng làm gì cho lương tâm mình được bình an. Tương lai gì đình, con cái của mình nữa.” Trong nhóm an ninh, duy nhất có viên an ninh tên Tiến đáp lại những gì tôi nói và tỏ ra thân thiện.
Tôi còn nói với họ nhiều điều khác. Cách riêng tôi nói với họ phải biết vì lợi ích của người dân, tôn trọng người dân. Nói những điều đó, vì tôi nghĩ là cơ hội cho họ biết, đánh động lương tâm của họ.
Không cam kết, không trình báo và quyết lấy lại điện thoại
Khoảng 12 giờ 45, ông Vinh lên gặp tôi. Ông mang theo vài tấm ảnh.
– Trong ảnh có phải là linh mục không?
– Đúng. Tôi đi cùng với mọi người trên vỉa hè hôm nay đó.
– Bây giờ linh mục viết cam kết rồi có thể về.
– Tôi không phải cam kết gì cả. Tôi là một công dân, cũng như ông là một công dân và chúng ta sống theo luật, sống theo hiến pháp nên chẳng có gì phải cam kết.
– Giờ linh mục có thể về. Linh mục làm chứng, linh mục vào đây chúng tôi không hành hung, không đánh linh mục nha (ông Vinh nói câu này ít nhất đến 3 lần trong suốt thời gian làm việc)
– Các ông trả lại điện thoại cho tôi rồi tôi về. Không thì tôi chưa về.
– Linh mục thấy, từ lúc vào đây, chúng tôi không lấy gì của linh mục, chúng tôi không lấy điện thoại của linh mục.
– Các ông nói như trẻ con vậy. Ông Cường chỉ đạo lấy điện thoại của tôi, bắt tôi vào đây, giờ các ông bảo không lấy. Các ông làm việc với nhau. Giờ các ông chối quanh co. Các ông phải cư xử như những người lớn. Phải có trách nhiệm.
– Linh mục làm giấy tường trình mất điện thoại để tôi báo cáo.
– Tôi không mất điện thoại. Tôi khẳng định là không mất, mà các ông lấy điện thoại của tôi. Các ông cho người khống chế lấy của tôi, nên tôi không phải tường trình gì cả. Các ông lấy thì các ông phải trả tôi.
Ông Vinh đi xuống. (Lúc này tôi quyết lấy lại điện thoại, bởi tôi nghĩ: chính quyền này đã lấy đất của Giáo hội, đã lấy đất, lấy nhà của Nhà Dòng, nên quyết không để họ lấy dù chỉ là cái điện thoại của mình.)
An ninh mặc thường phục rút dần. Có lúc tôi ngồi trong phòng một mình, có lúc có 2 đến 3 viên an ninh ngồi canh tôi. Khoảng 14 giờ kém, một viên an ninh mời tôi ăn bánh mì, nhưng tôi cám ơn từ chối. Tôi ngồi đọc kinh, ngồi nghĩ về lịch sử Giáo hội với những cuộc bách hại. Nghĩ tới các bậc tiền bối trong Dòng, nghĩ tới Đức Hồng Y Phanxicô Thuận…Tôi nghĩ tới quý cha quý thầy, nghĩ tới người bạn đang quan tâm đến mình.
Nhiều lần tôi cho người gọi ông Vinh lên gặp. Ông lên nhưng nói là đang tìm điện thoại, xin chờ.
Khoảng 15 giờ 30, ông Vinh lên gặp tôi và mời tôi đến phường Lý Thái Tổ để xác minh điện thoại. Tôi nói với ông Vinh, các ông lấy điện thoại của tôi thì trả lại cho tôi sao còn phải đi đâu nữa. Ông nói là tất cả đồ đạc của người dân thất lạc đều để ở đó.
Ông Vinh gọi xe của công an phường Trần Hưng Đạo đưa tôi tới phường Lý Thái Tổ. Tại đây tôi đã lấy lại chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, điện thoại đã bị reset. Không còn tài liệu gì, ngoài số điện thoại trong sim. Viên công an phường Lý Thái Tổ nói là điện thoại của tôi do một người dân ở Thái Bình nhặt được và giao nộp lại. Tôi cường trừ rồi ra về.
Ngày lễ Đức Mẹ Fatima
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016