Xã hội nhân loại ồn ào náo nhiệt, rối loạn lộn xộn, đèn đỏ rượu xanh, xa hoa buông thả, nhìn thì thấy vô cùng phức tạp, nhưng nghĩ kỹ lại một chút, thấy cũng chẳng qua là người nghèo khó truy cầu phú quý, người giàu có truy cầu hưởng thụ và lạc thú, về cơ bản chỉ là bấy nhiêu chuyện mà thôi.
Vì sao người ta chán ghét nghèo khó? Bởi vì người nghèo không thể nào thoả mãn được tất cả những dục vọng của mình. Bất luận là nhu cầu về ăn uống hay dục vọng, bất luận là tâm hư vinh hay là thích sự hào nhoáng, bất luận là đi bệnh viện khám bệnh không xếp hàng hay đi máy bay ngồi khoang hạng nhất, đều phải dùng tiền bạc để đáp ứng, dùng tiền bạc để thực hiện.
Phú là vì có tiền, quý là vì xuất thân – dòng dõi và quyền lực. Đương nhiên, có tiền rồi cũng không lo không có quý, mà có quyền lực rồi dường như cũng không lo không có tiền. Vì phú và quý có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, có thể dung nhập lại thành một phạm trù.
Người nghèo khó khao khát và mong muốn được phú quý, đây là chuyện thường tình của con người, cũng là dục vọng chính đáng. Phú quý là dục vọng chính đáng của con người, nhưng không dùng phương cách chính đáng để đạt được thì phú quý đó không xứng đáng. Mọi người đều chán ghét nghèo khó nhưng không dùng phương cách chính đáng để thoát nghèo thì không đáng thoát.
Nhưng trong cuộc sống thực tế, số người không dùng phương thức chính đáng để thoát nghèo và làm giàu ngày càng nhiều; số người dùng phương pháp bất chính để thoát nghèo và làm giàu mà không bị trừng phạt đâu đâu cũng có; số người tuy chửi mắng những người dùng phương thức bất chính để thoát nghèo và làm giàu, nhưng khi bản thân mình khi có cơ hội thì cũng sẽ làm như vậy, chỗ nào cũng có…
Dục vọng của nhân loại là hố đen không thể lấp đầy, người nghèo có dục vọng của người nghèo, người giàu có dục vọng của người giàu. Vợ của ông lão đánh cá dục vọng lúc đầu chỉ là muốn có một bát gỗ mới, nhưng khi có bát gỗ mới rồi, bà ấy lập tức muốn có nhà gỗ; có nhà gỗ rồi, bà ấy muốn làm quý phu nhân; thành quý phu nhân rồi, bà ấy lại muốn làm nữ hoàng; thành nữ hoàng rồi, bà ấy lại muốn làm nữ vương của biển cả, để chú cá vàng vốn có thể thoả mãn tất cả dục vọng trở thành kẻ nô bộc cho bà. Điều này đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bong bóng xà phòng, nếu thổi lên quá lớn, tất nhiên sẽ bị vỡ.
Phàm mọi việc đều có giới hạn, một khi vượt quá, tất sẽ bị trừng phạt, đây là triết lý nhân sinh giản dị mộc mạc, cũng là quy luật của rất nhiều sự vật trong tự nhiên.
Trong nhân gian có rất nhiều chuyện cổ mang ý nghĩa khuyên răn đều để thức tỉnh con người khắc chế dục vọng của bản thân. Có người kể, để bắt khỉ, người Ấn độ làm một loại lồng bằng gỗ, trong lồng để thức ăn, khi con khỉ thò tay vào để lấy thức ăn, tay liền không rút ra được, nếu muốn rút tay ra, buộc phải bỏ thức ăn xuống, nhưng con khỉ nhất định không chịu buông, khỉ không có trí tuệ “buông bỏ”. Vậy con người có trí tuệ “buông bỏ” không? Có người có, có người không. Có người lúc có, lúc không. Con người đều có lúc nào đó không muốn buông bỏ thứ gì đó, đây là điểm yếu của con người, cũng là tính cách phong phú tồn tại trong con người.
Hơn 100 năm trước, phần tử tri thức tiên tiến của Trung Quốc từng đưa ra khẩu hiệu “Khoa học kỹ thuật cứu quốc”, hơn 30 năm trước, giới chính trị gia Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu “Khoa học kỹ thuật hưng quốc”. Nhưng cho tới ngày nay, tôi cảm thấy nhân loại đang đối mặt với nguy hiểm lớn nhất, chính là sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và tham vọng ngày càng bùng phát của nhân loại. Với dục vọng bị kích thích của con người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đi chệnh khỏi quỹ đạo thông thường là để phục vụ nhu cầu sức khỏe của con người, thay vào đó là điên cuồng phát triển dưới sự dẫn động của lợi nhuận để đáp ứng – kỳ thực là nhu cầu bệnh hoạn của một số ít người giàu có.
Nhân loại đang điên cuồng bóc lột trái đất:
Chúng ta khoan vào trái đất trăm ngàn lỗ thủng, chúng ta làm ô nhiễm các dòng sông, đại dương và không khí, chúng ta tập trung lại một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những công trình kiến trúc kỳ quái, đặt cho nó cái tên mỹ miều là “thành phố”, chúng ta ở trong những thành phố này thoải mái phóng túng những dục vọng của mình, tạo ra những thứ rác rưởi vĩnh viễn khó mà tiêu huỷ được.
So với người ở nông thôn, người thành thị là có tội, so với người nghèo, người giàu là có tội, so với nhân dân, quan chức là có tội, theo một ý nghĩa nào đó mà nói, quan càng to, tội càng lớn, vì quan càng cao, phạm vi cai quản càng rộng, dục vọng càng lớn, hao phí tài nguyên càng nhiều.
So với các quốc gia chưa phát triển, quốc gia phát triển là có tội, vì dục vọng của các nước phát triển còn lớn hơn, nước phát triển không chỉ làm hại trên lãnh thổ của mình, mà còn ảnh hưởng đến các nước khác, đến Hải phận Quốc tế, đến Bắc cực, Nam cực, lên mặt trăng, đi lên vũ trụ làm những việc có hại một cách mù quáng.
Địa cầu bốn bề lửa khói, toàn thân run rẩy, biển cả kêu gào, cát bụi bay khắp nơi, hạn hán lũ lụt, bệnh tật lan tràn… đều liên quan đến sự phát triển bệnh hoạn của khoa học kỹ thuật dưới sự kích thích bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển.
Trong thời đại như vậy, văn học của chúng ta kỳ thực đảm đương một trọng trách rất lớn, trách nhiệm cứu trái đất và cứu nhân loại, chúng ta phải dùng tác phẩm của mình nói cho mọi người biết, đặc biệt là những người giàu có do sử dụng những thủ đoạn bất chính để đạt được tiền tài và quyền lực, họ là những người có tội, thần linh sẽ không bảo hộ cho họ. Chúng ta phải dùng tác phẩm của mình nói với những chính trị gia hư vinh rằng, cái gọi là lợi ích quốc gia không phải là tối cao nhất, điều cao cả chân chính nhất là lợi ích lâu dài của toàn nhân loại.
Chúng ta phải dùng tác phẩm của mình nói với những phụ nữ có cả ngàn chiếc váy, có cả vạn đôi giày rằng họ có tội; chúng ta phải dùng tác phẩm của mình nói cho những quý ông sở hữu hàng chục chiếc xe hơi hạng sang biết rằng họ là người có tội, chúng ta phải nói cho những người sử hữu máy bay riêng, du thuyền riêng biết rằng họ là người có tội, cho dù trên thế giới này có tiền là muốn làm gì thì làm, nhưng những việc họ muốn làm gì thì làm là phạm tội với nhân loại, cho dù tiền của họ kiếm được là hợp pháp.
Chúng ta phải dùng tác phẩm của mình nói với những nhà giàu mới nổi, những kẻ đầu cơ, những kẻ cưỡng đoạt, lừa đảo, những kẻ xấu xa, tham quan, vô lại biết rằng mọi người ngồi chung trên một chiếc thuyền, nếu thuyền chìm, cho dù họ mặc hàng hiệu, châu báu đầy người, hay đơn sơ áo vải, vô danh tiểu tốt thì kết cục đều như nhau cả.
Chúng ta phải dùng tác phẩm văn học của mình truyền đạt cho mọi người rất nhiều đạo lý căn bản nhất:
Ví dụ nhà xây để ở, không phải để đầu cơ, nếu nhà xây lên không ở thì đó không phải là nhà. Chúng ta phải để mọi người nhớ lại, khi nhân loại chưa phát minh ra điều hòa, người chết vì nóng không nhiều như bây giờ. Khi nhân loại chưa phát minh ra đèn điện, bệnh cận thị ít hơn bây giờ nhiều. Khi chưa có tivi, thời gian rảnh rỗi của mọi người cũng phong phú như vậy. Khi chưa có internet, số người ngớ ngẩn dường như ít hơn bây giờ nhiều.
Giao thông thuận lợi khiến người ta mất đi niềm vui của du lịch, thông tin nhanh chóng khiến người ta mất đi hạnh phúc của việc thư từ qua lại, thực phẩm quá dư thừa khiến người ta mất đi mùi vị khi ăn, dễ dãi về tình dục khiến người ta mất đi năng lực của tình cảm lứa đôi. Không cần thiết phải phát triển nhanh như vậy, không cần thiết phải làm động vật và thực vật lớn nhanh như vậy. Vì động, thực vật lớn quá nhanh thì ăn không ngon, bởi không có dinh dưỡng mà chứa hàm lượng chất độc và các chất kích thích khác.
Trong sự phát triển bệnh hoạn của khoa học dưới sự kích phát của tiền bạc, tham vọng và quyền lực đã làm cho cuộc sống của nhân loại mất mát quá nhiều cảm nhận thú vị và đối mặt với đầy rẫy nguy cơ.
Kiếm chế một chút, chậm rãi một chút, 10 phần thông minh chỉ dùng 5 phần, còn 5 phần để lại cho con cháu.
Vật chất cơ bản nhất để duy trì sinh mạng của nhân loại là không khí, ánh sáng mặt trời, thực vật và nước, những thứ khác đều là xa xỉ phẩm. Đương nhiên, quần áo và nhà cửa cũng cần thiết. Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa.
Khi con người ở trong sa mạc, sẽ hiểu được nước và thực phẩm quý giá hơn vàng, bạc và kim cương rất nhiều. Khi gặp động đất và sóng thần, người ta sẽ hiểu, cho dù có bao nhiêu biệt thự hào hoa, khách sạn sang trọng, thì trong bàn tay vĩ đại của tự nhiên cũng chỉ là một đống bùn đất. Khi con người huỷ hoại trái đất tới mức không còn phù hợp để sống được nữa, lúc đó, quốc gia nào, dân tộc nào, chính đảng hay cổ phiếu nào cũng trở nên vô nghĩa, đương nhiên, văn học cũng trở thành vô nghĩa.
Văn học của chúng ta thực sự có thể khiến tham vọng của nhân loại, đặc biệt là tham vọng của quốc gia phần nào được thu hẹp lại không? Kết luận là rất bi quan, cho dù kết luận là bi quan, nhưng chúng ta không thể buông bỏ nỗ lực, bởi vì, đây không chỉ là cứu người, mà đồng thời cũng là cứu chính bản thân mình.
Tác giả: Mạc Ngôn
Biên dịch: Minh Tâm
Theo Sound Of Hope. Nguồn: trithucvn.net