Thái Hà (02.01.2015) – Người du khách viếng thăm Thánh đường Chartres, vào một ngày nắng đẹp, không khỏi ngây ngất trước những kính-hoa-màu (vitraux). Những kỳ công tuyệt tác đó nếu không có mặt trời, hình như thu kín lại, che giấu tất cả những giàu sang báu nhiệm, không muốn phô trương những nét châu gấm rạng rỡ. Nhưng với ánh sáng tỏa chiếu, chúng hiện sáng như những bức tranh rất mực linh hoạt, kể lại cho người xem những thời điểm hào hùng của lịch sử cứu rỗi cũng như lịch sử Giáo Hội, hoặc quá trình của một dân tộc sống trọn niềm tin. Chúng là ký ức thu những việc trọng đại Thiên Chúa đã làm cho trần thế, và bộc lộ ý nghĩa màu nhiệm của các việc trọng đại đó. Có thể nói chung là chứng tá sống động và rực rỡ như gấm hoa, cho hai cuôc hành trình, hai cuộc sống. Một đàng, Thiên Chúa đi đến với con người, chia sẻ mọi sự với con người, ngoại trừ tội lụy. Đàng khác, con người, nghe theo tiếng gọi tối thượng, nỗ lực tiến về với Thiên Chúa, và đón nhận sự sống Thiên Chúa ban cho. Nhưng, chính nhờ ánh sáng mặt trời mà hiện tỏ muôn hương sắc nói đây của vườn hoa đạo Chúa, ẩn tàng trong các kính-hoa-màu!
Ngày Maria, cùng với Giuse, ẵm bế Giêsu lên Đền Thánh, dâng hiến hài nhi cho Thiên Chúa, Maria đã sống như một kính-hoa-màu. Mẹ khiêm tốn biết bao trong thái độ tuân giữ lề luật, âm thầm kín đáo tiến về Giêrusalem như nhiều cặp vợ chồng khác để được thanh tẩy theo luật Môsê. Dù Maria xác tín tận thâm tâm rằng Mẹ và con Mẹ vượt xa trên các lề luật đó, và chẳng cần phải được thanh tẩy như mọi người cho dầu chỉ là một sự thanh tẩy chiếu luật. Bản thân Maria đã được tràn đầy Thánh Thần Chúa, và quyền năng Đấn Tối Cao đã gầy dựng nơi cung lòng người trinh nữ hèn mọn Nagiarét một thân xác cho Con Thiên Chúa làm người. Nhưng Thánh sử Luca chỉ ghi một cách gãy gọn: “Khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ thanh tẩy cho các Đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem con trẻ lên Giêrusalem hiến dâng cho Thiên Chúa”. Có gì là thần kỳ, là đặc biệt trong cuộc hành trình này đâu! Cũng chẳng phải là một biến cố đáng ghi nhớ. Mà chỉ là một việc tầm thường, như bao cha mẹ khác vẫn làm, và vẫn thấy tại đền thờ.
Phải, tầm thường quá để cho những người đọc dòng Phúc Âm trên đây có thể hình dung một cảnh sinh hoạt có chút ít màu sắc và thơ mộng: Hai cha mẹ trẻ cùng với đám đông tiến vào Đền Thánh; Bà mẹ bế đứa con thơ, người cha mang theo hai con chim câu để “chuộc” con mình. Còn hơn nữa, nhìn vào lễ vật mang theo, người ta cũng biết đó là một gia đình nghèo, đã không mua nổi một con chiên. Sau này, khi Philiphê gặp Nathanael và nói: “Đấng mà Môsê đã viết đến trong sách luật, và các tiên tri đã loan báo, nay chúng tôi đã gặp, đó là Giêsu, con ông Giuse, làng Nazarét” Nathanael liền nói: “Từ Nazarét thì có phát xuất gì được tốt đẹp đâu” (Gn. 1:45-46). Thường thường, xã hội nào cũng thế, chỉ biết trọng người có học, nể người có quyền, và sợ kẻ có quyền. Nhưng khi con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài đã chọn một gia đình, cách riêng một bà mẹ, thiếu hẳn ba thứ vinh hoa ấy. Rồi ba mươi năm trời sống với Mẹ và Thánh Giuse tại Nazarét, Giêsu cũng đã chôn một nếp sống mộc mạc, bình thường như những người mạt hạng trong xã hộ thời đó.
Nhưng có hai người đã nhìn gia đình nghèo khó trong ánh sáng tinh tuyền của Thánh Thần, và cảnh tượng quá tầm thường dưới con mắt người bàng quan, đã trở nên đối với họ, là những kính-hoa-màu rự rỡ, biểu lộ những giàu sang khôn tả, đó là cụ già Simêon, “một người công chính và mộ đạo”, và bà Anna, một nữ tiên tri “đêm ngày thờ Chúa trong kiêng chay và cầu nguyện”. Những đức tính Luca kê khai ra đây phải hiểu như những điều kiện để có thể nhìn thấy Maria như kính-hoa-màu của Thiên Chúa: Có một tâm hồn luôn mãi mở rộng đón chờ Đấng chí Thánh, và sống hoàn tòa dưới năng lực của Thánh Thần.
Ông Simêon bồng lấy bé thơ và chúc tụng Thiên Chúa trong niềm hân hoan: “Giờ đay, lạy Chúa, chiếu theo lời Chúa, xin hãy để tôi tá Ngài về trong bình an; Vì mắt tôi đã thấy nguồn ơn cứu thoát, Ngài đã dọn sẵn trước mặt muôn dân; ánh sáng để rạng soi dân ngoại, và vinh quang cho Israel, dân Chúa”.
Những lời quá lạ lùng đã gây kinh ngạc lớn nơi cha mẹ em bé. Hai người lầm tưởng đang âm thầm chu toàn cách ẩn danh một nghi lễ do luật định. Không ngờ lại có người khám phá ra những kính-hoa-màu vô giá! Vả lại, Maria, tuy phần nào biết nguồn gốc của Giêsu, nhưng chưa thấu triệt “chiều rộng, dài, cao sâu” của mầu nhiệm trẻ thơ. Vì thế, những lời của Simêon cũng là mặc khải đối với Maria, và mời gọi Maria tiến đi không ngừng trong cuộc hành trình đức tin.
Kinh ngạc của Maria còn tăng lên ngàn lần, khi Simêon có những lời dành riêng cho người: “Này đây, con trẻ này được đặt ra như cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được đỡ dậy trong Israel, và nên cái dấu làm bia cho sự đối nghịch. Và nơi chính mình bà, mũi gươm sẽ thấu xé lòng Bà, ngõ hầu tâm tư lòng nhiều người được vạch tỏ”. Những lời như thế buộc Maria phải hiểu việc dâng hiến trẻ Giêsu trong đền thờ, không chỉ có nghĩa vị chu toàn lề luật. Chúng vạch ra trước mắt và tâm tư Maria con đường làm Mẹ vô cùng bí ẩn và khác thường, và còn cho Maria nhận biết chân lý mới mẻ này trong nước trời, áp dụng cho cả địa vị làm Mẹ đấng Mê-si-a: “Giêsu phải thăng tiến luôn mãi, còn tôi, tôi phải giảm dần”. (Gioan 3:30). Đó là con đường nghèo khó tuyệt đối.
Tình mẫu tử, từ đó, mang nặng ý nghĩa hy sinh, từ bỏ, hiến tế. Chứ không là hưởng thụ niềm vui làm Mẹ nữa. Hay nói đúng hơn, niềm vui làm Mẹ là quảng đại dâng hiến người con quý lên Thiên Chúa, mà Con Thiên Chúa thì thuộc trọn về Thiên Chúa, vì Ngài cũng là Thiên Chúa. Trong việc dâng hiến tại đền thờ, Con Thiên Chúa xuống thế làm người bắt đầu khởi hành trở về lại với Cha Ngài, bởi vì Ngài thuộc trọn Cha Ngài. Động từ “dâng hiến” thánh sử Luca dùng ở đoạn này rõ ràng nói lên ý nghĩa lễ tế. Thánh Phaolô, trong các thư gửi cho anh chị em tín hữu Corinhtô (ICor. 8:8; 2Cor. 4:14; 11:2), Êphêsô (5:27), Côlossê (1:22-28) đều dùng tiếng dâng hiến theo ý nghĩa đó. Đặc biệt trong thư gửi tín hữu Rôma: “Vậy hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em: nhân danh đức từ tâm của Thiên Chúa, hãy hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (12:1). Dâng hiến hiểu như thế là một việc tế tự. Của lễ dâng hiến thuộc trọn về Chúa, và người dâng, không nhưng hết quyền lợi trên của lễ, mà còn phải sống như của lễ hiến dâng.
Tác giả lá thư gửi cho tín hữu Do Thái đã đặt ở miệng Đức Giêsu những lời dạy sau đây: “Hy sinh cùng lễ vật Cha đã không ưa, nhưng cha đã nắn nên cho con một thân xác. Những lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Cha đã không đoái màng. Bây giờ con nói: này con xin đến, lạy Cha, để thi hành Thánh ý Cha” (10:5-7). Bởi sự việc xuống thế làm người, “trở nên xác phàm”, Giêsu, con Đức trinh nữ Maria, là lễ vật tinh tuyền, là của lễ duy nhất làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, suốt cả cuộc đời, Giêsu đã sống như lễ vật dâng tiến lên Cha Người hằng giây phút. Đàng khác, Giêsu không những là một lễ vật, mà còn là một hy lễ, nghĩa là có thương đau, có máu đổ. Những lời Simêon nói với Maria nhắc nhở đến những gì Tiên tri Isaia đã loan báo về người tôi tớ khốn khổ (50:6; 53:2-3). Trong nhãn tuyến của Simêon, Maria hiện ra là Mẹ của người tôi tớ thống khổ đó. “Và chính nơi Bà, một mũi gươm sẽ thâu xé tâm linh”. Hình ảnh táo bạo, dữ dằn, để nói rằng Maria không phải chỉ sẽ buồn phiền về mặt cảm tình, nhưng sẽ khổ đau tâm thâm sâu cùng tộc của bản thân. Một khi đã chấp nhận làm Mẹ của Đấng Mêsia, Maria tuy chưa ý thức hoàn toàn tất cả tầm mức của hai tiếng “Xin vâng”, cũng đã chấp nhận làm mẹ Đấng saunày sẽ chết treo trên khổ giá như hiến tế đẫm máu.
Nhưng ngay ở những ngày đầu tiên của cuộc sống trần thế Đức Giêsu, Maria đã thi hành một việc tế tự cực Thánh, khi dâng hiến Đức Giêsu lên Thiên Chúa. Và trong một việc tế tự chính thức, người dâng của lễ gắn liền sinh mạng với của lễ dâng tiến. Tại đền thờ Giêrusalem, ngày hôm đó, Maria đà âm thầm tuyên thệ “cùng khổ đau”, “cùng chết” với con Mẹ, cũng như Thánh Phaolô, và còn hơn Thánh Phaolô, Maria có thể nói: “Nay, tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ phải chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài, tức là Hội Thánh” (Col. 1:24). Maria quả thật là Đấng đồng công cứu chuộc.
Trong kính-hoa-màu tuyệt mỹ, chúng ta thấy Maria dâng hiến Giêsu là hình ảnh cao vời của Hội Thánh. Mỗi ngày, Hội Thánh được mời gọi dâng lên Chúa cha, trong thánh lễ Mình và máu Đức Giêsu Kitô, để sống mầu nhiệm và ân sủng cứu độ và phục sinh. Và cũng như Maria, Hôi Thánh cảm nhận sự nghèo nàn của mình, vì của lễ do chính Thiên Chúa ban cho. Hơn nữa, Hội Thánh cũng với của lễ phải luôn mãi tận hiến toàn diện trong phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ con người. Hội Thánh, và mỗi người tín hữu, vui sướng bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô, để cho Lời Chúa như mũi gươm, thâu xé mọi tâm hồn biết nhìn nhận Ngài và yêu mến Ngài.