Nhân 7 năm ngày Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cử hành lễ tuyên phong Chân Phước Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican, Roma, xin giới thiệu với quý đọc giả bài viết của cố linh mục Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế về vai trò của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong biến cố chế độ cộng sản Nga và Đông Âu sụp đổ.
……………………
Ngày 1.5.2011, Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ cử hành lễ tuyên phong Chân Phước Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican, Roma.
Nhân dịp này, tôi có ý cùng toàn thể Giáo Hội ca tụng công đức của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Thêm vào đó, tôi còn có một vài lý do riêng. Ngài với tôi cùng một tuổi. Ngài sinh ngày 18.5.1920, lấy tên là Karol Jozef Wojtyla, tại Ba Lan. Còn tôi, sinh ngày 15.11.1920, tại Việt Nam. Sau khi làm Linh Mục, ngài với tôi cùng học một trường đại học ở Roma. Đàng khác, ngài và tôi có cùng một tinh thần chống chủ nghĩa Cộng Sản.
Với tuổi già và sự hiểu biết lịch sử có hạn, tôi vẫn muốn góp nhặt một vài biến cố về Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong sự sụp đổ của đế chế Cộng Sản. Đặc biệt những biến cố đó đã được ghi lại trong cuốn sách “His Holiness John Paul II and the Hidden History of Our Time” của hai nhà báo Carl Bernstein và Marco Polili. Cuốn sách này đã được Nguyễn Bá Long và Trần Quy Thắng dịch, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân in tại Hà Nội, 1997, 911 trang.
Cuộc hành trình đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II với tư cách Giáo Hoàng đến Ba Lan. Ngày 2.6.1979 chiếc máy bay của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã hạ cánh xuống thủ đô Ba Lan. Vào lúc đó, những tiếng chuông từ tất cả các Nhà Thờ ở Ba Lan đều gióng lên.
Giáo sư Henryk Jablonsky Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Ba Lan sốt ruột nhìn, khi chiếc máy bay phản lực trắng toát của hãng hàng không Alitalia bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Vacxava. Giờ đây, chiếc máy bay đang hạ cánh xuống Vacxava giống như một thiên thạch và không một ai biết tác động của nó sẽ như thế nào. Người lái chiếc máy bay của ngài, sau khi vào không phận Ba Lan, đã lượn một vòng cho chiếc máy bay bay qua thành phố Krakow. Ngày 1.10.1978, ở tuổi 58, Ngài Karol Wojtyla ( tên của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ) đã rời thành phố đó với cương vị Hồng Y Giáo Chủ. Ngài nhìn xuống những khung cảnh quen thuộc: “Tôi trở về, tôi trở về để gặp lại Giáo Hội mà từ đó tôi đã ra đi”, ngài đã nói như thế với thủ tướng Italia G. Andreotti khi rời khỏi Roma.
Từ khoang lái, phi công có thể nhìn thấy những dòng người vô tận đang đi tới trung tâm Vacxava và những đám đông tập họp lại dọc theo con đường mà Đức Giáo Hoàng sẽ đi từ sân bay vào thành phố. “Với tôi, đây là một chuyến trở về nhà”, Đức Giáo Hoàng mỉm cười nói với một nhà báo người Ba Lan. Khi Đức Giáo Hoàng quỳ xuống hôn lên mặt đất tại sân bay và ôm hai bé gái đến chào đón Ngài, với những lẵng cẩm chướng trắng và đỏ ( những sắc màu của Ba Lan ) cùng với những bông huệ trắng và vàng ( những sắc màu của Vatican ), tiếng vang của những hồi chuông kia đã dội tới các đường biên giới của Đông Đức, vượt qua biên giới Tiệp Khắc, băng qua những rào chắn của Ukraina và Belorussia ở Liên Xô và của nước Latvia. Trong những ngày tiếp theo đó, ý nghĩa của những hồi chuông nhẫn nại này sẽ trở nên rõ ràng hơn đối với hàng triệu người. Nghi lễ trong những giây phút đầu tiên của chuyến viếng thăm này đã xác nhận rằng trong cả một ngàn năm, Giáo Hội Ba Lan vẫn là hiện thân của dân tộc Ba Lan, bất chấp những cuộc chiến tranh, giềt chóc, chia cắt, thanh trừng…
Trên khắp nước Ba Lan, màu cờ đỏ của của chủ nghĩa Cộng Sản dường như đã biến mất một cách kỳ lạ, và ở đó chỉ còn lá cờ của quốc gia Ba Lan và của Tòa Thánh. Trong chín ngày sau đó, dân chúng Ba Lan và đặc biệt giới trẻ sống trong một tâm trạng phấn khởi, xem như họ mục kích sự xuất hiện của một đấng cứu tinh. Cảm giác này rất choáng ngợp và không thể cưỡng lại được.
Thoạt nhìn thấy ngôi Nhà Thờ lớn, gương mặt Đức Giáo Hoàng thay đổi và những giọt nước mắt bắt đầu chảy dài trên hai gò má của Ngài. Một số người xung quanh Ngài gào thét lên, thế nhưng nhiều người khác không reo hò mà chỉ đắm nhìn Ngài và cũng giống như Ngài, khóc để những tình cảm dịu bớt. Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng được cử hành ở trung tâm Quảng Trường Chiến Thắng, nơi có tượng đài chiến sĩ vô danh của Ba Lan, thường chỉ có đảng Cộng Sản sử dụng quảng trường này cho các cuộc duyệt binh, mít tinh quần chúng. Khi Đức Giáo Hoàng đến quảng trường vào lúc 4 giờ chiều hôm đó, ba trăm ngàn người đang chờ đợi và hàng chục ngàn người khác không được cho vào đã tập trung quanh khu vực trung tâm thành phố.
Trong Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng đưa ra một tuyên ngôn mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Vacxava lo sợ nhất: “Đối với Ba Lan, Giáo Hội đã đưa Chúa Giêsu tới, chiếc chìa khóa để hiểu được thực tiễn vĩ đại và cơ bản là con người…Không thể loại Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, tại bất kỳ kinh tuyến hay vĩ tuyến nào của hành tinh. Loại trừ Chúa Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”. Với những lời đó, Đức Giáo Hoàng đã bãi bỏ toàn bộ chính sách phương đông Ostpolitik mà Vatican đã thúc đẩy suốt hai mươi năm trước đó. Các Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI đã theo chính sách đó để giảm bớt căng thẳng giữa Giáo Hội và các chế độ Cộng Sản, để làm bớt đi khả năng diễn ra các cuộc thanh trừng mới, để có thêm Nhà Thờ được xây lên, thêm Linh Mục, Giám Mục được bổ nhiệm, nói tắt là để đưa đến cùng tồn tại hòa bình, nhưng mất đi tiếng nói ngôn sứ của Giáo Hội. Điều đang diễn ra giờ đây ở Quảng trường Chiến Thắng của Vacxava là một bước đột phá lớn đối với Giáo Hội ở Ba Lan, Đông Âu, Liên Xô và trong các vấn đề quốc tế. Qua Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Giáo Hội đang tuyên bố một vai trò mới và qua Ngài, Giáo Hội đang đòi phải tôn trọng nhân quyền cũng như giá trị của Kitô giáo. Những đòi hỏi này thể hiện một cuộc tấn công trực diện vào những kỳ vọng phổ biến của Cộng Sản, cái mà giờ đây đã trở thành một cái vỏ rỗng tuếch tại các nước nằm dưới ảnh hưởng của Xô Viết.
Chuyến đi đầu tiên của Đức Giáo Hoàng tới Ba Lan là một biểu hiện công khai ngoạn mục về quyền lực tiềm tàng của Ngài.
Đức Giáo Hoàng và đảng Cộng Sản Ba Lan
Ngày đầu tiên trở về Ba Lan trong hào quang chiến thắng, ngày 2.6.1979, Đức Giáo Hoàng đã làm cho nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan và Liên Xô run sợ. Ngay những lời đầu tiên của Đức Giáo Hoàng trong cuộc nói chuyện với Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, Edward Gierek, đã gây náo động. Đức Giáo Hoàng đã phát biểu công khai hy vọng của Ngài về một bản thỏa thuận giữa Giáo Hội và chính quyền, điều mà ông Edward Gierek không hề muốn. Đức Giáo Hoàng cũng đưa ra danh mục một loạt các điều kiện được đặt ra để thuyết phục nhà cầm quyền Cộng Sản tin rằng họ sẽ phải tồn tại một cách hòa bình với Giáo Hội.
Khi ông Edward Gierek nói về sự hòa dịu trong quan hệ quốc tế, Đức Giáo Hoàng đáp lại: “Hòa bình và việc thiết lập lại các mối quan hệ phải được đặt trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trong đó có quyền xây dựng và tạo lập nền văn hóa, văn minh riêng của họ”.
Khi ông E. Gierek nói về những cam kết an ninh và vị trí của Ba Lan trong cộng đồng quốc tế, ông muốn đề cập đến liên minh trong khối COMECON và hiệp ước Varsava ( cả hai khối này đều hoàn toàn bị chi phối và điều hành bởi Liên Xô ), Đức Giáo Hoàng nói: “Tất cả các loại hình nô dịch về chính trị, kinh tế, văn hóa đều đi ngược lại với sự đòi hỏi của luật lệ quốc tế. Những hiệp ước đảm bảo là những hiệp ước dựa trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau và công nhận lợi ích của mỗi dân tộc”. Sự thẳng thắn và dũng cảm của Ngài đã bất ngờ thuyết phục được nhà lãnh đạo Cộng Sản, ông Gierek tỏ ý sẳn sàng ký một giải pháp cơ bản về các hoạt động của Giáo Hội trong xã hội Ba Lan, Đức Giáo Hoàng muốn chính quyền Ba Lan công nhận rằng: Giáo Hội phục vụ con người trong khía cạnh cuộc sống trần thế của họ, và đó là các hoạt động chính trị và xã hội của họ.
Tất cả những điều Đức Giáo Hoàng nêu lên, đã làm cho đảng cầm quyền ở Ba Lan và Liên Xô sợ. Bằng những bài phát biểu mạnh mẽ, Ngài thách thức thế giới quan, tư tưởng của chế độ Cộng Sản, đặt vấn đề về vai trò của nhà nước, về mối liên minh giữa Ba Lan và Liên Xô, kể cả về những sự phân chia bản đồ địa lý – chính trị ở Châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ II. Tướng Jaruzelski, người đang theo dõi các hoạt động của Đức Giáo Hoàng từ trung tâm chỉ huy ở Bộ Quốc Phòng, có thể thấy các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị Ba Lan đã cực kỳ bối rối, thậm chí sợ hãi. Đối phó và phản ứng lại Đức Giáo Hoàng, đó là vấn đề nan giải đối với Kremli. Nghiêm trọng là nhiều đoạn trong bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, theo họ, đã vượt quá những khuôn khổ hoạt động tôn giáo một cách nguy hiểm. Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng Sản Ba Lan, Gierek và thủ tướng Piotr Jaroszewicz đã bày tỏ sự quan tâm của họ về cái gọi là “sự lật đổ”.
Đế chế Cộng Sản rung động
Mùa hè 1980, những cuộc đình công đã gây chấn động ở Ba Lan. Đây không hoàn toàn là những cuộc đình công, mà còn là những cuộc nổi loạn chính trị, như Brezhnev nhận xét, chính xác là “cuộc phản cách mạng”.
Phong trào này, giống như tất cả các cuộc cách mạng xã hội mang tính lịch sử, đã tập họp được một nhóm lực lượng chính trị ghê gớm – những người lao động, giới trí thức và Giáo Hội – mà trước đây họ không hề thống nhất với nhau được một cách dứt khoát, rõ ràng đến như vậy. Một ủy ban bảo vệ công nhân đã được thiết lập, viết tắt là KOR, do những nhà trí thức thành lập, nhằm giúp đỡ những công nhân bị bắt giữ hoặc bị xử bắn sau lần bạo động nổ ra năm 1976.
Câu lạc bộ những nhà trí thức theo Kitô Giáo, các Giám Mục, có sự hậu thuẫn của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, bây giờ đang tiến hành thử nghiệm truyền đạo qua Tin Mừng về nhân quyền. Phong trào Công Đoàn độc lập bắt đầu hình thành trong các thành phố chính, trong suốt năm 1978 – Công Đoàn Tự Do được hình thành.
Lech Walesa đứng ra tổ chức cuộc đình công ở xưởng đóng tàu Lênin. Walesa đưa ra một bản yêu cầu gồm 16 điểm, quan trọng nhất trong đó là sự công nhận của Chính Phủ về các Công Đoàn tự do. Mặc dầu cuộc đình công lúc đầu bị giới công nhân dự định hủy bỏ vì nhà nước đã tăng lương, nhưng rồi với sự thuyết phục của Walesa, cuộc đình công vẫn tiếp tục tái diễn, với sự tham gia rất đông công nhân. Walesa đưa ra một bản yêu cầu mới với 21 điểm cơ bản. Nội dung của cuộc đình công và đòi hỏi mới có tính táo bạo của công nhân đã lan nhanh trên khắp vùng biển Baltic. Ngày làm việc đã bị đình lại trong hơn 180 xí nghiệp. Những người tham gia đình công đã tỏ bày những bất bình của họ đối với chế độ bằng cách hát thánh ca và các bài hát yêu nước, và phất cờ tổ quốc trong những nhà máy đang đình công. Người ta báo cho Đức Giáo Hoàng: “Những hạt giống được Đức Thánh Cha gieo vãi đang nở hoa”.
Vụ ám sát Đức Giáo Hoàng
Ngày 13.5.1981, Đức Giáo Hoàng bị ám sát bởi Mehmet Ali Agca. Vụ ám sát này được giám đốc CIA, Robert Gates coi như âm mưu của Cộng Sản Liên Xô. Agca được bảo vệ và bao che bởi cơ quan tình báo Bungari, một tổ chức lệ thuộc vào cơ quan KGB của Liên Xô. Và đó cũng là nhận định của Andreotti, người lãnh đạo đầy quyền lực của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Italia.
Những người Cộng Sản Liên Xô muốn giết hại Đức Giáo Hoàng, vì cái chết của Ngài dường như là cách duy nhất nhằm bóp chết Công Đoàn Đoàn Kết. Hồng Y Achille Silvestrini, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao của Toà Thánh cũng xác nhận: “Nếu âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng thành công, thì đó sẽ là tấm bia mộ cho Ba Lan, và cho những người đang đối đầu với sự kiểm soát của hệ thống Xô Viết”.
Đáp lại sự lên án của phương Tây, Liên Xô cho rằng cùng với một số âm mưu khác, Mỹ đã đứng đàng sau âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng.
Đức Giáo Hoàng tin rằng: số phận của Ngài được bảo vệ nhờ phép lạ của Đức Mẹ Fatima… “Một người nổ súng nhưng một người khác lại hướng dẫn quỹ đạo viên đạn”. Ngài đã gởi đến Liên Xô một tín hiệu “tha thứ”.
Cuộc đấu tranh không khoan nhượng
Ngày 18 tháng 8, trong một bài nói chuyện được phát trên truyền hình, Gierek đã hứa cải tổ và đưa ra sự đe dọa: “Vận mạng của đất nước gắn liền với hệ thống xã hội chủ nghĩa…, những nhóm người vô chính phủ, chống lại chủ nghĩa xã hội đang cố gắng khai thác triệt để tình hình, nhưng chúng ta sẽ không dung thứ bất kỳ một yêu sách hay hoạt động nào nhằm mục đích phá hủy trật tự xã hội ở Ba Lan.”
Các đơn vị quân đội và hàng loạt xe cảnh sát đã bắt đầu tràn về phía bờ biển Baltic. Nhưng số lượng người tham gia đình công đã tăng vọt, lên đến khoảng 300.000 người. Các cuộc đình công đã lan tràn khắp nơi. Cương lĩnh mà Walesa đã chuyền tới tay công nhân là hoàn toàn nghi ngờ toàn bộ hệ thống chế độ Cộng Sản. Lời kêu gọi đối với các Công Đoàn độc lập đã gạt bỏ những lý lẽ cho rằng chỉ có đảng Cộng Sản là một đại diện duy nhất mang tính lịch sử cho tầng lớp lao động. Sự đòi hỏi hủy bỏ các cơ quan kiểm duyệt báo chí, thông tin và đòi quyền sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho các Công Đoàn tự do và Giáo Hội, đã phủ nhận quyền sử dụng của Đảng Cộng Sản về công cụ đầy hiệu quả này để duy trì sự độc tôn về quyền lực.
Ngày 20 tháng 8, khi phong trào đình công bị đe dọa, dẫn đến tình trạng tê liệt mọi hoạt động có màu sắc chính trị lâu dài, Đức Giáo Hoàng nói với một nhóm người Ba Lan hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma: “Chúa ban cho chúng con, qua sự can thiệp giúp đỡ của Đức Mẹ, biết rằng tôn giáo có thể luôn luôn được hưởng tự do và rằng tổ quốc chúng ta có thể được hưởng sự an ninh. Lạy Chúa, xin giúp đỡ những con người này và luôn luôn che chở họ khỏi mọi hiểm nguy, cám dỗ và điều ác.” Sau đó Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Lời cầu nguyện trên đây cho thấy rằng tất cả chúng ta ở Rôma đều thống nhất với những người yêu nước ở Ba Lan, với Giáo Hội ở Ba Lan, mà những vấn đề của họ có liên quan mật thiết với trái tim của chúng ta.”
Ngày 23 tháng 8 một cuộc tranh chấp kịch liệt nổ ra trong trong Đảng Cộng Sản Ba Lan, giữa phe cứng rắn muốn áp đặt thiết quân luật và nhóm người tán thành sự thỏa hiệp và tránh sử dụng quân đội. Cùng hôm đó, Đức Giáo Hoàng đưa ra một mệnh lệnh chính trị rõ ràng: “Tôi cầu mong với tất cả lòng nhiệt thành rằng: các Giám Mục của Ba Lan, thậm chí ngay bây giờ, có thể giúp đỡ đất nước trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, để dành lấy bánh hằng ngày, dành lấy công bằng xã hội, sự bảo đảm quyền bất khả xâm phạm cho sự sống và sự phát triển của Ba Lan.”
Vào đêm đó, chính phủ đã thực hiện một sự nhượng bộ có tính lịch sử, chấp nhận đàm phán với các ủy ban đình công của 3 thành phố. Ngay từ đầu, cuộc đàm phán đã trở thành một cuộc chất vấn đầy kịch tính, kéo dài một tuần. Một nhóm cố vấn đã xuất hiện ngay bên cạnh Walesa. Nhóm này gồm các trí thức, giáo sư và viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan. Hai trong số những người này có quan hệ mật thiết với Đức Giáo Hoàng. Với sự xuất hiện nhóm này, sự lãnh đạo chiến lược của phong trào ( Công Đoàn Đoàn Kết ) được chuyển giao hầu hết cho Giáo Hội.
Lập trường kiên định của Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định cuộc khủng hoảng ở Ba Lan. Ngày 27 tháng 8, với sự chỉ đạo của Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục Ba Lan đã thông qua một tài liệu và tuyên bố một cách dứt khoát quyền độc lập của các tổ chức đại diện cho công nhân và của các tổ chức tự quản. Ý chí của Đức Giáo Hoàng đã trở thành ý chí của cả dân tộc. Giờ đây, chính phủ không còn gì nhiều để lựa chọn, ngoài việc phải chấp nhận. Lech Walesa biết rằng ông đã được Đức Giáo Hoàng ủng hộ.
Ngày 5 tháng 9, Edward Gierek mất chức bí thư của Đảng Cộng Sản Ba Lan. Liên Xô chuyển cho Đức Giáo Hoàng một thông điệp yêu cầu Đức Giáo Hoàng kiềm chế Công Đoàn Đoàn Kết trong việc đưa ra các yêu sách và những vấn đề dễ gây căng thẳng. Đàng khác, qua thông điệp này, họ thông báo rằng, họ sẽ dùng quân đội để can thiệp, nếu Công Đoàn Đoàn Kết đe dọa những lợi ích sống còn của Liên Xô. Đức Giáo Hoàng cố gắng tìm kiếm một sự cân bằng khó khăn và mong manh. Đó là ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết, giữ cho Liên Xô không can thiệp, tránh không đi quá xa trong các yêu sách và tránh khiêu khích chính quyền.
Vào mùa thu năm 1980, những người Cộng Sản ở Berlin ( Đức ), Budapest ( Hungari ), Praha ( Tiệp Khắc ) thực sự hoảng sợ bởi những gì đang xảy ra ở Ba Lan.
Đức Giáo Hoàng đã viết thư cho Brezhnev đòi Liên Xô phải tôn trọng chủ quyền của Ba Lan và quyền lợi hợp pháp của Ba Lan. Lech Walesa đến Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng. Ngài đã tổ chứ c một Thánh Lễ riêng cho 14 thành viên của đoàn đại biểu của Công Đoàn Đoàn Kết. Đức Giáo Hoàng cũng tiếp Lech Walesa 2 lần. Ngài nói với phái đoàn: “Tôi tin rằng điều cơ bản trong những hành động mạo hiểm của các bạn bắt đầu từ tháng 8 tháng 1980 ở miền duyên hải và ở những trung tâm công nghiệp lớn khác của Ba Lan, là một xung lực chung nhằm thúc đẩy những việc đạo đức tốt đẹp cho xã hội.”
Ở Ba Lan, Jaruzelski thì sợ rằng khi Công Đoàn Đoàn Kết thực sự nắm quyền, ông có thể bị cầm tù hoặc tử hình. Hơn thế nữa, điều quan trọng là vì ông là một người Cộng Sản trung thành, đã cam kết phấn đấu cho chủ nghĩa Cộng Sản và cho một nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan. Ông biết rằng sự thành công của Công Đoàn Đoàn Kết là sự kết thúc của chủ nghĩa Cộng Sản ở Ba Lan. Hơn thế nữa, nó sẽ kéo theo những hậu quả ghê gớm về lâu về dài đối với hệ thống Cộng Sản toàn thế giới.
Giữa đêm thứ bảy, ngày 13.12.1981, Jaruzelski ban bố lệnh thiết quân luật. Hơn 10.000 người liền bị bắt. Đến nửa đêm, xe tăng và binh lính đã di chuyển vào các đường phố trên khắp đất nước.
Những phản ứng ban đầu của Đức Giáo Hoàng là cầu nguyện cho việc chỉ đường vạch lối cho người Ba Lan. Điều e ngại lớn nhất của Đức Giáo Hoàng là người Ba Lan sẽ quay lại chống người Ba Lan, và rằng sẽ có một cuộc tắm máu. Nếu dân chúng Ba Lan đổ xô ra đường phố, điều đó sẽ tạo cho người Xô Viết cái cớ để can thiệp vào Ba Lan và gây ra đổ máu nhiều hơn. Sự áp bức là không thể thay đổi được. Đức Giáo Hoàng tuyên bố: “Có quá nhiều máu của người Ba Lan đã đổ xuống, nhất là trong cuộc chiến tranh cuối cùng. Không thể để cho máu của người Ba Lan phải đổ thêm nữa. Mọi việc phải được làm để xây dựng một tương lai hòa bình.” Sau đó, Ngài đã giao phó người Ba Lan cho Đức Mẹ, “Người được phái tới để bảo vệ chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng đã giao cho ông Jaruzelski một lá thư. Ngài nói: “Những sự kiện gần đây ở Ba Lan, kể từ khi tuyên bố thiết quân luật ngày 13 tháng 12, đã dẫn đến kết quả là nhiều người bị giết và bị thương.Và tôi buộc phải gởi đến ngài lời thỉnh cầu khẩn thiết và chân thành này, cầu mong chấm dứt việc đổ máu ở Ba Lan.”
Trong cuộc gặp Jeruzelski, Đức Giáo Hoàng khẳng định quyền độc lập của Ba Lan, và nêu lên vấn đề thiết quân luật. Ngài nói: “Đối với tôi, việc giải tán các Công Đoàn đau đớn hơn nhiều so với việc ban bố thiết quân luật hồi tháng 12 năm 1986…Tôi quan tâm đến việc đạt tới một tình trạng bình thường càng sớm càng tốt”. Ý ngài muốn nói đến tình trạng thiết quân luật.
Sau 18 tháng thi hành thiết quân luật, Công Đoàn Đoàn Kết không còn là một tổ chức lớn mạnh của công nhân, vai trò lãnh đạo bị xóa bỏ và hàng loạt các trụ sở bị đóng cửa. Nhưng qua chuyến thăm Ba Lan của Đức Giáo Hoàng, Công Đoàn Đoàn Kết đã trở thành một tư tưởng, một lương tri, một chân giá trị. Nó là một sự thách thức đối với nhà nước Ba Lan.
Bốn năm ba tháng sau khi ban bố thiết quân luật ở Ba Lan, Mikhail Gocbachev được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô. Mùa xuân năm đó, Đức Giáo Hoàng được biết Gocbachev có thể sẽ là một dạng Cộng Sản kiểu khác. Trở thành Tổng bí thư được vài tuần, Gocbachev muốn biết trực tiếp càng nhiều càng tốt. Gocbachev là người chủ trương Perestroika ( cải tổ ) nên rất cởi mở, làm cho tướng Jaruzelzki cảm thấy có người thương cảm với mình, mà đó lại là Tổng bí thư Cộng Sản Liên Xô, đảm bảo rộng rãi các quyền về tôn giáo cho các công dân Cộng Sản. Jaruzelski đề nghị với Gocbachev nhìn nhận Vatican như là một thế lực đáng tin cậy. Ông nói: “Tôi cho rằng Giáo Hội là một sức mạnh khổng lồ ở Ba Lan, nghiêng về phía đối lập, nhưng nó vẫn có một vị trí khá lành mạnh”. Ông cũng nói: “Đức Giáo Hoàng có một nhân cách tuyệt vời , một nhà nhân văn vĩ đại, một nhà yêu nước vĩ đại. Ngài không chỉ là một lãnh tụ một tôn giáo vĩ đại, một Giáo Hội vĩ đại, mà còn là một người con của một quốc gia có số phận đặc biệt khó khăn”.
Sự xuất hiện của Gobachev đem đến sự thay đổi nhanh chóng đối với quan hệ “Giáo Hội – Nhà Nước” ở Ba Lan và tạo ra bầu một không khí an toàn để Jaruzelski bắt đầu nới lỏng các hạn chế gắn liền với thiết quân luật. Đức Giáo Hoàng phấn khởi và hy vọng vào những đổi thay mà Gobachev đang khởi xướng. Ngài nói: “Ông ta là một người tốt nhưng ông sẽ thất bại bởi vì muốn làm một điều không bao giờ có thể làm được. Chủ nghĩa Cộng Sản không bao giờ có thể cải cách được”. Ngài còn nói thêm: “Perestroika là một dòng thác mà chúng ta đã tháo cho chảy và nó sẽ tiếp tục chảy. Perestroika là sự tiếp tục của Đoàn Kết. Không có Đoàn Kết sẽ không có Perestroika”.
Dòng thác này tuôn chảy sang Tiệp Khắc. Nhân dịp Đức Giáo Hoàng phong công chúa Bohemia của Tiệp Khắc lên bậc hiển Thánh, Đức Hồng Y Tomasek đã có một tuyên bố nẩy lửa trước 200 ngàn người biểu tình tại Praha ngày 21.1.1989. Sau khi đề cao công chúa Anê miền Bohemia của Tiệp Khắc, ngài nói tiếp: “Về phần tôi, tôi không thể nào tỏ ra xa lạ với định mệnh quốc gia chúng tôi và toàn thể đồng bào đất nước tôi. Tôi không thể yên lặng trong lúc tất cả anh chị em đang hợp lực với nhau để phản đối những bất công mà anh chị em phải chịu từ 40 năm nay; người ta không thể duy trì lòng tín nhiệm đối với giới lãnh đạo quốc gia không muốn nói sự thật và chối bỏ các quyền lợi và các quyền tự do của nhân dân với truyền thống có từ hàng ngàn năm nay, những quyền này vẫn được coi là những quyền bình thường trong những quốc gia trẻ trung hơn đất nước chúng ta”.
Sau khi kể những đau khổ người dân phải chịu trong 40 năm, ngài kết luận: “Tôi muốn ngỏ lời với tất cả anh chị em trong giờ phút quyết liệt này của lịch sử chúng ta. Không ai trong anh chị em được đứng ngoài lề. Hãy lên tiếng hợp với tất cả công dân Tiệp Khắc,cùng với những người thuộc sắc tộc khác, dẫu họ là tín hữu hay không có tín ngưỡng. Quyền tự do tín ngưỡng không thể tách khỏi những quyền dân chủ khác, tự do là điều không thể phân chia được. Tôi xin chấm dứt nơi đây với những lời đã từng vang dội đã lâu trong lịch sử của chúng ta: “Với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta”.
Mặc dầu các lãnh tụ Cộng Sản ở Đông Âu như Gustav Husak ( Tiệp ), Erich Honecker ( Đông Đức ), Nicolas Ceausescu ( Rumani ), Janos Kadar ( Hungari ) chống chủ chương dân chủ hóa của Gocbachev, cuộc dân chủ hóa vẫn được tiếp tục. Các lãnh tụ Cộng Sản Đông Âu sợ rằng kiểu đa nguyên sẽ kết liễu chủ nghĩa Cộng Sản.
Đế chế Cộng Sản đã giẫy chết
Ngày 8.6.1987, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II lại thực hiện một cuộc trở về Ba Lan lần thứ 3 hết sức thành công để phục hồi Công Đoàn Đoàn Kết. Đức Giáo Hoàng nhận thấy rằng sự kết thúc của chế độ Cộng Sản đang đến gần.
Ngày 6.2.1989, trên đất nước Ba Lan nổ ra các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá cả; đại diện của chính phủ và các phe đối lập đã ngồi lại với nhau thương thuyết bàn tròn về tương lai của Ba Lan. Sự kết thúc của một kỷ nguyên đã tới. Hiệp định cốt lõi đạt được. Các cuộc đàm phán bàn tròn đã cho phép tiến hành các cuộc bầu cử tự do vào tháng 6 cho các ghế của một bộ máy được gọi là Thượng Viện. Đồng thời, tính hợp pháp đầy đủ của Công Đoàn Đoàn Kết cũng được công nhận. Khi các cuộc bầu cử được tiến hành ngày 4 tháng 6 thì Công Đoàn Đoàn Kết đã giành thắng lợi hoàn toàn và chính thức lên nắm quyền lực.
Sự sụp đổ của Ba Lan đã gây ảnh hưởng làm lung lay khối Đông Âu trong những ngày cuối mùa đông, cho đến khi không còn khối nào tồn tại. Quân cờ domino Cộng Sản đang bị đảo lộn: Hungari, Đông Đức, Bulgary, Rumani. Và tiếp đó là Liên Xô. Gocbachev tuyên bố: “Tôn giáo đã giúp cho cải tổ. Chúng ta đã từ bỏ đòi hỏi có sự độc quyền về chân lý… Ngay lập tức chúng ta sẽ không cho rằng những ai không đồng tình với chúng ta là kẻ thù”. Điều này thực sự là “một trật tự thế giới mới”.
Ngày 1.2.1989, Gocbachev, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Vatican lần đầu tiên. Trong hơn 60 năm qua, Giáo Hội Công Giáo và điện Kremlin đã đấu tranh với nhau dữ dội. Thế là chế độ Cộng Sản đã sụp đổ tại Đông Âu và Liên xô. Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng bí thư Liên Xô và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tại Vatican đã hình tượng hóa phong phú cho một kỷ nguyên cuối.
Vào lúc rạng sáng ngày 19.8.1991, trong một cuộc đảo chính, các thành viên bảo thủ trong Bộ Chính Trị đã nắm lấy quyền lực tại Matxcơva, giam lỏng Gocbachev trong ngôi nhà nghỉ của ông ở Crimê. Boris Yeltsin, Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang Nga chống lại cuộc đảo chính và biến tòa nhà Quốc Hội Nga thành đại bản doanh của Sở Chỉ Huy lực lượng chống đối. Sự chống đối của ông đã nhanh chóng thúc giục các nước phương Tây ủng hộ ông.
Ngày 23 tháng 8, đúng cái ngày các lãnh tụ của cuộc đảo chính đầu hàng, Đức Giáo Hoàng đã gửi một bức điện cho Gocbachev: “Tôi xin cám ơn Chúa, vì sự kết thúc có hậu quả của cuộc thử thách đầy kịch tính kéo theo nhân dân, gia đình và cả đất nước của ngài. Tôi xin bày tỏ niềm mong ước của tôi rằng ngài có thể tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của mình vì công cuộc đổi mới cả về vật chất và tinh thần cho các dân tộc Liên Xô, những người mà tôi thường cầu nguyện cho họ”. Thắng lợi của lực lượng chống đối của Yeltsin đã trở thành biểu tượng cho ý chí của nhân dân nhằm xóa bỏ chế độ Cộng Sản một lần và mãi mãi.
Về cuộc sụp đổ đế quốc Cộng Sản, Đức Giáo Hoàng nói: “Có thể là đơn giản khi nói rằng Đấng Tối Cao đã gây ra sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản tự nó sụp đổ, vì hậu quả của những lỗi lầm và sự đối xử tồi tệ của riêng nó. Chủ nghĩa Cộng Sản tự nó sụp đổ vì sự yếu kém cố hữu của nó”.
Lm. CHÂN TÍN, DCCT Sàigòn 25.4.2011