Hơn 3 năm trước, ngồi dưới mái hiên của ngôi nhà trong làng chài bên cạnh những nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), tôi hỏi một ngư dân: “Không đi biển rồi anh làm gì?”, người ngư dân trẻ đặt ly bia rẻ tiền cạnh dĩa cá khô tanh ngòm nói gọn lỏn: “Đi ăn mày”. Dưới ống khói nhà máy nhiệt điện, những giàn lưới treo phất phơ trong vườn, khô rang vì đã lâu không nhúng nước biển, những con thuyền thúng nằm úp trùi trụi như những chiếc mai rùa chết.
Sự kiện biểu tình ngày 10.6 còn khiến nhiều người phân tích, mổ xẻ. Lần đầu tiên một cuộc tổng biểu tình trên toàn quốc diễn ra ở mọi thành phố lớn với số người tham gia dễ dàng ước tính đến con số hàng chục ngàn.
Thế nhưng, bạo động lại diễn ra ở một địa phương nhỏ như Phan Thiết không thể không làm chúng ta hỏi nhau “vì sao?”. Vì sao ở nơi có đông người biểu tình với nhiều luồng tư tưởng chính trị như Sài Gòn lại ôn hoà mà một nơi như Phan Thiết lửa lại cháy ở UBND?
Phải trở lại những địa phương như Đồng Tâm, Văn Giang, Bình Dương và xa hơn như Thái Bình để nhìn thấy cái đám đông giận dữ bạo động đó hẳn có lý do của mình. Câu trả lời chung đó là những cộng đồng yếu thế cảm thấy bị o ép quyền lợi trong một điều kiện sống tồi tệ rất dễ bùng phát bạo lực.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ở Bình Thuận có bạo động. Vài năm trước người dân ngay dưới chân nhà máy nhiệt điện đã dùng đến gạch đá thậm chí bom xăng để “đối thoại” với chính quyền. Hãy tưởng tượng khi bạn phải ăn cơm trong mùng để chén cơm của bạn khỏi bị bụi tro xỉ than nhuộm đen.
Hãy tưởng tượng con trẻ của bạn lớn lên trong bầu không khí dày bụi đến đỗi mũi đứa nào cũng đen nhẻm vì bụi than. Và hãy tưởng tượng nguồn hải sản sinh kế bao đời nay bỗng cạn kiệt vì cái nhà máy nhiệt điện. Hãy tưởng tượng mình bị đặt vào một cuộc sống như thế để đi tìm câu trả lời cho đám đông bạo động. Đừng tưởng tượng ra cái lý do đầy lười nhát “kẻ xấu lôi kéo”, như vậy chỉ khiến giận dữ chất chồng.
Lần bùng phát bạo lực vài năm trước đây không chỉ là sự phản ứng giận dữ mà còn là lời kêu cứu đầy tuyệt vọng của một cộng đồng khi đứng trước môi trường sống bị huỷ hoại, sinh kế bị tàn phá, con người bị tha hoá trong cơn lốc đền bù – giải toả. Tôi tự hỏi khi ấy các đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội được giao đại diện cho tiếng nói của những người dân đó đang ở đâu? Tiếng nói của một cộng đồng không được lắng nghe đến nỗi họ phải dùng bạo lực để lên tiếng.
Khi người ta sắp trình một dự luật mang nhiều ý nghĩa bóp nghẹt tự do ngôn luận như Luật An Ninh Mạng thì một luật khác giúp người dân biểu lộ chính kiến là Luật Biểu Tình vẫn bị bỏ quên. Hiến pháp cho phép biểu tình nhưng không có luật quy định. Hiến pháp như “dòng sông” lớn mà đạo luật như “con kênh” dẫn nước vào “cánh đồng” cuộc sống. Nước từ sông lớn thay vì theo dòng kênh dẫn nước vào tưới mát ruộng đồng thì lại tràn như cơn lũ kéo theo cả rác bẩn. Lỗi chắc không phải ở cánh đồng mà lỗi phải ở chính những người cố tình tránh né việc đào kênh dẫn nước.
Một cộng đồng yếu thế cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe. Một cơ chế đại diện chính trị yếu kém không thật sự vì mục đích được giao. Thiếu luật pháp để hướng dẫn hành vi của cộng đồng. Chừng đó có đủ để dẫn đến bạo động hay chưa? Lý do “kẻ xấu xúi giục” bỗng trơ trẽn trước những yếu tố này như chính những kẻ cố nại vào đó để đổ tội lên đầu nhân dân.
Cổ ngắn kêu không tới trời thì sao? Thì gạch đá, bom xăng sẽ dùng để “kêu”. Vô cùng mong rằng “lời kêu” ấy nay đã được nghe thấu để người dân đừng phải “kêu” như vậy lần nào thêm nữa.
Trung Bảo
NGUỒN: facebook Nhân Thế Hoàng