Thể chế và sự thịnh vượng của quốc gia

Cày ruộng bậc thang. (Ảnh minh họa/Hoang Tien Quan/Shutterstock)

Khi bàn về các yếu tố quyết định sự thịnh vượng, giàu nghèo của một quốc gia, thể chế là yếu tố được đưa ra đầu tiên và gây tranh cãi nhiều nhất. Có học giả cho rằng thể chế là yếu tố duy nhất, có học giả thì cho rằng thể chế là yếu tố cơ bản nhất, có học giả lại cho rằng thể chế chỉ là một trong những yếu tố cơ bản nhất quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia. Vậy thể chế là cái gì, bao gồm những cấu thành nào, mỗi cấu thành đóng góp như thế nào vào sự thịnh vượng của quốc gia? Chúng ta cũng hay nói thể chế của Việt Nam lạc hậu, cần phải cải cách, cần phải có đột phá về thể chế, vậy cái nào của thể chế lạc hậu, cái nào không lạc hậu và chúng ta phải cải cách thể chế như thế nào?

Trong tất cả các lý giải về các yếu tố quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, diễn đàn kinh tế thế giới WEF là tổ chức đưa ra chi tiết nhất các yếu tố cũng như chấm điểm chi tiết hàng năm các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia của 140 quốc gia trên thế giới.

Diễn đàn kinh tế thế giới WEF là tổ chức quốc tế có trụ sở tại Davos (Thuỵ Sỹ), quy tụ trên 2.500 nhà lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn nhất thế giới, hàng trăm nhà lãnh đạo quốc gia, các nhà kinh tế, các nhà báo nổi tiếng trên toàn thế giới tham gia diễn đàn ở Davos hàng năm.

Theo WEF các quốc gia nghèo khó có năng lực cạnh tranh quốc gia cao, thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao và khi duy trì được năng lực cạnh tranh cao và tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm thì quốc gia đó sẽ dần trở lên thịnh vượng.

WEF đưa ra 12 trụ cột cơ bản quyết định về năng lực cạnh tranh quốc gia, quyết định sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. WEF liệt kê 12 trụ cột chính theo thứ tự như sau:
1. Thể chế
2. Hạ tầng
3. Ứng dụng ACT (CNTT – Viễn thông)
4. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô
5. Y tế
6. Kỹ năng (giáo dục, đào tạo, kỹ năng của người lao động)
7. Thị trường sản xuất
8. Thị trường lao động
9. Hệ thống tài chính
10. Qui mô thị trường và giao thương quốc tế
11. Sự năng động của nền kinh tế
12. Năng lực đổi mới sáng tạo

Như vậy theo WEF thì thể chế là một trong 12 trụ cột quyết định sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và thịnh vượng của mỗi quốc gia, trong đó thể chế là trụ cột được liệt kê đầu tiên.

Vậy thì thể chế là gì? Có nhiều người cho rằng đấy là chế độ pháp quyền, dân chủ, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, tự do cá nhân, tham nhũng…. Còn WEF cho rằng thể chế gồm 20 yếu tố chính theo thứ tự sau đây:
1. Tội phạm có tổ chức
2. Tội phạm giết người
3. Khủng bố
4. Dịch vụ Cảnh sát
5. Nguồn vốn xã hội
6. Minh bạch ngân sách
7. Độc lập tư pháp
8. Các bộ luật
9. Tự do báo chí
10. Các quy định chính phủ
11. Khung pháp lý trong giải quyết tranh chấp
12. Chỉ số tham gia điện tử
13. Định hướng tương lai của chính phủ
14. Tham nhũng
15. Sở hữu tài sản
16. Bảo vệ tài sản trí tuệ
17. Quản lý đất đai
18. Hệ thống kiểm toán và báo cáo
19. Các qui định về xung đột lợi ích
20. Quản trị cổ đông

Như vậy WEF cho rằng những yếu tố quan trọng nhất của thể chế là an ninh, an toàn của người dân. Thể chế tốt là xã hội không có hoặc có ít tội phạm có tổ chức, ít tội phạm giết người, không có khủng bố, dịch vụ của cảnh sát phải tin cậy.

Yếu tố quan trọng thứ hai của thể chế là Vốn xã hội. Vốn xã hội chính là mối quan hệ, sự hợp tác giữa con người với con người với nhau, đó là sự tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách ứng xử và kết nối những thành viên trong gia đình, trong tổ chức, trong cộng đồng với nhau, sự phối hợp hành động khi cần thiết…. Hiểu theo một nghĩa khác vốn xã hội chính là dân trí, văn hoá của một quốc gia, là những qui tắc, qui ước cách giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người, nằm ngoài các ràng buộc về mặt pháp lý.

Nhóm yếu tố thứ 3 của thể chế chính là sự độc lập của tư pháp, các bộ luật và sự minh bạch về ngân sách của chính phủ. Nhóm yếu tố thứ 4 của thể chế chính là năng lực lãnh đạo, điều hành của chính phủ. Nhóm yếu tố thứ 5 của thể chế chính là cơ chế phòng và chống tham nhũng.

Nhóm yếu tố thứ 6 của thể chế là việc sở hữu và bảo vệ tài sản, bao gồm cả tài sản vật chất và tài sản trí tuệ. Thể chế tốt là cho phép người dân có quyền sở hữu và được bảo vệ tài sản, bao gồm cả đất đai và tài sản trí tuệ.

Với 20 yếu tố như vậy năm 2018 WEF chấm thể chế của Việt Nam được 49.5 điểm xếp hạng 94 trên 140 nước.

Trong đó có yếu tố khủng bố Việt Nam được điểm tuyệt đối 100 điểm, xếp thứ nhất thế giới (cùng 23 quốc gia khác), vì không có khủng bố.

Có 3 yếu tố nữa của thể chế Việt Nam khá tốt đó là: Quản trị cổ đông được 67 điểm, xếp thứ 32; Minh bạch Ngân sách được 65.4 điểm, xếp thứ 42; Tội phạm giết người là 1.5 trên 100 nghìn dân, xếp thứ 49.

Có 9 yếu tố Việt Nam không tốt, cần cải cách mạnh, với thứ hạng xếp trên 90 là: Tự do báo chí được 75.1 điểm, xếp hạng 139; Sự tin cậy của chuẩn mực kiểm toán và các báo cáo được 35 điểm, xếp hạng 128; Các qui định về xung đột lợi ích được 43 điểm, xếp hạng 112; Bảo vệ tài sản trí tuệ được 35 điểm, xếp hạng 105; Pháp lý về sở hữu tài sản được 39 điểm, xếp hạng 104; Gánh nặng của quy định chính phủ: 44.3 điểm, xếp hạng 96; Vốn xã hội được 48 điểm, xếp hạng 93; Tỷ lệ tham nhũng: 35 điểm, xếp hạng 91.

Có lẽ không cần nghiên cứu, tranh luận nhiều, Việt Nam chúng ta chỉ cần bám vào các trụ cột, các yếu tố về năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF để tiến hành cải cách về thể chế là sẽ đưa đất nước ngày càng thịnh vượng.

Theo Facebook Doanh nhân Đỗ Cao Bảo

Nguồn: trithucvn.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.