Báo cáo tổng hợp kỳ họp thứ nhất của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành (3): Được qui tụ và được sai đi bởi Ba Ngôi Thiên Chúa

Đúc kết các ý kiến

A Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo Hội là “một dân được quy tụ lại với nhau nhờ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4). Chúa Cha, qua sứ mạng của Chúa Con và hồng ân của Chúa Thánh Thần, mời gọi chúng ta vào một động lực của sự hiệp thông và sứ mạng đưa chúng ta đi từ cái “tôi” đến cái “chúng ta” và đặt chúng ta phục vụ thế giới. Tính hiệp hành là sự diễn tả tính năng động mang chiều kích Ba Ngôi, mà qua đóThiên Chúa đến để gặp gỡ nhân loại, thành những thái độ thiêng liêng và các tiến trình của giáo hội. Để điều này xảy ra, điều cần thiết là tất cả những người đã được rửa tội phải cam kết thực hiện ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ của họ. Chỉ bằng cách này, Giáo Hội mới có thể thực sự trở thành một “cuộc đối thoại” (xem Ecclesiam suam 67) từ bên trong và với thế giới bên ngoài, đồng hành bên cạnh mọi con người theo phong cách của Chúa Giêsu.

B Ngay từ đầu, hành trình hiệp hành của Giáo Hội hướng tới Nước Trời, một hành trình sẽ được hoàn thành trọn vẹn khi Thiên Chúa trở thành tất cả trong mọi sự. Chứng tá của tình huynh đệ giáo hội và sự tận hiến thừa sai để phục vụ những người bé mọn nhất sẽ không bao giờ sánh được với Mầu nhiệm mà họ cũng là một dấu chỉ và công cụ. Giáo Hội không suy tư về cấu trúc hiệp hành của mình để đặt mình vào trung tâm của việc loan báo, mà là để thực hiện tốt nhất, ngay cả trong sự bất toàn của nó, sự phục vụ của mình cho sự ngự đến của Nước Trời.

C Việc canh tân cộng đồng Kitô hữu chỉ có thể thực hiện được bằng cách nhận ra tính ưu việt của ân sủng. Nếu thiếu chiều sâu tinh thần, tính hiệp hành sẽ chỉ còn là hình thức. Tuy nhiên, điều chúng ta được kêu gọi không chỉ là biến các kinh nghiệm thiêng liêng đạt được ở nơi khác thành các qui trình cho cộng đoàn, mà còn sâu xa hơn, là để trải nghiệm các mối quan hệ hỗ tương là nơi chốn và hình thức của một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa. Theo nghĩa này, trong khi dựa trên di sản tinh thần phong phú của Truyền thống, quan điểm hiệp hành góp phần đổi mới các hình thức của nó: một lời cầu nguyện mở ra cho sự tham gia, một sự biện phân được sống chung, và một năng lượng truyền giáo phát sinh từ việc chia sẻ và tỏa sáng như một sự phục vụ.

D Đối thoại trong Thần Khí là một công cụ, mặc dù có những hạn chế của nó, nhưng cho phép lắng nghe chân thành để phân định những gì Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo hội. Việc thực hành đối thoại đã gợi lên niềm vui, sự ngỡ ngàng và lòng biết ơn và đã được trải nghiệm như một con đường canh tân biến đổi các cá nhân, các nhóm và Giáo hội. Từ “đối thoại” diễn tả nhiều hơn là nói chuyện đơn thuần: nó đan xen suy nghĩ và cảm xúc, tạo ra một không gian sống chung được chia sẻ. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói rằng sự hoán cải đang diễn ra trong cuộc đối thoại. Đây là một thực tại nhân chủng học được tìm thấy trong các dân tộc và nền văn hóa khác nhau, những người tập trung lại với nhau trong tình đoàn kết để giải quyết và quyết định các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng. Ân sủng mang lại kết quả cho trải nghiệm nhân bản này. Đối thoại “trong Thần Khí” có nghĩa là sống kinh nghiệm chia sẻ trong ánh sáng đức tin và tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa trong một bầu khí Tin Mừng đích thực trong đó tiếng nói không thể nhầm lẫn của Chúa Thánh Thần có thể được nghe thấy.

E Vì tính hiệp hành được hướng đến sứ mệnh, nên các cộng đồng Kitô hữu phải tham gia vào tình liên đới với những người thuộc các tôn giáo, niềm tin và văn hóa khác, do đó, một mặt, tránh nguy cơ tự quy chiếu và tự bảo tồn, và mặt khác, nguy cơ mất bản sắc. Logic của đối thoại, được diễn tả trong việc học hỏi lẫn nhau và đồng hành cùng nhau phải trở thành đặc điểm của việc loan báo Tin Mừng, phục vụ những người nghèo đói, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và nghiên cứu thần học.

Các vấn đề cần xem xét

F Để đạt được sự lắng nghe thực sự ý muốn của Chúa Cha, cần phải đào sâu các tiêu chí phân định Giáo Hội từ góc độ thần học để việc đề cập đến sự tự do và mới mẻ của Chúa Thánh Thần được phối hợp một cách thích hợp với sự kiện Chúa Giêsu Kitô đến “một lần là đủ” (Dt 10 :10). Trước hết, điều này ngụ ý xác định mối quan hệ giữa việc lắng nghe Lời Chúa được chứng thực trong Thánh Kinh, việc tiếp nhận Truyền thống và Huấn Quyền của Giáo Hội, và việc đọc các dấu chỉ của thời đại.

G Vì mục đích đó, điều quan trọng là phải thúc đẩy các tầm nhìn nhân học và tâm linh có khả năng tích hợp và không chỉ đơn thuần đặt cạnh nhau các chiều kích trí tuệ và cảm xúc của kinh nghiệm đức tin, vượt qua bất kỳ khuynh hướng giản lược và nhị nguyên giữa lý trí và cảm giác.

H Quan trọng là phải làm sáng tỏ cách thức cuộc đối thoại trong Thần Khí có thể tích hợp những đóng góp của tư tưởng thần học và khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh các mô hình phân định khác của Giáo hội được sử dụng như cách phương pháp “quan sát, phán đoán, hành động” hoặc các bước “nhận ra, giải thích, lựa chọn”.

I Những đóng góp mà Lectio Divina và các truyền thống linh đạo khác nhau, cổ xưa và gần đây, có thể cung cấp cho việc thực hành phân định cần được phát triển. Thật vậy, thật thích hợp để đánh giá cao tính đa dạng của các hình thức và phong cách, phương pháp và tiêu chí mà Chúa Thánh Thần đã gợi hứng qua nhiều thế kỷ và là một phần của di sản thiêng liêng của Giáo hội.

Đề nghị

M Đề xuất rằng các Giáo hội nên thử nghiệm và thích nghi với cuộc đối thoại trong Thần Khí, và các hình thức phân định khác theo những cách mà họ có thể đánh giá là thích hợp rút ra từ các truyền thống tâm linh đa dạng liên quan đến nhu cầu và văn hóa của bối cảnh của họ. Các hình thức đồng hành thích hợp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành này, giúp nắm bắt logic của nó và vượt qua những trở ngại có thể có.

K Mỗi Giáo hội địa phương được khuyến khích trang bị cho mình những người thích hợp được đào tạo để tạo điều kiện và đồng hành trong các quá trình phân định Giáo hội.

L Để làm sáng tỏ đời sống Giáo Hội, việc thực hành phân định có thể được áp dụng một cách hữu ích trong lĩnh vực mục vụ, theo một cách thức phù hợp với bối cảnh. Điều này sẽ làm cho chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các đặc sủng hiện diện trong cộng đoàn, để giao phó các nhiệm vụ và thừa tác vụ một cách khôn ngoan. Vượt ra ngoài kế hoạch hoạt động đơn thuần, chúng ta sẽ có thể hoạch định những lộ trình mục vụ trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Duc Trung Vu, chuyển ngữ