Chân phúc Seelos, DCCT: Mc 16, 15 – 20: Cần lắm những con người quảng đại hiến thân vì người khác

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng

Thái Hà (04.10.2015) – Ngày nay, do chủ nghĩa cá nhân chi phối, chúng ta nhiều khi sống thờ ơ, lãnh đạm với người khác, nếu không muốn nói là sống thiếu tình bác ái, hy sinh đối với những người khác. Dường như ai cũng chỉ biết sống cho bản thân mình mà không cần biết đến người khác ra sao. Ai cũng chỉ biết quan tâm đến nhu cầu của các thành viên gia đình mình mà không cần biết gia đình bên cạnh sống chết thế nào. Bởi thế, người ta thường tự nhủ: “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”.

Có khi đi ra đường, gặp những cảnh chướng tai gai măt, chúng ta dễ nhắm mắt làm ngơ, chẳng thèm đoái hoài đến, vì chúng ta nghĩ rằng chuyện đó chẳng liên quan đến mình; mình can dự vào, nhiều khi đầu không phải, phải tai! Chẳng hạn, gặp người bị tai nạn, không ít người trố mắt ra nhìn. Hoặc thấy kẻ cướp trấn lột người khác, ta tự nhủ: Ồ may quá, điều đó không xảy ra với ta! Và rồi chúng ta tìm cách chuồn cho thật nhanh mà không cần biết người bị hại sống chết ra sao. Bao nhiêu người già, trẻ em cơ nhỡ, ta gặp, nhưng ta tặc lưỡi: Ôi đã có xã hội người ta lo!

Hôm nay, Giáo hội, cách riêng Giáo hội Mỹ và Dòng Chúa Cứu Thế mừng lễ chân phúc Phanxicô Seelos. Ngài được xem là vị chân phúc thứ hai của nước Mỹ (Vị thánh đầu tiên của nước Mỹ là thánh Gioan Newman – cũng là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cùng thời với chân phúc Phanxicô Seelos). Cuộc đời chân phúc Phanxicô Seelos là cuộc đời của một con người luôn sống xả thân vì người khác. Vì phần rỗi các linh hồn, ngài chấp nhận rời xa quê hương là nước Đức để đến miền đất Mỹ mới lạ với bao thử thách cam go. Có thế nói, cả cuộc đời, ngài cứ rong ruổi với những người nghèo hèn, khốn khổ. Tòa thánh đặt ngài làm giám mục, nhưng ngài nài nỉ xin không nhận chức đó vì sợ không được gần gũi với người nghèo. Cuối cùng, ngài chấp nhận mất mạng sống mình cũng chỉ vì phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật. Đang khi dịch sốt da vang hoành hành, các linh mục khác dường như tìm cách tránh những người bệnh, nhưng ngài cứ miệt mài đến với họ, an ủi và cử hành các bí tích cho họ. Và cuối cùng ngài cũng bị nhiễm bệnh và chết khi tuổi đời còn trẻ.

Học viện DCCT chúng tôi nhận một con người sống xả thân vì người nghèo như chân phúc Phanxicô Seelos làm bổn mạng. Xin mọi người cũng cầu nguyện cho các tu sĩ trẻ chúng tôi biết noi gương vị bổn mạng của mình mà biết sống quảng đại, hiến mình vì người khác, nhất là những người nghèo khổ, cô thế cô thân. Cần lắm trong thế giới ngày nay những con người biết hy sinh hiến mình vì người khác như chân phúc Phanxicô Seelos.