CN 25 TNB Mc 9:30-37: Lãnh đạo theo tinh thần Giêsu

Untitled1

Thái Hà(20.9.2015) – Trong xã hội quân chủ và độc tài thì người lãnh đạo, người đứng đầu quốc gia, dân tộc có mọi quyền lực trong tay. Dân gian vẫn hay nói là “quyền sát sinh,” hay những “bàn tay thép.” Họ có thể dùng quyền độc tài của mình để đưa người này lên và hạ người khác xuống. Hơn thế nữa, các vua chúa thời xưa đã từng ra những chiếu chỉ rất ác, để sát hại những người vô tội vì họ không cùng niềm tin tôn giáo hay không cùng chính kiến với chính thể của mình. [1]Chưa kể các vua chúa và những nhà độc tài thường được hưởng rất nhiều lợi lộc cho cá nhân và gia đình. Đó là lãnh đạo theo tinh thần thế gian.

Lãnh đạo theo tinh của Chúa Giê-su thì hoàn toàn ngược lại. Đức Giêsu lãnh đạo theo tinh thần Tin mừng “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Vì “Con Người đến không phải là để được phục vụ, nhưng là phục vụ để hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc” (Mc 10:45). Tinh thần lãnh đạo của Chúa Giêsu không phải là nói và ra lệnh cho người khác phải làm nhưng là “làm rồi mới dạy” (Cv 1:1). Cụ thể, Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ – việc làm của một tôi tớ đối với chủ. Sau khi rửa chân cho các Môn Đệ, Ngài dạy các ông “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15:12). Vì, “Không ai có tình yêu lớn hơn
tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15:13). Tinh thần lãnh đạo của Chúa Giêsu là sử dụng quyền để phục vụ với tình yêu và lòng xót thương. Tinh thần lãnh đạo ấy cao cả, siêu việt, đẳng cấp và trở thành khuôn mẫu cho tất cả các nhà lãnh đạo qua mọi thời đại.

Với vai trò trong gia đình, xã hội và Giáo Hội, mỗi chúng ta cũng đóng vai trò là người lãnh đạo. Với tư cách là cha và mẹ trong gia đình chúng ta có trách nhiệm với con cái của mình. Tại trường học, nơi công sở, trong cộng đoàn dòng tu, chúng ta cần có tinh thần đồng trách nhiệm với đồng môn, đồng nghiệp và anh chị em của mình. Xin cho tinh thần lãnh đạo của Chúa Giêsu trở nên mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Xin cho tình yêu, lòng xót thương, lòng chạnh thương của Chúa Giêsu ở lại với mỗi người chúng ta, để Ngài giúp chúng ta nên giống Chúa hơn trong cung cách phục vụ của một người lãnh đạo đích thực theo tinh thần Giêsu.

Thuộc lòng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35).

Lm. Augustine Lê Phi CSsR

[1]Những cuộc bắt Đạo trong thế kỷ XIX (1830-1885)
 – Dưới thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức bắt Đạo: lệnh ban ra giết các linh mục Việt Nam và các linh mục ngoại quốc; tróc nã các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; quân sĩ nào theo đạo Công Giáo, trước khi ra trận, phải Phạm Ảnh, nghĩa là phải bước qua Thánh Giá; Thời kỳ Văn Thân này tương đối ngắn, nhưng có đến 60.000 giáo dân bị thảm sát. Riêng tại một tỉnh Bình Định, có 24.000 giáo dân bị giết. Tại Quảng Trị, chỉ trong vòng một tháng, hơn 8.000 giáo dân bị giết. 


 
Kế hoạch Phân Sáp để tận diệt người Công Giáo
Kế hoạch Phân Sáp được thi hành trong năm 1851 và 1856. Do sự thi hành kế hoạch này mà 400.000 giáo dân phải bị đi phân sáp, từ 50.000 đến 60.000 giáo dân phải chết nơi phân sáp, 3.500 giáo dân bị xử tử, 100 làng công giáo bị đốt phá bình địa, 2.000 Họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 linh mục Việt Nam và 10 giáo sĩ ngoại quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2.000 nữ tu Mến Thánh Giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh Giá chết vì Đạo.