Di dân – Những người tiên phong ra đi mở mang Nước Trời

Có một quan niệm phổ biến nơi nhiều người như thế này: Các cha, các thầy, các sơ là những nhà truyền giáo được sai đi để loan báo Tin Mừng cho người khắp nơi.

Theo tôi, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đúng là bởi vì hiển nhiên, những người sống đời sống thánh hiến được đào tạo bài bản và được sai đi để trực tiếp làm công việc loan báo Tin Mừng. Vì vậy mà mới có các Dòng truyền giáo, các nam nữ tu sĩ thừa sai. Còn nói là chưa đủ là bởi vì quan niệm đó chưa đề cập hoặc đôi khi khiến người ta đánh giá thấp vai trò của người giáo dân, nhất là những người xa quê trong việc thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu. Quan điểm này thậm chí còn gây ngộ nhận rằng chỉ các linh mục, tu sĩ nam nữ mới là những tác nhân chính yếu trong việc loan báo Tin Mừng.

Tôi không dám gọi những người di dân là các nhà truyền giáo để tránh những tranh luận không cần thiết liên quan tới hạn từ này. Nhưng chắc chắn một điều, người di dân luôn luôn là những người ra đi mở mang Nước Trời, dù họ ý thức hay không ý thức được việc này.

Tại sao tôi lại nói như vậy? Xin thưa là bởi vì từ chính kinh nghiệm bản thân, tôi quan sát thấy có một sự thật hiển nhiên như sau: Những người di dân luôn luôn là những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới, họ tiên phong xây dựng cộng đoàn đức tin ở vùng đất đó. Và các linh mục, tu sĩ luôn là người đến sau đó để kiện toàn cộng đoàn và đưa cộng đoàn ở vùng đất mới vào qui củ, nề nếp.

Bài viết này xin được liệt kê những kinh nghiệm của các cộng đoàn mà tôi đã từng có dịp viếng thăm, sinh hoạt hoặc nghe biết ở đâu đó.

Đầu tiên, xin mời bạn đến thăm Hà giang. Đây là một giáo xứ có tuổi đời rất trẻ, giáo xứ này được thành lập ngày 08/09/2014. Tôi có những người họ hàng di cư lên đây từ những ngày đầu của phong trào di cư xây dựng kinh tế mới. Họ cùng với một số giáo dân từ dưới xuôi lên đây đã tụ họp lại để có những buổi đọc kinh chung tại các gia đình. Mới đầu, có thể là do thói quen, nhu cầu liên đới với nhau và tình cảm đồng hương hoặc lí do nào khác, nhưng dần dần họ đã xây dựng được cộng đoàn gắn bó yêu thương nhau, để rồi đến thời giờ Chúa định, có những linh mục, tu sĩ lên đây “truyền giáo” và kiện toàn cộng đoàn. Nếu không có những di dân tiên khởi như vậy, tôi không biết liệu ngày nay chúng ta có thể thấy được một ngôi nhà thờ khang trang giữa vùng núi non biên cương phía Bắc của tổ quốc như vậy hay không?

Tôi cũng có dịp đến với Giáo xứ Bắc Kạn, nơi đây và một dải vùng đất rộng lớn kéo dài tới Hồ Ba Bể được giáo phận Bắc Ninh ưu ái giao cho Dòng Chúa Cứu Thế đảm nhận công việc loan báo Tin Mừng. Đúng là các các tu sĩ đến với những anh chị em dân tộc thiểu số, những người có thể gọi là chưa từng được nghe Tin Mừng. Nhưng để làm được điều ấy, các cha các thầy cần đến sự trợ giúp không nhỏ của những người di dân là các giáo dân đến từ miền xuôi, là những người đến đây sinh sống từ trước đó rất lâu. Tôi gặp những ông, những bà từ giáo phận Bùi Chu, Thái Bình,…, nghe họ kể câu chuyện cuộc đời và câu chuyện đức tin của họ. Người xa quê, dù đi đến đâu, vẫn nhớ đến Chúa, nhớ đến anh chị em, bởi vậy mà họ qui tụ lại với nhau để nhen nhóm, nuôi dưỡng những ngọn lửa đức tin ở vùng đất núi non trùng điệp này.

Một dịp khác, tôi được viếng thăm một loạt giáo xứ ở Mộc Châu, Sơn La, Mường La, Điện Biên. Những điều tương tự cũng diễn ra ở nơi đây. Chính những anh chị em di dân là những người đi mở đường, đi vào từng ngóc ngách của cánh đồng truyền giáo trước các linh mục, tu sĩ. Ấn tượng nhất trong chuyến đi này là việc được tham dự thánh lễ tại nhà thờ “dưới hầm” ngay trong thị trấn Mường La. Gọi là nhà thờ nhưng thực ra đó là tầng bên dưới nhà của một giáo dân. Đến với họ, tôi được nghe những câu chuyện li kì hơn cả tiểu thuyết nhưng rất thật về cái buổi đầu gầy dựng cộng đoàn. Tạ ơn Chúa, qua những thăng trầm, giáo xứ Mường La và nhiều giáo xứ trẻ trung khác đã được thành lập. Những giáo xứ ấy tuổi đời không thấm vào đâu so với các giáo xứ kì cựu ở miền xuôi, nhưng sức sống, đời sống đạo và lòng nhiệt thành tông đồ thì mạnh mẽ không thua kém gì. Nơi đây, có những “Anh Trùm” trẻ rất ư là nhiệt thành Tông đồ, chẳng quản ngại gian lao vất vả, một lòng xây dựng cộng đoàn Đức Tin.

Trong một dịp đi mục vụ hè, tôi được đến với hòn đảo Lý Sơn, nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc. Trên hòn đảo này, có một ngôi Thánh đường uy nghi bề thế của Giáo xứ Lý Sơn, từng là một giáo họ thuộc Giáo xứ Châu Ổ ( điểm truyền giáo Giáo Phận giao cho Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách), nay được tách ra và trở thành Giáo xứ. Lịch sử của giáo xứ ghi nhận:

– Năm 1959 Ông Dương Minh Giáng thành viên của Công Giáo Tiến Hành Giáo hạt Quảng Ngãi đi tuyên phong trên đường truyền giáo tại đảo Lý Sơn.

– Năm 1961 ban CGTH Lý Sơn gồm các ông: Võ Xuân Thơ, Phạm Nên, Phạm Nữ, Bùi Đài… Nhà Nguyện được đặt tạm tại nhà ông Bùi Đài.

– Đầu năm 1963 khởi công xây dựng nhà thờ.

Và phải đợi đến năm 1965, mới có Cha Tôma Phạm Hữu Thiện DCCT được sai đến để chăm sóc Họ đạo. Nhờ những bước chân tiên phong của những người giáo dân mà ngày nay mới có được một giáo xứ ở giữa muôn trùng con nước biển khơi như thế.

Mô típ của những câu chuyện mở mang nước Chúa ở miền núi phía Bắc Việt Nam và ở huyện đảo Lý Sơn cũng là mô típ của những cộng đoàn hải ngoại. Nơi tôi đang sống là thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria của Úc Châu. Qua những chia sẻ với anh chị em nơi đây, tôi thấy thêm xác tín rằng: Chính người di dân, những người con xa xứ là động lực, là những người đặt những tảng đá góc tường, những phiến đá đầu tiên xây dựng Hội Thánh. Không phủ nhận công lao của các linh mục Việt Nam tiên khởi nơi đây, nhưng cũng phải thẳng thắn đánh gia công lao lớn lao của những người di dân thế hệ đầu đã sát cánh, đồng hành và trợ giúp đắc lực cho các linh mục. Sau hơn ba thập kỉ, cộng đồng nơi đây đã trở nên vững mạnh với 13 cộng đoàn và một trung tâm Công giáo Việt Nam với ngôi nhà thờ dâng kính Thánh Mẫu La Vang mới được khánh thành vào năm trước (22/02/2020). Đầu năm vừa rồi, tôi được đến với một cộng đoàn cách thành phố Melbourne hơn 3 tiếng lái xe. Đây là một cộng đoàn mới nhất, đang ở trong gia đoạn qui tụ sơ khởi. Họ là những người mới đặt chân đến Úc trong khoảng vài năm gần đây qua con đường xuất khẩu lao động. Cộng đoàn ấy với những người con xa quê, vẫn đau đáu một niềm là làm sao giữ được ngọn lửa đức tin và loan truyền ngọn lửa tông đồ ấy trước hết cho chính con cái của mình nơi vùng đất xa lạ. Tôi tin chắc, trong một tương lai nào đó, những anh chị em di dân nơi đây sẽ có thể vươn lên sánh ngang với các cộng đoàn huynh đệ khác nơi xứ người.

Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân và càng suy nghĩ về vai trò và sứ mạng của người giáo dân, nhất là những anh chị em xa quê, tôi càng xác tín về ơn gọi mở đường của họ.

Tôi tự hỏi: Phải chăng giáo hội chưa đặt sự quan tâm đúng mức đến người giáo dân? Hỏi như vậy có thể làm ai đó khó chịu, nhưng rõ ràng, các chủng viện, học viện thần học được mở ra có mấy người giáo dân theo học? Trong khi họ là thành phần đông đảo, có nhiều khả năng hơn để đi vào các vùng đất, các ngóc ngách khác nhau của đời sống xã hội, hơn hẳn các linh mục tu sĩ. Đã đến lúc, chúng ta cần một nền đào tạo, có thể sản sinh ra những người tín hữu chẳng những đầy lòng nhiệt thành tông đồ mà họ còn được trang bị các kiến thức, kĩ năng cần thiết để thực thi lệnh truyền của Chúa Giê-su : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Duc Trung Vu, CSsR