Theo tin của #GNsP (10.11.2018) – “Sau một tuần chờ đợi nhưng UBND Thủy Bằng đã không giải quyết, ngược lại họ còn trả lời bằng một văn bản sơ sài, thừa nhận việc chiếm đất của chủ công trình xây dựng…, Đan viện Thiên An tiếp tục hành trình kêu cứu vì bị xâp phạm quyền sở hữu tài sản mà nhà Dòng sở hữu bao năm nay. Khi con người lâm cảnh đau khổ hoạn nạn, họ thường kêu lên để áp lực của những nỗi thống khổ được thoát ra, vì nếu giữ lại, họ có thể “điên lên mất”.
Người Công giáo cũng thế, gặp gian truân sầu khổ họ kêu lên Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu mà họ tin là toàn năng và là chủ tể vũ trụ, đầy tình thương và quan tâm trợ giúp con cái Người, và không chỉ con cái Người, bất cứ tiếng kêu bi thương ai oán nào của con người, nhất là những phận người cùng khổ luôn muốn được lắng nghe và đáp trả, đều thấu đến Chúa. Ngoài những tiếng kêu uất nghẹn thốt ra từ những khổ đau của kiếp người, còn có tiếng kêu của những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm chân lý trong toàn cõi Việt Nam, như dân oan Thủ Thiêm, như các đan sỹ trong Đan viện Thiên An – Huế. Những tiếng kêu râm ran của đoàn người oan sai đi khiếu kiện trong hành trình gian nan đi tìm công lý, tạo nên dấu hỏi lớn: Thiên Chúa có nghe tiếng họ kêu than không?
Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu của con người, nên sai Môsê đi cứu dân: “Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Israen đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Aicập. 1 Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israen ra khỏi Aicập.” (Xh 3, 9-10). Thiên Chúa còn sai Con Một của Người nhập thế làm người, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn kiếp nhân sinh và mang tất cả những nỗi đau của nhân loại này để “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21) Nhưng Thiên Chúa muốn con người, để nghe được tiếng của Thiên Chúa, họ phải lắng nghe tiếng kêu than của con người dội thẳng vào tâm hồn mình, như kinh nghiệm của Thánh Augustin: “Ngài đã nói những tiếng nói rất mạnh vào trong tâm khảm của con… con người không thể nghe được bằng lỗ tai trên đầu, nhưng sẽ được lắng nghe bằng lỗ tai của con tim.”
Hành trình của những tiếng kêu than ấy như cứ dài ra, cứ rộn lên, mong mỏi được lắng nghe, được nhìn thấy, như lời thúc giục của Đức Giêsu” “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Mt 11,15). Nghe để hiểu mọi người đều cùng chung số phận; để thấy rằng, nay tôi, mai sẽ đến anh và ngày kia là cả quê hương, vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du) Người Công giáo không lạ gì bài thánh ca: “Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua” của Linh mục Văn Chi, để nhắc nhớ mình về con đường đau khổ cứu chuộc của Chúa, thì hôm nay, Chúa vẫn đi qua con đường thống khổ cùng với con cái Người, cùng với nhân loại. Vì tiếng kêu gào của họ là tiếng kêu của Người và những đau khổ hoạn nạn của họ chính là những đau khổ và gian truân Người đã chịu.
Do vậy, khi phá vỡ thành trì kiên cố của tính ích kỷ và nỗi nhát sợ của thái độ dửng dưng để hiệp thông và liên đới với các đan sỹ, với những dân oan trong tiếng vọng cầu, Chúa sẽ nghe và dừng lại để mở đôi mắt và lỗ tai, miệng lưỡi và con tim của chúng ta để chữa lành, để ủi an và cứu thoát. Tiếng kêu của Chúa Giêsu không bao giờ ngưng lại bao lâu còn có những tiếng kêu than vọng đến tai Người, những khát khao công lý của những người nghèo hèn khốn khổ cũng là những khát khao phát xuất từ con tim đầy ắp yêu thương của Chúa. Nếu muốn Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta, hãy lắng nghe tiếng kêu của Ngài qua những tiếng kêu bi thương của người nghèo. Vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT