Đừng để “phép vua thua lệ làng”

– Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD –

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 22/03/2023 về việc xúc phạm thánh lễ tại giáo họ Phaolô, giáo xứ Đăk Giấc thuộc huyện Ngọc Hồi, giáo phận Kon Tum lại gióng lên hồi chuông báo động về tự do tôn giáo tại Việt Nam, mà những người cầm quyền cấp địa phương đã làm hoen ố hình ảnh của người Việt Nam vốn thân thiện, tôn trọng và có nếp sống văn minh, ngoại trừ những kẻ coi thường pháp luật khi tự cho mình là người đại diện cho luật pháp.

Còn nhớ vào cuối tháng 02/2022, khi Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên dâng thánh lễ tại một giáo họ nhỏ bé trong Tổng giáo phận của ngài thì bị hai người tự xưng là đại diện cho chính quyền xông lên cung thánh đòi giải tán thánh lễ. Một lối hành xử quá thiếu văn minh trong một quốc gia luôn được cho là tự do tôn giáo nhưng hai nhân vật không biết là cấp nào lại dám xúc phạm đến nơi thánh thiêng và người chủ lễ hôm ấy là một vị Tổng giám mục !

Tôi đã từng sống và làm việc truyền giáo ở nhiều nơi trên thế giới với tư cách là một linh mục công giáo với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân nơi tôi làm việc. Tôi không muốn so sánh quốc gia này với quốc gia nọ vì mọi so sánh đều mang tính khập khiễng, nhưng qua những điều xảy ra mà tôi từng chứng kiến ở quốc gia thân yêu của tôi, tôi thấy mình cần phải nêu lên những ý kiến của mình để làm sao đừng xảy ra những chuyện không hay là “trên bảo dưới không nghe” hay “phép vua thua lệ làng”.

Cách đây không lâu, khi có hai anh công an phụ trách an ninh cấp tỉnh nơi tôi đang làm việc có chia sẻ với tôi về hai cán bộ ở miền Bắc ngăn cản Đức Tổng Giuse khi ngài đang thi hành thánh lễ tại một nhà nguyện, họ nói rằng cách hành xử của hai cán bộ ấy thiếu khôn ngoan và dễ gây hiểu lầm cho nhà cầm quyền nên cần phải xử lý. Tôi không biết là hai anh công an ấy có thật lòng hay không nhưng cũng đủ để nói lên rằng ngay cả khi nhận lệnh từ cấp trên thì những người thực thi pháp luật cũng phải xử lý sao cho có tình, có lý; nhất là không bao giờ được xúc phảm đến nơi thánh thiêng của các tôn giáo và những người đang thi hành các nghi thức nơi thánh thiêng ấy vì họ đang hướng dẫn, dạy dỗ các tín hữu của họ sống tốt đời, đẹp đạo chứ không làm điều gì sai trái trước pháp luật.

Người công giáo chúng tôi không bao giờ cổ xúy bạo lực hay chống chính quyền (ngoại trừ một số ít có tư tưởng bài chế độ hay chỉ trích thái quá). Các mục tử công giáo chỉ lo chu toàn trách vụ của mình với các tín hữu là đoàn chiên của họ luôn sống hướng thiện, làm lành, lánh dữ. Người công giáo luôn noi gương vị Chúa của mình là Giêsu – Đấng Hiền Lành và Khiêm Nhường nên không sống kiểu ăn miếng trả miếng. Nếu những sự việc vừa qua xảy ra với người Hồi giáo thì có lẽ máu sẽ đổ và không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.

Vụ việc xúc phạm thánh lễ tại giáo họ Phaolô, giáo xứ Đăk Giấc thuộc huyện Ngọc Hồi, giáo phận Kon Tum do một phó chủ tịch xã trẻ tuổi đáng hàng con cháu của linh mục P.X Lê Tiên là một điều đáng lên án và xấu hổ cho sự tự do tôn giáo tại Việt Nam vì chỉ có quốc gia nào hành xử kiểu rừng rú vô pháp, vô luân mới làm như vậy. Nên nhớ rằng một linh mục công giáo khi được thụ phong phải trả qua ít nhất 15 năm thụ huấn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó hàng năm phải có khóa thường huấn, rồi có người phải đi học chuyên tu thêm nhiều năm mới ra làm cha xứ, làm giáo sư hay những chức vụ khác trong Giáo hội. Khi tôi còn làm việc truyền giáo ở Paraguay, có lần tôi được chọn làm tuyên úy trong quân đội và đương nhiên mang cấp “hàm tá” dù không được đào luyện trong quân đội. Tôi có thể làm việc bất cứ nơi đâu như là một linh mục mà không hề bị kiểm soát hay bắt bớ nếu tôi không vi phạm những điều không được làm trong hiến pháp của họ. Linh mục P.X Lê Tiên là linh mục lão thành từng du học ở Pháp, không hề mắc lòng chính quyền và là cha sở của giáo xứ Đăk Giấc theo sự bổ nhiệm của Đấng Bản Quyền Giáo Phận cũng như sự đồng ý của chính quyền nên ngài hoàn toàn có quyền tài phán trong giáo xứ của ngài. Vậy mà ngài bị ngăn chặn bởi một anh cán bộ cấp xã và đoàn tùy tùng đáng tuổi con cháu xúc phạm, thâm chí lấy sách lễ Roma là quyển sách linh thánh cho các linh mục khi cử hành thánh lễ để giải tán thánh lễ. Nếu những người này đi xông bắt những tội phạm, những nhóm xã hội đen mà hùng hổ như vậy thì hay biết mấy. Thiết nghĩ, những cán bộ trẻ ấu trĩ này nên cho nghỉ và gởi đi học khóa nhân bản và cách đối nhân xử thế để không xúc phạm đến sự thánh thiêng của các tôn giáo, để dân Việt chúng ta không bị đánh giá là thiếu tôn trọng luật pháp và xem thường sự thánh thiêng.

Vẫn biết rằng chỉ có vài cán bộ vì muốn mau được lên chức nên phải làm điều gì đó để gây tiếng vang nhưng đây quả thực là hành vi “chơi ngu lấy tiếng” và muôn đời bị nguyền rủa vì cách làm thiếu nhân văn của mình. Tôi vẫn còn tin vào pháp luật và những người lãnh đạo cấp cao đã từng nói chuyện với tôi rằng trước đây vì sự cố chấp, vì thiếu hiểu biết mà giữa chính quyền và tôn giáo có những sự hiểu lầm nhau, nhưng nay họ đều biết tôn giáo không bao giờ cổ xúy những điều xấu chống chính quyền nên mọi sự có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Cần gì phải đối đầu hay hành xử thiếu văn minh như vậy trong thời đại kỹ thuật số. Nếu ai sai thì có nhiều cách xử lý như việc gởi giấy mời, giấy triệu tập với những bằng chứng rõ ràng để hai bên có dịp đối thoại với nhau. Đừng lặp lại những hành vi như vậy nữa mà mất đi sự thân thiện vốn có giữa người dân đạo đời cũng như giữa chính quyền với tôn giáo. Hy vọng những ý kiến của tôi không bị cho là quy chụp ‘diễn biến hòa bình” hay có động cơ nào khác. Chúng tôi chỉ ước mong sống trong tâm tình hiệp thông vì năm nay Giáo Hội Công giáo Việt Nam chúng tôi đang sống trong năm “Củng Cố Sự Hiệp Thông” với những người cùng niềm tin cũng như những người khác niềm tin với chúng tôi.

Mong rằng đừng để “Phép vua thua lệ làng” tiếp tục tái diễn.

Nha Trang, ngày 28/03/2023

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

WGPKT(28/03/2023) KONTUM